Thursday, November 21, 2024

CHỦ NGHĨA BIỆT LẬP MỸ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ ĐÓNG CỬA VÀ ĐOẠN TUYỆT VỚI THẾ GIỚI (Trình Á Văn  |   Sina Finance)

 



Chủ nghĩa biệt lập Mỹ không có nghĩa là đóng cửa và 'đoạn tuyệt với thế giới'

Trình Á Văn  |   Sina Finance

Lê Thị Thanh Loan, biên dịch

19/11/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/11/19/chu-nghia-biet-lap-my-khong-co-nghia-la-dong-cua-va-doan-tuyet-voi-the-gioi/

 

Sau 4 năm rời Nhà Trắng, Trump sẽ trở lại Phòng Bầu dục để bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm lần thứ hai của mình.

 

Căn cứ vào những hành động của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và ngôn từ của ông trong chiến dịch tranh cử, dư luận toàn cầu nhìn chung dự đoán rằng, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố lập trường chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” và trong lương lai sẽ rút khỏi hệ thống thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra tác động như thế nào đến thế giới cũng như sẽ ảnh hưởng ra sao đến bản thân nước Mỹ? Những vấn đề này đang thu hút sự chú ý cao độ.

 

 

Mỹ từng hoàn thành công nghiệp hóa trong thời kỳ “phân tách”

 

Khi Trump và một số người Mỹ mà ông đại diện từng nhiều lần bày tỏ quan điểm chống toàn cầu hóa và có ý định “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách áp đặt mức thuế quan cao, dựng lên các rào cản thương mại và khôi phục ngành sản xuất, họ có lẽ đang nhớ về lịch sử công nghiệp hóa của nước Mỹ trong quá khứ.

 

Thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được coi là thời kỳ Mỹ theo đuổi “chủ nghĩa biệt lập”. Đây cũng chính là thời kỳ mà Mỹ đứng lúc gần lúc xa với trào lưu toàn cầu hóa do Anh và châu Âu thúc đẩy lúc bấy giờ, nhưng lại lột xác từ một “nước đang phát triển” thành một nước công nghiệp hóa và trỗi dậy thành công.

 

Trong cuốn sách Chủ nghĩa bảo hộ: Bí mật trỗi dậy của nền kinh tế Mỹ (1815-1914), nhà kinh tế học người Mỹ Michael Hudson cho chúng ta thấy một bức tranh về quá trình công nghiệp hóa và sự trỗi dậy về kinh tế của nước Mỹ trong thế kỷ 19. Khác với ấn tượng hay tưởng tượng thông thường của mọi người, thương mại tự do và sự cởi mở với thế giới bên ngoài không phải là điều kiện bắt buộc cho sự trỗi dậy của nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ 19, mà ngược lại, đó có thể là những yếu tố hạn chế.

 

Hai chỉ số quan trọng để đo lường độ mở của nền kinh tế của một quốc gia là thuế suất và thái độ đối với đầu tư nước ngoài. Việc đặt ra mức thuế quan thấp đối với ngoại thương và cho phép đầu tư nước ngoài tham gia ở ngưỡng thấp cho thấy mức độ mở cửa kinh tế cao, còn ngược lại thì thể hiện mức độ mở cửa kinh tế thấp. Trong thời kỳ trỗi dậy của mình, Mỹ không phải là cái mà người ta thường gọi là một nền kinh tế mở, mà phát triển tương đối khép kín. Cũng trong thời kỳ này, Mỹ đã hoàn thành quá trình chuyển đổi hiện đại hóa từ nền kinh tế nông nghiệp và xã hội nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và xã hội đô thị, đồng thời trỗi dậy thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

 

Trong thời kỳ công nghiệp hóa tương đối khép kín ở Mỹ, thế giới đang trải qua làn sóng toàn cầu hóa chủ yếu được thúc đẩy bởi Anh và châu Âu. Đối với điều này, lựa chọn của Mỹ không phải “hội nhập” mà là “cách xa”, tức là tham gia toàn cầu hóa một cách có chọn lọc và ở một mức độ hạn chế, hay thậm chí là cố ý giữ khoảng cách với nó.

 

Mỹ duy trì mức thuế cao trong suốt thế kỷ 19, đặc biệt là trong giai đoạn sau Nội chiến Mỹ. Hãy đưa ra một số ví dụ, thuế suất của Mỹ là 35% vào năm 1816, 35%-45% vào năm 1820, lên đến 50% vào năm 1828, vẫn ở mức 40%-50% vào năm 1875 và 44% vào năm 1914. Trong giai đoạn này, Đạo luật Thuế McKinley (McKinley Tariff) được thông qua năm 1890 đã khiến Mỹ trở thành nước có mức thuế suất cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp hóa, đồng thời cũng khiến nước này phải đối mặt với áp lực rất lớn từ bên ngoài.

