Tuesday, December 3, 2024

CHỈ MẤT 3 NGÀY ĐỂ CHIẾM ALEPPO, QUÂN NỔI DẬY SYRIA CÓ LẬT ĐỔ ĐƯỢC ASSAD? (Thụy My / RFI)

 



Chỉ mất ba ngày để chiếm Aleppo, quân nổi dậy Syria có lật đổ được Assad ?

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 10:25

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20241203-ch%E1%BB%89-m%E1%BA%A5t-ba-ng%C3%A0y-%C4%91%E1%BB%83-chi%E1%BA%BFm-aleppo-qu%C3%A2n-n%E1%BB%95i-d%E1%BA%ADy-syria-c%C3%B3-l%E1%BA%ADt-%C4%91%E1%BB%95-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-assad

 

Les Echos ngày 02/12/2024 nhận xét, tiếng súng vừa lắng ở Liban sau 13 tháng xung đột giữa Israel và Hezbollah, thỏa thuận ngưng bắn nhìn chung được tôn trọng, thì lửa chiến tranh lại bùng lên ở nước láng giềng Syria. La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ như thế nào. Cuộc nội chiến đã hồi sinh, liệu phe nổi dậy có lật đổ được Bachar Al Assad ?

 

HÌNH :

Một chiến binh phe nổi dậy đứng trên xe tăng phất cờ Hayat Tahrir al-Sham tại thị trấn Saraqeb, tây bắc Idleb, Syria ngày 01/12/2024. REUTERS - Mahmoud Hassano

 

Đà tiến vũ bão gây hoang mang cho Damas và đồng minh

Les Echos tóm tắt tình hình : Quân nổi dậy Hồi giáo và các nhóm liên kết sáng thứ Sáu đã chiếm được Aleppo, trừ các khu vực của người Kurdistan. Phi trường Aleppo rơi vào tay phe nổi dậy, phi trường Damas đóng cửa, các trục đường nối Aleppo và vùng tây bắc Syria với thủ đô bị cắt đứt. Quân nổi dậy cũng chiếm được mấy chục địa điểm chiến lược ở tỉnh Idleb và Hama, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm như phi cơ quân sự, trực thăng, xe tăng, đạn dược.

Libération ghi nhận nhiều video trên mạng xã hội cho thấy tượng Bassel Al-Assad, người cha quá cố của tổng thống Syria, đặt ở một quảng trường, đã bị kéo đổ, hay các tù nhân được trả tự do. Nỗi xúc động càng tăng khi nhiều gia đình của người tù không có tin tức gì về họ trong nhiều năm trời. Hai ngoại trưởng Serguei Lavrov của Nga và Hakan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn bạc với nhau, và bày tỏ quan ngại về « diễn biến nguy hiểm » ở Syria. Iran khẳng định « các phần tử khủng bố » đã tấn công lãnh sự quán của họ ở Aleppo, ngoại trưởng Abbas Araghtchi kêu gọi Matxcơva phối hợp và hôm Chủ nhật đã sang Syria.

Được biết Aleppo nằm gần Idlib, nơi tập trung các nhóm vũ trang cuối cùng đối lập với Bachar Al-Assad, và những người tản cư do những trận bom của chế độ. Idleb và vùng tây bắc Syria từ 2011 nằm trong tay Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo đã chia tay với Al Qaida và chống lại quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Quảng cáo

 

 

Phe nổi dậy đánh bóng lại hình ảnh trước dân chúng

Le Figaro cho biết người dân Aleppo vẫn trong cú sốc, vì họ lại phải sống dưới quyền của phe nổi dậy. Hàng triệu người Syria khi thấy hình ảnh những lá cờ của đối lập phấp phới ở Aleppo cứ ngỡ như sống lại thời kỳ 2011, theo La Croix. Vào những giờ đầu tiên, nhiều người chạy khỏi thành phố, số khác trốn trong nhà. Rồi khi bắt đầu ra đường, họ thấy quân nổi dậy canh gác ở các rào chắn, kiểm tra giấy tờ, nhưng không tỏ ra hung hăng.

