Monday, February 23, 2009

BÀI HỌC VỀ VẾT NỨT

Bài học về "vết nứt"!
TS Tô Văn Trường
( 2/19/2009 6:09:56 PM )
http://hnv.vn/News.Asp?Cat=25&SCat=&Id=961
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta, công trình thủy điện Sơn La nằm trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà thuộc loại công trình trọng điểm quốc gia có diện tích lòng hồ khoảng 224 km2, dung tích 9,26 tỷ m3, công suất 2.400 MW, sản lượng điện 9,43 tỉ kwh/năm.

Chúng ta đã biết bất cứ tác động nào của con người vào tự nhiên đều đem lại hai mặt lợi và hại. Vấn đề đặt ra là làm sao cái lợi đem lại lớn nhất và cái hại ít nhất. Mục đích xây dựng công trình thủy điện Sơn La nhằm cung cấp thêm cho nguồn điện, cắt lũ trong mùa mưa, điều hòa nước cho mùa kiệt ở hạ du, tạo cơ hội phát triển Tây Bắc, phát triển giao thông và du lịch. Tuy nhiên, các mặt tác động xấu của đập thủy điện Sơn La đến môi trường sinh thái cũng đã được ghi nhận, đặc biệt là gần 100 nghìn người dân vùng hồ đã và sẽ phải dời bỏ nơi “chôn rau, cắt rốn” để đến lập nghiệp ở vùng mới vì quyền lợi chung của đất nước.

Từ cuối tháng 12/2005 khi đập thủy điện Sơn La khởi công, người dân cả nước vui mừng, theo dõi, mong chờ nhà máy sớm đi vào vận hành vì đó là niềm tự hào của dân tộc về công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang, trong quá trình thi công người ta đã phát hiện vết nứt đầu tiên xuất hiện trên thân đập từ tháng 9 năm 2008. Gần đây, đơn vị thi công lại phát hiện thêm 2 vết nứt mới, trong đó có vết nứt dài nhất là 31,5 m, sâu nhất hơn 6 m. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã liên tiếp xuất hiện đến 3 vết nứt làm nhiều người rất lo ngại.

Trên thế giới khi thi công các công trình bê tông, đôi khi vẫn xuất hiện các vết nứt do nhiều nguyên nhân như quá trình ninh kết bê tông, nhiệt tỏa ra từ phản ứng hóa học gây ra ứng suất nhiệt, hoặc do tải trọng nặng, đất bị lún, quá trình bảo dưỡng có khiếm khuyết vv…Tuy nhiên, các vết nứt này phải nằm trong phạm vi cho phép. Đối với các công trình tầm cỡ thế kỷ, có ý nghĩa trọng đại, lại hoạt động trong môi trường nước, người ta rất khắt khe, không cho phép xuất hiện vết nứt.

Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam khi xây dựng công trình thủy điện lớn thường áp dụng các tiến bộ công nghệ của thế giới từ khảo sát, lựa chọn vật liệu, kết cấu, thiết kế đến thi công, bảo quản. Đập bê tông đá , đầm nện có bản mặt bê tông (CFR) và đập bê tông đầm lăn (RCC) với các phụ gia khoáng thường được quan tâm ứng dụng ở các công trình đập lớn. Phương pháp đầm lăn tiết kiệm được xi măng và rút ngắn được thời gian thi công nhưng đòi hỏi thi công rất khắt khe để khống chế nhiệt trong bê tông và đảm bảo độ chặt trong quá trình đầm lăn. Công trình thủy điện Sơn La thi công theo phương pháp đầm lăn, đòi hỏi không thể để xảy ra tình trạng xuất hiện vết nứt bởi vì thứ nhất đây là công trình trọng điểm của quốc gia đòi hỏi rất chặt chẽ từ thiết kế, đến thi công và phải có tay nghề cao. Thứ hai, đây là công trình bê tông làm việc trong môi trường chịu áp lực lớn của nước không được phép rò rỉ. Vết nứt chính là “mầm mống”, là kẽ hở để nước thẩm thấu, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây ra đại họa khó lường.


