Sunday, June 30, 2024

VỀ TẤM BẰNG TIẾN SĨ CỦA THÍCH CHÂN QUANG (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Về tấm bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang

 Hiếu Chân/Người Việt

June 28, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ve-tam-bang-tien-si-cua-thich-chan-quang/#google_vignette

 

Đề tài được bàn luận xôm tụ nhất trên mạng xã hội Việt Nam mấy ngày qua là con đường học hành và bằng cấp của Thượng Tọa Thích Chân Quang, tục danh Vương Tấn Việt, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/A1-Thich-Chan-Quang-tien-si-1536x1027.jpg

Thượng Tọa Thích Chân Quang (thứ hai từ phải) nhận bằng tiến sĩ luật vào Tháng Tư, 2022. (Hình: Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam/Tuổi Trẻ)

 

Ông Quang từ lâu đã gây sóng gió bằng những bài thuyết giảng xằng bậy, những hành vi trái đạo lý và pháp lý đến mức nhiều vị thức giả trong nước đã gọi ông ta là một “ma tăng,” “xàm tăng” và yêu cầu Giáo Hội Phật Giáo CSVN phải trừng trị.

 

Trang Thư Viện Hoa Sen chuyên đăng sách báo về Phật Giáo còn có cả bản tường trình tố giác ông thầy tu này lạm dụng tình dục một số ni sư và chi tiền để một ni sư phải lén lút phá thai ở bệnh viện Từ Dũ. Nhật báo Người Việt gần đây đã có nhiều bài vạch trần chân tướng của tên ác tăng này và thế lực bảo bọc ông ta ở Việt Nam; quý độc giả quan tâm có thể tìm đọc lại.

 

Chúng tôi sẽ không nhắc lại những phát ngôn và hành vi bất xứng của ông Quang đã được phơi bày trên nhật báo Người Việt mà muốn qua sự kiện “ma tăng” Việt lấy được tấm bằng tiến sĩ luật học của Đại Học Luật Hà Nội để cảnh báo bản chất suy đồi của một nền giáo dục và xa hơn là tình trạng đồi bại của đạo đức, luân lý trong xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Theo nhiều thông tin công khai, ông Vương Tấn Việt sinh ngày 9 Tháng Mười Hai, 1959, tại tỉnh Đắc Lắc. Năm 1992, khi mới 33 tuổi, ông Vương Tấn Việt về núi Dinh (thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và bắt đầu xây chùa Thiền Tôn Phật Quang.

 

Không có thông tin về tuổi thơ và học vấn của ông Việt như thế nào, chỉ thấy ông ta nhiều lần tuyên bố mình là con của ông Vương Chí Nghĩa, được cho là em cùng cha khác mẹ của ông Hồ Chí Minh; ông Vương Tấn Việt là cháu gọi ông Hồ Chí Minh bằng bác ruột. Thật hư không rõ, nhưng phải chăng cái gốc bự tự nhận đó đã giúp ông Việt được đảng Cộng Sản Việt Nam chống lưng và bảo kê cho những hành vi càn rỡ của ông ta từ trước đến nay?

 

Trên mạng lưu truyền một tấm ảnh “Bằng Tốt Nghiệp Cấp Ba Bổ Túc Văn Hóa” có tên Vương Tấn Việt do Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM cấp ngày 12 Tháng Bảy, 1989. Nếu thông tin này là đúng thì ông Việt tốt nghiệp cấp ba (trung học) hệ bổ túc văn hóa khi đã 30 tuổi, nghĩa là không được học hành bài bản khi còn niên thiếu. Thông thường người học bổ túc văn hóa rất khó vào đại học do trình độ kiến thức “bổ túc” này kém xa so với hệ trung học chính quy.

 

Ấy vậy nhưng trường hợp Vương Tấn Việt rất đặc biệt. Từ trình độ “cấp ba bổ túc văn hóa,” chẳng biết bằng con đường nào ông ta đã thi đỗ, theo học rồi tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh tại Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội năm 2001. Ông Việt có bằng cử nhân tiếng Anh hay không thì cần xác minh vì có nơi có lúc ông lại nói ông có chứng chỉ IELTS – một thứ giấy chứng nhận trình độ tiếng Anh cho học sinh du học các nước Anh, Mỹ, Úc. Nếu đã có bằng cử nhân tiếng Anh thì không cần tới giấy chứng nhận này nữa.