 

Cuối cùng, nền kinh tế Mỹ đã trỗi dậy dưới sự bảo hộ thuế quan vững chắc đó. Việc thực thi bảo hộ thuế quan và các chính sách thúc đẩy phát triển ngành sản xuất đã tạo điều kiện để công nghiệp và thương mại Mỹ thoát khỏi sự kiểm soát của Anh và hình thành nên một thị trường nội địa thống nhất. Cùng với đó là việc xây dựng đường quốc lộ, đào kênh và phát minh ra tàu hơi nước, thương mại nội địa ở Mỹ đã phát triển nhanh chóng, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ được thiết lập giữa các bang cuối cùng đã vượt qua ngoại thương.

 

Một khía cạnh quan trọng khác trong lựa chọn phát triển biệt lập và sự trỗi dậy về kinh tế của Mỹ trong thế kỷ 19 là nước này rất coi trọng nhu cầu và thị trường nội địa, cũng như đã công nghiệp hóa thành công bằng cách phát triển thị trường nội địa và mở rộng nhu cầu trong nước.

 

Trong cuốn sách của mình, Hudson mô tả sự tồn tại của một “trường phái Mỹ” trong quá trình công nghiệp hóa của nước Mỹ vào thế kỷ 19. Họ cho rằng, chỉ khi kinh tế Mỹ hoàn toàn cách xa khỏi Anh và các nước công nghiệp phát triển khác, Mỹ mới có thể bảo vệ được độc lập đúng nghĩa; do sự tăng trưởng của nhu cầu trong nước có thể huy động vốn cho việc mở rộng kinh tế, Mỹ không cần phải dựa vào thị trường nước ngoài. Lý thuyết này đã định hướng việc xây dựng các chính sách kinh tế khi Mỹ nổi lên như một cường quốc công nghiệp và nông nghiệp thế giới vào thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là đối với chính sách thuế quan và chiến lược phát triển của Mỹ sau cuộc Nội chiến.

 

Quá trình công nghiệp hóa ở Mỹ vào thế kỷ 19 chủ yếu được đặc trưng bởi chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp và chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Các nhà bảo hộ công nghiệp rất coi trọng việc bảo hộ thuế quan và phát triển thị trường nội địa, đồng thời tin rằng giữa công nghiệp và nông nghiệp có thể hình thành một mối quan hệ bổ trợ. Nhiều người như Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ Alexander Hamilton, Ngoại trưởng thứ 9 Henry Clay và nhà xuất bản nổi tiếng Mathew Carey đều ủng hộ chủ trương này. Để nuôi dưỡng thị trường mang tính toàn quốc, vào thế kỷ 19, Mỹ đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ thống giao thông trên toàn quốc, nhằm kết nối các miền Bắc Nam Đông Tây và biến cả nước thành một hệ thống kinh tế.

 

Ngoài ra, có lẽ có nhiều người cho rằng, cơ quan nông nghiệp của chính phủ liên bang Mỹ được thành lập năm 1862 và đổi tên thành Bộ Nông nghiệp (United States Department of Agriculture, viết tắt: USDA) vào năm 1889, được thành lập dưới sự thúc đẩy của các nhóm lợi ích trong ngành nông nghiệp. Thực ra không phải vậy, nó là một thể chế và cơ cấu tổ chức mang tính biểu tượng được tạo ra cho quá trình công nghiệp hóa. Để thúc đẩy nhu cầu trong nước và đào sâu thị trường nội địa, Đảng Công nghiệp Mỹ ở thế kỷ 19 dành sự quan tâm cao độ cho nông nghiệp. Họ phản đối phong trào mở rộng về phía Tây và cho rằng công nghiệp hóa đòi hỏi phải tập trung dân cư. Ngược lại, ngành nông nghiệp ở miền Nam lại không tích cực đến vậy trong việc thành lập Bộ Nông nghiệp, nhưng lại quan tâm đến việc mở rộng về phía Tây để mở rộng phạm vi canh tác nông nghiệp.

 

Nếu so sánh, sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ không phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài như một số nước công nghiệp hóa khác. Từ những năm 1820 đến những năm 1920, xuất khẩu chỉ chiếm 6%-7% tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ. Hơn nữa, Mỹ khi ấy cũng không mấy nhiệt tình với việc tham gia vào làn sóng toàn cầu hóa, có thể thấy điều này qua thái độ của nước này đối với vốn nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.

