Thursday, November 21, 2024

UKRAINE : BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC CHIÊN 1.000 NGÀY (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Ukraine: Bước ngoặt của cuộc chiến 1,000 ngày

Hiếu Chân/Người Việt

November 19, 2024 : 8:19 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ukraine-buoc-ngoat-cua-cuoc-chien-1000-ngay/

 

Cuộc chiến chống xâm lược Nga của nhân dân Ukraine đã kéo dài đúng 1,000 ngày với những diễn biến mới, gây tranh cãi nhất là quyết định của chính quyền Joe Biden “cởi trói” để Ukraine được sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Mỹ tấn công các cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ Nga. Những người ủng hộ ông Biden nói rằng, quyết định đưa ra hôm 17 Tháng Mười Một quá muộn màng và không làm thay đổi cục diện chiến trường, còn những người phản đối lên án nó là “đổ dầu vào lửa,” “leo thang chiến tranh,” thậm chí khơi mào Thế Chiến Thứ III.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/1000-Ngay-Ukraine-1536x1152.jpg

Những người ủng hộ Ukraine biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm 17 Tháng Mười Một, đánh dấu 1,000 ngày Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu chấm dứt chiến tranh. (Hình: Daniel Slim/AFP via Getty Images)

 

Tin tức mới nhất cho biết, Bộ Quốc Phòng Nga xác nhận hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, quân đội Ukraine đã bắn sáu hỏa tiễn ATACMS (Army Tactical Missile System – hệ thống hỏa tiễn chiến thuật bộ binh) do Mỹ cung cấp vào một kho đạn Nga ở Karachev khu vực Bryansk, cách biên giới Ukraine hơn 110km, và bị Nga đánh chặn năm hỏa tiễn.

 

Đài CBS News dẫn nguồn từ quân đội Mỹ cũng cho biết ATACMS đã bắn vào mục tiêu bên trong nước Nga chỉ hai ngày sau quyết định “cởi trói” của ông Biden.

 

ATACMS là loại hỏa tiễn đạn đạo do Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, tầm bắn khỏang 300km, dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS, có thể tấn công chính xác các cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương. Nên để ý, trong kho vũ khí hùng hậu của quân đội Mỹ, ATACMS chỉ là loại hỏa tiễn cũ, tuổi đời hơn 40 năm và đang dần bị  thay bằng những vũ khí mới tân tiến hơn như Tomahawk, Typhoon…

 

Chỉ vài tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine đầu năm 2022, Mỹ đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine các giàn phóng hỏa tiễn pháo binh cơ động cao HIMARS gây kinh hoàng cho các đơn vị quân Nga ở chiến trường. Nhưng với tầm bắn chỉ 80km, HIMARS không đụng được các căn cứ quân sự đóng trên đất Nga – nơi xuất phát các phi đội oanh tạc cơ hoặc vô số hỏa tiễn và phi cơ không người lái (UAV) thường xuyên tấn công các thành phố và mạng lưới năng lượng Ukraine.

 

Đến cuối năm ngoái 2023, sau hơn một năm Ukraine khẩn khoản van nài, Mỹ bắt đầu cung cấp hỏa tiễn ATACMS tầm bắn 300 km nhưng ràng buộc rằng Ukraine chỉ được phép bắn ATACMS vào các mục tiêu trong vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng, không được bắn qua biên giới vào đất Nga. Người Ukraine than phiền họ có vũ khí mà không được dùng, giống như ra trận với một cánh tay bị trói sau lưng. Dẫu vậy, Ukraine cũng đã bắn ATACMS vào bán đảo Crimea, phá hủy một số trực thăng Nga hồi Tháng Mười, 2023.

 

Chính quyền Biden không cho phép quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi hỏa tiễn ATACMS vì nhiều lý do. Một là, sau nhiều năm không sản xuất, Ngũ Giác Đài chỉ có một số lượng ATACMS ít ỏi, khoảng 1,000 hỏa tiễn, mà phải dự trữ cho những điểm nóng xung đột khác, nhất là Bắc Hàn. Hai là, hiệu quả tác chiến của ATACMS sẽ không lớn do quân đội Nga đã di chuyển các căn cứ oanh tạc cơ vào sâu trong lãnh thổ Nga, ngoài tầm bắn của ATACMS. Và ba là, Mỹ và các đồng minh Châu Âu không muốn leo thang chiến tranh với một cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

 

Việc sử dụng ATACMS đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Mỹ về tình báo, dữ liệu từ vệ tinh và xác định mục tiêu, người Ukraine không tự làm được.

 

Tổng Thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng, hỏa tiễn tầm xa của Mỹ, do quân nhân Mỹ điều khiển, bắn vào lãnh thổ Nga có nghĩa là Mỹ “can dự trực tiếp” vào cuộc chiến.

