Saturday, April 27, 2024

NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM CỘNG HÒA : DẤU ẤN ĐÀI LOAN (Võ Văn Quản / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Nền nông nghiệp Việt Nam Cộng hòa: Dấu ấn Đài Loan

VÕ VĂN QUẢN  -  Luật Khoa Tạp Chí

APR 24, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/04/nen-nong-nghiep-viet-nam-cong-hoa-dau-an-dai-loan/

 

Năm 1959, Đài Loan đưa phái đoàn phát triển nông nghiệp quốc tế đầu tiên tới miền Nam Việt Nam.

 

Ngày 13/11/1963, nhà kỹ thuật canh nông Đài Loan Trương Đốc Sanh (Zhang Dusheng) lên một chiếc jeep hướng về Sài Gòn sau khi thăm một trạm thử nghiệm lúa giống cách đô thành khoảng 70 km. Đoàn xe của ông này bị lực lượng Việt cộng mai phục, và Trương Đốc Sanh chết trong lúc hai bên giao tranh. [1]

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/04/Taiwan---RVN-1.png

Một kỹ thuật viên Đài Loan hướng dẫn nông dân Việt Nam cách sử dụng nông cụ đánh dấu khoảng cách lúa. Nguồn ảnh từ nghiên cứu của James Lin / University of Washington.

 

Trong những tháng sau đó, báo chí Đài Loan xây dựng hình ảnh của Trương Đốc Sanh như một người người hy sinh vì lý tưởng, song không phải vì chiến tranh hay tôn giáo, mà vì sự phát triển. Một số tờ báo, tân văn (như Cheng Hsin Daily News - Zhengxin xinwenbao 徵信新聞報) ca ngi:

 

“Chuyên gia Trương là một trong số rất nhiều chuyên gia của chúng ta rời quê hương để giúp đỡ các quốc gia chưa phát triển như chúng ta. Họ đã giúp cho những quốc gia hiểu được đúng tinh thần công thương chuyên cần cũng như tri thức khoa học chuyên sâu của quốc dân ta. Đóng góp của các chuyên gia như Trương cho các quốc gia này cũng to lớn như cho nước ta”. [2]

 

Câu chuyện của Trương Đốc Sanh là một lát cắt rất nhỏ trong nỗ lực tương trợ quốc tế và quảng bá hình ảnh Đài Loan từ thập niên 1960 - 1970 - thời điểm mà chính quyền miền Nam Việt Nam cũng đang kỳ vọng tìm kiếm một hướng phát triển phù hợp với nền tảng văn hóa của mình thay vì lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

 

Tương tác ngắn ngủi giữa Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa ít được giới nghiên cứu nhắc tới, độc giả Việt Nam gần như không hề biết đến nó. Bài viết này hy vọng đóng góp thêm một góc nhìn tổng quan về câu chuyện đó.

 

 

Quốc tế canh nông

 

Kể từ thập niên 1950, Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi chính thức của Đài Loan) mong tương tác với thế giới nhiều hơn thông qua các chương trình phát triển quốc tế.

 

Dù ở thời điểm này, Đài Bắc vẫn là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc và giữ được ghế thành viên Hội đồng Bảo an, nhưng các hoạt động quốc tế của hòn đảo bị khối xã hội chủ nghĩa và Trung Hoa Đại lục hạn chế nghiêm trọng.

 

Do đó, Đài Loan thiết lập quan hệ với hàng loạt các quốc gia ở Á, Phi, và Mỹ Latin dù họ chỉ mới giải thuộc địa (decolonisation) nhằm xây dựng được sự tương đồng và đoàn kết với các quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba. [3]

 

Việt Nam, mà cụ thể từ năm 1959, là địa điểm khai màn cho nhiệm vụ quốc tế canh nông của Đài Loan. Phạm vi chương trình ban đầu còn khá hạn chế, tập trung vào việc đào tạo, hướng dẫn các hoạt động như nhân giống cây trồng, đánh bắt thủy sản, xây dựng các hiệp hội nông dân, rồi từ đó là tư vấn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong các chương trình chính phủ về cải thiện hạt giống và phúc lợi nông thôn.

