Monday, February 23, 2009

ÂN ĐỀN NGHĨA TRẢ

Ân đền nghĩa trả
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 23/02/2009 lúc 02:05:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3555
Trong hai tuần qua, Cộng đồng người Việt ở Úc Châu đã tích cực vận động và đóng góp tài chánh để cứu trợ những nạn nhân trong trận bão lửa kinh hoàng ở tiểu bang Victoria ngày 7 tháng Hai vừa qua. Họ đã thể hiện đức tính truyền thống của dân tộc là ân đền nghĩa trả. Gần nửa thế kỷ trước, Úc Đại Lợi đã sốt sắng gởi quân đến trợ giúp miền Nam VN chiến đấu bảo vệ tự do. Trên bốn trăm đứa con ưu tú của họ đã vĩnh viễn nằm xuống tại quê hương chúng ta. Khi cuộc chiến tàn, đồng bào ta gặp đại nạn CS phải mạo hiểm vượt biển tìm tự do. Nước Úc lại hào hiệp, mở rộng vòng tay, cưu mạng trên một trăm ngàn đồng bào chúng ta lập lại cuộc đời mới tại vùng đất đầy tình người này. Và ngày nay họ mới có dịp đền đáp trong muôn một nghĩa tình đó.

Giữa lúc Úc châu đang gặp thảm hoạ cháy rừng, một anh thư nước Việt là khoa học học gia Dương Nguyệt Ánh từ Hoa Kỳ đến thăm Sydney, tâm tình với đồng hương một số vấn đề lớn của đất nước. Bà nổi tiếng khắp nước Mỹ nhờ đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại loại vũ khí mới có tên là bom áp nhiệt, chỉ trong thời gian ngắn 67 ngày. Bom này có khả năng hủy diệt các hang động nằm sâu dưới lòng đất, giúp binh sĩ Mỹ giảm bớt tổn thất khi đương đầu với quân khủng bố Taliban ở Afghanistan. Với công trạng này, bà được tưởng thưởng huy chương cao quý của chính phủ Hoa Kỳ là Service to America Medal for National Security. Bà không những làm rạng danh nữ lưu nước Việt mà cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Nhưng điều đáng nói, sở dĩ DNA lập được kỳ công trên xuất phát từ tấm lòng tri ân của bà đối với đất nước HK.

Sau khi hoàn tất việc học vấn, bà tình nguyện xin làm việc với Bộ Quốc phòng. Nơi đây bà mới có cơ hội đóng góp công sức và đền ơn những chiến sĩ đã góp phần bảo vệ nền dân chủ tự do cho HK và cả những dân tộc khác. Khi đón nhận huy chương cao quý của chính phủ, bà phát biểu “Tôi muốn dành tặng huy chương này cho những người mà tôi hằng mang nợ. Đó là 58 ngàn chiến sĩ HK mà tên họ đã được khắc trên Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam và 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến để cho những người như tôi có được tự do”.

nhân tôi cũng đã mang nợ… Song vì tài hèn sức mọn không tạo được thành tích gì nổi bật để đền ơn những chiến sĩ HK, Úc Đại Lợi... đã chiến đấu và hy sinh ở VN. Không đền ơn được, thì xin bày tỏ lòng biết ơn, cũng là cách đền ơn. Một tháng trước đây, trong diễn văn nhậm chức, TT Barack Obama có nhắc đến Khe Sanh. Nhân đó, tôi cũng xin nhắc lại sự can dự của HK trong cuộc chiến VN trước đây.

Nguyên ủy cuộc chiến

Năm 1949, sau chiến thắng Hoa Lục, Mao Trạch Đông hi vọng sẽ mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực Á Châu. Nơi đây đã có hai đảng Cộng Sản giành được chính quyền ngay sau khi Thế chiến II chấm dứt, đó là CS Triều Tiên và CS Việt Nam. Mao tin tưởng với đội quân chủ lực khổng lồ, ông sẽ giúp lãnh tụ CS Bắc Hàn Kim Nhật Thành thống trị bán đảo Cao Ly và giúp ông Hồ Chí Minh đánh bại thực dân Pháp ở Đông Dương. Tất cả không ngoài mục tiêu hình thành khối CS Đông Á để đương đầu với khối CS Đông Âu do LX lãnh đạo trong ước mơ “gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”. (1)

