Monday, February 23, 2009

TÌM VIỆC CHO ĐỒNG BÀO

Tìm việc cho đồng bào
Trần Khải
Đăng ngày 22/02/2009 lúc 18:14:48 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3554
Tình hình mất việc đang lan rộng trên toàn thế giới. Kể cả tại Hoa Kỳ, quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi các tỉnh dự kiến sẽ có thể có tới 5 triệu lao động làng nghề mất việc vì suy giảm xuất cảng, và nơi các thành phố cũng sẽ mất việc tới hàng chục hay hàng trăm ngàn công nhân vì hãng xưởng đóng cửa. Trong hoàn cảnh này, làm thế nào để có thể vừa tìm việc làm cho đồng bào, và cũng để tạo cơ hội thăng tiến dân chủ cho đất nước, chứ không phải để kéo dài muôn năm độc đảng?

Một giả thuyết cũng đáng quan tâm: trong tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn, có thể Đảng CSVN này sẽ càng nương tựa sâu hơn vào đàn anh Trung Quốc, như trường hợp đang mở cửa Tây Nguyên cho các công ty Trung Quốc đưa nhiều ngàn công nhân vào khai thác mỏ, và chấp nhận lâu dài kế hoạch lặng lẽ bán đất, bán biển?

Suy trầm kinh tế là chuyện đang xảy ra trước mắt. Tệ hại đặc biệt sẽ là các nước, như vùng Châu Á, có nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất cảng. Bởi vì khi Hoa Kỳ và Châu Âu co cụm, dân các nước giàu không chịu tiêu xài nữa, thị trường tất nhiên là sẽ co cụm, và công nhân sẽ mất việc vì hãng xưởng đóng cửa.

Đài VOA hôm 18-2-2009 loan tin rằng dự kiến 23 triệu người ở Châu Á có thể bị mất việc trong năm 2009 bởi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Đó là kết quả từ bản nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

Một trang web ở Anh,
www.libcom.org , cho biết: thực ra, bản tin ngày 20-1-2009 viết rằng cũng theo tổ chức ILO, thì có thể có cơ may đẹp nhất là Châu Á sẽ chỉ mất có 7.2 triệu việc làm. Nhưng con số này cũng mang tính dự đoán thôi, vì bản tin này nói dự kiến nhiều phần sẽ xảy ra là số lượng công nhân thất nghiệp tại Châu Á sẽ lên tới 97 triệu người trong năm 2009.

Những con số lúc nào cũng lạnh lùng, vô hồn, nhưng các nỗi đau đớn của những người được thống kê lại là có thật, và có khi gây căng thẳng tới mức làm những chuyện mà chính họ cũng không muốn, hay không tự kiểm soát mình được nữa. Như chúng ta đã thấy có một vài trường hợp tự tử tại Việt Nam.

Có một giải pháp đã được người Thái Lan nghĩ tới, và đang được nhiều công ty áp dụng. Đặc biệt là ngành du lịch, một vốn lớn cho kỹ nghệ mà thiên nhiên đã ban tặng ưu đãi cho đất nước Thái Lan.

Trên báo The Nation ngày 20-1-2009 có bản tin nhan đề "One million hotel room on sale in Asia Pacific" (Một triệu phòng khách sạn hạ giá tại Châu Á Thái Bình Dương), cho biết hệ thống khách sạn Accor loan báo chiến dịch đại hạ giá cho phòng khách sạn vùng Châu Á Thái Bình Dương, với 1 triệu phòng hạ giá tại 13 quốc gia, bắt đầu bán vé từ nửa đêm ngày 24-1-2009 (nửa đêm theo giờ các địa phương mà các chi nhánh khách sạn này hoạt động) cho tới 11:59 giờ khuya ngày 26-2-2009.

Đợt hạ giá này sẽ áp dụng cho phòng tại hơn 300 khách sạn để du khách sẽ tới cư ngụ từ ngày 1-4-2009 tới ngày 31-7-2009, với giá hạ tới 75%.

Phá giá tới 75%? Đó là một con số tất nhiên là quá lớn, nhưng nếu thành công, nếu thu hút đông lượng du khách, thì tiền du khách tiêu xài sẽ đổ vào các ngành liên hệ như ẩm thực, giao thông, hàng lưu niệm, và vân vân.

Tất nhiên, không phải người ta làm gì, thì mình cũng nên làm theo. Nhưng các động thái kích thích kinh tế tương tự như thế, lúc nào cũng cần được quan tâm và có thể ứng biến áp dụng ở Việt Nam.

Điều chúng ta muốn nói nơi đây không phải là cứu nguy ngành du lịch, mà phải là biến đổi kinh tế VN năng động trong rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đó, du lịch chỉ là phần rất nhỏ, vì bất kỳ biến động lớn nào của thế giới, cũng đều có thể gây tê liệt ngành du lịch nhiều tháng, và có khi cả năm. Thí dụ, như các trận bão lụt có thể làm ngành du lịch nhiều tỉnh Miền Trung VN tê liệt trong cả tháng, hoặc hơn. Hay, giả sử như các trận dịch bệnh cũng có thể làm kinh hoàng, giảm lượng khách. Hay, nếu có một cuộc chiến tranh khu vực, thì du lịch sẽ tê liệt có thể là nhiều năm. Vấn đề cốt tuỷ là, tự nền kinh tế phải có sẵn sức năng động, để ứng biến.

