Friday, May 29, 2009

BÁO CÁO VỀ VỤ BÔ-XÍT : CẦN CHỨNG CỨ và MINH BẠCH HƠN

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

CẦN CHỨNG CỨ VÀ MINH BẠCH HƠN

Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân

http://www.viet-studies.info/kinhte/NNTran_BaoCaoCP.pdf

Báo cáo về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, do Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội ngày 22.05.2009, có rất nhiều khẳng định thiếu chứng cứ, nhiều nội dung quan trọng không được đề cập hoặc được trình bày lập lờ, không minh bạch, từ đó gây nghi ngờ về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.

1. Có rất nhiều khẳng định thiếu chứng cứ

Có rất nhiều khẳng định thiếu chứng cứ trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Xin trích dẫn một vài ví dụ.

Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bô-xít”. Điều kiện nào?

Phải chăng tìm những điều kiện này trong đoạn văn sau đó: “Trên cơ sở trữ lượng, chất lượng tài nguyên bô-xít của nước ta cũng như nhu cầu và thị trường nhôm, alumin trên thế giới, có thể khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít và nếu được phát triển một cách bền vững, sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong một thời gian dài”. Nếu hiểu điều kiện chỉ là như vậy thì xin miễn bàn!

Thuyết minh cho việc Quy hoạch chưa có báo cáo tác động môi trường chiến lược (ĐCM), báo cáo nói rằng “Dự án Quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của ĐCM”. Xin được hỏi: Thế nào là đề cập? nội dung nào là không cơ bản trong báo cáo tác động môi trường chiến lược? Có phải vì cách làm như vậy mà Quy hoạch có đầy lỗ hổng?

Nếu không lưu giữ một phần lượng nước mặt này thì lượng nước trên cũng chảy về Sông Đồng Nai và đổ ra biển, về mùa mưa, lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khu vực là dư thừa”.

Hiểu biết về cân bằng nguồn nước trong ý kiến trên đây thật sơ đẳng cục bộ đến mức đáng kinh ngạc, trái ngược với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này 1.

Báo cáo đã nói đến “công nghệ Bayer” và “công nghệ Bayer tiên tiến”.

Xin hỏi TKV công nghệ mà nhà thầu sẽ sử dụng ở Tân Rai và Nhân Cơ là công nghệ Bayer loại nào? Báo cáo khẳng định mà không cần chứng cứ: “Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin (kể cả đối với quặng gipxit là loại quặng khó xử lý hơn) và là một trong các nhà sản xuất alumin-nhôm hàng đầu thế giới hiện nay”.

Xin được hỏi tiếp TKV tại sao hàng loạt cơ sở sản xuất alumina ở Trung Quốc bị đóng cửa? Chẳng lẽ Chalco và Chalieco xuất công nghệ cao, sạch, giá rẽ sang Việt Nam và giữ lại cho mình công nghệ dơ và ô nhiễm?

Về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xử lý chất thải bùn đỏ, báo cáo khẳng định “Hiện nay, công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối đối với môi trường và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới” và “công nghệ đó sẽ được áp dụng ở Tân Rai và Nhân ”. Thật không thể ngờ được nhà đầu tư TKV có thể đưa ra những khẳng định hời hợt đến như vậy về một vấn đề quan trọng mà dư luận xã hội hết sức băn khoăn, bởi lẽ hiện nay nhiều nước còn đang lao đao vì nó, kể cả ở Trung Quốc!

Cứ cho là “Vấn đề môi trường là hoàn toàn giải quyết được” như Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói. Vấn đề là phải đầu tư bao nhiêu để “giải quyết được”. TKV cho biết sẽ chi 25 triệu USD cho vấn đề xử lý bùn đỏ trong dự án Tân Rai. Cứ cho là số tiền này sẽ được chi để xây dựng cơ bản 209 ha bãi chứa bùn đỏ an toàn, vị chi chưa được 120000 USD/ha 2 vừa để ngăn không cho bùn đỏ thẩm thấu vào đất và nước ngầm, vừa để thu hồi nước trong bùn đỏ còn chứa hàm lượng caustic soda rất nguy hại cho đất và nước ngầm, vừa để tách riêng nước mưa và làm đập không để tràn bùn đỏ vào mùa mưa, và giải quyết lớp mặt

bùn đỏ biến thành bụi đỏ vào mùa nắng gay gắt ở Tây Nguyên rất nguy hại đến sức khỏe người dân trong vùng, …! Theo tôi được biết, tại bãi xử lý rác Đa Phước ở Tp. Hồ Chí Minh, nhà đầu tư VWS đã đầu tư chỉ cho các khâu ngăn không để nước rĩ từ rác thải thảm thấu vào đất và nước ngầm, thu hồi để xử lý

(chưa tính chi phí xử lý) nước rĩ này, tách và thu hồi nước mưa, không dưới 500000 USD/ha 3.

Không biết TKV có biết hay không và nghĩ gì về việc gần đây thôi, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 100 mỏ bô-xít vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mỏ bô-xit Nhữ An đã bị đóng cửa sau một năm hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, cùng nhiều chứng bệnh lạ xuất hiện. Nước này cũng ra quy định

các doanh nghiệp khai thác bôxit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau bốn năm khai thác (hoàn thổ) nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn ?

2. Nhiều nội dung rất quan trọng nhưng báo cáo không đề cập hoặc trình bày lập lờ không minh bạch.

Xin đơn cử vài ví dụ.

+ Báo cáo cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông). Cử tri rất muốn biết tại sao Thủ tướng đã duyệt rồi mà TKV lại còn thay đổi quy mô công suất dự án Nhân Cơ, và tại sao ở Nhân Cơ, Chính phủ lại cho phép TKV chỉ định nhà thầu Chalieco mà không thực hiện đấu thầu quốc tế? Cách tiến hành xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án rồi sau đó tiến hành đấu thầu quốc tế vì lý do gì mà phải tùy tiện đến thế?