 

Chính quyền Tưởng Giới Thạch chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên vì họ cho rằng Bắc Việt đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Trung Hoa Đại lục. Nếu không thể giúp miền Nam Việt Nam cải thiện đời sống nông thôn (một thế mạnh của Đài Loan) và chiến thắng cuộc chiến này, thì Bắc Kinh sẽ là một thế lực không thể cản phá ở Đông Nam Á.

 

Về lợi ích đối nội, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, nông nghiệp quốc tế sẽ là minh chứng cho người dân Đài Loan thấy rằng chính quyền Quốc Dân đảng vẫn còn đang kiểm soát được mọi thứ. Kinh tế vẫn phát triển, thậm chí đủ phát triển và tiến bộ để giúp đỡ các quốc gia khác.

 

Chưa kể, các dự án hỗ trợ quốc tế này còn tạo ra và củng cố vị thế cho giới kỹ sư, chuyên gia, trí thức của Đài Loan nói chung - điều cần thiết trong cuộc đấu cân não mới với chính quyền đại lục. 

 

Hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Đài Loan tại Việt Nam đóng vai trò chủ đạo (mà không có quá nhiều hoạt động quân sự) với một số thành tựu đáng kể.

 

Ví dụ, các kỹ sư canh nông Đài Loan là nhóm chuyên gia đầu tiên tạo ra các bản báo cáo đầy đủ và chi tiết về tình hình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Năm 1960, báo cáo về sản lượng hạt giống gạo ở Việt Nam được công bố, đưa ra cả số liệu lẫn các đề xuất về hỗ trợ nông dân, các phương án giám sát nông sản, tồn trữ, bảo quản, phân phối và hỗ trợ tài chính. [4]

 

Năm 1964, họ ước tính rằng 2,5 triệu ha đất nông nghiệp miền Nam Việt Nam có thể sản xuất được khoảng 5 triệu tấn/năm (nguyên văn: “Rice was a key concern, given that Vietnam, like Taiwan, was primarily a rice-consuming culture. In 1964, Taiwanese experts estimated that approximately 2.5 million hectares produced 5 million metric tons of rice annually in Vietnam". Luật Khoa chưa xác định được báo cáo muốn nói tấn lúa hay tấn gạo).

 

Sau đó, giới kỹ thuật Đài Loan và chính quyền Sài Gòn hợp tác xa hơn trong việc thử nghiệm các giống lúa mới ở Mỹ Tho, Long Xuyên, Cần Thơ và một số vùng khác thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long [5]. Một số tài liệu cũng cho thấy nhóm kỹ sư canh nông Đài Loan là những người đề xuất thử nghiệm tại Việt Nam các giống lúa thành công trong phạm vi Đông Nam Á, thay vì phải học tập từ Pháp, Hoa Kỳ.

 

Các loại lúa gạo mới được giới kỹ sư Đài Loan hợp tác cùng Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (International Rice Research Institute - IRRI) giới thiệu vào miền Nam Việt Nam đều đạt những thành công vang dội. Nhiều giống lúa như IR-8 hay TN-8 (Thần Nông 8) còn lưu truyền danh tiếng đến ngày nay. [6]

 

 

Mô hình chính quyền đáng học hỏi

 

Nếu Việt Nam Cộng hòa là điểm đến hỗ trợ phát triển, thực hành khoa học, cũng như xây dựng danh tính của giới khoa học Đài Loan thì chính quyền Sài Gòn còn nhìn những thành công ban đầu của Đài Loan và Hàn Quốc theo hướng một mô hình chính quyền khác đáng lựa chọn.

