Saturday, April 27, 2024

HIẾN PHÁP 1967 : BẢN HIẾN PHÁP TIẾN BỘ và DÂN CHỦ NHẤT TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Hiến pháp 1967: Bản hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất trong lịch sử Việt Nam

HOÀNG DẠ LAN  -  LUẬT KHOA TẠP CHÍ

APR 26, 2024
https://www.luatkhoa.com/2024/04/hien-phap-1967-ban-hien-phap-tien-bo-va-dan-chu-nhat-trong-lich-su-viet-nam/

 

6 điểm nổi bật.

 

Chuyện vốn đã hiển nhiên đến nhàm: hiến pháp là luật gốc của một quốc gia, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác lập luật chơi của hệ thống chính trị. Nó không chỉ là một tài liệu pháp lý mà còn là một văn bản định hình văn hóa và giá trị của quốc gia đó.

 

Trong thời gian tồn tại của mình, Việt Nam Cộng hòa đã để lại hai bản hiến pháp mang nhiều giá trị lịch sử và nghiên cứu. Nếu như Hiến pháp 1956 được xem là cơ sở hợp thức hóa sự cai trị độc đoán của chế độ Ngô Đình Diệm do tập trung quá nhiều quyền lực vào vị trí tổng thống, Hiến pháp 1967 được xem là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. 

 

Ngày 1/11/1963, chính quyền miền Nam Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo bị lật đổ thông qua một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính đánh dấu sự kết thúc của nền Đệ Nhất Cộng hòa và dẫn đến một giai đoạn bất ổn kéo dài bốn năm với các chính quyền quân quản được lập ra rồi sụp xuống liên tục.

 

Tình trạng bất ổn chính trị chỉ kết thúc khi Quốc hội Lập hiến gồm 117 đại biểu được thành lập và nhóm họp để soạn thảo hiến pháp mới. Hiến pháp 1967 là kết quả của quá trình tranh luận và thương thảo sôi nổi của nhiều nhóm khác nhau trong Quốc hội Lập hiến. Bản Hiến pháp 1967 là viên đá đầu tiên, đặt nền tảng cho nỗ lực xây dựng một quốc gia dân chủ của nền Đệ Nhị Cộng hòa. 

 

Tôi may mắn có trong tay những tài liệu quý từ thời lập hiến 1967 để hiểu rõ hơn những trăn trở và suy tư của các nhà lập hiến khi đó. Chẳng hạn như tài liệu “Thuyết trình về hiến pháp" của Ban nghiên cứu Hiến pháp Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa, hay cuốn “Hiến pháp chú thích" của luật sư Trương Tiến Đạt, xuất bản năm 1967 ở Sài Gòn. Dựa trên những tài liệu quý vốn không còn được lưu hành rộng rãi này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc sáu đặc điểm nổi bật của bản Hiến pháp 1967. [1] 

 

 

Hiến pháp 1956

Hiến pháp 1967

Thiên thứ ba - Tổng thống: 18 điều, khoảng 870 từ.

Thiên thứ tư - Quốc hội: 22 điều, khoảng 580 từ.

Thiên thứ năm – Thẩm phán: 4 điều, 85 từ.

Chương IV - Hành pháp: 25 điều, khoảng 570 từ.

Chương III - Lập pháp: 21 điều, khoảng 940 từ.

Chương V - Tư pháp: 9 điều, khoảng 460 từ.

Hình: So sánh sơ lược Hiến pháp 1956 và 1967 của Việt Nam Cộng hòa.

 

 

1. Chế độ cộng hòa tổng thống

 

Một trong những vấn đề gây tranh luận gay gắt nhất ở Quốc hội Lập hiến là lựa chọn mô hình cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị. Bị ám ảnh với những hậu quả của việc tập trung quyền hành vào vị trí tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm, nhiều đại biểu ủng hộ chế độ đại nghị. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Quang Đán cùng các lãnh tụ của Đại Việt Quốc dân Đảng là Nguyễn Ngọc Huy và Đặng Văn Sung ủng hộ chế độ cộng hòa tổng thống. Các ông cho rằng trong một xã hội nhiều chia rẽ, bất đồng và luôn bị cộng sản Bắc Việt đe dọa, Việt Nam Cộng hòa cần một tổng thống mạnh do toàn thể quốc dân bầu lên nhằm ổn định chính trị và đoàn kết các lực lượng quốc gia dưới ngọn cờ chính nghĩa chống cộng. [2]

 

Bản hiến pháp cuối cùng là một sự thỏa hiệp giữa hai phe.

 

Về mặt đại cương, Hiến pháp 1967 thiết lập chế độ cộng hòa tổng thống. Tổng thống nắm quyền hành pháp và được nhân dân trực tiếp bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái cử một lần.

 

Tổng thống được trao cho nhiều quyền, bao gồm quyền hoạch định chính sách quốc gia, đề xuất các dự thảo luật và ban hành các đạo luật, là tổng tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và có quyền ký sắc luật tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm trên một phần hay toàn lãnh thổ. Thủ tướng là vị trí có ít quyền lực hơn hẳn. Tổng thống có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm thủ tướng.

 

Tuy nhiên, đây không phải là một chế độ tổng thống thuần nhất với sự phân quyền triệt để giữa hành pháp và lập pháp. So với Hiến pháp 1956, nhánh lập pháp trong Hiến pháp 1967 được trao nhiều quyền lực hơn, bao gồm quyền chất vấn và bất tín nhiệm chính phủ. Điều 42 của Hiến pháp 1967 quy định “Quốc Hội có quyền khuyến cáo thay thế từng phần hay toàn thể Chính phủ với đa số hai phần ba tổng số Dân biểu và Nghị sĩ”. Kỹ thuật giải tán nội các này được du nhập từ chế độ đại nghị, mục tiêu là khiến cho chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội cũng như tăng cường uy quyền của lập pháp trong mối tương quan với hành pháp.

