Thursday, May 9, 2024

70 NĂM SAU CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG : CUỘC TÌM KIẾM HÀI CỐT BINH SĨ PHÁP VẪN TIẾP DIỄN ( Chi Phương – RFI)

 



70 năm sau chiến tranh Đông Dương : Cuộc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Pháp vẫn tiếp diễn  

  Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 08/05/2024 - 17:03

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240508-70-n%C4%83m-sau-chi%E1%BA%BFn-tranh-%C4%91%C3%B4ng-d%C6%B0%C6%A1ng-cu%E1%BB%99c-t%C3%ACm-ki%E1%BA%BFm-h%C3%A0i-c%E1%BB%91t-binh-s%C4%A9-ph%C3%A1p-v%E1%BA%ABn-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n

 

Cách nay 30 năm, gia đình Dieudonné đã bắt đầu cuộc tìm kiếm người chú phi công "mất tích bí ẩn" trong cuộc chiến ở Việt Nam. Một bộ hài cốt đã được tìm thấy nhưng vẫn chờ giám định ADN. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1954, nhiều cuộc tìm kiếm, hồi hương các hài cốt binh lính chiến đấu cho Pháp đã được thực hiện, nhưng hàng ngàn di hài vẫn bị chôn vùi dưới các lớp đất đá ở Việt Nam, Lào hay Cam Bốt.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8418289e-0d49-11ef-8737-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/Capture%20d%E2%80%99%C3%A9cran%20%2834%29.webp

Ông Vincent Dieudonné cùng anh trai tại buổi quật mộ ở Thái Nguyên, Việt Nam vào tháng 10/2023. © Hình ảnh do gia đình cung cấp

 

Ông Vincent cũng chỉ biết đến người chú phi công qua các bức tranh ảnh hay các mẩu chuyện vụn vặt được ghép lại. “Từ  nhỏ chúng tôi đã nghe nói về vụ mất tích bí ẩn của người chú, nhưng không ai trong gia đình tôi có thể làm sáng tỏ, nói rõ ràng về vụ mất tích đó. Sự bí ẩn kích thích trí tò mò của chúng tôi về người chú chưa từng gặp mặt. Tìm hiểu về sự ra đi của chú tôi, trước tiên là một nghĩa vụ lưu giữ ký ức của gia đình. Vụ mất tích của chú tôi còn mang tính quân sự, lịch sử, và cả lịch sử khá quan trọng. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu liên quan từ kho lưu trữ của quân đội Pháp, gặp được những nhân chứng. Nếu chúng tôi không làm, thì sau này chắc sẽ không còn ai quan tâm đến vụ việc này nữa”. 

 

Vụ rơi chiếc máy bay B-26 Invader “mới tinh”, mang số hiệu 354558, với một phi hành đoàn kỳ cựu, vào tháng Tư năm 1951, được chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương tại bộ Quân Lực Pháp, Philippe Gras, cố gắng tìm lời giải đáp. (Philippe Gras cũng từng là giám đốc phòng tư liệu của Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Le Bourget). Theo bài viết của nhà sử học được đăng trên trang aviateurs.e-monsite, máy bay do Jacques Dieudonné, một phi công dày dặn kinh nghiệm, cầm lái, chở  tướng André Hartemann, chỉ huy lực lượng không quân của Pháp ở Đông Dương và hai người khác, đã mất liên lạc vào ngày 28/04/1951 khi đang đi trinh sát. Ngay sau đó, nhiều cuộc tìm kiếm đã được thực hiện, nhưng không tìm được bất cứ dấu vết nào của máy bay.

 

Đọc thêm : Cao Bằng 1950 thảm bại đầu tiên của Pháp ở Đông Dương

 

Nhà nghiên cứu đã trích dẫn những tư liệu tuyên truyền từ Việt Minh, chỉ ra rằng chiếc máy bay có thể đã gặp tai nạn, hoặc bị bắn rơi, cả 4 người đều bị thiệt mạng. Cuộc đàm phán trả lại thi hài giữa Pháp và Việt Minh lúc đó thất bại, nên có khả năng hài cốt của phi hành đoàn đã bị chôn tại một địa điểm không xác định ở miền bắc Việt Nam.

 

https://s.rfi.fr/media/display/47ec9c6c-0d47-11ef-bb84-005056a97e36/_550225LQDao%20Corps%20%C3%A0%20Dong%20Bam.webp

Bức thư do tướng Lê Quang Đạo gửi cho phía Pháp về tung tích của 4 người trong phi hành đoàn trên máy may B.26, trong đó có tướng Pháp André Hartemann và phi công Jacques Dieudonné. © Hình ảnh do gia đình Dieudonné cung cấp

 

Vào năm 1955, một năm sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, Pháp và Việt Nam đã nhiều lần trao đổi về việc trao trả hài cốt binh lính, nhưng đa số không thành. Qua tìm kiếm trong kho tư liệu của quân đội Pháp, ông Vincent đã phát hiện một bức thư từ phía Việt Minh gửi cho phía Pháp vào ngày 25/02/1955, chỉ ra địa điểm chôn cất 4 thi hài, bỏ mạng trong chiếc máy bay B-26 Invader. Đây cũng là tư liệu duy nhất mà ông Vincent có trong tay khi đến Việt Nam cách nay 30 năm, nhân một chuyến công tác, bắt đầu cuộc tìm kiếm hài cốt của người chú.