 

Thiểu số Công giáo ngạc nhiên với vẻ ngoài khá ôn hòa nơi những ông chủ mới của thành phố lớn thứ nhì Syria. Một người dân nói với nhật báo Pháp qua WhatsApp rằng khi quân Hồi giáo chiếm Idleb cách đây mười mấy năm, họ đàn áp người Công giáo, nhưng hiện nay thì không. Họ nói  chỉ muốn lật đổ chế độ, nhưng dân chúng vẫn nghi ngại. Quân nổi dậy có danh sách những người cần tìm kiếm. Thống đốc Aleppo và đa số viên chức đã trốn thoát được, nhưng số khác, như giám đốc tình báo quân sự, đã bị cắt cổ. Cuộc tấn công bất ngờ đã sắp lại những lá bài trong cuộc xung đột tưởng chừng đã đóng băng.

 

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc thông thạo hồ sơ Syria lý giải với Le Figaro:  Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bóng hình ảnh phe nổi dậy trước đây, thế nên cho đến nay phe này không hà hiếp người Công giáo. Thủ lãnh HTS, Mohammed Al-Joulani, có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc, đang được Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đẩy lên làm thủ lãnh phe đối lập. Libération nói thêm Al-Joulani khoảng 40 tuổi, sinh tại Deraa, thành phố nơi khởi đầu phong trào nổi dậy.

 

Oussama Chourbagi, giám đốc tổ chức nhân đạo Mars cho biết, từ sáu, bảy năm qua, Al-Joulani cố gắng tạo ra hình ảnh mới văn minh hơn. Chiếc áo galabieh truyền thống được thay bằng bộ vét. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Charles Lister, phe HTS những năm gần đây đã tạo dựng tại Idlib một chính quyền bán kỹ trị, với lực lượng cảnh sát, chương trình y tế…Họ làm việc trực tiếp với Liên Hiệp Quốc trong chương trình viện trợ cho 2 triệu người di tản, sửa đường sá, lập bưu điện… Chourbagi nhận xét các tuyên bố của họ cũng cởi mở hơn trước: « Đó là quân thánh chiến chứ không phải các chiến binh dân chủ, nhưng hiện thời không phải họ đến để áp dụng luật Hồi giáo charia ».

 

 

Chỉ trong 3 ngày, bàn cờ Trung Đông thay đổi

Nói về việc « chiến tranh quay lại với Syria », La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ được đặt lại như thế nào ? Liên minh các nhóm nổi dậy chỉ trong ba ngày đã kiểm soát được hầu hết Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria. Hồi năm 2016, chế độ Bachar Al Assad phải mất bốn năm mới đạt được mục tiêu này. Chiến thắng chớp nhoáng trên cho thấy tương quan lực lượng khu vực đã thay đổi như thế nào.

 

Quân đội Syria không còn động lực sau nhiều năm chiến tranh. Theo chuyên gia Fabrice Balanche, những người lính đã quá chán ngán với đồng lương chết đói, chỉ muốn được về nhà. Trong khi đó các đồng minh là Hezbollah và Iran đã yếu hẳn đi từ khi Israel tấn công vào nam Liban. Nga, đồng minh quan trọng khác của Damas, tuy cho phi cơ can thiệp nhưng hạn chế hơn trước. Bên cạnh đó là khoảng trống quyền lực ở Hoa Kỳ, đối thoại giữa Erdogan và Assad không có tiến bộ. Thế nên đây là cơ hội cho lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) từ căn cứ địa Idlib, với sự trợ giúp của Quân đội Quốc gia Syria (ANS), các phe thân Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Khó thể đoán được chiều hướng sẽ ra sao. Tám năm sau thất bại, sự quay lại của phe đối lập vừa tạo ra hy vọng vừa gây sợ hãi ở Aleppo, nhất là 20.000 người Công giáo ở thành phố này. Các trận đánh quy mô đầu tiên kể từ 2020 còn làm rõ thêm sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt tiến trình chính trị cho cuộc nội chiến Syria, sau 13 năm chiến tranh và nửa triệu người chết. La Croix trong bài xã luận mong rằng rốt cuộc quốc tế sẽ tỉnh thức, giúp người dân Syria không còn cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc chiến vô vọng.

 

 

Liệu chế độ Assad sẽ bị lật đổ ?