Để thực hiện mưu đồ này, ngày 18/1/1950, chỉ hơn ba tháng sau ngày thành lập, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đặt quan hệ với chính phủ HCM. Trước đó, cựu hoàng Bảo Đại và TT Vincent Auriol đã ký hiệp ước Elysée (8/3/1949): Pháp công nhận VN là một quốc gia độc lập và thống nhất thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Ngay sau khi công nhận nước VNDCCH, Mao công khai ủng hộ CSVN, đặt hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm hậu phương cung cấp lương thực, vũ khí, đạn dược cho bộ đội Việt Minh. Bắc Kinh còn cử một đoàn cố vấn hùng hậu sang giúp VM tổ chức lại quân đội theo đúng khuôn mẫu TC. Các đại đoàn 304, 308, 316 và 320 được lịnh vượt biên giới sang TQ để tái huấn luyện và nhận trang bị những loại vũ khí mới.

Ngày 25/6/1950, quân Cộng sản Bắc Triều Tiên bất thần vượt vĩ tuyến 38 mở cuộc xâm lăng Nam Triều Tiên. TT Hoa Kỳ Harry Truman chỉ thị Bộ Ngoại giao khẩn cấp đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo An LHQ. HĐBA thông qua bản quyết nghị, yêu cầu quân Bắc Hàn triệt thoái ra khỏi Nam Hàn, đồng thời kêu gọi các quốc gia hội viên LHQ đến cứu nguy Nam Hàn. Hưởng ứng lời kêu gọi này, quân đội Mỹ cùng liên quân 14 nước khác dưới sự chỉ huy của tướng MacArthur, đã đến Nam Hàn, đẩy lùi Cộng quân Bắc Hàn về bắc vĩ tuyến 38. Sau đó cuộc chiến trở nên ác liệt khi Chí nguyện Quân Trung Cộng nhảy vào vòng chiến. MacArthur đề nghị TT Truman dùng bom nguyên tử chiến thuật tiêu diệt tiềm lực chiến tranh của TC ở Mãn Châu; đồng thời yểm trợ quân đội Tưởng Giới Thạch phản công giành lại Hoa Lục. TT Truman bác bỏ đề nghị này, ông cho đó là “toa thuốc đưa đến thế chiến ba”, sau đó ông ra lịnh triệu hồi MacArthur về nước. HK chỉ muốn tái lập nguyên trạng những gì đã được Stalin thoả thuận hồi thời tiến chiến. Sự can thiệp của HK chỉ nhằm ngăn chận không cho CNCS bành trưóng thêm nữa. HK không muốn gây hấn với TC, và cũng không muốn vi phạm vùng ảnh hưởng của LX, vì Stalin đã đứng ngoài cuộc xung đột, không bỏ phiếu ở HĐBA.

Sau ba năm chiến tranh, một triệu binh sĩ TC và 142 ngàn binh sĩ HK thương vong, hiệp định đình chiếnTriều Tiên được ký kết tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27/7/1953. Hiệp định chỉ giải quyết việc chấm dứt chiến sự và chia cắt TT theo vĩ tuyến 38 đã được đồng minh qui định hồi năm 1945, mà không có điều khoản nào đề cập đến việc thống nhất đất nước.

Khi chiến tranh Cao Ly sắp kết thúc, Pháp và Trung Cộng đều bày tỏ ý muốn giải quyết cuộc Đông Dương theo kiểu Triểu Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự, chia cắt ảnh hưởng để chấm dứt sự xung đột đang có nguy cơ bùng nổ lớn. Cả hai vận động hai đồng minh thân cận là Anh Quốc và Liên Xô cùng đứng ra chủ toạ Hội nghị Genève 1954 để giải quyết các xung đột ở Viễn Đông. Đây là lần đầu tiên TC họp mặt cùng bốn cường quốc Anh Mỹ Pháp Nga để giải quyết các vấn đề lớn của thế giới. Trong hai tuần lể đầu (26/4-7/5/1954) hội nghị thảo luận vấn đề Triều Tiên. Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng đình chiến được ký kết tại Bàn Môn Điếm ngày 27/7/1953.

