Wednesday, January 21, 2009

TƯ TƯỞNG NHÂN QUYỀN ĐẦU THẾ KỶ XX

Tư tưởng nhân quyền đầu thế kỷ XX
Hoàng Lan’s Blog
Wednesday December 10, 2008 - 07:25am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-PKUygVk8bqkNJVkSag_0mZ0gIg--?cq=1&p=652#comments

Bài viết đã được đăng trên
Tạp chí Phía Trước số 19, chủ đề Quyền con người!
www.phiatruoc.net

***

Lâu nay, một số người khi nghe đến hai từ “nhân quyền” thường giãy nảy lên: Việt Nam có nền văn hoá khác biệt, đừng có mang cái tư tưởng phương Tây áp đặt vào. Thế nhưng, tư tưởng nhân quyền không phải là bây giờ mới được nói đến. Các nhân sĩ từ đầu thế kỷ XX đã có nhiều bài viết, tác phẩm cổ vũ cho nhân quyền. Bài tổng hợp ngắn này muốn giới thiệu sơ lược một số tư tưởng như vậy của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, ba trong số những những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất của thời điểm ấy: Cụ Phan Bội Châu- nhà lãnh đạo phong trào Đông Du, cụ Phan Chu Trinh với Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân (1927-1943)- tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Đặc điểm chung trong tư tưởng của ba cụ, là vừa cổ vũ học tập những điều hay, điều tốt của phương Tây và các nước láng giềng, vừa phải củng cố những cái tốt của Khổng học, gạt bỏ những hủ tục, là “đem văn minh đây là đem cái chân văn minh ở Âu Tây hoà với chân Nho giáo ở Á Đông, chứ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi của mấy anh Tây học lem nhem mà cũng không phải là quốc hồn quốc tuý ngoài môi của mấy bác hán học dở mùa…”- như lời cụ Phan Chu Trinh (Thế Nguyên 156)

Dân quyền trong chân Nho giáo

Nền cổ học và các giá trị căn bản của nền văn hoá phương Đông mà các cụ nhắc đến là tư tưởng Khổng giáo, nhưng là Khổng giáo nguyên thuỷ của Khổng Tử, chứ không phải Tống Nho vốn bị cắt xén, giải thích để phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền. Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết: “Nói đến Á Đông tất nhiên trước kể nước Tàu mà nói đến học thuật nước Tàu, tất nhiên trước kể Khổng Giáo. Học thuyết của Tàu thịnh nhất là đời Xuân Thu chiến quốc. Khổng giáo cũng là một học thuyết trong các học thuyết khác (như Mặc học, Lão học v.v…) chứ không phải Khổng giáo là toàn hay mà các giáo khác là toàn dở. Sang từ đời Hán trở xuống, các nhà đế vương thấy Khổng giáo có những lời tồn cổ Trung quân, tiện lợi vẽ đường chánh thể chuyên chế, nên biểu dương tôn sùng, nêu làm chánh học mà bãi truất các học thuyết khác đi. Nhân đó lần lần bọn tục nho lại theo mà tô vẽ xuyên tạc. Thực ra, chân tướng Khổng giáo bị chánh thể uốn vặn một phần, bị nhà nho mấy đời sửa đổi một phần; chính ở nước Tàu là nơi Khổng giáo phát nguyên mà sai lạc đã nhiều, huống ở nước ta học theo văn hoá Tàu lai cách xa một bậc nữa. Ở ta thuở nay ai học chữ Hán tức tự nhận mình là học trò ông Khổng, chứ mấy ai rõ chân tướng Khổng giáo là thế nào đâu!” (Chương Thâu 288)
Theo cụ, một trong các khuyết điểm của Nho giáo- Tống Nho là “chánh trị chỉ nói với người cai trị mà không đến hạng bị trị”: “Toàn những thuyết của Khổng tử nói về chánh trị thì chú trọng về vua quan mà không nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà nhờ người trên sắp đặt lo liệu cho mình mà thôi. Không những người dân không cần phải lo việc cho mình mà lại cho dân là hư hỏng không tự lo được nữa không dẫn đâu làm, chỉ xem trong sách Luận ngữ, như nói ‘khiến dân, trị dân’ và nói ‘dân phục, dân khuyến’ thì thấy rõ bao nhiêu công việc trị an, đều trách vào người trên mà chỉ nói lý trống như Kính, từ, tín. Nói đến dân thì có những câu: “Dân là hạng mạt, dân không thể khiến cho nó biết.” (Chương Thâu 290)