 

Sau Nội chiến, Mỹ đặt ra chính sách thuế quan cao đối với các sản phẩm nhập khẩu. Để tránh mức thuế cao, các nước châu Âu đã tăng cường đầu tư trực tiếp (FDI) vào Mỹ. Trong số đó, quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Mỹ là Anh, đồng thời Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Thụy Sĩ cũng đổ một lượng lớn FDI vào Mỹ. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ % trong tổng mức đầu tư, FDI chỉ chiếm tối đa 10% tổng mức đầu tư của Mỹ. Còn khi xem xét riêng FDI vào ngành sản xuất, nếu xét đến quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa ở Mỹ trong khoảng từ năm 1870 đến năm 1914, con số này thậm chí còn nhỏ hơn.

 

Trong thời kỳ này, mặc dù FDI tăng trưởng nhưng tỷ lệ thất bại của đầu tư nước ngoài tương đối cao và thời gian đầu tư cũng tương đối ngắn. Nhiều khoản đầu tư chẳng mấy chốc đã thuộc sở hữu của người Mỹ hoặc hoàn toàn phá sản. Điều này cho thấy, FDI chưa tạo được chỗ đứng ở Mỹ. Quy mô và mức độ của nó còn tương đối hạn chế, còn xa mới đạt đến mức độ kiểm soát nền kinh tế Mỹ. Năm 1913, Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, chiếm 40,9%, trong khi Mỹ chỉ chiếm 8,0%, thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu. Có thể thấy, Mỹ vẫn chưa tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế như các nước châu Âu.

 

Vào thế kỷ 19, Mỹ giữ khoảng cách với hệ thống kinh tế toàn cầu lúc bấy giờ, “tách khỏi” Anh ở cấp độ chính sách và kéo giãn khoảng cách với lý thuyết thương mại tự do của Anh về mặt tư tưởng kinh tế và hệ thống nhận thức. Ban đầu, nước này tập trung vào “đặc tính Mỹ”, tức là đặc thù hóa nước Mỹ, nhưng với nỗ lực không ngừng của những người theo chủ nghĩa bảo hộ lúc đó, Mỹ đã dần chuyển hóa những tư tưởng như ưu tiên công nghiệp hóa, “tách khỏi” thị trường quốc tế, dựa vào thị trường nội địa và chủ nghĩa lạc quan về công nghệ, thành những nhận thức phát triển đất nước mang ý nghĩa phổ quát.

 

Chỉ sau khi bước vào thế kỷ 20, khi trỗi dậy thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và việc tiếp tục theo đuổi chiến lược biệt lập và bảo hộ thuế quan không còn có lợi cho việc mở rộng ra nước ngoài, Mỹ mới từ bỏ các học thuyết và chính sách kinh tế với cốt lõi là chủ nghĩa bảo hộ để quay sang đón nhận thị trường toàn cầu và thương mại tự do.

 

 

Mặt khác của sự biệt lập: Bành trướng toàn cầu

 

Nhìn từ góc độ lịch sử Mỹ, chủ nghĩa biệt lập mà Mỹ từng theo đuổi có hai khía cạnh chính: một là phát triển độc lập về kinh tế, giữ khoảng cách với quá trình toàn cầu hóa do châu Âu dẫn dắt và tránh bị gạt ra bên lề vĩnh viễn; hai là không can thiệp vào các công việc nội bộ của châu Âu – trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới, nhưng không có nghĩa là không tham gia vào các vấn đề của những khu vực khác trên thế giới.

 

Người ta thường cho rằng, ý tưởng chủ nghĩa biệt lập của Mỹ bắt nguồn từ lời cảnh báo của vị tổng thống đầu tiên Washington về việc không tham gia vào các vấn đề của châu Âu, và sự hình thành của nó có liên quan đến “Tuyên bố Monroe”.

 

Năm 1832, Tổng thống Mỹ James Monroe đọc Thông điệp Liên bang để đáp trả những nỗ lực của “Liên minh Thần thánh” châu Âu trong việc can thiệp vào cuộc Cách mạng Mỹ. Ông đề xuất ba nguyên tắc cốt lõi: phản đối các cường quốc châu Âu thiết lập các thuộc địa mới ở châu Mỹ, phản đối các cường quốc châu Âu can thiệp vào các nước châu Mỹ đã giành được độc lập, tuyên bố rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Âu, điều này thường được gọi là nguyên tắc của chủ nghĩa biệt lập.