Những lý do này càng ngày càng ít thuyết phục. Về leo thang chiến tranh, phương Tây đã tăng dần quy mô hỗ trợ Ukraine, từ cung cấp vũ khí phòng thủ cá nhân ban đầu như hỏa tiễn chống tăng Javelin, phi đạn phòng không vác vai Stinger đến xe tăng, xe thiết giáp và chiến đấu cơ F-16. Vũ khí phương Tây đã giúp rất nhiều cho cuộc kháng chiến của người Ukraine, gây tổn thất khủng khiếp cho quân xâm lược nhưng không đủ nhanh, đủ mạnh để làm thay đổi cán cân trên chiến trường.

 

Bây giờ thì chính Putin là người leo thang chiến tranh bằng việc cầu viện quân đội Bắc Hàn sau khi đã nhận nhiều đạn pháo và UAV cả từ Iran và Bắc Hàn. Các nguồn tin quân sự đều khẳng định đã có một sư đoàn bộ binh và 1,500 lính đặc công Bắc Hàn được đưa ra trận để giúp Nga đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực biên giới Kursk của Nga, nơi Ukraine đã chiếm vào Tháng Tám.

 

Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hiện có khỏang 11,000 lính Bắc Hàn tham chiến trong đội hình của Nga và con số này có thể tăng lên tới 100,000 người. Theo định nghĩa cổ điển, “chiến tranh thế giới là cuộc chiến có sự tham dự của quân đội từ ba nước trở lên,” thì chính Putin đã khơi mào Đệ Tam Thế Chiến khi lôi kéo quân đội Bắc Hàn vào cuộc xâm lược. Quyết định “cởi trói” cho Ukraine của Biden được coi là sự đáp trả cần thiết với đà leo thang của Nga và Bắc Hàn.

 

Quyết định của ông Biden cũng mở đường cho Anh và Pháp đưa ra quyết định tương tự của chính họ. Cho phép Ukraine sử dụng các loại hỏa tiễn Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp (có tầm bắn 250km) vào các mục tiêu trên đất Nga. Cũng như ATACMS của Mỹ, các loại hỏa tiễn tầm xa của Anh và Pháp đều cần có sự hỗ trợ của quân nhân các nước này trong việc xác định mục tiêu và điều khiển hỏa tiễn.

 

                                                           ***

Tuy tán thành quyết định “cởi trói” của ông Biden, nhiều chuyên gia quân sự nhận định việc sử dụng hỏa tiễn ATACMS không đủ để thay đổi cục diện chiến trường mà là dấu hiệu leo thang xung đột nghiêm trọng, làm dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của cuộc chiến cũng như sự can dự ngày càng rõ ràng của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Chắc chắn Nga sẽ đáp trả bằng cách gia tăng các cuộc không kích hoặc sử dụng các loại vũ khí chiến lược khác, đẩy cuộc chiến lên một cấp độ mới mà không rõ Mỹ và Châu Âu đã sẵn sàng đối mặt với những hậu quả hay chưa.

 

Ngay sau khi những trái hỏa tiễn ATACMS đầu tiên được bắn đi, Tổng Thống Putin đã cho cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga theo đó Moscow sẽ coi hành động tấn công từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào (như Ukraine) – nhưng có sự tham gia hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân (Hoa Kỳ) – là tấn công nước Nga và Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến lược hay chiến thuật.

 

Ông Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng nói dễ làm khó, cần có thời gian để xem Putin có dám làm hay không; Mỹ, Anh và Pháp, ba cường quốc hạt nhân ở phương Tây, có để cho ông ta múa gậy vườn hoang hay không.

 

Điện Kremlin ngày hôm 18 Tháng Mười Một cảnh báo rằng quyết định của ông Biden “đổ thêm dầu vào lửa.” Dân Biểu Nga Maria Butina nói với Reuters rằng chính quyền Biden đang mạo hiểm gây ra Đệ Tam Thế Chiến, “đang cố leo thang tối đa khi họ vẫn còn quyền lực.” Và bà Butina hy vọng hai tháng nữa, tổng thống tân cử Trump sẽ đảo ngược quyết định đó.

Một số nhân vật thân cận với ông Trump như tỷ phú Elon Musk, Donald Trump Jr.,  cũng lặp lại tuyên bố của Nga, lên án chính quyền Biden gây Đệ Tam Thế Chiến và thêm thách thức cho nhiệm kỳ tương lai của ông Trump. Nhưng chúng tôi cho rằng, ông Biden đã tránh cho ông Trump một lựa chọn khó khăn trong những ngày đầu cầm quyền.