Trong Đạo đức và luân lý Đông Tây, cụ Phan Chu Trinh cho rằng đạo Khổng Mạnh nguyên thủy không phải là đạo Khổng Mạnh được dạy bấy giờ: “Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các nhà vua mà các anh em mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy lòng đó yêu dân như con đỏ vậy.

Trong sách đại học, thầy Tăng Sâm dẫn lời đức Khổng rằng: ‘tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn’: từ vua cho đến dân phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng tử buộc dân và vua đều phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên châu Âu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy. […] Đến thời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên cái chủ nghĩa dân chủ. Nhưng ông nói rằng: ‘dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’ nghĩa là dân quý hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu chau bây giờ có trái gì với đạo Khổng mạnh đâu.” (Thế nguyên 154, 155)

Bàn đến “quốc gia luân lý”, cụ Phan Chu Trinh cho rằng chính vì “quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp hai chữ vua và tôi. Không nói đến ‘dân và nước’ vì dân không được bàn đến việc nước. […] Cho nên dân trong nước không biết quyền là gì, thương nước là gì, nghĩa vụ là gì. Vua của ta ngày xưa là thế, tôi của ta ngày xưa là thế, sử sách của ta gọi nước là như thế! Cho nên dân không biết vua và nước có cái giới hạn gì khác nhau không. Vì thế, cho nên dân chỉ biết nghĩa tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc..” (Thế Nguyên 140, 141) Vậy làm sao mà nước mạnh cho được? Bởi vì, theo cụ Phan Bội Châu, “dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ thì dân bị coi khinh mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng mất.” (Phan Đăng Thanh 105)

Nhân quyền

Cụ Phan Bội Châu phát triển tư tưởng nhân quyền trong các tác phẩm của mình từ chính tư tưởng của Mạnh Tử. Cũng như Mạnh Tử, Phan Bội Châu cho rằng bản chất của con người là lương thiện, vì làm người ai cũng có cái tâm. Chữ Nhân trong Khổng giáo đòi hỏi người quân tử phải đối đãi công bằng với người xung quanh mình, với sự chân thành, khoan dung, với chữ tín, chữ huệ.

Từ chữ Nhân trong Khổng giáo, Phan Bội Châu suy ra cái bình đẳng, bác ái giữa người đời. Trong Khổng học đăng, ông viết : “ ‘Trung’ là thế nào? Chữ ‘Trung viết: ở trên thì chữ ‘trung’ mà ở dưới thời chữ ‘tâm’. Nghĩa là nhất thiết xử việc, tiếp người, tuyền móc ở trong lòng mình ra, không một tí gì dối lòng, ấy là trung, mà chính là cái ‘thể’ của chữ ‘nhân’.

Chữ ‘thứ’ là thế nào? Chữ ‘thứ’ viết chữ như ở trên, chữ ‘tâm’ ở dưới, nghĩa là ứng phó với nhất thiết người, tất thảy xem người như mình. Suy ở trong lòng mình mà đo lường đến lòng người thời biết được lòng người cũng như lòng mình mà đối đãi bằng một cách bình đẳng, bác ái. Ấy là chữ ‘thứ’, mà chính là cái ‘dụng’ của chữ ‘nhân’.”

Như vậy, lý tưởng công bằng, bác ái mà người Pháp tâm niệm hoàn toàn có thể được giải thích bằng nền tảng triết học phương Đông. Từ “nhân chi sơ, tính bản thiện”, cái tâm, cái thiện, chữ nhân trong mỗi người dạy họ cách tôn trọng người khác, cũng như khiến họ được quyền được tôn trọng bởi người khác. Đó chính là bình đẳng, bác ái.

