Vua
Hàm Nghi và mối duyên với thành phố Vichy, Pháp
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 10/05/2024 - 08:46
Giữa
vua Hàm Nghi và thành phố Vichy là mối nhân duyên kéo dài 45 năm. Từ năm 1893 đến
1938, ông đến Vichy khoảng 25 lần để điều trị gan bằng nước khoáng. Quãng thời
gian ở Vichy cũng là lúc vua Hàm Nghi tĩnh dưỡng, thỏa sức với đam mê hội họa ở
vùng nông thôn ven đô và có thêm những người bạn mới. Tròn 80 năm qua đời, vị
vua bị lưu đày trở thành trung tâm của triển lãm mang tên ông và triển
lãm Vichy, thành phố quốc tế (Vichy, l'Internationale).
Ảnh thái tử An Nam, 1896, tại Algérie, Fonds Capek, ANOM,
Pháp. Sau 10 năm lưu đày, vua Hàm Nghi nhận được thư của Thân Trọng Huề ngày
20/03/1900 và thư của vua Khải Định ngày 10/07/1922, Triển lãm l'Art en exil,
Hàm Nghi, Prince d'Annam, Bào tàng AAA, Vichy, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Bức
chân dung tự họa năm 1896 tại Algérie được sử dụng làm áp phích cho triển
lãm L’Art en exil - Hàm Nghi, Prince d’Annam (1871-1944) (Nghệ
thuật lưu đày - Hàm Nghi, Thái tử An Nam) được tổ chức tại Bảo tàng
Nghệ thuật châu Phi và châu Á (Musée AAA) ở Vichy từ ngày 04/05-03/11/2024. Có
lẽ Vichy, cũng như quãng thời gian vua Hàm Nghi lưu lại thành phố, ít được biết
đến. Nhưng theo tiến sĩ lịch sử Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ năm và cũng là
người dày công nghiên cứu về vua Hàm Nghi, giữa thành phố Vichy và thái tử An
Nam - tước hiệu được giữ lại lúc ông bị đi đày - có một mối liên hệ chặt chẽ.
“Mối
liên hệ đó đơn giản xuất phát từ việc vua Hàm Nghi đến điều trị bằng nước
khoáng ở Vichy bởi vì trước khi bị đi đày, ông bị mắc bệnh sốt rét lúc ở trên
núi chống quân Pháp và gan của ông bị hỏng. Để chăm sóc gan, cứ hai năm một lần
từ năm 1893, ông theo một đợt trị liệu ở Vichy. Sau khi kết hôn, ông tới thường
xuyên hơn, gần như năm nào cũng tới.
Mục
đích ban đầu là đến để trị bệnh nhưng rồi Vichy thực sự trở thành nơi nghỉ dưỡng
của ông. Ông tới đây gần như hàng năm để gặp bạn bè trước là những sĩ quan mà hầu
hết ông quen trước đó ở Alger. Sau khi kết hôn, ông không đến với vợ con, nên
đó là khoảng thời gian ông dành riêng cho mình, cho sức khỏe và cho đam mê hội
họa. Ông có các buổi trị liệu vào buổi sáng nên hoàn toàn rảnh rỗi vào buổi chiều
và thế là ông vẫn quen ra vùng nông thôn để vẽ. Người ta biết là ông vẽ rất nhiều
tranh ở Vichy”.