Từ 8/5 đến 21/7/1954 hội nghị thảo luận vấn đề Đông Dương, kết thúc bằng ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước Việt Miên Lào và bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị, nội dung xác nhận: Pháp rút khỏi Đông Dương. Lào và Cao Miên là hai vương quốc trung lập. VN bị tạm thời chia hai lấy vĩ tuyến 17 làm phân ranh. Việc giải quyết các vấn đề chính trị sẽ do nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng gặp gở thương lượng một năm trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/1956 với những điều kiện cần thiết bảo đảm cho nhân dân VN có thể tự do bày tỏ ý muốn của mình.
Hoa Kỳ là nước duy nhất trong 5 cường quốc tham dự hội nghị cương quyết không ký tên vào bản Tuyên bố cuối cùng của hội nghị, đưa đến việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương bằng giải pháp chia cắt ảnh hưởng ba nước ở đây. Giải pháp này theo HK, chỉ để xoa dịu các cường quốc, nên HK không thể đồng tình với sự sắp đặt đó để phản lại ý nguyện thống nhất đất nước của nhân dân VN.

Trong bản Tuyên bố riêng, HK hứa sẽ tôn trọng các điều khoản của hiệp định và cam kết không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để thay đổi thoả ước. HK coi bất cứ hành động xâm lược mới nào xâm phạm đến các thoả ước nói trên đều là sự đe doạ nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Về vấn đề tuyển cử tự do, HK cho rằng nếu sự chia cắt lãnh thổ phản lại ý nguyện của người dân bản xứ thì HK sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do do LHQ giám sát, nhằm bảo đảm cho người dân hành xử quyền chọn lựa của mình một cách trung thực. HK nhắc lại quan điểm cố hữu của mình là “dân chúng được quyền quyết định tương lai của mình”, và Hoa Kỳ sẽ không tham gia bất cứ một sự sắp đặt nào để ngăn trở điều đó. (2)

Hoa Kỳ can dự vào chiến tranh VN

Sau 1954, chính quyền Eisenhower ủng hộ lập trường của thủ tướng Ngô Đình Diệm là cuộc tổng tuyển cử thống nhất VN chỉ được tiến hành khi nào miền Bắc chấm dứt khủng bố, thực thi dân chủ và để người dân tự do thực hiện quyền đầu phiếu. Theo ông Diệm, vấn đề này chưa thể có được khi chính quyền miền Bắc ngay bước đầu đã vi phạm quyền tự do công dân. Họ không cho người dân miền Bắc được tự do lựa chọn vùng mình muốn sinh sống theo tinh thần hiệp định đình chỉ chiến sự tại VN. Sau đó qua chiến dịch “cải cách ruộng đất” chính quyền miền Bắc đã tiến hành kế hoạch khủng bố tàn bạo trong phạm vi rộng lớn để trấn áp những người không thích chế độ cộng sản.

Việc tổng tuyển cử thống nhất VN vào năm 1956 bất thành. Hà Nội tố cáo HK không ký HĐ Genève 1954 chỉ vì âm mưu muốn VN bị chia cắt lâu dài hầu thực hiện chế độ thực dân mới ở miền Nam. Dựa vào đó, ông HCM phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam, biến miền Bắc thành hậu phương lớn yểm trợ cuộc chiến này. Trái lại HK coi việc Bắc Việt dùng vũ lực xâm lược miền Nam để thực hiện việc thống nhất đất nước, không những vi phạm hiệp định, đe doạ nền hòa bình an ninh ở Đông Nam Á mà còn tước đoạt quyền tự quyết của nhân dân VN. Giữ đúng những cam kết, HK đã can thiệp vào miền Nam VN.

Tháng Ba 1965, HK bắt đầu đưa quân vào miền Nam, đồng thời dội bom miền Bắc, nhằm gây sức ép buộc BV ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. Trước quyết tâm của HK, đầu tháng Hai năm 1967, thủ tướng Liên Xô Kosygin khuyến cáo TT Johnson đình chỉ các hoạt động gây sức ép, Hà Nội sẽ đến bàn hội nghị. Johnson liền gởi đến Chủ tịch HCM lời đề nghị: HK sẽ ngưng ném bom BV và ngưng tăng cường quân lực Mỹ ở Nam VN, nếu BV cũng đình chỉ gởi người và vũ khí vào Nam VN. Sau đó Mỹ và VNDCCH sẽ tiến hành những cuộc mật đàm để giải quyết vấn đề miền Nam VN. Trong thư trả lời, ông HCM cho biết nước VNDCCH “không thể thương lượng dưới sự đe doạ của bom đạn Mỹ. Hoa Kỳ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống lại nước VNDCCH, khi đó hai bên mới có thể đàm phán và thảo luận những vấn đề mà hai bên quan tâm”. (4)