 

Thừa thắng xông lên, ông Việt theo học ngành luật, văn bằng hai (vừa học vừa làm) ở Đại Học Luật Hà Nội và đến ngày 15 Tháng Giêng, 2019, ông tốt nghiệp cử nhân luật với loại giỏi. Ngay cuối năm đó, ông trúng tuyển nghiên cứu sinh (sinh viên tiến sĩ) khóa 25B trường Đại Học Luật Hà Nội. Mặc dù khóa học này kéo dài bốn năm (2019-2023) theo chương trình đào tạo tiến sĩ từ bậc cử nhân và diễn ra trong thời gian cả nước phong tỏa để chống dịch COVID-19, ông Việt đã rất “xuất sắc” hoàn thành chương trình học tiến sĩ chỉ trong hai năm bốn tháng.

 

Đến ngày 12 Tháng Chín, 2021, lúc dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, ông ta bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật với luận án nghiên cứu: “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” được 7/7 thành viên hội đồng đánh giá luận án của trường Đại Học Luật Hà Nội hết lời khen ngợi và cho điểm tối đa. Ngày 17 Tháng Ba, 2022, ông ta được cấp bằng tiến sĩ luật học, ngành luật hiến pháp – hành chính theo quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của trường Đại Học Luật Hà Nội.

 

Có hai vấn đề gây tranh cãi chung quanh văn bằng tiến sĩ luật của ông Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang. Một là thời gian học, viết luận án tiến sĩ của ông Việt diễn ra “thần tốc,” chỉ trong vòng hơn hai năm trong khi quy trình thông thường đòi hỏi nghiên cứu sinh phải mất từ bốn đến năm năm; sinh viên đã có trình độ cao học (master of arts) cũng phải mất ít nhất ba năm học tập và làm việc cật lực. Một số người giễu cợt chắc ông Việt là “Nam Hải Dị Nhân” [tên một tác phẩm của Phan Kế Bính kể chuyện những người xuất sắc, kỳ nhân, ở nước Nam] hoặc là “thiên tài,” làm được những việc không ai làm nổi.

 

Hai là nội dung của cái gọi là luận án tiến sĩ luật của ông thầy tu hám danh này.

 

Sau khi “bảo vệ thành công” luận án tiến sĩ, ông Việt đã cho đăng toàn văn lên trang web thientonphatquang.com nhưng nay thì không ai vào đọc được nữa. Lập luận căn bản của ông ta là nghĩa vụ và quyền lợi gắn bó với nhau, nghĩa vụ phải được thực hiện trước rồi mới có quyền. “Không thể đòi có quyền trước, mà phải có nghĩa vụ trước. Ta phải trồng lúa rồi mới ăn cơm. Chứ còn ngồi đó ăn cơm thì kho lúa sẽ hết.” Không khó nhận ra đằng sau tuyên bố bặm trợn này là quan điểm tuyên truyền phổ biến của nhà nước cộng sản: đã làm được gì cho đất nước mà đòi hỏi này nọ!

 

Một số chuyên gia đã đọc luận văn này đều nhận định tác giả đã phạm những sai lầm rất căn bản khi đặt “nghĩa vụ” làm điều kiện để con người được thụ hưởng “quyền,” không phân biệt được “quyền tự nhiên,” căn bản và phổ quát, mà bất cứ người nào cũng được thụ hưởng, với “đặc quyền” là thứ quyền lợi được chính phủ của từng quốc gia chế định.

 

Đi xa hơn, một số chuyên gia đánh giá luận án của ông Việt chỉ là bản cóp nhặt những quan niệm sai lầm vớ vẩn và không loại trừ đây là một thứ luận án “viết thuê,” do một “lò luận án” nào đó ở Hà Nội sản xuất ra. Cần có một cuộc điều tra để xác thực.