Sự đột phá của phe nổi dậy làm trổi dậy một cuộc nội chiến chưa bao giờ bị dập tắt, liệu có thể lật đổ được Bachar Al Assad hay không ? Chuyên gia Fabrice Balanche trên La Croix cho rằng chế độ tuy yếu kém nhưng không dễ gì sụp đổ. Aleppo vốn là chiến thắng lớn của Putin, nên Matxcơva có thể không kích để đe dọa « nếu không rút khỏi Aleppo, sẽ san bằng Idlib ». Ngược lại, cuộc tấn công này có lợi cho Israel. Syria là giao điểm chiến lược của việc hỗ trợ hậu cần và vũ khí của Iran cho Liban và các nhóm vũ trang Palestine. Trên lý thuyết, sự kiện này giúp phá vỡ trục Iran : Hezbollah không còn được tiếp tế và nếu quay lại chiến đấu ở Syria thì phải giảm lực lượng ở Liban. Phương Tây cũng được lợi nên tạm thời không còn gọi là phe « thánh chiến » mà là « nổi dậy ».

 

Trả lời Libération, chuyên gia Joseph Daher, giáo sư thỉnh giảng đại học Lausanne, cho rằng « Cuộc phản công của chế độ lệ thuộc vào sự trợ giúp của Nga và Iran ». Sức mạnh chính của Nga tại đây là về không quân. Nga oanh tạc thì được,nhưng ai sẽ chiến đấu trên thực địa ? Hồi 2016, Aleppo được tái chiếm bởi nhiều nhóm dân quân liên quan đến Iran và với sự hiện diện tượng trưng của quân đội Syria. Matxcơva sẽ phải hợp tác theo kiểu khác với Teheran. Iran có thể huy động nhiều loại dân quân và hỗ trợ về chuyên môn. Về phía Damas, lực lượng tinh nhuệ nhất đang do Maher Al-Assad chỉ huy để bảo vệ thủ đô, nhưng không có khả năng chiếm lại Aleppo. Le Figaro lưu ý, tuy Teheran khẳng định tiếp tục ủng hộ Assad, nhưng các ăng-ten của Iran tại Syria có vẻ như đã biến mất.

 

 

Israel tập trung tiêu diệt nguồn cung vũ khí cho Hezbollah tại Syria

Le Monde nhận định « Syria là trung tâm của chiến dịch Israel nhằm ngăn cản Hezbollah tạo dựng lại kho vũ khí ». Từ hai tháng qua, Nhà nước Do Thái không ngừng oanh tạc các kho đạn và các tuyến đường buôn lậu tại nước láng giềng, để vũ khí không thể chuyển sang, khi 3/4 số rốc-kết và hỏa tiễn của Hezbollah tại Liban đã bị phá hủy. Hồi tháng Chín, một chiến dịch trực thăng vận đã tiêu hủy nhà máy Hair Abbas ở bắc Syria chuyên sản xuất hỏa tiễn chính xác của Vệ binh Cách mạng Iran, sau khi oanh tạc trung tâm nghiên cứu vũ khí Masyaf cũng liên quan đến Iran. Đó là nhờ Israel có được nguồn tin tình báo dồi dào. Theo chuyên gia Navvar Saban của Thổ Nhĩ Kỳ, tại Syria, phe Hezbollah phải phối hợp với nhiều nhóm khác nhau, chẳng có lý tưởng gì và dễ dàng nhảy sang phía khác vì tiền.

 

Les Echos dẫn lời Pierre Razoux, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải, nói thêm, ngay từ đầu cuộc tấn công, tướng Kioumars Pourhashemi, cố vấn cao cấp của Iran tại Aleppo đã thiệt mạng trong trận đánh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Theo ông, rất có thể Israel đã đưa thông tin cho Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của viên tướng lãnh và sau đó Thổ Nhĩ Kỳ chuyển cho quân nổi dậy. Việc ông Donald Trump đắc cử khiến người ta cho rằng quân Mỹ sẽ rút nhanh khỏi Syria và Irak. Đây là tin xấu cho người Kurdistan, nhưng lại tuyệt vời cho Erdogan, vốn muốn dấn lên ở miền bắc Syria. Chắc chắn là cuộc tấn công này có được đèn xanh của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Bị Israel cảnh cáo, nhà độc tài Assad tránh xa « trục kháng chiến » Iran

Trong khi đó Le Monde nhận thấy Bachar Al-Assad hoàn toàn im lặng. Từ đầu chiến tranh Gaza, nhà độc tài tránh tham gia « trục kháng chiến » của Iran, vì quân đội Syria yếu kém và Israel đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm - thậm chí cho cá nhân ông ta - nếu vượt qua một số lằn ranh. Các vụ oanh kích vào Damas hay Lattaquié, hoặc vào biệt thự của em trai ông là Maher Al-Assad, là những lời cảnh cáo cụ thể. Thế nên tổng thống Syria có thái độ nước đôi, tuy phản đối việc Iran và tay sai dùng Syria làm căn cứ để tấn công Israel, nhưng lại làm ngơ cho việc chuyển vũ khí sang Liban. Ngược lại, Israel không tìm cách lật đổ chế độ, vì họ có thể tha hồ oanh kích Hezbollah và các đồng minh.