Từ tháng 6/1967, hai khoa học gia người Pháp là Aubrac và Marcovich đã đứng ra làm trung gian giúp Hoa thạnh Đốn và Hà Nội trao đổi những đề nghị. Hà Nội đòi Mỹ ngưng ném bom vô điều kiện, nhưng Mỹ lại đưa ra điều kiện là Hà Nội phải ngồi vào bàn đàm phán. Hà Nội đòi Mỹ phải rút khỏi Nam VN và thừa nhận MTGPMN. Hoa Kỳ đồng ý nếu MTGPMN chứng tỏ họ phải mạnh hơn VNCH và được nhân dân MN ủng hộ. Từ tháng Mười 1967 hai bên tạm ngưng việc liên lạc. Trong thời gian này Lực lưọng Vũ trang GPMN (Việt Cộng) chuẩn bị thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị đảng CS ở Hà Nội: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. (4) Đó là cuộc Tổng công kích & Tổng khởi nghĩa hồi Tết Mậu Thân 1968.

Đúng 10 ngày trước khi biến cố này xảy ra, chiến trận ở Khe Sanh bùng nổ lớn, khiến nhiều người lo ngại Khe Sanh có thể là chiến trường sẽ kết thúc chiến tranh VN. Sau này ký giả nổi tiếng (thân Cộng) của Mỹ là Neil Sheehan đã nhận định:
“Khe Sanh là mồi lửa lớn nhất trong chiến tranh VN. Những người CSVN không hề có ý định tạo ra một Điện Biên Phủ thứ hai. Mục tiêu của họ là tướng Westmoreland chớ không phải pháo đài Mỹ bị bao vây ở đây. Chỗ ấy chỉ là cái bẩy làm viên tướng tổng chỉ huy lực lượng Mỹ ở VN không ngờ đến mục tiêu thực sự… Để giành thế chủ động, CS phải thành công ở một đòn quyết định tác động đến tinh thần đối phương như trận ĐBP đã tác động đến Pháp và cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tác động đến Mỹ”. (5)

Năm 1968, Trần Bạch Đằng nguyên là cán bộ cao cấp MTGPMN tiết lộ với ký giả Úc Clayton Jones là ông ta đã báo cho đại sứ Bunker biết trước về trận tổng tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968. Trong hồi ký, tướng Westmoreland nhắc lại biến cố này như sau:
“Nhìn chung thì địch thật tình không muốn nhắm vào các cơ sở Mỹ, mà chỉ đánh vào các cơ sở VN. Sự thể là hầu như các cơ sở Mỹ trên toàn quốc không bị Việt Cộng tấn công. Và lúc đó muốn tấn công một cơ sở VN nào, địch cũng phải đi ngang qua các cơ sỡ Mỹ. Điều này tạo cho mọi người mối hoài nghi là Mỹ và Việt Cộng cấu kết với nhau để đánh VNCH. Từ đó nổi lên tin đồn kéo dài cho đến khi quân đội Mỹ ra tay can thiệp mới chấm dứt”. (A Soldier Reports, 1976)

Qua hai dẫn chứng trên, tôi tin rằng đã có một sự thoả thuận nào đó giữa HK và CSVN về biến cố lịch sử này. Khe Sanh chỉ là kế “giương Đông kích Tây”. Quân Mỹ và CSBVđều tập trung vào Khe Sanh, họ để Quân GPMN đọ sức với QLVNCH. Việt Cộng huy động 15 tiểu đoàn tấn công Sàigòn, trong có một tiểu đoàn Đặc công bao gồm những phu xe xích lô và tài xế taxi rất am tường địa thế trong thành phố. Trong khi QLVNCH chỉ có 8 tiểu đoàn với quân số ứng chiến chưa tới 50% lại đang lơ là vì có lịnh hưu chiến trong những ngày Tết cổ truyền. Đây là thời cơ thuận lợi giúp Cộng quân biểu dương sức mạnh, song họ không chiếm được một cơ sở nào cả. Sức mạnh của MTGPMN đã được trắc nghiệm, họ không đủ mạnh nên Hà Nội phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Hình ảnh Tòa Đại sứ HK được in ở trang nhất các báo ở Mỹ với tựa lớn “Sứ quán Mỹ tại Sàigòn đã bị Cộng sản chiếm” được giới truyền thông HK phổ biến rộng rãi, đã giúp Cộng sản Hà Nội đến bàn hội nghị ở Paris trong tư thế chiến thắng, chớ không phải dưới áp lực của bom đạn Mỹ.