 

Mỹ, thành viên chính của “thỏa thuận bốn bên” là “Bản Ghi Nhớ Budapest 1994” theo đó Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đổi lại các cường quốc Mỹ, Nga, Anh phải bảo vệ an ninh cho Ukraine. Khi Nga trở mặt biến thành kẻ xâm lược và bị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án thì Mỹ phải có nghĩa vụ giúp Ukraine tự vệ.

 

Trong 1,000 ngày qua Mỹ và EU đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ đó qua việc cung cấp vũ khí và viện trợ. Cho dù nước Mỹ sẽ thay đổi nhà lãnh đạo trong hai tháng nữa thì Washington cũng không thể từ bỏ nghĩa vụ đã cam kết. Ông Trump không thể bỏ rơi Ukraine nhưng cũng không muốn gây khó khăn cho ông Putin và trong hoàn cảnh đó quyết định muộn màng và gây tranh cãi của ông Biden đã cất một gánh nặng khỏi vai ông Trump.

 

                                                               ***

Cuộc chiến ở Ukraine chắc chắn phải kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, càng sớm càng tốt. Tổng Thống Tân Cử Donald Trump nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ cả trước khi tuyên thệ nhậm chức, dù ông không nói rõ ông sẽ làm việc đó như thế nào. Giới phân tích cho rằng, ông Trump sẽ yêu cầu hai bên Nga và Ukraine “đóng băng cuộc chiến” trong tình thế hiện tại, thiết lập vùng đệm phi quân sự trên các vùng đất mà Nga chiếm được ở miền Đông Ukraine và Ukraine cam kết không gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương trong hai mươi năm tới. Ông Putin có thể tán thành giải pháp của ông Trump nhưng ông Zelensky thì chưa chắc.

 

Phát biểu qua video trước Nghị Viện Châu Âu hôm 19 Tháng Mười Một, đúng ngày thứ 1,000 của cuộc chiến, ông Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine phải “đạt được hòa bình công bằng và chính đáng” và khẳng định “Chúng tôi không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.” Có vẻ như ông Zelensky muốn gửi thông điệp không chỉ tới các nhà lãnh đạo Châu Âu mà cả tới ông Donald Trump.

 

Dẫu vậy, ông Zelensky thừa biết rằng, nếu không có Mỹ làm đồng minh quan trọng nhất thì Ukraine không thể chống lại đội quân xâm lược của Putin cho nên ông ta không thể bác bỏ thẳng thừng những đề nghị của ông Putin mà phải ngồi vào bàn đàm phán theo đề nghị của ông Trump.

 

Ngay sau khi ông Trump tái đắc cử, ông Zelensky đã gọi điện thoại chúc mừng và tỏ ra cởi mở với những ý tưởng của ông Trump với hy vọng chiến tranh sớm kết thúc, trong năm 2025. “Chiến tranh chắc chắn sẽ kết thúc sớm hơn với các chính sách của nhóm lãnh đạo mới của Tòa Bạch Ốc,” ông Zelensky nói với báo chí Ukraine.

 

Cuộc đàm phán hòa bình nào cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế chiến trường. Vì vậy, trước khi vào bàn đàm phán, Ukraine cần cải thiện vị thế của họ, trước mắt là giữ được hơn 1,000km2 lãnh thổ tỉnh Kursk mà họ đã chiếm của Nga để làm vật trao đổi, đồng thời huỷ hoại càng nhiều càng tốt tiềm lực quân sự của Nga. Các hỏa tiễn tầm xa ATACMS tấn công các kho vũ khí, hậu cần và căn cứ không quân của Nga giúp Ukraine thực hiện ý đồ đó. Đại Tá Markus Reisner, giám đốc Nghiên Cứu và Phát Triển Học Viện Quân Sự Áo, chuyên gia về chiến tranh Nga-Ukraine, nhận định rằng hỏa tiễn ATACMS c thể giúp Ukraine giành được vị thế tốt hơn, cả trong đàm phán và trên chiến trường.

 

“Với ATACMS, người Ukraine có thể cản trở quân Nga bổ sung lực lượng. Và nó hiệu quả đến mức, cả quân đội Moscow và lực lượng bổ sung từ Bắc Hàn đều không thể ngăn chặn bước tiến của Ukraine vào lãnh thổ Nga,” ông Reisner nói.

 

Bằng những cố gắng cuối cùng, ông Biden đang cố giúp Ukraine giành lợi thế trên chiến trường, từ đó bước vào đàm phán một cách thuận lợi hơn, chấm dứt cuộc chiến mà không phải mất quá nhiều lãnh thổ hay chủ quyền quốc gia. [kn]

 





No comments:

Post a Comment