Vậy thì, kinh tế VN còn thiếu gì? Thấy rõ trước mắt, kinh tế VN còn thiếu rất nhiều đóng góp từ Việt Kiều. Từ nhiều năm qua, chính Việt Kiều qua lượng tiền gửi về cho thân nhân, hay có khi trực tiếp về đầu tư đã giúp một phần cho kinh tế VN. Trước khi có phương tiện truyền thông qua mạng Internet, cuộc tranh luận gay gắt giữa người hải ngoại với nhau là, đem tiền về làm kinh doanh có thúc đẩy dân chủ hoá VN được hay không, hay sẽ chỉ củng cố sức mạnh cho Đảng CSVN? Từ khi phương tiện Internet phổ biến, người ta không tranh luận nhiều nữa, bởi vì những người cần thông tin, hay có cơ duyên muốn tìm hiểu, bây giờ đã có thể tìm thông tin dễ dàng. Và ai cũng thấy câu chuyện phức tạp hơn là trả lời "có" hay "không" cho các câu hỏi tương tự. Nhưng điều chắc chắn rằng, thế hệ trẻ tại VN không suy nghĩ như người cộng sản bảo thủ nữa, và đại đa số đã tin rằng có một thế giới bên ngoài tốt đẹp hơn xã hội CSVN rất nhiều, và rằng không thể nào tin nổi nhà nước và Đảng CSVN đầy gian xảo.

Đó cũng là lý do sau này nhiều nhà hoạt động nhân quyền, như gần nhất là một bản văn từ Khối 8406 mấy tuần trước có kêu gọi người Việt hải ngoại về nước đầu tư để thúc đẩy dân chủ cho VN.

Thực tế, ai cũng thấy về nước đầu tư sẽ dần dần biến đổi được xã hội VN, nhưng đa số kinh doanh đều khó có lời bởi vì môi trường không tốt, hầu hết về chỉ để giúp người thân có phương tiện kinh doanh thôi. Thậm chí nhiều khi còn thua lỗ: chúng ta đã thấy nhiều trường hợp bỏ của chạy lấy người. Đó là một lý do, còn rất nhiều, rất là nhiều Việt Kiều chưa về nước, và không muốn đem tiền về nước. Nhưng nếu không về, thì cách biệt giữa thực tế và ước mơ sẽ lớn và các nhà hoạt động sẽ khó tiếp cận với các hạt nhân trẻ cho nền dân chủ tương lai.

Nhưng chúng ta cũng có thể hỏi ở một chiều ngược lại. Câu hỏi ở đây là: tại sao nhà nước CSVN chưa sẵn lòng đón nhận Việt Kiều về nước để kinh doanh một cách cởi mở, và tại sao chưa tìm cách tự biến đổi cơ chế độc tài đảng trị để thực sự hoà giải hoà hợp với Việt Kiều, điều mà đại đa số dân cả nước đều đang mong đợi? Hay, thử đưa câu hỏi cụ thể: có thể chăng, nhà nước CSVN mời các đảng phái hải ngoại, kể cả các nhóm trước giờ vẫn chống Cộng gay gắt, về nước, để trước tiên là kinh doanh thuần tuý nhằm tạo việc làm cho đồng bào ở quê nhà, và qua thời gian sẽ dần dần cho phép hoạt động đảng phái ở các lĩnh vực ngoài kinh doanh, thí dụ như từ thiện, xã hội, giáo dục, văn học… và rồi nhiều năm sau sẽ để hoạt động ở cả lĩnh vực chính trị?

Nếu Đảng CSVN thật tâm nghĩ tới tương lai đất nước, thì chính trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu này, hãy chấp nhận giải pháp mời gọi Việt Kiều, mời gọi các hội đoàn và các đảng phái hải ngoại, về nước với một lộ trình dân chủ hoá như thế. Hãy chấp nhận cho các đảng phái được mang danh hiệu của họ về nước kinh doanh công khai, và từ lĩnh vực kinh doanh sẽ từ từ mở rộng sang các lĩnh vực khác. Bởi vì, chính tình hình đa dạng sinh hoạt như thế, mới là sức mạnh bền vững để đất nước thực sự tiến bộ.

Hãy kết thúc tình trạng mỗi năm mở tiệc xuân đón Việt Kiều về kinh doanh, mà cũng chỉ lèo tèo dăm ba mạng, và toàn các khuôn mặt thiên tả từ lâu. Hãy mở cửa, mời các đảng phaí hải ngoại được giữ nguyên tên gọi về kinh doanh. Được như thế, nền kinh tế sẽ tăng tốc nhanh chóng, vì nguồn vốn sẽ ào ạt đồ về. Và lâu dài, hãy mở ra một lộ trình dân chủ hoá.

Không chỉ để tìm việc cho đồng bào mình, mà sẽ còn giữ gìn được cõi bờ cho muôn đời con cháu. Không việc gì mà Đảng CSVN phải lúng túng mở cửa Tây Nguyên, hé cửa Biển Đông cho cường đồ để chỉ gìn giữ ngai vàng cho phe đảng, trong khi nhiều triệu lương dân mất việc và cả nước cứ đói nghèo hoài thôi.
Trần Khải

No comments:

Post a Comment