Saturday, June 20, 2009

CHÂN DUNG NỮ KÝ GIẢ AMY GOODMAN

Chân dung nữ ký giả Amy Goodman
19/06/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-19-voa34.cfm
Trong Tiết mục Câu chuyện phụ nữ kỳ này, Minh Anh xin giới thiệu tới quí vị nữ ký giả, và đồng thời là một nhà hoạt động truyền thông cũng như tác giả của một số cuốn sách bán chạy, bà Amy Goodman, người dẫn chương trình mang tên Democracy Now, một chương trình tin tức và các vấn đề cộng đồng nhằm đem lại tiếng nói cho những nhóm người yếu thế ở Mỹ và trên toàn thế giới qua các phương tiện truyền thông như đài, TV và mạng Internet. Bài này dựa theo tường trình của thông tín viên đài VOA Adam Phillips.

Nữ ký giả Amy Goodman
http://www.voanews.com/vietnamese/images/goodman.jpg

Mỗi buổi tối hàng tuần, nữ ký giả Amy Goodman lại đem đến cho khán thính giả những câu chuyện đa dạng trên đài truyền thanh, trên kênh truyền hình phát đi khắp thế giới trong chương trình Democracy Now, một chương trình mà bà đồng sáng lập cho mạng lưới truyền thông Pacifica vào năm 1996. Các chủ đề mà nữ ký giả Goodman lựa chọn rất đa dạng và phong phú. Một trong những chương trình gần đây là một phóng sự chi tiết về vụ giết một bác sĩ hành nghề nạo thai ở bang Kansas, hay câu chuyện về cuộc đấu tranh của người dân bản xứ ở Peru, và cuộc tuyệt thực của phụ huynh và giáo viên để phản đối việc cắt giảm ngân sách giáo dục ở Los Angeles, California.
Bà Goodman nói: "Tôi hình dung truyền thông là một cái bàn ăn thật lớn, trải dài trên toàn cầu và tất cả chúng ta đều ngồi quanh chiếc bàn đó và tranh luận hay thảo luận về những vấn đề quan trọng trong ngày như chiến tranh và hoà bình, sự sống và cái chết, đem đến tiếng nói của những người dân bình thương ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Điều gì ít hơn thế là không phục vụ cho một xã hội dân chủ."


Niềm đam mê tranh luận của bà Goodman bắt đầu từ thời niên thiếu, khi bà ở Long Island, New York, nơi bà được sinh ra vào năm 1957. Mẹ bà là một giảng viên văn học và lịch sử tại một trường đại học địa phương và cũng là một nhà hoạt động vì hoà bình. Cha bà là một bác sĩ và là thành viên ban quản trị thư viện khu vực, ông cũng từng là chủ tịch nhóm hội nhập chủng tộc, vấn đề kỳ thị chủng tộc là một vấn đề thường xảy ra ở các trường học địa phương. Tuy vậy, không phải lúc nào mọi người cũng đồng tình với nhau về mọi vấn đề. Trên thực tế, bà Goodman nhớ lại chiếc bàn ăn trong bếp là nơi mà gia đình bà thường ngồi xung quanh để tranh luận một cách thoải mái.
Bà Goodman nói: "Khi bạn bè tôi tới nhà dùng bữa tối, họ thường nói rằng tôi không thể tin được là bạn lại tranh luận gay gắt và rồi lại bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ và anh em như vậy. Bởi cách mà gia đình chúng tôi bày tỏ sự tôn trọng và lòng cảm kích chính là qua việc tranh luận và thảo luận. Và đó chính là những gì mà truyền thông nên làm."

