Việt
Nam trở lại mô hình ‘tứ trụ,’ lợi hay hại?
Hiếu Chân/Người Việt
October
22, 2024 : 9:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/viet-nam-tro-lai-mo-hinh-tu-tru-loi-hay-hai/
Sự
kiện ông Lương Cường được bầu làm chủ tịch nước, cơ chế lãnh đạo Việt Nam quay
trở lại mô hình “tứ trụ.” Mô hình đó có cân bằng được quyền lực, có tạo ra được
sự ổn định chính trị cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế hay không?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/A1-Mo-hinh-tu-tru-1536x1024.jpg
Ông
Lương Cường (giữa), đại tướng quân đội, thường trực Ban Bí Thư đảng Cộng Sản Việt
Nam (CSVN), vừa được bầu làm chủ tịch nước hôm 21 Tháng Mười. (Hình: Nhac
Nguyen/AFP via Getty Images)
Chiều
Thứ Hai, 21 Tháng Mười, kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa 15 đã bầu ông Lương Cường, đại
tướng quân đội, thường trực Ban Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), làm chủ tịch
nước sau khi miễn nhiệm chức vụ này của ông Tô Lâm.
Ông
Lương Cường sau đó đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành chủ tịch nước thứ tư chỉ
trong nhiệm kỳ Quốc Hội 2021-2025, sau các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng
và Tô Lâm, trong đó thời gian làm nguyên thủ quốc gia của ông Tô Lâm là ngắn nhất,
chỉ năm tháng.
Thực
ra cuộc bỏ phiếu 100% (440/440) chấp thuận của Quốc Hội Việt Nam chiều 21 Tháng
Mười chỉ là thủ tục hình thức vì chuyện ông Lương Cường làm chủ tịch nước đã được
quyết định tại hội nghị trung ương đảng CSVN lần thứ 10 từ ngày 18 đến 20 Tháng
Chín. Hội nghị trung ương đảng CSVN là cuộc họp kín, nội dung không được công bố
cho nên công chúng không biết ai là người được đề cử làm chủ tịch nước cho đến
khi báo chí đăng chuyện Quốc Hội đóng “con dấu củ khoai,” hợp thức hóa quyết định
đưa ông Lương Cường lên chức vụ nguyên thủ quốc gia.
Với
tân chủ tịch nước, đảng CSVN đã quay lại với mô hình “tứ trụ,” quyền lực được
chia sẻ cho bốn nhà lãnh đạo, lần lượt từ cao xuống thấp là tổng bí thư đảng,
chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội. Một lần nữa, Việt Nam khước từ
mô hình “nhất thể hóa” hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, không cho
phép ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ, dù đã có tiền lệ trong lịch sử: các ông
Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm như vậy. Đàn anh của
Việt Nam, đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ năm 2012 đã chính thức “nhất thể hóa:”
ông Tập Cận Bình vừa là tổng bí thư đảng, vừa là chủ tịch nước.
Vì
sự ổn định?
Hãng
tin Reuters đánh giá động tác này nhằm mang lại sự ổn định cho chính trường Việt
Nam sau hàng loạt biến động nhân sự từ cuối năm ngoái đến nay.
Không
thể phủ nhận rằng, trong một năm biến động ở thượng tầng chính trị Ba Đình, sự ổn
định của xã hội đã bị lung lay: guồng máy chính quyền gần như tê liệt vì hầu hết
quan chức các cấp không dám quyết định điều gì do sợ bị biến thành “củi,” thành
“con dê tế thần” trong cuộc tranh chấp quyền lực gió tanh mưa máu ở cấp chóp
bu; nhà đầu tư nước ngoài lần lượt ra đi hoặc rút lại những kế hoạch làm ăn ở
Việt Nam mà họ đã dự tính trong chiến lược tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Tình
hình bi đát đến mức sau vụ đại án test-kit Việt Á, lãnh đạo các sở y tế và bệnh
viện lớn không dám tổ chức đấu thầu mua thuốc men và dụng cụ y tế vì sợ bị ghép
tội “cố ý làm trái,” khiến cho nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện hàng đầu như Chợ
Rẫy ở Sài Gòn bị thiếu thuốc trầm trọng, bệnh nhân phải tự túc từ thuốc men đến
sợi chỉ khâu vết mổ!