https://s.rfi.fr/media/display/317d9b2c-0e1c-11ef-b9de-005056a90284/Dabat%20et%20Ham%20Nghi.webp
Amandine
Dabat,
cháu đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, phụ trách Triển lãm L'Art en exil - Hàm Nghi,
Prince d'Annam, tại Bảo tàng AAA, Vichy, Pháp, ngày 04/05/2024. © RFI /
Thu Hằng
Biến
cuộc sống lưu đày thành cuộc đời nghệ sĩ
Vua
Hàm Nghi trở thành nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, ông được nhiều họa
sĩ và nhà điêu khắc Pháp hướng dẫn, đào tạo, trong đó có Auguste Rodin. Ông có
bạn là những nhật vật tên tuổi ở Vichy, ông cũng nổi tiếng dù luôn cố kín đáo,
có lẽ vì tước hiệu thái tử An Nam. Một đoạn video được chiếu trong gian trưng
bày thứ hai cho thấy vua Hàm Nghi hòa nhập với xã hội Vichy lúc bấy giờ. Cũng tại
gian này có rất nhiều đồ dùng cá nhân của vua Hàm Nghi, hầu hết được giới thiệu
đến công chúng lần đầu tiên :
“Trong
số những đồ vật được trưng bày ở đây, có ống điếu và hộp đựng thuốc lào của vua
Hàm Nghi. Chúng ta cũng thấy có nhiều cuốn sách chữ Hán của vua, thư từ trao đổi
và những bức thư mà ông nhận được từ vua Khải Định và Thân Trọng Huề. Bộ đồ vẽ
và tạc tượng được trưng bày trong tủ kính đằng kia. Gần đó là bộ mầu vẽ của Thái tử
An Nam. Đó là những vật dụng hàng ngày nhưng cũng là công cụ trong cuộc đời nghệ
sĩ của ông. Những vật dụng thường nhật của nghệ sĩ được ông dùng để đi vẽ phong
cảnh, để tạo hình”.
Ở
một tủ kính khác, Amandine Dabat, người phụ trách triển lãm, giải thích tiếp :
“Ở
đây còn có vài đồ dùng cá nhân của vua Hàm Nghi, được trưng bày lần đầu tiên,
như những cái khuy từ bộ quần áo được ông đặt may ở Paris. Khuy được khắc hai
chữ Hán “Tử Xuân”. Đây là nghệ danh được ông ký dưới các tác phẩm. Chiếc hộp nhỏ
bằng bạc này cũng được khắc hai chữ Tử Xuân, hoặc trên những chiếc dĩa này cũng
có. Điều thú vị ở đây là trong các gia đình quý tộc Pháp, thường thì người ta
khắc họ lên trên dĩa, nhưng vua Hàm Nghi chỉ khắc nghệ danh.
Trên
nhiều bức tranh, vua Hàm Nghi cũng ký “Tử Xuân” theo chữ quốc ngữ, nhưng ông viết
cũng không đúng tiếng Việt, thay vì “Tử Xuân” ông viết thành “Tứ Xuân”. “Lỗi
chính tả” này cho thấy vua Hàm Nghi cũng không rành chữ quốc ngữ. Điều này cũng
giải thích cho tên của trưởng nữ của ông là Như Mai, nhưng ông viết thành “May”
thay vì “Mai”. Đó là vì ông viết theo cách riêng của mình. Chúng ta thấy rõ chữ
ký của vua Hàm Nghi trên nhiều bức tranh khác trong triển lãm này hoặc ông cho
khắc tên trên nhiều vật dụng cá nhân hàng ngày”.
Một
gian trưng bày trong Triển lãm L'Art en exil - Hàm Nghi, Prince d'Annam, tại Bảo
tàng AAA, Vichy, Pháp, ngày 04/05/2024. © RFI / Thu Hằng
Đây
chính là điểm khác biệt so với triển lãm về vua Hàm Nghi được tổ chức năm 2022
tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở thành phố Nice, miền nam Pháp :
“Đối
với triển lãm lần này, chúng tôi lấy lại chủ yếu từ triển lãm được tổ chức ở bảo
tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice vào năm 2022. Nhưng có một điểm khác, bởi vì
không gian ở Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á ở Vichy nhỏ hơn một chút,
nên có ít tranh được bày hơn, nhưng lại có nhiều đồ vật khác của vua Hàm Nghi,
chưa từng được triển lãm ở Nice, và lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng
tại Vichy. Trong triển lãm ở Nice năm 2022, có nhiều tác phẩm được một số bảo
tàng cho mượn. Còn ở Vichy lần này, tất cả các tác phẩm đều nằm trong các bộ
sưu tập cá nhân, bởi vì lúc sinh thời, vua Hàm Nghi tặng rất nhiều tranh cho
con cháu, bạn bè.
Toàn
bộ công việc luận án tiến sĩ của tôi là tìm lại con cháu của những người bạn của
vua Hàm Nghi để tìm lại những tác phẩm của ông. Do đó những tác phẩm được trưng
bày ở đây đến từ những bộ sưu tập cá nhân của con cháu những người bạn đã được
vua Hàm Nghi tặng tranh và tượng điêu khắc trước đây”.
