Thursday, February 1, 2024

BA NĂM SAU ĐẢO CHÁNH, CHÍNH QUYỀN QUÂN SỰ MIẾN ĐIỆN THÊM SUY YẾU (Anh Vũ / RFI)

 



Ba năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện thêm suy yếu

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2024 - 14:27

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240131-ba-n%C4%83m-sau-%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-th%C3%AAm-suy-y%E1%BA%BFu

 

Ba năm sau cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng chính trị và nhân đạo, nội chiến triền miên. Những thất bại quân sự của quân đội chính phủ trước các lực lượng sắc tộc thiểu số gần đây càng cho thấy chính quyền quân sự suy yếu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c1491808-cc9b-11ed-8421-005056a90284/w:980/p:16x9/000_33C47AJ.webp

Miến Điện tổ chức rầm rộ Ngày Quân Lực tại Naypyidaw . Ảnh ngày 27/03/2023. AFP - STR

 

Từ sau khi tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền ở Miến Điện bằng cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, đến nay hơn hai phần ba đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh. Gần ba triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa và hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Đó là những sự thật được giới quan sát và các tổ chức quốc tế ghi nhận về đất nước này sau 3 năm dưới chính quyền quân sự.

 

Trong một báo cáo công bố tháng 1/2024, Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã nhấn mạnh tình trạng : « Gia tăng bạo lực, gia tăng mức độ nghèo đói và điều kiện sống xuống cấp đang gây những tác động tàn khốc đến cuộc sống của người dân ». Chương trình Lương thực Thế giới  cũng ước tính vào năm ngoái, 25% trên 54 triệu dân của đất nước này không đủ ăn, 1/3 dân số đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc thẩm định: « Gần hai phần ba đất nước đang trong chiến tranh ».

 

Những biến động mới xuất hiện vào cuối tháng 10, khi Quân đội Arakan (AA), Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) quyết định lợi dụng sự suy yếu của lực lượng chính quy đã liên kết với nhau phát động lại cuộc chiến từ hàng chục năm nay,  với mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước, bằng chiến dịch mang tên gọi 1027.

 

Lực lượng nổi dậy đã nhanh chóng giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, chiếm được nhiều căn cứ quân sự và các trục đường chiến lược, đặc biệt là tuyến giao thương với nước láng giềng Trung Quốc.

 

Ông Guillaume de Langre, một cựu cố vấn về năng lượng cho chính phủ dân sự Miến Điện, được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : « Miến Điện đang bước vào giai đoạn mới của cuộc xung đột với cuộc tấn công được tổ chức phối hợp hoàn hảo trên tất cả các vùng biên giới, bởi các nhóm du kích quân được trang bị vũ khí tốt và được huấn luyện kỹ càng. Các nhóm này đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền bắc, phía đông và đông nam của đất nước ».

 

Hệ quả là, phần lãnh thổ mà chính quyền quân sự kiểm soát giờ ít hơn hồi năm 2021 và nhất là chính quyền dường như không có phương tiện để dành lại. Theo một số chuyên gia quân sự, hơn 6000 binh sĩ Miến Điện đã đào ngũ chạy sang Ấn Độ và Trung Quốc hoặc gia nhập quân kháng chiến.

 

Thắng lợi của lực lượng nổi dậy với chiến dịch 1027 đã làm dấy lên sự bất đồng trong chính quyền, vốn thường tỏ ra gắn kết với nhau, đồng thời gây ra sự chỉ trích công khai chưa từng có từ một số người ủng hộ chế độ nổi tiếng.  Ông Htwe Htwe Thein, thuộc Đại học Curtin ở Úc, nói với AFP: « Chính quyền chưa bao giờ yếu đến thế ». Theo ông, có vẻ như quân đội chính phủ từ giờ sẽ còn hứng chịu nhiều thất bại lớn nữa.

 

Tuy nhiên, sẽ là quá nếu nói rằng chính quyền quân sự Miến Điện đang trên bờ vực sụp đổ. Một nhà ngoại giao phương Tây từng có nhiều năm làm việc tại Rangoon khẳng định,  chính quyền (hiện nay) vẫn có đủ phương tiện để nắm giữ quyền lực thiết yếu.

 

Trong khi đó, lộ trình của liên minh nổi dậy vẫn chưa rõ ràng, không biết mục tiêu của họ có vượt ra ngoài cuộc chiến giành lãnh thổ để hướng tới cuộc đấu tranh vì dân chủ hay không.

 

Trước ngày kỷ niệm 3 năm đảo chính, hôm nay 31/01, tập đoàn cầm quyền quân sự Miến Điện thông báo nới lỏng các quy định đăng ký tham gia bầu cử cho các đảng, đồng thời tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp, đã được áp dụng từ cuộc đảo chính năm 2021. Tuy nhiên, giới quân nhân không nói rõ lịch trình bầu cử mà họ cam kết để trở lại chế độ dân chủ. Với phần đông các nhà quan sát, đó chỉ là nhưng nỗ lực xoa dịu dân chúng, đặc biệt trong lúc gặp khó khăn về quân sự trước lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số. Điều đó không đủ để chế độ độc tài quân sự này tồn tại mãi.

 





No comments:

Post a Comment