 

Ngày nay, nhiều người Trung Quốc thường nhấn mạnh rằng Trung Quốc chỉ thích hợp “lo cho tốt việc của mình”, chứ không có khả năng cũng như tư cách quản lý người khác. Nước Mỹ vào thời điểm đó không thiếu những lời như vậy. Năm 1893, Walter Q. Gresham, Ngoại trưởng trong chính quyền Cleveland nhiệm kỳ thứ hai, đề xuất rằng Mỹ nên “ở trong nước và tập trung vào việc của mình”, nếu không, “họ sẽ rơi xuống địa ngục bằng hết khả năng”. Người ta có xu hướng lý giải chủ nghĩa biệt lập của Mỹ khi đó là một lựa chọn chính sách ngoại giao, nhưng điều này mang tính phiến diện. Nó còn có biểu hiện rõ nét trong những lựa chọn ở cấp độ kinh tế hay chiến lược phát triển quốc gia – biểu hiện ở việc chủ động “cách xa” khỏi xu hướng toàn cầu hóa. Có lẽ điều này còn có tác động sâu sắc hơn đối với Mỹ.

 

Tuy nhiên, liệu Mỹ có thực sự đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài và không mong cầu gì ở bên ngoài như một số ý kiến? Nếu đúng như vậy thì có một thực tế khó hiểu: Nước Mỹ đã làm thế nào để mở rộng từ 13 bang khi mới thành lập lên gần 50 bang vào cuối thế kỷ 19? Chính trong bóng đêm của hỗn loạn và chiến tranh nội bộ, người Mỹ đã bắt đầu giấc mơ trở thành lãnh đạo thế giới.

 

Năm 1885, trong cuốn Xem xét ý tưởng chính trị của Mỹ từ quan điểm lịch sử toàn cầu, John Fiske, một người theo chủ nghĩa Darwin xã hội, đã nhấn mạnh rằng, chủng tộc nói tiếng Anh sẽ thống trị thế giới và biến đổi hoàn toàn chế độ, truyền thống, ngôn ngữ, thậm chí cả máu của các dân tộc trên thế giới. Vào năm 1866, William H. Seward, Ngoại trưởng của Tổng thống Andrew Johnson, đã dự đoán rằng Mỹ chắc chắn sẽ thống trị thương nghiệp ở “Thái Bình Dương cùng các đảo và lục địa của nó”. Trong cuốn Chủ nghĩa đế quốc năm 1902, nhà kinh tế học J. A. Hobson tuyên bố rằng chủ nghĩa đế quốc là “nhân tố mạnh mẽ nhất trong chính trị đương đại ở thế giới phương Tây”.

 

Ví dụ điển hình nhất là Thuyền trưởng Hải quân Alfred Thayer Mahan. Vào năm 1890, ông xuất bản cuốn sách Ảnh hưởng của sức mạnh biển đến lịch sử từ 1660 đến 1783  và cho rằng, sự vĩ đại và thịnh vượng của một quốc gia đều bắt nguồn từ sức mạnh biển, qua đó chủ trương sự kiểm soát mạnh mẽ của Mỹ đối với vùng Caribe, việc xây dựng kênh đào eo đất nối Thái Bình Dương với vùng Caribe và sự truyền bá văn minh phương Tây ở Thái Bình Dương. Theodore Roosevelt cũng ủng hộ Mỹ tiến vào Thái Bình Dương và cho rằng Thái Bình Dương nên thuộc về Mỹ. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Lương Khải Siêu, người đã đến thăm Mỹ vào năm 1903 và còn đặc biệt đề cập đến nó trong cuốn Du hành tới lục địa mới được viết sau khi ông về nước.

 

Nhìn từ diễn biến thực tế trong lịch sử, không phải trong và sau Thế chiến thứ hai, Mỹ mới nghĩ đến việc làm phong phú thêm giấc mơ Mỹ và hiện thực hóa “vận mệnh hiển nhiên” kiểu Mỹ trên quy mô rộng hơn; Mỹ cũng không thực sự mưu cầu sự “biệt lập”, nhiều hành động của nước này nói với mọi người rằng: Thế giới có phần của Mỹ.

 

Cuốn sách Một quốc gia nguy hiểm: Vị thế thế giới của nước Mỹ từ nguồn gốc đến đầu thế kỷ 20 của nhà sử học người Mỹ Robert Kagan cho mọi người thấy một nước Mỹ khác mà đã đầy tham vọng ngay từ khi ra đời. Phải từ Thế chiến thứ hai trở về sau, Mỹ mới trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu, tuy nhiên, Mỹ đã bành trướng trên khắp châu Mỹ ngay từ khi mới lập quốc và đã sớm xác lập được vị thế lãnh đạo ở đây. “Tuyên bố Monroe” năm 1823 tuyên bố rằng châu Mỹ là châu Mỹ thuộc về người Mỹ châu. Hàm ý của nó là các cường quốc châu Âu không thể tiếp tục can thiệp vào châu Mỹ nữa, đây là “thiên hạ” của người Mỹ và các vấn đề của châu Mỹ phải do nước Mỹ quản lý.