Bước
vào biệt thự Gia Long của vua Hàm Nghi ở Alger
Trong
gian thứ ba, cũng là gian cuối của triển lãm, khách tham quan có thể thấy vua
Hàm Nghi trong một đoạn phim đen trắng. Ông sống trong căn biệt thự “Gia Long” ở
Alger. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi cho thấy cuộc sống của vua Hàm
Nghi.
“Thước
phim này được Michel Laloë, cháu của vua Hàm Nghi quay lại khi cùng gia đình đến
thăm năm 1941. Đây là một tài liệu rất đặc biệt, bởi vì chúng ta bước vào được
bên trong tư dinh của vua Hàm Nghi ở Alger (thủ đô của Algérie). Giống như gia
đình trong đoạn phim, chúng ta bước vào lối chính, đi qua cánh cổng khắc chữ
Gia Long, tên được vua Hàm Nghi đặt cho tư dinh, sau đó lại bước qua một lối đi
khác cho đến cánh cửa chính đồ sộ, cứ như chúng ta bước vào biệt thự vậy. Rồi
nhiều thành viên trong gia đình đi dạo phía trước biệt thự. Phía bên phải của
hàng cột này là xưởng vẽ của vua Hàm Nghi, chúng ta thấy ông từ đó bước ra và rảo
bước. Đây thực sự là một tài liệu vô cùng đặc biệt, vì là tài liệu duy nhất có
thể thấy vua Hàm Nghi tiến vào chính giữa sảnh, sau đó là đi dạo trong vườn.
Cuối
đoạn phim có một điều buồn cười. Người ta thấy đạo diễn - người cháu
quay lại thước phim - đến nói gì đó với vua Hàm Nghi sau đó chạy về phía máy
quay nhưng sau đó là một màu đen, camera bị tắt, có lẽ hết pin. Đoạn phim được
quay tháng 06/1941, khoảng 2 năm rưỡi trước khi vua Hàm Nghi qua đời, lúc đó
ông cũng đã nhiều tuổi”.
https://s.rfi.fr/media/display/d3519c64-0e1c-11ef-8cbe-005056a97e36/1%20goc%20trien%20lam_2.webp
Một
gian trưng bày của Triển lãm L'Art en exil - Hàm Nghi, Prince d'Annam, tại Bảo
tàng AAA, Vichy, Pháp, ngày 04/05/2024. © RFI / Thu Hằng
Vua
Hàm Nghi qua đời năm 1944 do ung thư dạ dày và an nghỉ tại nghĩa trang Thonac,
vùng Dordogne. Còn số phận biệt thự ra sao ? Amandine Dabat, hậu duệ 5 đời của
vua Hàm Nghi, giải thích :
“Ở
Algérie, Hàm Nghi được coi là một địa chủ lớn người Pháp vì thế dinh thự của
ông bị cướp và đốt cháy trong chiến tranh Algérie, giống như những địa chủ Pháp
khác. Sau đó, Nhà nước Algérie thu hồi dinh thự. Một phần khu đất trở thành đất
của đại sứ quán Nga, còn biệt thự trở thành nhà khách nước ngoài El Mithak gì
đó, tôi không nhớ rõ tên. Nhưng thực ra, tất cả đều bị đốt, trừ một phần khung
bên ngoài, mọi thứ đều được làm lại, gần như không còn gì là nguyên gốc cả, trừ
những cây cổ thụ trong công viên vẫn còn đó. Biệt thự được kiến trúc sư
Guillochin thiết kế. Ông là kiến trúc sư của toàn bộ thành phố thuộc địa Alger
và được vua Hàm Nghi giao phó thiết kế biệt thự theo phong cách tân Hồi Giáo
này”.
