Friday, May 29, 2009

DI DÂN TRUNG QUỐC QUA ĐÔNG NAM Á

Di dân Trung Quốc qua Đông Nam Á:
Di dân và chính sách từ địa phương tới quốc gia

28/05/2009 10:53 (GMT+7)
http://vneconomy.vn/20090528105011431P0C99/di-dan-trung-quoc-qua-dong-nam-a-di-dan-va-chinh-sach-tu-dia-phuong-toi-quoc-gia.htm
Người Trung Quốc không muốn ra đi nếu không biết có cơ hội và không ai ra đi mà không muốn quay về khi giàu có.
Đó là nhận xét của nhà nghiên cứu Ronald Skeldon viết trong bài Di dân Trung Quốc đăng trên tờ Journal of International Affairs năm 1996
Dù rằng, người Hoa không phải là dân tộc thiên di, nhưng họ di dân nhiều đến mức chuyện di dân của họ được đưa vào truyện từ lâu như chuyện tay tù nổi tiếng vượt ngục Papillon trong tự truyện cùng tên miêu tả một lần trốn tù ở hòn đảo hoang vắng trên Thái Bình Dương, anh ta đã gặp một lán trại nuôi heo của người Hoa ở vùng này.

Địa phương tạo điều kiện


Hiểu rõ điều này, nên người dân các tỉnh ven biển Trung Quốc không gặp trở ngại nào từ chính quyền địa phương khi họ tìm đường ra nước ngoài.
Ở phần lớn những nơi có di dân mới ra đi, chính quyền cơ sở thường khuyến khích di dân hợp pháp, có những nơi thậm chí ngầm cho phép di dân theo đường bất hợp pháp. Ở những nơi này, hành động di dân ra nước ngoài đã thành thời thượng, rất nhiều cán bộ cơ sở đồng tình với câu ngạn ngữ mới “đi một người, giàu cả nhà, đi mười người, giàu cả thôn”.
Họ tạo điều kiện thuận lợi cho di dân ở huyện mình, xã mình, có huyện, xã, ban ngành chức năng thậm chí còn soạn in những thông tin về nơi cần đến của di dân, tình hình đồng hương và phương thức liên hệ, tạo thuận tiện cho di dân ra nước ngoài làm ăn. Đồng thời, địa phương còn tích cực phối hợp với người Hoa định cư ở nước ngoài để chuẩn bị các giấy tờ chứng minh cần thiết để định cư.
Chủ trương cởi mở với người ra nước ngoài tìm cơ hội một mặt giúp chính quyền địa phương giảm áp lực về việc làm tại chỗ, bớt căng thẳng về an sinh xã hội, mặt khác cũng mang lại nguồn lợi từ thu nhập của lao động gửi về.
Số liệu thống kê cho thấy, trong mười năm đầu mở cửa, Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp được được 9,546 tỉ USD, trong đó 96% từ vốn của người Hoa ở nước ngoài. Khoản đầu tư của người Hoa ở Đông Nam Á chiếm gần 1/3.
Cùng với hệ thống giao thông đường bộ phát triển, các tuyến hàng không mới mở trong khu vực khiến cho di dân tới Đông Nam Á trở nên thuận tiện do chi phí thấp hơn so với sang các nước đang phát triển.

Trung ương có chủ trương

Bỏ quản lý theo hộ khẩu, thủ tục cấp hộ chiếu đơn giản và đưa lao động ra nước ngoài vốn là ba chính sách cơ bản tạo điều kiện cho hai làn sóng người Hoa ra nước ngoài làm ăn, sinh sống của chính quyền trong thời gian đầu. Làn sóng thứ ba gắn liền với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp ra nước ngoài làm ăn và chủ trương đầu tư, viện trợ cho các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hiệp định khung thương mại tự do giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á tuy không nói tới lao động, nhưng đi cùng với hàng hoá, đầu tư từ Trung Quốc là các thương nhân, chuyên viên kỹ thuật và lao động từ có tay nghề tới giản đơn.
Cũng giống như bao thế hệ người Hoa khác khi ra nước ngoài, mô hình chung của người Hoa mới nhập cư cũng theo đường kiếm sống bằng bán hàng Trung Quốc trên hè phố, sau đó tích luỹ vốn để mở cửa hàng nhỏ, dần dần tới phát triển thành cửa hàng bán buôn và mở sang ngành khác. Khác biệt lớn nhất giữa lớp người cũ và mới là lớp người sau phụ thuộc nhiều vào hàng hoá từ Trung Quốc hơn.
Từ khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của nước này tại các nước như Myanmar, Lào, Campuchia thông qua viện trợ chính phủ và đầu tư, lao động Trung Quốc hiện diện ở khu vực này ngày càng nhiều.
Tính đến năm 2007, có hơn 3.000 công ty Trung Quốc đăng ký ở Campuchia, tập trung chủ yếu vào ngành điện, dệt, vật liệu xây dựng. Theo ước tính của một nhà kinh tế dân số phương tây, di dân Trung Quốc đến Campuchia có thể lên tới 300 ngàn người, rải rác ở khắp nơi.
Theo thống kê của Ủy ban Đầu tư Myanmar, tính đến hết năm 2007, có 27 dự án Trung Quốc đầu tư vào Myanmar. Lao động Trung Quốc ở Myanmar, theo Tiến sĩ John Walsh (Đại học Shinawatra, Thái Lan), theo chương trình quốc gia để giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống nhiên liệu, như một dự phòng chiến lược khi eo Malacca bị tắc.
Trong các năm 2003 - 2004, Trung Quốc đứng đầu trong số các nước đầu tư vào Lào. Bộ Khai khoáng Lào công bố, đến tháng 8.2006, đã có 43 dự án trong ngành khai khoáng do Trung Quốc đầu tư, chiếm 34% trong tổng số các dự án khai khoáng ở Lào. Các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc đều cần một lượng lớn lao động lành nghề và nhân viên kỹ thuật trình độ trung bình, đa số tìm cách đưa từ Trung Quốc đại lục sang.
Lao động Trung Quốc sang Đông Nam Á không chỉ qua các dự án đầu tư mà còn theo các hợp đồng thi công công trình. Từ năm 1999, Myanmar trở thành thị trường lớn chỉ sau Singapore về bao thầu công trình của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Trong thời gian từ năm 2000 - 2005, giá trị các công trình nhận thầu của Trung Quốc ở Myanmar lên tới hơn 1,7 tỉ USD, tốc độ tăng nhanh hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Cũng trong thời gian đó, rất đông di dân Trung Quốc đổ sang Myanmar, hiện tượng nói trên liên quan trực tiếp đến sự gia tăng nhanh chóng số lượng công trình nhận thầu của Trung Quốc ở nước này.
Theo nghiên cứu do McCartan công bố năm 2008, hầu hết lao động Trung Quốc khi hết hợp đồng đều tìm cách ở lại, cùng với cộng đồng người Hoa bản địa, hình thành nên các khu phố Tàu như ở Mandalay (Myanmar) hay Vientinane (Lào).

Phi Giao (SGTT)

No comments:

Post a Comment