 

Châu Mỹ là nơi nước Mỹ bắt đầu vai trò là quốc gia lãnh đạo, chủ nghĩa biệt lập thực chất chỉ là biệt lập khỏi những vấn đề của châu Âu, còn ngay trước ngưỡng cửa nước Mỹ, đó thực chất là chủ nghĩa châu Mỹ.

 

Vào thời điểm đó, Mỹ cho rằng châu Âu là Cựu Thế giới theo chế độ quân chủ chuyên chế và duy trì một nền văn hóa chính trị lạc hậu. Thêm vào đó, các nước châu Âu đánh qua đánh lại vô cùng hỗn loạn, Mỹ không nên sa vào vũng lầy rắc rối của châu Âu. Trong khi đó, châu Mỹ là Tân Thế giới đã mở ra một hướng đi mới cho nền cộng hòa dân chủ. Được xây dựng như “thành phố trên đỉnh đồi” của nền văn minh nhân loại, Mỹ muốn “bảo vệ” toàn bộ châu Mỹ khỏi ô trọc của chế độ quân chủ ở Cựu Thế giới và thúc đẩy tự do dân chủ kiểu Mỹ.

 

Mỹ biệt lập với châu Âu không đồng nghĩa với việc biệt lập với toàn bộ thế giới. Ở địa bàn châu Mỹ, Mỹ phải tiếp tục gieo trồng và truyền bá các tiêu chuẩn và giá trị Mỹ. Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội năm 1904, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt đã đề xuất cái mà về sau được gọi là Hệ quả Roosevelt của Học thuyết Monroe: Tóm lại, nếu Học thuyết Monroe là nguyên tắc cấm người châu Âu can thiệp vào công việc của châu Mỹ, vậy thì Mỹ có lý do để áp dụng hành động can thiệp trước ngay trước mắt người ngoài.

 

Trong bài phát biểu rời nhiệm kỳ năm 1796, tổng thống đầu tiên của Mỹ Washington đề xướng chủ nghĩa biệt lập vì Mỹ khi đó tương đối yếu và không đủ mạnh để cạnh tranh với các cường quốc châu Âu ở những vùng đất khác. Cái gọi là biệt lập chỉ có nghĩa là không sa vào vũng lầy của châu Âu, còn với những nơi ngoài châu Âu thì khác.

 

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Mỹ dần chuyển mình thành quốc gia dẫn đầu thế giới. Khi đó, Mỹ đã áp dụng ba phương thức đối với vấn đề can thiệp bên ngoài: ở phía Đông, áp dụng chiến lược “chúng tôi không can thiệp” đối với châu Âu để tránh bị cuốn vào các cuộc chiến tranh; ở phía Nam, áp dụng chiến lược “các anh đừng can thiệp” của Học thuyết Monroe đối với châu Mỹ Latinh; ở phía Tây bên kia Thái Bình Dương, áp dụng chiến lược mở cửa “chúng ta đều can thiệp”.

 

Vì vậy, sẽ là một sai lầm lớn nếu lý giải chủ nghĩa biệt lập của Mỹ chỉ đơn giản là đóng cổng lại và lo cho tốt việc của mình. Trước khi trở thành một cường quốc toàn cầu, Mỹ trước hết đã trở thành một cường quốc khu vực ở châu Mỹ, có quyền và ý định phát biểu về các vấn đề khu vực. Mỹ là trung gian hòa giải trong quan hệ quốc tế ở châu Mỹ, là nước tham gia chính vào các vấn đề khu vực và là nhà thiết kế các thể chế quốc tế. Ở những nơi khác trên thế giới ngoài châu Âu, Mỹ cũng lựa chọn chính sách can dự khi có thể. Nước này không những biệt lập với thế giới mà còn ngày càng can dự chặt chẽ hơn vào thế giới.

 

Hướng tới chủ nghĩa biệt lập hay thu hẹp chiến lược?

 

Trump và Đảng Cộng hòa Mỹ hiện tại đã thể hiện rõ sự phản đối toàn cầu hóa và ý định vực dậy ngành sản xuất thông qua cách thức bảo hộ thuế quan kiểu thế kỷ 19; đồng thời tuyên bố sẽ rút khỏi các cơ chế và tổ chức quốc tế như Thỏa thuận Khí hậu Paris, để các đồng minh chia sẻ nhiều chi phí quân sự hơn và không sẵn sàng đảm nhận nhiều nghĩa vụ quốc tế. Những điều này đã được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và có thể sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nước Mỹ của Trump sẽ bước vào chủ nghĩa biệt lập mà mọi người thường hiểu là “rời bỏ thế giới”. Nguyên nhân nằm ở chỗ: một là đây có thể không phải là chủ ý của Trump và Đảng Cộng hòa; hai là nó cũng không chắc có thể đạt được hiệu quả tương tự như khi Mỹ lựa chọn theo chủ nghĩa biệt lập vào thế kỷ 19.

