Wednesday, October 30, 2024

NƯỚC ĐẾN TRÔN MỚI NHẢY (Mai Bá Kiếm / Báo Tiếng Dân)

 



Nước đến trôn mới nhảy

Mai Bá Kiếm

30/10/2024

https://baotiengdan.com/2024/10/30/nuoc-den-tron-moi-nhay/

 

Ngày 26/10, trên trang cá nhân này, tôi viết bài “Lời ai điếu cho thị trường Thương mại điện tử ở Việt Nam“, đưa tin thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận: “Mạng Thương mại điện tử (TMĐT) Temu đã vào Việt Nam không xin phép, bán hàng với giá rẻ không ngờ được”! Từ đó, tôi đề nghị xem lại năng lực tiên liệu và ứng phó của Bộ Công thương đối với 14 mạng TMĐT đổ bộ vào Việt Nam nhấn chìm hàng hóa trong nước ra sao, khi mà Bộ Công thương có đủ các cục, vụ, thương vụ, ủy ban cạnh tranh quốc gia để bảo vệ hàng hóa trong nước?

 

Đồng thời, tôi cũng đặt vấn đề, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng hứa với Quốc hội: Năm 2020: 90 triệu người sẽ dùng mạng xã hội Việt Nam và mạng TMĐT của Việt Nam đã sẵn sàng để bà còn ship nải chuối, buồng cau! Từ đó, tôi kết luận “Thôi đành khóc cho phần số hẩm hiu hiu của hàng Việt Nam chất đống cao”.

 

Hôm nay đọc báo thấy “Bộ Công thương khuyến cáo người dùng không mua hàng trên Temu, Shein, 1688 chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương”; đồng thời chỉ đạo các cục, vụ, uỷ ban (mà tôi đã liệt kê) phải làm hết chức năng của mình, phối hợp Tổng cục hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường giám sát kho hàng, điểm tập kết hàng hóa xuyên biên giới (nếu có) để xử lý.

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tuyên bố sẽ “đánh chặn” hàng hóa nhập khẩu dưới giá trị một triệu đồng bằng thuế VAT, mà Nghị định 78/2010 (thực hiện theo cam kết tại Công ước Kyoto) đã bãi bỏ. Theo đó, các mạng TMĐT lợi dụng Nghị định 78 “xé lẻ” các đơn hàng trị giá dưới một triệu đồng (bình quân mỗi năm có 45 – 63 triệu USD hàng bị “xé lẻ”) để tránh thuế VAT. Theo số liệu TMĐT Metric, trong 9 tháng đầu năm 2024, hàng hóa dưới 200.000 đ chiếm hơn nửa doanh số toàn thị trường TMĐT Việt Nam.

 

Cứ cho rằng 63 triệu USD hàng “xé lẻ” sẽ bị đánh thuế VAT 10%, nhà nước thu được 6,3 triệu USD/năm (160 tỷ VNĐ), nhưng hàng TMĐT của Trung Quốc chỉ tăng từ 200.000 lên 220.000 đồng/món thì liệu có đắt hơn giá hàng Việt Nam cùng loại không?

 

Hơn nữa, hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc sản xuất dư thừa rất lớn và họ sẵn sàng hạ giá để giải phóng tồn kho. Trong khi, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam là vừa và nhỏ, không được ưu đãi tín dụng, đã giải thể rất nhiều, không thừa hàng tồn để bán tháo. Giá thành hàng hóa tiêu dùng Việt Nam còn gánh chịu các chi phí rất cao về mặt bằng, nhà xưởng, BOT giao thông. Duy nhất ở Việt Nam, hàng bất động sản tồn kho nhiều khủng, lớn như Novaland tồn kho 142.000 tỷ đồng, nhỏ như Quốc Cường Gia Lai tồn 7.000 tỷ đồng, nhưng đáng tiếc bất động sản không ship qua mạng TMĐT được!

 

Cho dù, Bộ trưởng Hùng có tung ra mạng TMĐT “hoàn toàn nói tiếng Việt Nam” thì tìm hàng Việt giá rẻ ở đâu để “đánh chặn” hàng nước bạn trên Temu, Shein, 1688, Shopee…?

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=554895900823327&set=pcb.554893254156925

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=554895934156657&set=pcb.554893254156925  

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=554905990822318&set=pcb.554893254156925

 

 

28 BÌNH LUẬN   







No comments:

Post a Comment