Monday, February 23, 2009

KHIẾU NẠI ĐẾN CHẾT VẪN CHƯA THẤY CÔNG LÝ

KHIẾU NẠI ĐẾN CHẾT VẪN CHƯA THẤY CÔNG LÝ
Công Lý và Sự Thật's Blog
Monday February 23, 2009 - 04:59pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA--?cq=1&p=11415#comments

Tôi thật bất ngờ khi nghe tin
ông Trần Việt Tiến chết. Người dân Bạc Liêu ai mà không biết ông Trần Việt Tiến, bởi lẽ ông không những là thương binh hạng 2/4, mà còn là con trai cụ Ba Linh - lão cán bộ kháng chiến nổi tiếng mạnh mẽ, quyết đoán, liêm khiết, giản dị, lúc sinh thời cụ Ba Linh có tác phong "không giống ai" là cụ giữ chức vụ cao trong chính quyền nhưng đi làm luôn luôn mặc bộ quần áo bà ba đen bằng vải thường và đi chân đất.

Ông Trần Việt Tiến với mớ đơn thư khiếu nại (Ảnh: Tiền Phong)
http://f3.yahoofs.com/blog/4551e460z41057e56/53/__sr_/6e04.jpg?mggNwoJBqY3tp6qx

Chuyện ông Trần Việt Tiến bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá nhà, lấy đất để xây Trung tâm thương mại nhưng không bồi thường, sau đó còn bị khai trừ Đảng và buộc nghỉ việc vào năm 2002 ở Bạc Liêu ai cũng biết vì ông Tiến khiếu nại rầm rĩ khắp nơi một thời gian dài, có tin đồn ông suýt bị bắt giam vì đã "dám khiếu nại hoài".

Cái gọi là Trung tâm thương mại ấy trong mắt tôi nó là một khối bê tông cốt sắt khổng lồ được thiết kế rất vô duyên, xấu xí, xung quanh trơ trụi, nắng dọi chói chang nóng như cái lò bánh mì. Tôi sống ở Bạc Liêu mấy chục năm trời nhưng bước chân vào Trung tâm thương mại duy nhất chỉ 1 lần. Bởi lẽ Trung tâm thương mại gì mà không có bãi gởi xe thì ai dám dựng xe máy ngoài sân mà vào đó mua sắm. Một lần, vì tò mò muốn biết trong đó có giống gì, tôi khóa xe đựng đại trước sân Trung tâm để vào trong. Vừa ngó nghiêng hấp háy mắt để trông xe vừa xem hàng thì hỡi ơi, sự thật phũ phàng làm tôi hết muốn vào Trung tâm lần thứ hai: Các gian hàng bán tạp phẩm giống như mấy chị hàng xén, tạp phẩm ở chợ Bạc Liêu chớ không có gì đặc sắc, nhưng bảng giá thì nhìn thấy choáng váng mặt mày muốn xỉu liền. Một cái kẹp tóc loại tốt nhất ngoài chợ bán giá cao nhất cũng chỉ 30 ngàn là nhiều, nhưng ở đây để giá đến 160 ngàn/cái, cứ như là dùng cái kẹp ấy thì thành tiên nên giá mới mắc như vậy.

Trở lại chuyện ông Tiến, sau thời gian dài kiên nhẫn khiếu nại lên trung ương, ngày 4/7/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Quyết định số 868 xóa hình thức kỷ luật khai trừ Đảng cho ông. Ông cũng được bố trí làm GĐ Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bạc Liêu.

Về nhà và đất của ông Tiến, các cơ quan T.Ư nhiều lần có công văn đôn đốc, nội dung: Trả lại tài sản cưỡng chế cho ông Tiến, bố trí đất tái định cư và xem xét bồi thường 303 m2 đất. Nhưng địa phương đùn đẩy, ông Tiến phải họp rất nhiều lần mà không có kết quả. Chiều 17/2 , ông được mời đến UBND thị xã Bạc Liêu họp bàn việc bồi thường tài sản do chính quyền địa phương làm sai. Lúc đang căng thẳng, ông gục xuống bên bàn họp, trưa 18/2 ông Tiến chết ở phòng cấp cứu của Bệnh viện.

Bản thân thương binh, gia đình có truyền thống cách mạng mà ông Tiến còn bị nhà cầm quyền địa phương đối xử bất công như thế, thử hỏi người dân thấp cổ bé miệng phải bị đối xử thế nào?

Ở Bạc Liêu, trường hợp như ông Tiến không phải là duy nhất, thương binh 2/4 chả là cái gì, Chủ tịch tỉnh Lê Văn Bình (Năm Hạnh) còn bị "thí tốt" nữa là.

Là một người đồng hương, tôi xin chia buồn cùng gia đình ông Tiến. Cái lý tưởng giành độc lập và xây dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh mà cụ Ba Linh lẫn ông Tiến đã từng đem tính mạng mình chiến đấu để đánh đổi, nhưng rốt cuộc đến chết ông Trần Việt Tiến vẫn chưa được thấy. Thương thay!

Tạ Phong Tần
________

Xem thêm:
Xót xa cho cái gọi là "tình đồng chí" đối với ông Lê Văn Bình
Dân Bạc Liêu cũng "bỉu tình"
Bạc Liêu: Nhà dân bị giải tỏa thì... ngủ đứng


No comments:

Post a Comment