Đảng
CSVN hy vọng việc khôi phục mô hình “tứ trụ” và phương thức lãnh đạo tập thể của
đảng sẽ giúp tái lập sự ổn định chính trị và xã hội. Giáo Sư Alexander Vuving
thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ),
nhận định với BBC: “Đảng muốn quay lại với ‘tứ trụ,’ một sự sắp xếp cần thiết
cho ‘lãnh đạo tập thể’ của đảng. Sự lãnh đạo tập thể này đã ổn định đời sống nội
bộ của đảng trong nhiều thập niên, vì vậy đảng không muốn làm lung lay nền tảng
này.”
Chúng
tôi cho rằng, cho dù có quay lại mô hình “tứ trụ,” chính trường Việt Nam vẫn chỉ
có vẻ ổn định bề ngoài, che giấu những cơn sóng ngầm bên dưới, sẽ nổi lên khi
có điều kiện thích hợp. Thực tế dù “tứ trụ” có ba người hay bốn người thì toàn
bộ quyền hành đều nằm trong tay Bộ Chính Trị đảng CSVN với 15 thành viên. Bề
ngoài, Bộ Chính Trị là một tập thể đoàn kết nhất hô bá ứng nhưng cũng như mọi tổ
chức của chế độ toàn trị, bên trong nó là khối ô hợp những đại diện vùng miền,
ngành nghề, nhóm thân hữu và lợi ích kinh tế… luôn xung đột với nhau. Quá trình
thăng tiến thần tốc của ông Tô Lâm từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh nặng, dẫn
tới sự ngã ngựa của hàng loạt uỷ viên Bộ Chính Trị vừa qua là một minh chứng.
Bộ
Chính Trị đảng CSVN khá đoàn kết trong việc bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ và đàn
áp thẳng tay mọi mầm mống bất đồng trong xã hội nhưng khi đụng đến quyền lực và
lợi ích kinh tế thì các ủy viên sẵn sàng loại trừ nhau và điều đó ảnh hưởng đến
mọi chính sách mà đảng CSVN ban hành. Ngay đầu tư nước ngoài cũng vậy, có những
nhà đầu tư “biết điều” được trải thảm đỏ mời mọc, được ưu đãi về thủ tục, đất
đai, thuế má như các liên doanh nhà máy nhiệt điện đốt than của nhà đầu tư
Trung Quốc nhưng cũng có những nhà đầu tư lên bờ xuống ruộng tới mức phải bỏ của
chạy lấy người như các dự án làm phong điện của các tập đoàn Equinor (Na Uy) hoặc
Orsted (Đan Mạch).
Vì
cân bằng quyền lực?
Việc
“cưa” bớt ghế của Tô Lâm, đề bạt Lương Cường vào “tứ trụ” cũng chưa hẳn sẽ giúp
cân bằng thế lực giữa công an và quân đội – hai thế lực có súng xưa nay vẫn kèn
cựa nhau để giành “tay trên” về ngân sách. Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà
nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), đánh giá động thái mới này
thể hiện “nỗ lực khôi phục cân bằng giữa lực lượng công an và quân đội,” theo
AP.
Chúng
tôi cho rằng, sự cân bằng ấy, nếu có, cũng rất mong manh. Hiện trong 15 ủy viên
Bộ Chính Trị có sáu tướng công an và ba tướng quân đội, nếu bỏ phiếu trong Bộ
Chính Trị thì phe công an có trọng lượng hơn. Chưa kể, trong mỗi nhóm công an
hoặc quân đội lại có những mâu thuẫn riêng, sáu tướng công an chưa hẳn đã hoàn
toàn đứng về phe ông Tô Lâm và ba tướng quân đội chưa hẳn sẽ hậu thuẫn ông
Lương Cường.