 

Tất nhiên, đối chiếu với thực tế rằng Mỹ vào thế kỷ 19 là sự pha trộn giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đế quốc, chúng ta có thể nhận định từ cấp độ thấp nhất rằng, Mỹ có thể quay trở lại chủ nghĩa biệt lập với 3 cấp độ chính: một là về mặt kinh tế, rút ​​khỏi thương mại tự do, áp dụng mức thuế cao để vực dậy ngành sản xuất của Mỹ; hai là về mặt chính trị, từ bỏ chủ nghĩa đa phương và từ chối đảm nhận nhiều trách nhiệm quốc tế mà nước này từng đảm nhận trong quá khứ; ba là về mặt văn hóa và chủng tộc, đóng cửa đối với người nhập cư, xây dựng lại vị thế chủ thể của văn hóa Tin Lành và làm rõ lại các ranh giới chính trị, văn hóa của đất nước. Ngoài ra, vì lợi ích tự thân của quốc gia và kế hoạch “vĩ đại trở lại”, Mỹ vẫn sẽ duy trì hoặc tạo dựng các mối liên hệ mới với các khu vực khác trên thế giới, nhưng cách thức tham gia cụ thể sẽ khác so với trước đây.

 

Nước Mỹ ngày nay thực sự cần một vài thay đổi. Các cường quốc luôn sụp đổ do bành trướng quá mức. Trong thế kỷ qua, Mỹ đã trải qua quá trình “đế quốc hóa”, nước này một mặt đã sử dụng chủ nghĩa tân tự do làm động lực về khái niệm để thúc đẩy toàn cầu hóa được đặc trưng bởi tự do thương mại, vốn và công nghệ từ những năm 1980; mặt khác lại sử dụng chủ nghĩa đa phương theo một trật tự cao thấp để thúc đẩy bá quyền toàn cầu của Mỹ thông qua cả thưởng và phạt.

 

Nhằm phục vụ tầm nhìn đế quốc về chủ nghĩa toàn cầu, Mỹ chuyển sang “chính phủ nhỏ” trong nội bộ, kinh tế thì tiếp tục thực hiện tư nhân hóa và nới lỏng kiểm soát vốn, thể chế chính trị và hệ tư tưởng liên quan là “phổ cập dân chủ”, ở cấp độ văn hóa giá trị quan là “chủ nghĩa đa nguyên”, làm giảm khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo…

 

Tính đa nguyên được thể hiện ở cả đối nội và đối ngoại này đã trở thành một loại “quyền lực mềm” của Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những thay đổi và thách thức: Đã xuất hiện một nước Mỹ mà ở đó ý nguyện tư bản và ý chí chính trị đã không còn song hành và phục vụ lợi ích tổng thể của người Mỹ, một nước Mỹ mà đã không còn chủ thể cốt lõi về chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Nó đã lật đổ cái gọi là “đặc tính Mỹ” trong quá khứ và một lần nữa đặt ra câu hỏi “làm thế nào để trở thành một quốc gia” – vấn đề mà nước Mỹ từng phải đối mặt trong thế kỷ 19. Hai cuộc chiến sau khi bước vào thế kỷ 21 lại càng làm tiêu hao nghiêm trọng sức mạnh quốc gia của Mỹ. Từ nhiều khía cạnh, Mỹ đang gặp phải “sự mất cân đối về chính trị”. Do đó, ở cả đối nội và đối ngoại, nước này cần “tinh giản quân đội và hành chính” để giảm chi tiêu và hao tổn quốc gia.

 

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không vì vậy mà “rời bỏ thế giới”. Vào thế kỷ 19, Mỹ vẫn là một quốc gia tương đối ngoại vi trong hệ thống quốc tế. Chủ nghĩa biệt lập của nước này có mục đích “cách xa” ở một mức độ nhất định khỏi trung tâm kinh tế và chính trị châu Âu lúc bấy giờ, nhằm đảm bảo sự phát triển tự thân, thực hiện sự trỗi dậy và về sau đã trở thành một quốc gia toàn cầu như một tiêu chí cho thấy sự “vĩ đại” của nó. Nước Mỹ ngày nay đã sớm trở thành quốc gia trung tâm trong hệ thống quốc tế và nó chỉ có thể “vĩ đại trở lại” bằng cách duy trì ảnh hưởng toàn cầu. Không thể đạt được điều này bằng cách “rời bỏ thế giới”.