Thái
tử An Nam trở lại Vichy
Có
lẽ Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Thái tử An Nam là triển lãm
đầu tiên về Việt Nam được Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á tổ chức. Hình ảnh
các nghệ nhân khảm tranh, các quan chức triều đình Huế và tiến sĩ Nho học Phan
Thanh Giản được in thành áp phích lớn trên tường giúp người xem hiểu được phần
nào cuộc sống ở Huế vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuổi thơ của vua Hàm
Nghi, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, cũng như giai đoạn rời đô vào rừng núi
Tân Sở chống Pháp, cũng được giới thiệu trong gian phòng đầu tiên này. Bà
Marie-Line Therre, giám đốc bảo tàng cho biết :
“Khi
chuẩn bị cho triển lãm về vua Hàm Nghi lần này, chúng tôi kiểm tra trong kho,
chọn ra những đồ vật thích hợp cho triển lãm này. Triển lãm về Việt Nam, tôi
nghĩ đây là lần đầu tiên. Chúng tôi đã đề cập đến Việt Nam trong những cuộc triển
lãm liên văn hóa khác, vì đó phần nào là nhiệm vụ của bảo tàng, có nghĩa là đa
văn hóa. Nhưng khi tổ chức một triển lãm về một đất nước cụ thể, thường thì
chúng tôi sẽ đi mượn, chúng tôi liên lạc với những bảo tàng khác, gọi điện cho
các nhà sưu tầm mà chúng tôi biết. Nhờ đó mà triển lãm từng bước được định
hình. Thực ra khi tổ chức một cuộc triển lãm, không chỉ có đồ vật được trưng
bày, mà thường có cả những tiếp xúc giữa con người với nhau, có rất nhiều người
tham gia chuẩn bị cuộc triển lãm”.
Trang
phục của vua Hàm Nghi được trưng bày tại Triển lãm Vichy, l'Internationale,
ngày 05/05/2024, tại Vichy, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Nhiều
kỉ vật, tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi còn được trưng bày trong triển
lãm Vichy, thành phố quốc tế (Vichy, l’Internationale),
được khai mạc cùng ngày 04/05/2024. Và Amandine Dabat là người kết nối ban tổ
chức với một số nhà sưu tầm. Cháu gái 5 đời mong muốn công bố một bản thống kê
chi tiết những tác phẩm của nhà vua bị lưu đày từ năm 1889.
“Từ
khi bắt đầu làm luận án tiến sĩ, tôi lập dần dần một bản thống kê tác phẩm của
vua Hàm Nghi. Phần 1 của bản thống kê này nằm trong luận văn tiến sĩ của tôi.
Toàn bộ một phần các tác phẩm của ông được đăng trong tập sách được xuất bản
sau này từ luận văn đó. Đúng là Hàm Nghi càng nổi tiếng thì càng có nhiều tác
phẩm của ông xuất hiện hơn, có nghĩa là nhiều gia đình không biết là đang giữ
tác phẩm của vua Hàm Nghi bỗng phát hiện ra, hoặc biết được rằng những tác phẩm
mà họ có trong nhà là do Hàm Nghi vẽ hoặc điêu khắc.
Dần
dần tôi tập trung những dữ liệu đó để lập bản thống kê này. Dĩ nhiên, một ngày
nào đó tôi sẽ xuất bản bộ catalogue thống kê đầy đủ những tác phẩm của ông.
Nhưng tôi nghĩ là còn phải chờ thêm vài năm nữa, bởi vì chúng ta thấy đã có 19
tác phẩm được phát hiện năm ngoái (2023) và khoảng 10 tác phẩm trong năm nay.
Cho nên tôi nghĩ là chúng ta sẽ còn có nhiều bất ngờ. Vua Hàm Nghi vẽ rất nhiều
ở Vichy và rất dễ tặng tranh cho bạn bè như chúng ta thấy trong đợt bán đấu giá
gần đây những tác phẩm của ông. Cho nên biết đâu một ngày nào đó, một số gia
đình ở Vichy biết được là họ đang giữ tác phẩm của vua Hàm Nghi, có thể là nhờ
triển lãm lần này.
Công
việc vẫn đang tiếp diễn và sẽ không kết thúc ngay vì tôi nghĩ cần thêm vài năm
để có thêm thời gian cho những tác phẩm của vua Hàm Nghi được biết đến”.
Tranh
của vua Hàm Nghi được trưng bày tại Triển lãm Vichy, l'Internationale, ngày
05/05/2024, Vichy, Pháp. © RFI / Thu Hằng
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
TẠP
CHÍ VIỆT NAM
Lần
đầu tiên hơn 150 tác phẩm của Hàm Nghi được trưng bày tại Pháp
TẠP
CHÍ VĂN HÓA
Vua
Hàm Nghi : Cuộc đời nghệ sĩ
TẠP
CHÍ ĐẶC BIỆT
Những
năm tháng lưu đày của vua Hàm Nghi ở Alger
No comments:
Post a Comment