Thiện ý của HK đối với VN

Hoa Kỳ đã tạo cơ hội giúp HàNội đến bàn đàm phán trong danh dự và cuối cùng chiến tranh VN chấm dứt bằng một “giải pháp hòa bình trong danh dự”, không có kẻ thắng người bại. HK cam kết giúp VNDCCH hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhân dân miền Nam VN được hưởng mọi thứ quyền tự do và tự quyết định vận mạng MN mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Sau đó chính phủ hai miền Nam Bắc sẽ tiến hành việc hiệp thương để thống nhất đất nước trong hòa bình. Chiến tranh chấm dứt, HK rút lui khỏi VN, đã xoá tan mọi nghi kỵ và căng thẳng đối với hai nước CS đàn anh. Từ đó HK đã mở ra giai đoạn hòa bình hợp tác dựa trên cơ sở hai bên đều có lợi với cả LX và TC.

Tóm lại, năm 1954, do yêu cầu của Trung Cộng và Pháp, được sự đồng tình của Anh Quốc và Liên Xô, hội nghị Genève được triệu tập và kết thúc chỉ nhằm chia cắt ảnh hưởng ở VN, để xoa dịu các cường quốc. Năm 1973, hội nghị Paris do chính HK chủ xướng sẽ giúp nhân dân VN đẩy lùi ảnh hưởng các cường quốc, thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài non một phần ba thế kỷ, thực hiện việc hòa hợp hòa giải dân tộc, đoàn kết toàn dân kiến tạo đất nước thời hậu chiến.

Ngày 23/4/1975 TT Ford tuyên bố “Vai trò của Mỹ tại VN kể như đã chấm dứt và nước Mỹ sẽ không trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi”. Trong 34 năm qua, HK đã giữ đúng lời tuyên bố trên, và đã bình thường hoá bang giao với Hà Nội từ 1995. Trong khi đó, CSVN vẫn duy trì ảnh hưởng của ngoại bang, hết LX đến TC, khiến đất nước gánh chịu biết bao thảm hoạ, kinh tế ngày càng tụt hậu. Do thế địa lý-chính trị, VN chỉ có một con đường duy nhất, một sự lựa chọn duy nhất là đứng ngoài ảnh hưởng của các cường quốc. Đó là con đường phát triển của VN đã được HK phác hoạ từ hơn ba thập niên trước. Con đường đúng đắn đó, đến nay vẫn còn cần thiết cho dân tộc ta để xây dựng đất nước độc lập phú cường.

Suy tư và kỳ vọng

Trong nửa thế kỷ qua, có hơn ba triệu đồng bào chết vì chiến tranh, hàng chục triệu đồng bào chịu nhọc nhằn cay đắng, hy sinh cả những giá trị truyền thống của dân tộc để đạt được mục tiêu cuối cùng là bành trướng chủ nghĩa CS khắp ba nước Đông Dương, chứng minh sự ưu việt tất thắng của ba dòng thác cách mạng. Nhờ đó, trong Đại hội đảng CS Liên Xô năm 1976, lãnh tụ Xô Viết Brezhnev lớn tiếng tuyên bố: “Sự bành trướng của chủ nghĩa CS trên toàn cầu là bước tiến không thể đảo ngược được của lịch sử”.

Thế giới CS đã ca tụng VN đứng trên tuyến đầu làm tên lính xung kích đầu tiên đánh bại Pháp, chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ; đánh bại đế quốc Mỹ làm phá sản chế độ thực dân mới; sau đó đương đầu với bọn phản động Bắc Kinh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác Lê-nin.

Năm 1973 khi Lê Duẩn đến thăm Bắc Kinh, Mao Trạch Đông đã nói với ông Duẩn: “Thành thực mà nói nhân dân Trung Quốc, đảng CS Trung Quốc phải cám ơn nhân dân VN đã đánh thắng Mỹ. Các đồng chí chiến thắng mới buộc Nixon phải đi Bắc Kinh”. Trước đó, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thu nhận vào LHQ, thủ tướng Chu Ân Lai đã nói với giới lãnh đạo đảng CSVN: “Cống hiến của Việt Nam rất lớn”. (6) Nhờ chiến tranh VN mà uy tín quốc tế của Trung Cộng ngày càng được nâng cao. Năm 1954, TC được bốn cường quốc thế giới Anh Pháp Mỹ Nga mời tham dự hội nghị Genève. Năm 1971, TC gia nhập LHQ và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo An. Đầu năm 1979, TC thiết lập bang giao với HK và Nhật Bản, giúp Đặng Tiểu Bình thực hiện kế hoạch “bốn hiện đại hoá Trung Quốc”.