 

Đánh giá từ ngôn từ và cương lĩnh của chiến dịch tranh cử, giữa Trump và Đảng Cộng hòa tồn tại một vài điểm trái ngược trong việc theo đuổi chính sách. Đẩy mạnh thuế quan đồng nghĩa với việc “tách rời” về kinh tế, nhưng Trump và Đảng Cộng hòa lại cam kết tăng cường năng lực kinh tế, quân sự và ngoại giao, xây dựng lại quân đội và các liên minh, đồng thời đảm bảo rằng quân đội Mỹ là lực lượng mạnh nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới, cũng như bảo vệ vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD. Liệu một quốc gia theo đuổi chủ nghĩa biệt lập có còn cần duy trì quân đội hùng mạnh nhất thế giới? Vị thế là đồng tiền dự trữ của USD sẽ được bảo vệ như thế nào trong tình trạng “biệt lập”?

 

Khi sử dụng cụm từ “trở lại với chủ nghĩa biệt lập” để khái quát chính sách đối ngoại của chính quyền Trump trong tương lai, chúng ta không được hiểu theo nghĩa đen và cho rằng Mỹ kể từ nay sẽ “đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài”. Không, quân đội hùng mạnh nhất thế giới và vị thế là đồng tiền dự trữ của USD không tồn tại để bảo vệ sự “biệt lập” của Mỹ. Nước Mỹ của Trump chỉ là muốn điều chỉnh cách thức Mỹ can thiệp vào thế giới trong quá khứ, giảm một lượng lớn các nghĩa vụ quốc tế của Mỹ, đồng thời duy trì và nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ với chi phí thấp nhất.

 

Cũng xét theo những điều trên, việc lý giải “chủ nghĩa biệt lập” một cách chuẩn xác là điều cần thiết. Thay vì nói rằng Mỹ đang đi theo hướng “biệt lập”, sẽ tốt hơn nếu nói Mỹ đang tiến hành một đợt thu hẹp chiến lược mới. Điều này thực ra không bắt đầu từ Trump. Vào ngày 30/8/2021, khi chiếc máy bay vận tải C-17 cuối cùng của quân đội Mỹ cất cánh từ Sân bay Quốc tế Kabul, cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan đã kết thúc với việc Mỹ rút quân. Đây là dấu mốc cho thấy, Mỹ đang giảm đầu tư vào lục địa Á-Âu.

 

Chính quyền Biden cũng đã thực hiện thu hẹp chiến lược ngay trong nhiệm kỳ của mình và điều này sẽ được đẩy nhanh và mạnh hơn khi chính quyền Trump nhậm chức. Sự khác biệt giữa hai bên nằm ở chỗ: So với chính quyền Biden, chính quyền Trump trong tương lai sẽ ít cân nhắc đến lợi ích của các đồng minh hơn, đồng thời cũng sẽ đòi hỏi các đồng minh phải cùng bảo vệ vị thế ưu tiên của Mỹ; phạm vi và mức độ thu hẹp chiến lược sẽ phụ thuộc vào việc liệu điều đó có thể giúp Mỹ thiết lập lại vị thế thống trị trong ngành sản xuất, củng cố lại “đặc tính Mỹ” với văn hóa Tin Lành làm trọng tâm và nâng cao toàn diện khả năng cạnh tranh quốc tế của Mỹ hay không.

 

Thu hẹp chiến lược không phải là điều gì mới mẻ đối với Mỹ. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã có hai sự thu hẹp chiến lược. Đó là sau Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam, sự thu hẹp chiến lược đã làm giảm đáng kể sự tổn hao sức mạnh quốc gia và giúp Mỹ có vốn liếng để xưng bá. Trump sẽ thúc đẩy sự thu hẹp chiến lược thứ ba của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Không giống hai lần thu hẹp chiến lược trước đó vốn tập trung vào việc giảm bớt gánh nặng bên ngoài, lần thu hẹp chiến lược tới đây sẽ không chỉ làm giảm trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mà còn điều chỉnh mạnh mẽ chính trị trong nước và cơ cấu kinh tế, văn hóa, nhằm tái thiết một nền tảng quốc gia vững chắc cho sự “vĩ đại trở lại” của nước Mỹ.

 

Sự thu hẹp chiến lược này đồng nghĩa với những thay đổi lớn trong quan hệ đối nội và đối ngoại của Mỹ. Về mặt đối ngoại, Mỹ sẽ giảm bớt sự chú ý và sự tập trung vào các vấn đề lớn. Điều này có thể khiến hệ thống bá quyền do Mỹ thiết lập kể từ sau Thế chiến thứ hai sụp đổ. Tất nhiên, nước này cũng có thể sẽ gia tăng áp lực chiến lược lên Trung Quốc. Vào cuối Chiến tranh Việt Nam, để đối phó với “đối thủ chiến lược chính” là Liên Xô, Mỹ đã chọn cách hòa giải với Trung Quốc – một quốc gia có những khác biệt quan trọng về ý thức hệ và hệ thống chính trị, cũng như luôn có quan hệ đối địch với Mỹ. Cách tiếp cận này có khả năng sẽ lặp lại trong thời gian và không gian mới. Một số người cho rằng, Trump có xuất thân là một doanh nhân và mọi thứ đều có thể thương lượng được, nhưng họ cũng phải thấy rằng với tư cách là tổng thống, Trump không còn là một doanh nhân mà là một chính trị gia. Ông cần xem xét đến kinh tế, nhưng không thể chỉ có kinh tế, khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” là chính trị.