Tôi còn nhớ trước đây, khi còn tranh luận việc lựa chọn phương án nhà máy thủy điện Sơn La cao hay Sơn La thấp, một số nhà khoa học lo ngại, cảnh báo sợ nhất là bài toán vỡ đập, sẽ quét sạch vùng hạ lưu và tác động trực tiếp cả đến Hà Nội. Thế mà khi có vết nứt, chưa tìm ra được nguyên nhân để “bốc thuốc” nhưng Tư vấn lại cho rằng không đáng ngại!?

Người dân tương đối an tâm khi thấy Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia đã vào cuộc, và nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính khách quan, thận trọng vì Sơn La còn là công trình thế kỷ. Công việc cần phải thực hiện là mời các chuyên gia độc lập, có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá, đối chứng với phía Việt Nam để xác định đúng nguyên nhân gây ra vết nứt. Phải kiểm tra từ quá trình chuẩn bị thi công đến các tài liệu hoàn công theo từng giai đoạn, kiểm tra lại độ ổn định, độ bền của đập và các rủi ro có thể xảy ra.

Trong khi chờ đợi việc kiểm tra, kết luận của đơn vị tư vấn độc lập, tôi muốn nêu lên một số bài học kinh nghiệm liên quan đến chất lượng công trình. Trong một dự án do Thụy Điển tài trợ, sau khi khảo sát công trường, chuyên gia Thụy Điển góp ý kiến bê tông đã đổ không đạt chất lượng. Phía Việt Nam trình ra các kết quả thử nghiệm cho thấy những thành phần cát, cấp phối, xi măng, nước trộn... đều đạt chất lượng, thế thì tại sao lại nói bê tông không đạt chất lượng? Chuyên gia Thụy Điển kiên nhẫn giải thích rằng bê tông không đạt chất lượng là do thao tác đổ bê tông không đúng, khiến cho hỗn hợp bê tông đổ xuống một thời gian ngắn khi bê tông chưa kịp khô thì nước chảy một phía, cát và cấp phối quy tụ phía khác. Thao tác đổ bê tông góp một phần quan trọng quyết định chất lượng của bê tông, nhưng công nhân làm không đúng còn kỹ sư công trường không giám sát chặt chẽ. Nói một cách dễ hiểu, giống như là ta có bột tốt, đường tốt, trứng tốt nhưng thao tác cho cái nào vào trước, đánh bột bánh, để lửa to nhỏ không đúng thì vẫn không có bánh ngon tuy rằng bột, đường, trứng đều tốt. Vì thế, việc đổ bê tông cần có thiết bị và các bước chuẩn bị đúng cách, các điều kiện môi trường bên ngoài phù hợp trong các khoảng cho phép và bảo dưỡng bê tông cũng phải theo đúng bài bản.

Trong một dự án khác, một nhà thầu phụ Thái Lan đến Việt Nam mang theo cả những công nhân lành nghề người Thái, nhiều người chưa tới cấp cao đẳng mà chỉ ở cấp trưởng nhóm của một bộ phận nhỏ nào đó. Và ngạc nhiên thay khi quan sát công việc họ làm: trưởng nhóm trực tiếp đứng ra lo điều hành việc đổ bê tông! Tại sao nhà thầu phụ Thái Lan này chịu bỏ phí tổn cao và cất công mang công nhân Thái qua đây là điều đáng cho ta phải suy nghĩ. Dĩ nhiên là còn có yếu tố khác, như là ngôn ngữ, nhưng tay nghề và kinh nghiệm trong các thao tác chủ chốt là yếu tố rất quan trọng đối với họ.

Năm ngoái, dư luận xôn xao tại bể đúc 4 đốt hầm chui cho công trình hầm Thủ Thiêm ở TP. Hồ Chí Minh phát hiện mật độ các vết nứt nhiều hơn so với báo cáo của chủ đầu tư nên lãnh đạo TP.HCM và Bộ Xây dựng đã thống nhất mời tư vấn độc lập nước ngoài đến kiểm tra đánh giá tìm phương án giải quyết. Ngày nay, lại càng lo lắng hơn về vết nứt của công trình thủy điện Sơn La. Xem ra bài học về vết nứt của các đốt hầm Thủ Thiêm đối với những người có trách nhiệm vẫn chưa thuộc. Rồi đây, các vết nứt ấy có thể lại được “chét đầy” nhưng vết nứt về lòng tin mới là đáng lo ngại hơn cả.


No comments:

Post a Comment