Phe
quân đội chẳng hạn, Đại Tướng Lương Cường có thể dựa vào Trung Tướng Nguyễn Trọng
Nghĩa, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nhưng chưa chắc được sự hậu thuẫn của
Đại Tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Tướng
Cường, Tướng Nghĩa đi lên từ hoạt động chính trị trong quân đội, đào tạo tại
Trung Quốc, trong khi Tướng Giang đi lên từ lính tác chiến trong chiến tranh
biên giới phía Bắc và có dấu hiệu muốn đi với Tây phương để củng cố quốc phòng
trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Vừa qua, trước khi rời ghế chủ tịch nước, ông
Tô Lâm bất ngờ thăng chức đại tướng cho Thượng Tướng Nguyễn Tân Cương, tổng
tham mưu trưởng quân đội, như một cách để giành lại ảnh hưởng trong quân đội…
Phân
tích như thế để thấy sự cân bằng trong cơ cấu chính trị chóp bu của Việt Nam là
rất mong manh vì thể chế độc tài toàn trị luôn có xu hướng tập trung quyền lực
vào tay một người, một nhóm người nào đó và loại trừ các xu thế khác biệt.
Điều
đáng lo cho người dân là trong “tứ trụ,” cũng như trong Bộ Chính Trị đầy quyền
lực của đảng CSVN hoàn toàn thiếu vắng những nhà kỹ trị, những người có trình độ
và kinh nghiệm về điều hành kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế
và khu vực hết sức phức tạp hiện nay.
Ngăn
chặn độc tài công an trị?
Cũng
để ngăn ngừa xu hướng tập trung quyền lực mà đảng CSVN luôn đề cao phương thức
“lãnh đạo tập thể” qua “tứ trụ” cho dù cơ cấu lãnh đạo đó có nhiều bất cập. Ở
trong nước, cơ cấu “song trùng” đảng và nhà nước tạo ra hai bộ máy cầm quyền chồng
lên nhau, vừa cồng kềnh vừa lãng phí. [Mới đây ông Tô Lâm viết và đăng bài lên
án “nạn lãng phí là giặc nội xâm” mà không thừa nhận chính cơ cấu song trùng đảng-nhà
nước là cái gây ra lãng phí kinh khủng nhất]. Đối ngoại, nó gây lúng túng cho
các quốc gia dân chủ khi đón tiếp lãnh đạo Việt Nam: nguyên thủ quốc gia thì
không có quyền hành, người nắm quyền tối cao lại chỉ là đảng trưởng một đảng
chính trị!
Đảng
CSVN đã nhiều lần tranh luận về “nhất thể hóa” hai chức danh đảng và nhà nước
theo kiểu của Trung Quốc nhưng chưa bao giờ chấp nhận sự thay đổi đó. Cố Tổng
Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được biết là người kịch liệt chống lại ý tưởng “nhất thể
hóa” dù bản thân ông đã ngồi “một đít hai ghế” trong một thời gian khá dài từ
2018 đến 2021. Và như chúng tôi đã phân tích trong một bài trước, Trung Quốc
không muốn Việt Nam “nhất thể hóa” giống họ mà muốn đảng CSVN duy trì tình trạng
phân quyền gây ra tranh chấp nội bộ, điều có lợi cho Bắc Kinh.
Gần
đây đà thăng tiến thần tốc cùng thế lực của đại tướng công an Tô Lâm khiến nhiều
người lo sợ một nhà lãnh đạo cực quyền, một bản sao của ông Tập Cận Bình hay
ông Vladimir Putin, tổng thống Nga. Ông Tô Lâm cần một quyền lực tuyệt đối,
không bị thách thức, để thực hiện cam kết đưa Việt Nam vào “kỷ nguyên vươn mình
của dân tộc” qua các kế hoạch đối ngoại và đối nội đầy tham vọng của ông. Nhưng
ai biết được, trong một chế độ toàn trị, không dân chủ, không chịu trách nhiệm
giải trình, ông ta sẽ sử dụng quyền lực ấy như thế nào? Có khả năng nhiều hơn
là ông Tô Lâm sẽ xây dựng thể chế công an trị, gây thêm khốn khó cho cuộc sống
của hàng chục triệu người dân và triệt tiêu khả năng vận động dân chủ hóa đất
nước.
Cho
nên việc đảng CSVN quay lại với mô hình “tứ trụ,” tuy có nhiều bất cập, song
không chừng lại là điều hay, ít nhất là trong giai đoạn trước khi đảng CSVN tổ
chức đại hội vào đầu năm 2026. [qd]
No comments:
Post a Comment