 

“Đó là vào tháng 05/1994, cách đây đúng 30 năm, vào một ngày chủ nhật khi tôi đang công tác tại Việt Nam. Cùng với một số cộng sự viên người Việt, chúng tôi đến địa điểm được chỉ dẫn trong bức thư. Chúng tôi hỏi những người cao tuổi trong làng về mộ của lính Pháp và họ ngay lập tức dẫn tôi đến một mồ đất... Trong số đó có ông Trọng, một cụ già ở trong làng, ngay khi gặp chúng tôi, đã nói: ‘Tôi vẫn đợi các ông từ hàng chục năm qua. Những hài cốt của phi công Pháp được chôn trong ruộng của tôi’. Lúc đó, chúng tôi rất ngạc nhiên vì chưa ai đề cập đến vụ rơi máy bay hay lính Pháp. Và chính ông ấy là người đã chôn cất những hài cốt này”.

 

Tuy nhiên, lúc đó, theo ông Vincent, các thông tin từ tư liệu chính thức của Pháp lại không khớp với lời kể của ông Trọng, vì các hài cốt lại được chôn cất ở một tỉnh khác, cách xa địa điểm bị bắn rơi 250 km. Họ đã thử đào xung quanh, nhưng không phát hiện ra dấu vết có chôn hài cốt ở đó. Hơn nữa, tại khu vực này, cũng đã có những vụ rơi máy bay khác, nên có nhiều khả năng mọi người nhớ nhầm. Sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt người chú cùng anh trai Bertrand Dieuddonné, gần chục chuyến đi tới Việt Nam, và vô số các cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh người Pháp, Việt, những người dân ở Tuyên Quang hay Cao Bằng,…, gia đình nhà Dieudonné hiểu rằng các hài cốt đã bị di dời, chôn cất ở nhiều địa điểm khác nhau, và quyết định quay trở lại manh mối thu được đầu tiên ở Thái Nguyên.

 

Trong chuyến trở lại tỉnh miền bắc Việt Nam vào 11/2022, nhờ máy dò kim loại, họ đã phát hiện được một hòm sắt được cho là chứa hài cốt được chôn trong một khu vườn. “Hòm sắt mà chúng tôi phát hiện chỉ ở cách vài mét địa điểm mà người dân trong làng chỉ cho chúng tôi cách đây 30 năm. Do vậy, chúng tôi bắt đầu làm các thủ tục liên quan để xin cấp phép quật mộ”.

 

Một năm sau, vào tháng 10/2023, được sự đồng ý từ chính quyền tỉnh Thái Nguyên và sự can thiệp từ sứ quán Pháp tại Việt Nam, việc khai quật mộ đã được tiến hành. "Khi mộ được bốc lên, tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm", sứ quán Pháp đã lo liệu tất cả các thủ tục hồi hương. Cỗ quan tài sắt đựng hài cốt ngay sau đó đã được chuyển về một phòng thí nghiệm ở Pháp để làm xét nghiệm di truyền học. Sau gần 6 tháng, cho đến nay, phòng thí nghiệm vẫn chưa xác định được kết quả ADN, mà chỉ cho biết trong hòm chỉ chứa một bộ hài cốt chứ không phải cả 4.

 

“Sau nhiều năm, hài cốt đã bị phân hủy. Hơn nữa, trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã được một nhân chứng cho chúng tôi biết là các di hài đã bị đốt cháy để dễ vận chuyển, hoặc vì lý do vệ sinh hay lý do nào khác mà chúng tôi không biết. Do vậy, sau 70 năm, rất khó xác định về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cũng cần phải xin giấy phép lấy mẫu ADN của các gia đình khác.”

 

Trong gia đình ông, đa số mọi người đều ủng hộ, tìm lại một mảnh ghép bị thiếu trong gia đình Dieudonné, nhưng cũng có một số người cho rằng “những người lính đã đến đó, thì ở lại đó vẫn tốt hơn”. Thế nhưng, ông Vincent cho rằng “ở lại đó đồng nghĩa với việc bị lãng quên”. Vào tháng Sáu tới, ông Vincent Dieudonné sẽ quay trở lại Việt Nam, để tiếp tục tìm 3 thành viên còn lại trong phi hành đoàn của chiếc máy bay B-26. Ông khẳng định rằng 3 bộ hài cốt khác chắc chắn được chôn cất gần đó, nên chỉ cần đến đó và tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin. 