Ông viết: “Trời sinh ra người, có hình thể như nhau, có tính tình như nhau, ta không dám cậy là thánh thần mà bỏ những lời nói hay của người, ta không dám cậy khôn ngoan mà bỏ những nết tốt của người. Đấy là bụng nghĩ bình đẳng đã có mầm mống rồi đấy, duy người ta giẫm đạp lên mà không biết đấy thôi.” Đến tác phẩm Khổng học đăng, Phan Bội châu khẳng định rằng : “ Chính trị dân chủ cộng hoà chính là ý trời lòng dân ở vào chốn ấy. Vậy nên nguyên lý tinh thần cuả chínnh trị chỉ có một chốn đứng vững chân tức là ức muôn người như nhau.” (Nguyễn Văn Hòa 168, 169)

Quyền tự do ngôn luận

Nói về quyền tự do ngôn luận, không thể nhắc đến bài luận cùng tên của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Tiếng Dân. Đọc lại những gì cụ viết, người viết bài này chợt giật mình vì thấy những gì cụ viết đầu thế kỷ XX sao đến giờ vẫn đúng…: “Cái tiếng tự do ngôn luận ở xã hội hiện thời, chỉ là một tiếng trống không, vô luận là hạng người nào, cũng đều là không được tự do ngôn luận. Ngôn luận của người bản xứ, trừ một số ‘xu thời vụ lợi’, bị con ma kim tiền và thế lợi nó ám ảnh mà phải bỏ cái nhân cách mình mà mạo cái nhân cách khác, viết mà không phải ý của mình, nói mà không phải lời của mình, thực không có chút gì gọi là tự do, còn những nhà không vì danh, không vì lợi, lòng son máu nóng, chan chứa vì nòi giống non sông, nhưng lại bị cái lưới pháp luật bủa vây, muốn nói mà không được nói, tư tưởng không thể bày tỏ tự do, điều ấy cũng không phải nói nữa. Đến những hạng ngôn luận mà bề ngoài phần nhiều người vẫn cho là tự do, nếu xét nội dung và ẩn tình thì thực chẳng có chút gì tự do cả. […] Nhà ngôn luận là vật sở hữu của người khác, có khác gì người nô lệ là vật sở hữu của kẻ công dân, có khác gì người nông nô là vật sở hữu của nhà quý tộc. Đã vậy thì lời mình nói, bài mình viết không thể là ý của mình mà phải theo ý của người làm chủ. Chân lý mà chống chọi với lợi ích của chủ thì mình cũng phải giấu đi và thoá mạ, những điều khí trá ác hại mà có lợi cho chủ thì dù mình biết là trái với lương tâm mà cũng phải xưng tụng tán dương. […] Nếu đem hai cái không tự do mà so sánh với nhau thì cái ngôn luận kiểm duyệt của ta mà còn có cái vẻ tự do hơn của họ. Vì rằng ta không có quyền tự do nói những đièu nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói. Chứ họ thì không những không được nói những điều có ích cho công chúng mà lại nhiều khi phải nói những điều trái với lương tâm.”(Chương Thâu 316-318)

