Monday, February 23, 2009

LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU VỀ NƯỚC SỚM

Về nước sớm vì suy thoái kinh tế
22/02/2009 23:40
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200908/20090222234002.aspx
Thế chấp sổ đỏ, vay nặng lãi để đi xuất khẩu lao động nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, nhiều người đã phải khăn gói về nước vì không có việc làm.

Tan giấc mộng làm giàu

Người dân ở xã Phượng Kỳ (Hải Dương) gần đây đã cảm nhận rõ ràng hơn về những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cứ khoảng một, hai tuần xã lại đón một lao động đi xuất khẩu phải về nước trước hạn vì nhà máy, công ty, nơi họ làm việc đóng cửa. UBND xã Phượng Kỳ thống kê, từ Tết đến giờ, có 6 lao động phải trở về nước khi chưa hết hạn hợp đồng. Trong đó, người đi lâu nhất là hơn một năm còn người ít nhất là 40 ngày.

Chạy vạy khắp nơi, gia đình vay được hơn 8.000 USD làm chi phí cho chị Nguyễn Thị Hòe (thôn Như Lân) sang lao động tại Đài Loan từ đầu tháng 10.2008, làm trong một công ty điện tử tại tỉnh Đài Nam. Hòe kể, vừa kết thúc giai đoạn thử việc thì công ty bắt đầu cắt giảm, sa thải hàng loạt công nhân. Còn với lao động từ VN sang như Hòe thì “nghỉ một tuần, làm một ngày”. Rồi đến khi cũng không còn việc, Hòe phải chấp nhận mất một nửa tiền đặt cọc để trở về quê nhà. Giấc mộng làm giàu tan biến, hai vợ chồng cô đang phải oằn lưng gánh thêm khoản nợ 40 triệu đồng mà bây giờ hằng tháng chỉ lo tiền trả lãi cũng đã toát mồ hôi.

Trường hợp của Phạm Thị Hương (xã Phượng Kỳ) còn bi đát hơn. Mẹ mất sớm, bố Hương gà trống nuôi con. Là người con đảm đang nhất nhà, mọi hy vọng về kinh tế gia đình dồn lên đôi vai cô gái 25 tuổi này. Hương chấp nhận đi xuất khẩu lao động để mong giúp bố và các em thoát nghèo. Nhưng muốn vậy phải có 6.200 USD thế chân. Nhà nghèo nhất xã, bố Hương phải nhờ anh em trong họ thế chấp tài sản của nhiều người để giúp ông vay đủ tiền cho con đi lao động. Chẳng ngờ, đi được đúng 40 ngày, Hương trở về trước mặt bố trong bộ dạng gầy nhom, hốc hác. Công ty phá sản, cùng về với Hương còn có 6 lao động người VN quê ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Được công ty VN và môi giới hoàn lại một phần khoản tiền đã nộp, hiện Hương và gia đình đang còn phải mắc nợ 20 triệu đồng cho khoản mua vé máy bay và tiền ăn uống trong những ngày vạ vật nơi đất khách quê người.

"Đau khổ cũng phải về"


6.800 USD cộng 590 USD phụ phí là số tiền Nguyễn Duy Trường ở đội 1, xã Hạ Mỗ, Đan Phượng (Hà Nội) phải trả để được sang Đài Loan làm công nhân cơ khí tại Công ty khóa Thắng Vinh. Hợp đồng 2 năm, lương dự tính là 8,5 triệu đồng/tháng nhưng sang Đài Loan được 2 tháng 1 ngày, anh đã phải xin về vì công ty ít việc. Việc làm chính còn chưa đủ nói gì đến làm thêm giờ. Trừ tất cả chi phí ăn ở, đóng thuế thu nhập, mỗi tháng anh chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng gửi về nhà. Trường quyết định xin thanh lý hợp đồng để trở về nước vì theo tính toán của anh, nếu về nước ngay, khả năng còn được công ty trả lại khoản chi phí bỏ ra ban đầu, trong khi nếu với mức lương hiện tại, có làm hết hợp đồng 2 năm anh cũng chỉ tiết kiệm được chưa đến 40 triệu đồng. Nhưng về nước, Trường mới ngã ngửa vì anh chỉ được hoàn lại có 3.700 USD, sau khi trừ tiền vé máy bay, phí môi giới gì gì đó mà anh không tính ra nổi.

Cùng xã với Trường, Nguyễn Thế Công (đội 5) còn thê thảm hơn. 4 tháng làm việc ở Đài Loan, số tiền Công kiếm được mỗi tháng chỉ khoảng 200.000 đồng. Công kể, thực ra anh chỉ có việc làm trong một tuần đầu sang Đài Loan, tìm ông chủ để hỏi thì bảo không có đơn hàng nên đành chịu. "Một tuần trước khi em xin về nước, chẳng có việc gì làm ông chủ còn mua sơn về bắt bọn em sơn lại xưởng", Công kể. 50 triệu đồng là món nợ giờ Công đang phải gánh vì toàn bộ chi phí cho chuyến đi là 115 triệu, khi về nước công ty chỉ thanh toán cho 50%.

Một người cũng trở về từ Đài Loan cùng với Công là Lê Hữu Luyện (xã Hạ Mỗ, Đan Phượng). Luyện kể, một số người rủ anh bỏ trốn ra ngoài để tìm việc làm thay vì về nước. Anh bảo: "Tôi nghe nói Đài Loan còn có tới 80.000 người thất nghiệp thì lấy đâu ra việc cho mình nên tôi quyết định về, đau khổ cũng phải về".

Phan Hậu - Lê Quân


No comments:

Post a Comment