 

Như vậy, nội các do thủ tướng đứng đầu, phải chịu trách nhiệm trước cả tổng thống và Quốc hội. Điều này khiến cho nội các phải chịu cảnh một cổ hai tròng, không khác nào một nàng dâu phải phục vụ hai mẹ chồng. [3] Có thể thấy các nhà lập hiến có dụng ý tạo ra vị trí thủ tướng nhằm san sẻ các nhiệm vụ hành pháp với tổng thống, vừa đứng mũi chịu sào thay cho tổng thống trong trường hợp Quốc hội bất tín nhiệm và muốn giải nhiệm chính phủ. Nhiệm kỳ cố định bốn năm của tổng thống được kỳ vọng tạo ra sự ổn định chính trị, ngay cả khi chính phủ bị giải tán.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2024/04/Nguye--n_Va-n_Thie--u-_Nguye--n_Cao_Ky-_during_a_press_conference_on_the_eve_of_the_national_election-_2_September_1967.png

Liên danh tranh cử tổng thống và phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ trong cuộc họp báo ngày 2/9/1967, một ngày trước ngày tổng tuyển cử năm 1967. Ảnh: U.S.Information Agency / Wikipedia.

 

 

2. Quốc hội lưỡng viện

 

Lập pháp nhất viện hay lưỡng viện cũng là một trong những chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong Quốc hội Lập hiến. Cuối cùng, ý kiến lưỡng viện thắng thế, quyền làm luật được ủy nhiệm cho hai cơ quan là Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện. 

 

Các nhà lập hiến khi đó biện luận rằng chế độ lưỡng viện giúp dân có nhiều đại diện hơn, quá trình làm luật được tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn. Chế độ này cũng giúp giảm bớt tính độc đoán, chuyên chế của cơ quan lập pháp vì viện này sẽ kiểm soát viện kia. Ngoài ra, các nhóm lợi ích muốn mua chuộc, thao túng Quốc hội cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì có đến hai viện lập pháp. [4]

 

Theo Hiến pháp 1967, Hạ Nghị viện gồm một trăm đến hai trăm dân biểu, được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp theo thể thức đơn danh, trong từng đơn vị lớn nhất là tỉnh. Thượng Nghị viện gồm ba mươi đến sáu mươi nghị sĩ, được cử tri toàn quốc bầu lên theo thể thức liên danh đa số. Như vậy có thể xem Hạ Nghị viện là cơ quan đại diện cho các địa phương, còn Thượng Nghị viện đại diện cho lợi ích quốc gia.

 

Dân biểu có nhiệm kỳ bốn năm, trong khi nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm. Việc quy định thời gian nhiệm kỳ khác biệt cho dân biểu và nghị sĩ là một phương pháp thường được áp dụng ở các nước theo chế độ lưỡng viện. Phương pháp này đảm bảo khi một viện mãn nhiệm thì vẫn còn viện kia làm việc để sự đại diện của nhân dân trong chính quyền được liên tục và nhiệm vụ giám sát hành pháp của lập pháp không bị đứt quãng. [5]

 

Ngoài ra, Hiến pháp quy định cứ mỗi ba năm phải bầu lại phân nửa số thượng nghị sĩ. Quy định này giúp Thượng Nghị viện thường xuyên được thay máu để phản ánh kịp thời những biến chuyển trong nhu cầu và mong muốn của cử tri, nhưng vẫn giữ được một nửa cũ những người đã có kinh nghiệm nghị trường. 

 

Trên thực tế, Thượng Nghị viện có 60 ghế, bao gồm sáu liên danh có số phiếu cao nhất, mỗi liên danh gồm 10 người (xem hình tư liệu). Trong số 60 nghị sĩ được bầu vào Thượng Nghị viện vào năm 1967, tức là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi ban hành hiến pháp mới, có 30 nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm, 30 người còn lại có nhiệm kỳ ba năm. Cách xác định nhiệm kỳ này được tiến hành theo thể thức rút thăm, ai hên thì được sáu năm, ai xui thì chỉ được ba năm. Năm 1970, Việt Nam Cộng hòa tổ chức cuộc bầu cử bán phần Thượng viện.

 

Cả dân biểu và nghị sĩ đều có thể được tái cử chừng nào họ vẫn được cử tri tín nhiệm. Dân biểu và nghị sĩ không thể kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử nào khác. Các chức vụ công cử bao gồm mọi vị trí trong bộ máy nhà nước, ví dụ như bộ trưởng, thẩm phán. Các chức vụ dân cử bao gồm các vị trí trong chính quyền do quốc dân bầu lên. Sự bất khả kiêm nhiệm giữa các chức vụ giúp dân biểu và nghị sĩ độc lập trong việc thực hiện sứ mạng của mình cũng như gia tăng tính minh bạch và công bằng của quy trình lập pháp.

 

Ngoài ra, Khoản 7 Điều 37 quy định: “Dân biểu, Nghị sĩ và người hôn phối không thể tham dự những cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan chính quyền”. Quy định này giúp ngăn chặn các xung đột lợi ích có thể khiến các đại biểu dân cử đưa ra các quyết định thiên vị và tư lợi cá nhân. Một đại biểu có các lợi ích tài chính, kinh tế liên quan đến chính quyền thì sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách vô tư, độc lập được nữa.

 

Có thể thấy các nhà lập hiến đặt trọng tâm vào việc xây dựng một đội ngũ các đại diện dân cử độc lập, chuyên nghiệp, ngăn chặn xung đột lợi ích và đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực và quyền lực công.

 

 

XEM TIẾP >>>>>





No comments:

Post a Comment