Thảm cảnh mà dân tộc VN chịu đựng trong cuộc chiến ác liệt dai dẳng nhất sau Thế chiến II là để cống hiến, ơn đền nghĩa trả đối với LX và TQ. Trong nửa thế kỷ qua, VN đã tạm gác tình riêng qua một bên, chấp nhận hy sinh đau khổ để đền đáp nghĩa chung. Giờ đây đất nước VN đã kiệt quệ quá rồi, người dân VN phải quay về tình riêng để lo tròn nghĩa vụ dân tộc.

Trong những ngày cuối năm Mậu Tý vừa qua có hai sự việc đáng chú ý. Tại HK trong diễn văn nhậm chức, TT Obama nhắc đến Khe Sanh khiến tôi nghĩ đến HK khi can dự vào cuộc chiến chỉ vì thiện ý giúp giới lãnh đạo CSVN thoát khỏi ảnh hưởng Nga Hoa, trở về con đường phục vụ dân tộc. Tại VN vào ngày 28 Tết, ban Liên lạc Đồng hương Thanh Hoá ở Hà Nội
đến chúc Tết cựu Tổng bí thư đảng CSVN Lê Khả Phiêu. Các đồng hương được ông Phiêu hướng dẫn đi thăm tư gia, chụp một số hình ảnh, sau đó họ đưa lên Internet. Những hình ảnh đó khiến người xem phải suy tư và kỳ vọng… Hình chụp bàn thờ cho thấy chính giữa là tượng Phật khổng lồ, bên cạnh là tượng HCM nhỏ bé. Tượng ông Hồ nói lên sự tri ơn của ông Phiêu đối với người sáng lập đảng mà ông Phiêu từng giữ chức vụ tối cao. Còn tượng Phật tại nhà để hàng đêm ông van vái Đức thế tôn độ trì phù hộ với lòng thành của một Phật tử biết sám hối ăn năn.

Ngoài ra trong thư phòng ông Phiêu còn trang hoàng trống đồng và chữ Tâm bằng vàng. Trống đồng là biểu trưng của văn hoá dân tộc, còn chữ Tâm nói lên bản chất cao đẹp của dân tộc Việt và theo triết lý Á Đông, hoạ phúc con người gia giảm tuỳ theo cái tâm của mình. Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lúc thanh xuân quá đỗi đoạn trường, “Hết nạn nọ, đến nạn kia. Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Nhưng sau 15 năm luân lạc đau thương, cuối cùng nàng Kiều tái hợp với người tình xưa, gặp lại cha mẹ và các em, cả nhà đoàn tụ. Kết thúc câu chuyện tình có hậu, cụ Nguyễn Du kết luận:
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Thúy Kiều có tài phải chịu tai ương trong 15 năm…Thử hỏi cái tài lên đến đỉnh cao trí tuệ loài người thì tai hoạ khủng khiếp là dường nào! Thật ra, đó chỉ là những cụm từ “cuồng tôn hiếu đại”, chẳng hạn như: “Chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng”, “Chủ nghĩa CS là vô địch, không có gì phá vỡ nổi”, “Liên Xô vĩ đại muôn năm”…của lãnh tụ một đế quốc có tham vọng thống trị cả thiên hạ. Đế quốc đó nay đã trở thành đóng tro tàn của lịch sử. Còn chữ Tâm đã gắn liền với bản chất dân tộc, trường tồn hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Suy tư về thảm trạng của đất nước, tôi kỳ vọng chữ Tâm bằng vàng tại tư gia ông cựu Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Khả Phiêu sẽ toả sáng toàn đảng, toàn dân. Chỉ có Tâm mới phá vỡ nổi “chủ nghĩa cộng sản vô địch”, nhờ đó thảm hoạ của dân tộc mới có thể được hoá giải, đưa đất nước tiến lên ngang tầm thời đại.

Lê Quế Lâm

(1) Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Văn kiện Ngoại giao của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 4/10/1979, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, Tr.14.
(2) US Department of State, American Foreign Policy, 1950-1955, Basic Documents. Government Printing Office, Washington, DC, 1957, PP 785-789.
(3) Lyndon B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presidency. Redwood Press Ltd, London, 1972, PP 592/95
(4) Học Viện Quan hệ Quốc tế, Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, Tr. 88
(5) Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie. Random House, New York, 1990, PP. 710-711.
(6) Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc…, Sđd, Tr. 104-105.

No comments:

Post a Comment