 

Xu hướng “biệt lập” cũng sẽ làm thay đổi sâu sắc các mối quan hệ nội bộ, tuy nhiên, sẽ không dễ để thúc đẩy những thay đổi về cơ cấu trong các mối quan hệ nội bộ theo hướng mong đợi. “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách quay lại con đường ở thế kỷ 19 chắc chắn sẽ nảy sinh xung đột với truyền thống mới mà Mỹ đã hình thành với tư cách là một “đế quốc toàn cầu” kể từ giữa và cuối thế kỷ 20.

 

Mọi thứ đều được thúc đẩy bởi lợi ích. Trong quá trình trở thành một “đế quốc toàn cầu” suốt 80 năm qua, Mỹ đã hình thành một cơ cấu lợi ích mới tương đối vững chắc, các công ty lớn và một bộ phận người Mỹ được hưởng lợi từ thương mại tự do, thị trường cởi mở và văn hóa đa nguyên, nhưng cũng có nhiều người phải chịu thiệt thòi vì điều này. Họ không thể đồng thời thỏa mãn những nhu cầu lợi ích mâu thuẫn lẫn nhau bằng cùng một hệ tư tưởng và thỏa thuận thể chế, mà buộc phải đạt được sự thỏa hiệp lợi ích nhất định thì mới có giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại thì không có không gian cho sự thỏa hiệp, đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ ngày càng gia tăng.

 

Chúng ta cũng phải lưu ý rằng, như Giovanni Arrighi đã nói, bá quyền của Mỹ kể từ giữa và cuối thế kỷ 20 thực chất là kết quả của những thay đổi mang tính chu kỳ trong hệ thống tích lũy tư bản chủ nghĩa. Khi chu kỳ tích lũy của Anh sụp đổ vào nửa sau thế kỷ 20, Mỹ với tư cách là nước công nghiệp hóa lớn nhất vào thời điểm đó, đã xuất hiện kịp thời và lấp đầy khoảng trống quyền lực trong việc tái thiết không gian kinh tế và chính trị toàn cầu.

 

Tuy nhiên, nếu Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi toàn cầu hóa và ngừng cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu thì vai trò lãnh đạo toàn cầu của nó cũng sẽ không còn. Nó sẽ lặp lại câu chuyện của thế kỷ 19 như thế nào? Trong hệ thống kinh tế toàn cầu cuối thế kỷ 19, tuy ở vị trí tương đối ngoài lề nhưng Mỹ lại có quy mô dân số lớn nhất và cũng là thị trường quốc dân lớn nhất trong số các nước công nghiệp hóa lúc đó. Đây là tiền đề lịch sử để Mỹ trở thành trung tâm tích lũy mới của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, Mỹ đã không còn là thị trường quốc dân lớn nhất, cũng không còn là nền kinh tế thực lớn nhất thế giới. Khi Mỹ lựa chọn “rút lui” khỏi trung tâm tích lũy tư bản chủ nghĩa, liệu thế giới có đủ kiên nhẫn để chờ nó “sống lại” hay không?

 

Trump muốn dựa vào thị trường nội địa để tái thiết ngành sản xuất như vào thế kỷ 19, sợ rằng điều này khó thành hiện thực. Một trong những điều kiện cơ bản để phát triển công nghiệp trong thế giới hiện đại là thị trường. Nếu muốn giành được lợi thế trong nền kinh tế thực, một quốc gia phải dựa vào quy mô thị trường nội địa đủ lớn, hoặc phát triển một thị trường quốc tế đủ lớn. Khi không có cả hai khía cạnh này, việc tái thiết ngành sản xuất nhiều cạnh tranh chắc chắn chỉ là một giấc mộng viển vông, và việc “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” cũng chỉ là một điều thiếu căn cứ.

 

----------------------------

Tác giả Trình Á Văn là giáo sư Viện Quan hệ quốc tế và Công vụ của Đại học Ngoại Ngữ Thượng Hải.

 

Nguồn: Trình Á Văn, 亚文:把美国的孤立主义理解成只管好它自己,是大错特错Sina Finance, 13/11/2024.

 

 


.

.

.

No comments:

Post a Comment