Quyền phụ nữ

Một điểm đặc biệt trong tư tưởng của ba cụ là sự ủng hộ tư tưởng nữ quyền. Nhiều nhà nữ quyền châu Âu hẳn phải giật mình khi thấy các Nho sĩ đầu thế kỷ XX ở nước Nam xa xôi sao mà tiến bộ quá…
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh cho rằng bình đẳng vợ chồng là “tính tự nhiên của loài người”: “Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là ‘phu xướng phụ tuỳ’ là ‘thiếp phụ dĩ thuận vi chính’ hoặc ‘xuất giá tùng phu’ song ta coi thì rút cục lại nhà nào thuận hoà tức là vợ chồng nhà ấy có đạo đức, có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. Xem đó thì cũng đủ biết rằng sự gì gây dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được”. (Thế Nguyên 140)
Tương tự, cụ Phan Bội Châu phản đối tư tưởng bất bình đẳng vốn tồn tại trong cấu trúc gia đình, quốc gia thời ấy: “Đạo đức mà chỉ vì quân, phụ, trưởng, quý, dụng tình áp bức thần, tử, ấu, tiện để thoả lòng tự lợi mình, thiệt là tối bất đạo đức.” (Nguyễn Văn Hòa 168)
Trong quyển Vấn đề phụ nữ, cụ bài xích tư tưởng hủ nho “nam tôn nữ ty”, “nam quý nữ tiện”: “Thiệt trái đạo, vô lý quá chừng, mà quái gở cho những món hủ lậu, những món gian tà, họ lại tỏ vẻ ra những câu sách vở làm thàm, họ muốn cho đàn bà con gái trót một đời trong vòng áp chế!” (Phan Đăng Thanh 105, 106)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng là người ủng hộ tư tưởng bình quyền chị em phụ nữ: “Về đường lý tưởng thì tôi vẫn nhận cái thuyết nam nữ bình đẳng là hợp với nhân đạo và công lý, mà những học thuyết cùng phong tục bên Á Đông ta ngày xưa ‘nam nữ tôn ti’ nam quí nữ tiện là sai lầm” (Nguyễn Q. Thắng 160), vì “đàn ông, đàn bà ở trong xã hội cũng như tay mặt tay trái trong thân thể.” (Nguyễn Q. Thắng 160)Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng cần giữ những lề thói truyền thống tốt đẹp, thì mới mong phát huy cái hay học được từ xứ người: “Nói về thiển ý của tôi đối với vấn đề phụ nữ (…) thì tôi cho ‘biết bịnh tức là thuốc’, ở xã hội mới cũ dở dang như xã hội ta ngày nay thêm một điều lợi không bằng một điều hại (…) về phương diện phụ nữ lại càng cần thiết (…) nên cần thức tỉnh nữ đồng bào ta trong cơn mê mộng thì nên tựu chỗ hư nết xấu, sự lầm điều dở, mà tìm cách đào gốc lấp nguồn rồi sẽ đem gương tốt Âu Mỹ mà lần lần chỉ dẫn thì thực tế mới có trước lạc.” “Nếu không như vậy ruộng đầy những cỏ, thì giống tốt cũng không chỗ mọc lên, ao chứa những bùn thì nước trong cũng hoá ra đục. Bình quyền, bình đẳng, nhân quần xã hội rao rầm trên mặt giấy cùng đầu miệng mà nền nếp cần kiệm, tiết hạnh một ngày một tiêu mòn, cái phong khí dâm dật, kiêu sa, thương luân bại lý mỗi ngày mỗi xuất hiện thì tiền đồ xã hội ta có ích lợi gì không?” (Nguyễn Q. Thắng 160, 161)

Đầu thế kỷ XXI, ngồi đọc lại những tư tưởng của người xưa, có mấy ai hổ thẹn vì ước mong của các danh nhân ấy nay vẫn còn là mơ ước của thế hệ bây giờ?

Hoàng Lan (tổng hợp)
-----------------------------------------------------------------
Tham khảo:
THẾ-NGUYÊN, Phan Chu Trinh, 1872-1926 (Tân Việt 1956)
CHƯƠNG THÂU PHAN BỘI CHÂU, Phan Bội Châu toàn tập/chương thâu sưu tầm và biên soạn (Thuận Hóa 1990)
NGUYỄN VĂN HÒA, Tư tưởng triết học và chính trị cuả Phan Bội Châu (Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 2006)
ĐĂNG THANH PHAN, Tư tưởng lập hiến nửa đầu thế kỷ XX (Nhà xuất bản tư pháp 2006)
NGUYỄN Q. THẮNG, Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, 1876-1947 (Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá xuất bản 1972)
CHƯƠNG THÂU, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng chọn lọc (Nhà xuất bản Đà Nẵng 1989)
NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông kinh nghĩa thục (2nd edition) (Lá Bối 1968)

No comments:

Post a Comment