 

Ấy thế nhưng khi dư luận phản ứng về chuyện bằng cấp của ông Việt, trường Đại Học Luật Hà Nội đã ra sức bảo vệ ông Việt. Báo VietNamNet cho biết: “Trao đổi với VietNamNet chiều 24 Tháng Sáu, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng trường Đại Học Luật Hà Nội, chủ tịch hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng Tọa Thích Chân Quang) cho hay: Toàn bộ quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.”

 

Câu chuyện ruồi bu chung quanh ông Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang hé lộ phần nào bức tranh bi thảm về giáo dục ở Việt Nam, nơi bằng cấp giả được mua bán tràn lan và công khai. Hiện tượng quan chức các cấp, sư sãi không có thời gian học tập nhưng đều có bằng thạc sĩ, tiến sĩ các ngành luật, kinh tế, chính trị xã hội… đã trở thành phổ biến đến mức bộ máy hành chính Việt Nam có tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ cao hơn cả các nước phát triển.

 

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam có số lượng tiến sĩ nhiều nhất khu vực Đông Nam Á mà không hề có phát minh sáng chế nào giúp ích cho đời sống, đất nước ngày càng lụn bại chỉ biết dựa vào sức mạnh cơ bắp của nông dân và công nhân làm thuê.

 

Bằng giả làm mất giá trị của bằng thật, biến công sức học hành của hàng triệu sinh viên thành lãng phí; ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp cầm bằng cử nhân, cao học đi chạy “xe ôm công nghệ” để kiếm sống trong khi bọn cầm “bằng giả” ngồi chễm chệ ở các chức vụ béo bở hưởng nhiều bổng lộc. Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang chỉ là một trong vô số những kẻ tiêu thụ bằng giả như vậy.

 

Ngoài chuyện ông Việt đã thành “tiến sĩ luật” một cách thần tốc và cái luận án vớ vẩn của một ma tăng, dư luận đang hết sức bất bình với cách ứng xử của Đại Học Luật Hà Nội. Thông tin trên mạng cho biết, ngày 20 Tháng Mười Một, 2020, “sinh viên” Thích Chân Quang mở tiệc tri ân các giáo sư Đại Học Luật Hà Nội nhân cái gọi là ngày Nhà Giáo Việt Nam. Dù dịch COVID-19 đang ở đỉnh điểm nhưng có tới hơn một ngàn người dự tiệc, đa số là “đệ tử” của ông Quang.

 

Tại bữa tiệc, không chỉ ông Quang tặng quà cho thầy cô mà đáp lại, một số thầy cô trường Đại Học Luật đã quỳ trước mặt ông Quang cung kính dâng hoa, dâng bánh cho ông ta. Thầy cô quỳ gối tri ân học trò quả là chuyện luân thường đảo lộn, đạo lý lộn tùng phèo. Không ai không nổi giận khi nhìn thấy những cảnh quá sức gai mắt như vậy. Chưa bao giờ văn hóa đạo đức của xã hội Việt Nam lại suy đồi đến mức một trường đại học cung kính quỳ gối ca tụng một ma tăng là “quốc trung hiền sĩ” và tri ân hắn đến học tại trường mình!

 

Hiện nay, ông Thích Chân Quang đã bị “khóa mõm,” bị giáo hội cấm thuyết giảng xằng bậy trong hai năm nhưng những khuất tất trong việc học hành và bằng cấp của ông ta, của Đại Học Luật Hà Nội vẫn chưa được nhà cầm quyền để mắt tới; thậm chí, các bài báo không có lợi cho ông Quang đều bị gỡ bỏ theo chỉ thị của một thế lực giấu mặt nào đó.

 

Từ trường hợp Thích Chân Quang, không loại trừ khả năng nhà cầm quyền Việt Nam dung dưỡng các ma tăng, cung cấp cho chúng tiền bạc, trang bị cho chúng bằng cấp và sử dụng chúng làm công cụ lung lạc thế hệ trẻ, phá nát nền tảng tinh thần và đạo đức của xã hội. [qd]






No comments:

Post a Comment