Monday, July 1, 2024

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH THĂM HÀN QUỐC, ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI THỨ BA CỦA VIỆT NAM (BBC | RFI | VnExpress)

 



 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hàn Quốc, có gì đáng chú ý?

BBC News Tiếng Việt

30 tháng 6 2024, 13:28 +07

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0xjwxpv21no

 

Sáng 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã lên đường thăm chính thức Hàn Quốc này từ ngày 30/6 đến ngày 3/7, theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.

 

Tháp tùng là một phái đoàn gồm chín bộ trưởng các bộ Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cũng nằm trong đoàn.

 

Chương trình nghị sự của chuyến thăm được báo chí trong nước đưa tin là "hơn một nửa hoạt động tập trung vào lĩnh vực kinh tế".

 

Bình luận với BBC ngày 30/6, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc nhận định:

 

"Chuyến công du của Thủ tướng Chính rất có thể ưu tiên vào thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là khi Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực tự chủ chiến lược trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp. Việt Nam rất cần thúc đẩy thương mại, đầu tư, và thu hút nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc.

 

"Thắt chặt hợp tác với Hàn Quốc giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2030. Hàn Quốc đang giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và xem Việt Nam như ưu tiên chiến lược trong nỗ lực hội nhập vào Đông Nam Á."

 

 

Các điểm chính trong chuyến thăm

 

Hàn Quốc là một trong bảy quốc gia là Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào năm 2022.

 

Đúng một năm trước, tháng 6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

 

Dự kiến song phương sẽ ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục...

 

Lịch trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bốn ngày tại Hàn Quốc được báo chí Việt Nam mô tả là "dày đặc", với khoảng hơn 30 hoạt động và hơn một nửa là về lĩnh vực kinh tế.

 

Theo đó, ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, người đứng đầu chính phủ sẽ dự và phát biểu tại ba diễn đàn, gồm Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam-Hàn Quốc.

 

Dự kiến ông Chính sẽ có mặt ở hai tọa đàm gồm Tọa đàm với lãnh đạo các tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

 

Ông cũng sẽ tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

 

Hàn Quốc là thị trường chủ lực, đứng thứ 3 trong việc tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.

 

Do đó, tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho rằng, chuyến thăm lần này có thể mang đến triển vọng là Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam.

 

"Sau chuyến đi, Việt Nam có thể cân nhắc cấp phép cho lao động sang làm việc ở Hàn Quốc trong nhóm ngành dịch vụ. Hiện Seoul đang rất cần lao động nước ngoài trong bối cảnh tình trạng già hoá dân số nhanh chóng đang gây áp lực lên chính phủ".

 

Thủ tướng Chính cũng sẽ đến thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn của tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi và có phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul.

 

Hợp tác kinh tế với Hàn Quốc được coi là "điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương Việt – Hàn", theo lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nói trước báo giới.

 

Về mặt danh nghĩa dù Việt Nam có quan hệ “đồng chí” với Bắc Hàn, nhưng mối quan hệ với Hàn Quốc mới là thực chất.

 

Hàn Quốc là đối tác lớn nhất về đầu tư trực tiếp (FDI) với 87 tỉ USD vốn đăng ký tính đến tháng 4, chiếm 18,25% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD.

Việt Nam và Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường hợp tác thương mại để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.

 

Việc tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, điều được một số nhà hoạch định chính sách của Việt Nam coi là vấn đề an ninh trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông.

 

Hồi tháng 12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeo nhậm chức.

 

Tổng thống Hàn Quốc khi đó từng phát biểu rằng Việt Nam “là quốc gia đối tác chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến ​​Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN”.

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

 

 

================================================

Thủ tướng Phạm Minh Chính công du Hàn Quốc, đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam

 Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2024 - 15:13

 https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240630-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ph%E1%BA%A1m-minh-ch%C3%ADnh-c%C3%B4ng-du-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-th%E1%BB%A9-ba-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam

 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và phu nhân công du chính thức Hàn Quốc kể từ hôm  nay, 30/6 đến ngày 3/7, theo lời mời của thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022, và đây cũng là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

 HÌNH :

Ảnh minh họa : tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (T) công du Việt Nam, Hà Nội, ngày 23/06/2023. © REUTERS

 

Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam, chuyến công du của thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung vào các lĩnh vực hợp tác truyền thống như ‘‘chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, hợp tác lao động, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, hợp tác đa phương’’ và các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như ‘‘bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu’’.

 

Theo thứ trưởng thường trực bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, chính phủ Việt Nam hy vọng hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế ngày càng mật thiết, sớm nâng trao đổi thương mại song phương lên 100 tỷ đô la và hướng đến mục tiêu 150 tỉ vào năm 2030.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hàn Quốc cũng đang là quốc gia đầu tư số một vào Việt Nam.

 

Chuyến công du của thủ tướng Việt Nam cũng nhằm thúc đẩy Hàn Quốc tiếp tục ‘‘tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại Hàn Quốc’’.

 

 

===================================================

 

Ba ý nghĩa chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính    

VnExpress 

Thứ bảy, 29/6/2024, 14:37 (GMT+7)

 https://vnexpress.net/ba-y-nghia-chuyen-tham-han-quoc-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-4764162.html

 

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, giúp hai bên trao đổi các vấn đề quan trọng, cũng như khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến 3/7, theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hàn Quốc.

 

Chuyến thăm thể hiện mong muốn cụ thể hóa việc triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được ký hồi tháng 6/2023, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

 

Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên nhìn lại những tiến triển mới trong quan hệ song phương, trao đổi các vấn đề chiến lược, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác trên những diễn đàn đa phương cũng như các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất và toàn diện hơn.

 

Việt Nam - Hàn Quốc cũng sẽ thúc đẩy trao đổi và hiểu biết giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc và mật thiết hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

 

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn nhằm khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam, tiếp tục coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc; mong muốn đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

"Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Lòng tin chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố; hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục đi vào chiều sâu; hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân không ngừng được mở rộng", Thứ trưởng Minh Vũ nói.

 

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động. Ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, Thủ tướng sẽ dự ba diễn đàn về doanh nghiệp, xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, lao động Việt Nam - Hàn Quốc, cùng hai tọa đàm với lãnh đạo các tổ chức kinh tế và với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng cũng sẽ tiếp đại diện một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

 

Thủ tướng dự kiến gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, thăm gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul và thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi.

 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này rất toàn diện, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

 

Hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng, trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ song phương. Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD. Đây cũng là đối tác lớn trong nhóm đầu về kim ngạch thương mại, trong đó năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD, và là đối tác lớn về hợp tác phát triển (ODA), du lịch và lao động.

 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho hay thông qua các hoạt động với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này, Việt Nam kỳ vọng hai bên sẽ nâng cao chất và lượng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng.

 

Việt Nam cũng hy vọng hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch.

 

"Qua đó, hai bên có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững và góp phần thực hiện 'Tầm nhìn chiến lược' về phát triển đất nước của Việt Nam với mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao", Thứ trưởng nói.

 

Hoàng Thùy





No comments:

Post a Comment