Monday, February 5, 2024

NÊN ĐỌC CHO BIẾT (Lưu Trọng Văn)

 



Nên đọc cho biết

Lưu Trọng Văn

5-2-2024 

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/02/luu-trong-van-nen-oc-cho-biet.html

 

Lướt mạng, ấn tượng bài viết cô đọng và sâu sắc này của ông bạn Trần Ngọc Vương mà nhóm Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Thế Hùng, Ngô Quốc Kỳ, Kim Quang Minh thường gọi là giáo sư Vương.

 

NHẤT QUỐC LƯỠNG CHẾ

 

- Tuyệt đại đa số các thuật ngữ Hán tự về triết học Đức, Kinh tế Anh, Dân chủ Pháp...đều không phải là Hán ngữ Hoa Hạ mà là Hòa Hán, nghĩa là do Nhật (Hòa) sáng tạo ra rồi Trung Hoa du nhập vào thành của mình. Vì vậy phân tích ngữ nghĩa và tư duy những chuyện này mà dùng kiểu Nho gia có lẽ không thuận.

 

- Với ta thì “ Nhất quốc lưỡng chế” giờ chưa lo mà cái đáng lo lại là “ Nhất chế lưỡng quốc”. Các “quốc” như Nhật, Hàn, Đài Loan ...nhờ khác chế mà thoát Trung dễ dàng. Nghèo và cũng dính rốn với Tàu như Mông Cổ, Nepal, Miến Điện cũng khó bị Tàu cộng áp chế, vì họ theo thể chế khác Tàu cộng, họ thoát Trung dễ dàng.

 

Ta tại sao không thoát nổi?

 

Ấy là ta chịu cái nạn “Nhất chế lưỡng quốc“ Hai nước một chế độ, mà lại là chế độ của Tàu cộng mới khổ.). “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một lỗ“. Đơn giản vậy thôi, sao không nghĩ kỹ mà cứ theo đuôi mãi?

 

Mỗi sớm điện thoại của gã rộn ràng liên thanh tinh tinh đó là tin nhắn, thông tin, bài viết của bè bạn quen và không quen từ khắp nơi gửi cho gã. Gã giật mình với bài viết của Vương Trung Hiếu mà kỹ sư tin học Nguyễn Văn Danh, gã quen từ 20 năm trước khi tới Milan, Ý, sưu tầm được.

 

HIỂU ĐÚNG CÂU “NHÂN SINH THẤT THẬP CỔ LAI HY”

 

Nhiều người hiểu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” là “đời người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm”, tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa của câu này không hẳn như vậy.

 

“Nhân sinh thấp thập cổ lai hy” là câu thứ tư, thuộc kỳ 2 của bài “Khúc Giang nhị kỳ” (曲江二其), cần phải gắn câu này với câu thứ ba mới hiểu chính xác ý của Đỗ Phủ muốn nói là gì.

 

”Khúc Giang” còn gọi là “Khúc Giang Trì” (曲江池), nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Hơn 1.000 năm trước, nơi đây là viên lâm Hòang gia, là khu thắng cảnh lớn nhất của Trường An - kinh đô triều nhà Đường.

 

Bài thơ “Khúc Giang nhị kỳ” (gồm 2 kỳ), được Đỗ Phủ viết vào một ngày mùa xuân năm 758, năm mà nhà thơ này vừa mới ra tù sau một thời gian bị giam cầm. Đỗ Phủ bị giáng chức, làm nhân viên quèn. Ông buồn bã đến Khúc Giang, lúc đó tiền bạc rất eo hẹp, ông phải đem cầm quần áo để nhận vài đồng lẻ.

 

Trong hoàn cảnh túng quẫn và thất vọng đó, Đỗ Phủ đã sa vào những cơn say, tìm quên tất cả. Ông nợ rất nhiều tiền rượu, xấu hổ và cay đắng về điều này. Ông trút vào thơ (trích từ Khúc Giang kỳ.

 

酒債尋常行處有 (Tửu trái tầm thường hành xứ hữu)

人生七十古來稀 (Nhân sinh thất thập cổ lai hy).

 

Nghĩa là: “Nợ tiền uống rượu là chuyện thường ngày nơi nào cũng có, nhưng lại là chuyện xưa nay hiếm đối với người bảy mươi tuổi”.

 

Thế đấy, già mà còn nợ tiền rượu mới là hiếm (!), chứ không chỉ sống đến 70 tuổi mới là hiếm. Nói vậy thôi, ngày nay “nhân sinh thất thập cổ lai hy” chính xác là một câu kính trọng người cao tuổi, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ởTrung Quốc cũng có ý nghĩa như vậy, bởi vì 70 tuổi vào thời cổ đại là điều kỳ lạ, giống như ngày nay sống 100 tuổi vậy.

 

Chao ôi, “bách tuế vi kì” (歲爲期), 100 năm ấy là hạn định, đời người 100 năm là cùng, nếu ai đó sống lâu hơn thì cần phải kính chúc là “thượng thượng thọ” vậy.

 

LƯU TRỌNG VĂN 05.02.2024 (giới thiệu)

 

Publié par Thụy My RFI à 01:22

 

 





No comments:

Post a Comment