 

Một số tác giả, như Simon Toner, cho rằng lãnh đạo các thời kỳ cộng hòa của chính quyền Sài Gòn luôn tìm thấy sự tương đồng và khả năng học hỏi nhiều ở các quốc gia châu Á láng giềng nhiều hơn là Hoa Kỳ hay châu Âu. [7]

 

Simon Toner cũng ghi nhận thêm, sự hứng thú của chính quyền miền Nam Việt Nam với Đài Loan không chỉ ở thành tựu phát triển, mà còn là các đặc trưng chính trị cơ bản của nó: (1) một đám đông quần chúng bị phi chính trị hóa; (2) một niềm tin và lòng trung thành với chính quyền toàn trị; (3) và sự đồng lòng trong phát triển kinh tế. Nói cách khác, với Việt Nam, Đài Loan là một phiên bản tương lai “lãng mạn” và “đáng tưởng tượng” về một quốc gia toàn trị nhưng thịnh vượng. 

 

Cũng từ đó, kinh nghiệm của Đài Loan đáng giá với Việt Nam không chỉ là câu chuyện canh nông.

 

Theo một số chuyên gia như James Ferguson, sẽ là nhầm lẫn nếu cho rằng các nhiệm vụ quốc tế của Đài Loan chỉ thuần “kỹ thuật”. [8]

 

Trong nghiên cứu của mình về các biến đổi tại quốc gia châu Phi Lesotho, James Ferguson cho thấy giới kỹ thuật, trí thức Đài Loan có tác động rất lớn lên quá trình đất nước này tái cấu trúc nông thôn của mình.

 

Với kinh nghiệm và thành công vang dội trong việc cấu trúc hoá (structurization) và kỷ luật hóa (disciplining) xã hội nông thôn Đài Loan của Quốc Dân đảng thì các kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc thành lập và quản lý các hội nông dân, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế địa phương, tài chính hóa và quản lý hiệu quả các nguồn viện trợ - tư bản tại nông thôn hay cải cách ruộng đất… đều cực kỳ quan trọng cho một quốc gia như miền Nam Việt Nam - nơi mà chính quyền trung ương vẫn chưa thể bình định thành công một phần lớn nông thôn.

 

---------------

Chú thích:

 

[1] Ministry of Foreign Affairs Telegram, November 14, 1963; "駐越農技團工作 及協助華僑籌建紗廠及張篤生遇難等"

 

[2] Lin, James Yushang, Sowing Seeds and Knowledge: Agrarian Development in the US, China, Taiwan, and the World, 1920-1980 (Thesis | UC Berkeley). Translated document located in Folder 842, Bản dịch các bài báo Taiwan liên quan đến cái chết của ông Tu-Sun-Chang, thành viên phái đoàn kỹ thuật canh nông Trung Hoa Dân Quốc đến Việt Nam năm 1963 [Translation of Taiwan articles related to the death of Tusun Chang [Zhang Dusheng], member of the ROC agricultural technical team to Vietnam 1963], Nha Canh Nông [Directorate of Agriculture], Vietnam National Archives II (hereafter VNA).

 

[3] Lin, James. 2015. Sowing Seeds and Knowledge: Agricultural Development in Taiwan and the World, 1925-1975, East Asian Science, Technology and Society 9 (2): 127-149. 

 

[4] [5] Tài liệu của phái bộ kỹ thuật Trung Hoa Dân quốc ở Việt Nam về việc sản xuất lúa giống ở Việt Nam năm 1960 [ROC technical team in Vietnam report on Vietnam rice production], February 1960; Folder 1313; Nha Canh Nông [Directorate of Agriculture], VNA.

 

[6] Tran, Thi Ut, and Kei Kajisa. 2006. The Impact of Green Revolution on Rice Production in Vietnam, The Developing Economies 44 (2): 167-189. Đọc thêm tại đây.

 

[7] Toner, Simon. 2017. Imagining Taiwan: The Nixon Administration, the Developmental States, and South Vietnam's Search for Economic Viability, 1969-1975, Diplomatic History 41 (4): 772-798.

 

[8] Ferguson, James. 1990. The Anti-Politics Machine: Development, Depoliticization, and Bureaucratic Power in Lesotho. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

 

 




No comments:

Post a Comment