 

Tuy nhiên,về lâu về dài, nhà bình luận quân sự Ron Ben Yishaï của nhật báo « Yediot Aharonot », được Les Echos trích dẫn, lo rằng phe lên thay thế có thể còn tệ hơn Bachar Al Assad. Quân nổi dậy Hồi giáo Sunni tấn công chế độ Damas cũng nguy hiểm không kém quân thánh chiến Shia do Iran đỡ đầu. Trong trường hợp chế độ Syria sụp đổ, một phần biên giới phía bắc Israel có thể bị « quái vật thánh chiến mới » đe dọa. Nhất là nếu phe nổi dậy lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan để chiếm các vũ khí chiến lược ở Syria như hỏa tiễn, sau đó dùng để tấn công Israel.

 

 

Nga đưa lính đánh thuê Houthi ở Yemen ra tiền tuyến Ukraina ?

Tại một chiến trường khác luôn ác liệt là Ukraina, Le Figaro lưu ý rằng « Matxcơva có thể đã tuyển mộ lính đánh thuê Houthi ở Yemen ». Theo Financial Times, mấy trăm người Yemen đang ở Nga, cho thấy ý định của Putin tuyển lính nước ngoài vì số quân Nga tử trận quá lớn, được cho là mỗi ngày có đến 1.000 lính thương vong.

 

Chuyên gia về phương đông Rouslan Souleimanov, vừa từ Yemen trở về, cho hay, trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan, người dân Yemen sẵn sàng làm mọi việc kể cả tham gia chiến tranh. Nhiều người đã hỏi ông liệu có thể đi đánh mướn cho Nga hay không. Nhật báo Anh ước tính 200 quân Houthi đã được nhận từ tháng Bảy, gởi sang Nijni Novgorod bên sông Volga để huấn luyện cơ bản trước khi đưa ra mặt trận Ukraina, và nhiều người trong số này đã tử thương. Một lính Houthi kể : « Chúng tôi luôn bị oanh kích, không có một phút nào ngơi nghỉ ». Họ bị điều đi đào giao thông hào và hầm trú ẩn trong các khu vực đầy mìn.

 

 

Dí súng vào thái dương buộc ký hợp đồng ra trận

 

Như vậy bên cạnh người Nepal, Ấn Độ, 12.000 lính Bắc Triều Tiên, đã có thêm người Yemen làm bia đỡ đạn. Tại đất nước 33 triệu dân này, cứ 10 người dân thì có 6 người sống trong cảnh cực nghèo. Tổng sản phẩm nội địa giảm mất 54 % từ khi phe Houthi nổi dậy chống chính quyền để « đấu tranh chống bá quyền phương Tây ». Financial Times cho biết việc tuyển lính đánh thuê được thực hiện thông qua một công ty « du lịch » đăng ký ở Oman, do một chính khách Houthi có ảnh hưởng lớn điều hành.

 

Abdoullah, một người Yemen, kể lại họ được hứa thưởng 10.000 đô la, lương tháng 2.000 đô la cộng với hộ chiếu Nga và việc làm trong một nhà máy chế tạo drone. Nhưng khi đến nơi, thay vì làm « bảo vệ » hay « kỹ sư », họ bị dí súng vào thái dương buộc ký hợp đồng ra tiền tuyến. Abdoullah sợ quá đã ký, nhưng anh nằm trong số 11 người may mắn được hồi hương nhờ Liên đoàn di dân Yemen can thiệp.

 

Houthi còn giúp đưa lậu vào Nga các hỏa tiễn chống tăng có hệ thống dẫn đường 9M133 Kornet, súng trường AKS20U và nhiều loại vũ khí khác. Theo The Wall Street Journal, kẻ làm trung gian trong việc thương lượng giữa Kremlin và phe Houthi không ai khác hơn là tay lái súng Viktor Bout, bị bắt giam ở Hoa Kỳ rồi cho dẫn độ về Nga năm 2022 để đổi lấy cầu thủ bóng rổ Mỹ Brittney Griner.

 





No comments:

Post a Comment