+ Trước đây đường sắt và cảng Kê Gà (Bình Thuận) được quy hoạch là chuyên dùng để xuất khẩu alumina. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tuyến đường sắt và cảng là đa chức năng, thêm nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa và hành khách. Vì báo cáo của Chính phủ quá thiếu thiếu thông tin, cử tri buộc phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng vì vốn đầu tư quá lớn, khó đưa vào luận chứng kinh tế kỹ thuật được nên TKV, sau nhiều hội thảo, đã nghĩ ra “diệu kế” biến chúng thành đa chức năng hòng bòn rút ngân sách nhà nước?

+ Báo cáo của Chính phủ khẳng định “Cả hai dự án trên (Tân Rai và Nhân Cơ) đều do Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong ngành khoáng sản làm chủ đầu tư, không phải dự án liên doanh với nước ngoài”. Liệu khẳng định này có trung thực hay không khi mà trước khi có Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vốn nước ngoài đến 100%. Vả lại trong vấn đề chuyên chở alumina, báo cáo há đã chẳng nói rõ “Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao TKV làm chủ đầu tư, kết hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các tối tác nước ngoài hợp tác đầu tư về bô-xít cùng hợp tác nghiên cứu để xây dựng và vận hành tuyến đường sắt trên” ?

+ Cuối cùng, về vấn đề lao động nước ngoài tại Tân Rai và Nhân Cơ. Tại hội thảo ngày 09,04.2009, TKV và Bộ Công Thương đã đưa ra những con số về lao động là người nước ngoại tại Tân Rai và Nhân Cơ khác và thấp hơn báo cáo với Quốc Hội ngày 22.05.2009, “khoảng 600 lao động Trung Quốc, và khoảng 350 lao động Việt Nam”.

Tuy nhiên điều đầu tiên cần phải nói và không thể chấp nhận được đó là sự lập lờ núp bóng dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ở dự án này không hề có lao động người nước ngoài vào làm công việc lao động giản đơn và nhất là với thị thực du lịch!

Điều thứ hai càng không thể chấp nhận được là báo cáo đã viết “giám sát hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC nói riêng luật pháp Việt Nam nói chung” bởi lẽ những quy định của hợp đồng EPC, nếu có, cũng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, không thể đặt ngang hàng.

3. Quốc Hội, Chính phủ và vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên

Để giải thích việc cho tới nay, Chính phủ không (hoặc là chưa) báo cáo với Quốc hội để bàn bạc việc có chủ trương đầu tư hay không việc khai thác bôxít Tây Nguyên, mà chỉ triển khai theo Nghị Quyết của Đảng, báo cáo viết: “Bởi vì nếu như vậy, thì được hiểu là tất cả các dự án ở Tây Nguyên, không trừ một

dự án nào, không phụ thuộc vào quy mô, tính chất cũng sẽ phải trình ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư”.

Lập luận như trên, theo tôi, là hình thức và thể hiện (1) không đặt lợi ích toàn cục của đất nước lên trên tất cả; (2) chưa xem mối quan hệ giữa hai thể chế lập pháp hành pháp ở nước ta phải là mối quan hệ phối hợp trên hai góc độ khác nhau vì sự nghiệp chung.

Tôi cho rằng vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên là một vấn đề hệ trọng đối với đất nước, cho thế hệ hôm nay và nhất là các thế hệ mai sau, Chính phủ và Quốc hội cần bình tâm lắng nghe các góp ý thẳng thắn và xây dựng, đối chiếu với năm tiêu chí trong Nghị quyết 66/2006/NQ- QH11 4, và tự giác nhận lấy và thực hiện phần trách nhiệm và chức năng của mình vì lợi ích chung của dân tộc.

4. Triển khai đúng Kết luận của Bộ Chính trị 5

Báo cáo của Chính phủ cho biết Bộ Công Thương đang và sẽ thực hiện ba nhiệm vụ được giao:

(1) Tiến hành công tác triển khai việc rà soát tình hình triển khai các dự án, cập nhật tình hình và dự báo mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, từ đó đề xuất điều chỉnh dự án Quy hoạch bô-xít cùng với việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược để trình duyệt theo quy định.

(2) Chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumin Nhân Cơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Xin được nhắc và nhấn mạnh rằng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại

Thông báo 245 là: "Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện".

(3) Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đánh giá cân bằng nước cho toàn khu vực có tính tác động đến lưu vực sông Đồng Nai trong quá trình rà soát điều chỉnh Quy hoạch bô-xít.

Từ những nhận xét và phân tích báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trên đây, chúng tôi cho rằng sự minh bạch, thái độ khách quan, trách nhiệm thực sự cầu thị là cần thiết để những nhiệm vụ này được thực hiện đúng với Kết luận của Bộ Chính trị./.

-----------------------------------------------------

1Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đánh giá cân bằng nước cho toàn khu vực có tính tác động đến lưu vực sông Đồng Nai trong quá trình rà soát điều chỉnh Quy hoạch bô-xít.

2 Nếu diện tích các hồ chứa bùn đỏ là 318 ha thì số tiền này chỉ còn là 78620 USD/ha.

3 Tôi đã lưu ý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phạm Khôi Nguyên về việc này.

4 Đó là tổng vốn đầu tư; tác động lên môi trường; số dân di dời tái định cư; đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định.

5 Xem Để làm đúng Kết luận Bộ Chính trị về bô-xít Tây Nguyên,

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//6906/index.aspx

No comments:

Post a Comment