 

Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm này sẽ gặp khó khăn vì dự án xây dựng sân bay Đồng Bằm ở Thái Nguyên, và cần phải xin nhiều giấy phép. 

 

“Mục đích của tôi là tìm lại cả 4 người, nhưng việc quật mộ, đưa hài cốt về Pháp và xác định họ là ai sẽ không phải do tôi quyết định. Khi tìm được những tài liệu, manh mối cụ thể, tôi sẽ tiếp tục làm việc với sứ quán Pháp. Chúng tôi cũng không thể dự tính chuyện gì sẽ xảy ra, liệu có tìm được hay không, vì có thể các ngôi mộ đó đã bị lãng quên, hoặc trở thành bụi, hoà tan vào đất, chứ không được đặt vào trong các cỗ quan tài bằng sắt. Hoặc họ đã bị đưa vào những nghĩa trang dân sự tập thể và giờ không còn dấu tích gì. Nhưng tôi vẫn lạc quan, và cho rằng tôi sẽ tìm được thứ gì đó… Vì đó không chỉ là nghĩa vụ của một gia đình mà còn là cả một lịch sử quân sự. Pháp luôn muốn tôn vinh những người lính từng đi chiến đấu, những người đã tử trận. Cuộc tìm kiếm của gia đình tôi chỉ góp phần nhỏ, để nước Pháp công nhận những người lính ở Đông Dương, ngay cả những người không được nói đến nhiều… Nếu như mỗi người bỏ chút công sức thì tôi tin chắc rằng sẽ tìm được nhiều người lính mất tích hơn nữa”.

 

Cuộc tìm kiếm người thân của gia đình Dieuddonné đã thuận lợi khi một trong 4 phi hành đoàn là một vị tướng của Pháp. Ông Vincent cho biết có nhiều thân nhân các binh sĩ mất tích trong chiến tranh, cũng nỗ lực tìm kiếm như ông, nhưng không phải ai cũng tìm ra đủ các bằng chứng thuyết phục để nhờ sự can thiệp của sứ quán Pháp. 

 

Sắp tới, nếu kết quả giám định ADN xác nhận bộ hài cốt được mang về Pháp hồi tháng 10 năm 2023 là của phi công Jacques Dieudonné, thì một lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức. Gia đình ông sẽ hoặc là tự chọn địa điểm chôn cất, hoặc là an táng tại nghĩa trang ở Fréjus – khu tưởng niệm những người đã hy sinh cho nước Pháp ở Đông Dương, được khánh thành vào năm 1993, và là nơi yên nghỉ của gần 24.000 binh lính hoặc thường dân, bỏ mạng trong chiến tranh Đông Dương.

 

Trong cuộc chiến kéo dài 9 năm, 80.000 binh sĩ Pháp đã bỏ mạng tại Đông Dương (khoảng 500 000 người ở phía Việt Minh). Sau khi hiệp định Genève được ký kết, từ năm 1955 đến năm 1975, hài cốt của 2.243 binh sĩ đã được hồi hương về Pháp. Một số nghĩa trang an táng các chiến sĩ vô danh cũng được xây dựng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Marie Vanackère, nhà nghiên cứu về Đông Dương, trong bài phân tích trên tạp chí Revue historique des armées, quá trình này là lính nước ngoài, chiến đấu cho Pháp), chưa kể việc chính quyền Bắc Việt gây khó dễ.

 

Kể từ thỏa thuận với chính phủ Việt Nam từ năm 1986 dưới thời tổng thống François Mitterrand, hàng chục ngàn bộ hài cốt đã được hồi hương về Pháp. Theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp, khoảng 55.000 hài cốt đã được trao trả cho thân nhân (hơn 15.000), hoặc chuyển về nghĩa trang ở Fréjus. Gần đây nhất là hồi tháng 03/2024, Pháp đã đưa về nước 6 bộ hài cốt, vốn đã được phát hiện và thông báo cho sứ quán Pháp từ năm 2012, 2021, 2022. Tuy nhiên hàng ngàn thi hài binh sĩ Pháp hiện vẫn bị chôn vùi trên lãnh thổ Việt Nam.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - VIỆT NAM - ĐIỆN BIÊN PHỦ

Pháp chuẩn bị đưa 6 hài cốt binh sĩ tử trận ở Điện Biên Phủ về nước

 

HOA KỲ

70 năm sau, Mỹ vẫn đi tìm hài cốt binh sĩ mất tích trong Đệ nhị Thế chiến

 

VIỆT NAM - XÃ HỘI

Việt Nam: Nhờ đến các nhà "ngoại cảm" để tìm hài cốt người mất tích trong chiến tranh





No comments:

Post a Comment