Saturday, July 27, 2024

CĂNG THẲNG PHILIPPINES - TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG, MỘT TRỌNG TÂM CỦA HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG ASEAN (Trọng Thành / RFI)

 



Căng thẳng Philippines-Trung Quốc ở Biển Đông, một trọng tâm của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN  

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 26/07/2024 - 13:37  Sửa đổi ngày: 26/07/2024 - 14:48

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240726-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-philippines-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A2m-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-asean

 

Tại Hội nghị thường niên các ngoại trưởng  ASEAN khai mạc hôm qua, 25/07/2024, tại Viêng Chăn, Lào, Philippines đã thúc đẩy các đối tác đưa vụ Hải cảnh Trung Quốc gây hấn tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, hồi giữa tháng 6/2024, vào thông cáo chung của khối, dự kiến sẽ được công bố ngày mai, 27/07.

 

HÌNH :

Các ngoại trưởng và đại biểu ASEAN cùng ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul (thứ bảy từ trái sang), Viêng Chăn, Lào, ngày 26/07/2024 AP - Achmad Ibrahim

 

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của một quốc gia Đông Nam Á, xin ẩn danh, đã tham gia vào các cuộc đàm phán kín, Cam Bốt và Lào, hai quốc gia thân Trung Quốc, đã phản đối đề xuất của Philippines. Philippines đã chỉ trích ASEAN đã thiếu ủng hộ Manila trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

 

Theo AP, một số thành viên ASEAN lo ngại các tranh chấp với Trung Quốc có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp, khiến xung đột bùng phát. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, trước cuộc hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhấn mạnh: ‘‘Một bước đi sai lầm ở Biển Đông có thể biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp’’.

 

Trong phiên khai mạc hôm qua, tất cả các thành viên ASEAN - bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Miến Điện, Cam Bốt, Brunei và Lào - đều nhấn mạnh điều quan trọng là không để bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trong bối cảnh  Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Sau các thảo luận, ngoại trưởng Indonesia cho biết quan điểm của khối là các nước Đông Nam Á không thể trở thành một ‘‘đại diện’’ (proxy) cho bất cứ cường quốc bên ngoài nào, nếu không ‘‘ASEAN sẽ khó trở thành một trụ cột cho ổn định và hòa bình của khu vực’’.

 

Hôm nay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các ngoại trưởng ASEAN và đã ca ngợi việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Đông Nam Á. Theo kế hoạch, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến hội nghị ngày mai 27/07, và dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc.

 

Trung - Nga cam kết chống các can thiệp bên ngoài vào ‘‘nội bộ Đông Nam Á’’

Bên lề hội nghị ASEAN hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov. Theo AFP, hai bên cam kết phối hợp để ‘‘chống lại các nỗ lực can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của Đông Nam Á’’. Thông cáo chung Nga - Trung không nêu rõ chi tiết về điều mà Matxcơva và Bắc Kinh gọi là ‘‘một kiến trúc an ninh mới của khu vực Á-Âu’’.

 

 

Liên Âu kêu gọi ASEAN chú ý đến cuộc xâm lăng Ukraina của Nga

Theo AP, có mặt tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell đã thúc giục các ngoại trưởng ASEAN không nên bỏ qua cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, bởi vì, ‘‘dù có vẻ xa vời với ASEAN, nhưng các hậu quả của cuộc chiến này cũng sẽ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực’’, đặc biệt trong bối cảnh ‘‘Nga nỗ lực phát tán thông tin sai lạc.’’

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC- ASEAN

Trung Quốc cảnh báo ASEAN về "căng thẳng không kiểm soát được" ở Biển Đông

 

ASEAN - HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG

Miến Điện và Biển Đông vẫn bao trùm cuộc họp ngoại trưởng ASEAN

 

PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG - ASEAN

Philippines muốn xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên các nước ASEAN

 






No comments:

Post a Comment