Bà Goodman đã có nhiều năm để phát triển quan điểm riêng của mình trên truyền thông. Bà là giám đốc tin tức cho WBAI, một đài truyền thanh của Pacifica ở thành phố New York trong hơn 10 năm. Bà nói rằng các phương tiện truyền thông chính thống thường chỉ đơn giản là củng cố lý lẽ, chứ không đưa ra những thách thức đối với nguyên trạng tình hình và điều này có thể có những hậu quả nghiêm trọng. Bà ví dụ về cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ vào Iraq vào năm 2003.
Bà Goodman cho biết: "Có một nhóm gọi tắt là FAIR, tên đầy đủ là Công bằng và Xác thực trong Báo cáo (Fairness and Accuracy in Reporting), Fair.org, đã tiến hành một nghiên cứu về 4 chương trình tin tức phát hành hàng đêm trong hai tuần về cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell, trong đó đưa tin về việc ông thúc đẩy cho cuộc chiến tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 5 tháng 2 năm 2003. Có 393 cuộc phỏng vấn về cuộc chiến tranh, nhưng chỉ có ba cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo phản đối cuộc chiến. Chỉ có 3 trong số gần 400 cuộc phỏng vấn tại thời điểm mà một nửa dân số Mỹ phản đối cuộc chiến. Đây không còn là truyền thông chính thống nữa. Đây là truyền thông cực đoan, đánh tiếng trống chiến tranh."

Trong chương trình của bà Goodman cũng như trong các bài báo và ba cuốn sách bán chạy nhất mà bà là đồng tác giả với anh trai bà, ông David Goodman, bà thường cáo buộc truyền thông chính thống về những sự lười biếng nguy hiểm khi họ phụ thuộc vào điều gọi là các học giả.

Bà Goodman nói: "Với những vấn đề như hiện tượng trái đất ấm lên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu dịch vụ y tế ở Mỹ hay cuộc khủng hoảng di dân, thì chúng ta nên đưa tiếng nói của những người có suy nghĩ rộng ra ngoài vấn đề. Những người có suy nghĩ sáng tạo. Những chuyên gia về lĩnh vực đó. Chứ không nên chỉ đưa ý kiến của một nhóm nhỏ những học giả, mà nên đưa ý kiến của những người được kính trọng trong cộng đồng, những lãnh đạo cộng đồng. Những người ở địa phương, người biết chính xác điều họ đang đề cập tới bởi vì họ đã trải qua những sự kiện đó một cách rất thực tế. Đó là những câu chuyện mà chúng ta cần phải nói đến. Đó chính là công việc của chúng ta trong ngành truyền thông. Đó là phục vụ xã hội dân chủ, chứ không phải là để giành thắng lợi trong một cuộc thi để trở thành người nổi tiếng."

Nữ ký giả Amy Goodman chưa từng giành bất cứ một giải thưởng nào trong các cuộc thi để trở thành người nổi tiếng trong nhiệm kỳ của 5 tổng thống Hoa Kỳ kể từ năm 1984, khi bà bắt đầu sự nghiệp của một phóng viên chuyên nghiệp. Trong khi nhiều người coi bà thuộc cánh tả, thì bà nói rằng bà đưa tin về chính quyền của ông Obama cũng giống như cách bà đưa tin về chính quyền của hai tổng thống Bush.
Bà Goodman nói: "Chúng ta hành động để khiến cho những người nắm quyền hành phải có trách nhiệm. Trong những ngày đầu nhậm chức Tổng thống Obama đã ký một lệnh đóng cửa trại giam Guantanamo. Mặt khác, ông đã không chấm dứt chương trình trao các nghi can khủng bố cho các nước bị cáo buộc là có tra khảo tù nhân (extraordinary rendition). Rất tiếc là những hành động này vẫn tiếp diễn. Đó là về chính quyền của ông Obama. Tuy nhiên, tôi nghĩ là thế giới đã thở phào nhẹ nhõm vào ngày bầu cử tổng thống. Sự khác biệt ở đây là người ta cảm thấy như họ đang đâm đầu vào một bức tường gạch. Bức tường đó giờ đây đã có một cánh cửa và cánh cửa đã mở ra một vết nứt. Vấn đề ở đây là cánh cửa đó có được đẩy ra hay là sẽ bị đóng sập lại?"

Cho dù câu trả lời cho câu hỏi đó là gì đi nữa thì bà Amy Goodman cũng tự tin rằng loại hình báo chí mà bà đang cổ vũ – là loại hình tạo nên một diễn đàn cho những người không có quyền lực và thách thức những người có quyền lực – sẽ tồn tại lâu dài.

No comments:

Post a Comment