Wednesday, September 27, 2023

NGA RÁO RIẾT VẬN ĐỘNG ĐỂ ĐƯỢC VÀO LẠI HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (BBC News Tiếng Việt)

 



Nga ráo riết vận động để được vào lại Hội đồng Nhân quyền LHQ

BBC News Tiếng Việt

26 tháng 9 2023, 20:11 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2lex17xnxo

 

Nga đang tìm cách tái gia nhập hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong cuộc bầu cử được coi sẽ là phép thử quan trọng đối với vị thế quốc tế của nước này.

 

Nga đã bị trục xuất khỏi cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 4 năm ngoái, sau khi Moscow đưa quân tới xâm lăng Ukraine.

 

Nhưng nay, các nhà ngoại giao Nga đang tìm cách để nước họ được bầu lại vào hội đồng với nhiệm kỳ ba năm mới.

 

BBC đã nhận được một bản trình bày quan điểm mà Nga gửi tới các thành viên Liên Hiệp Quốc để vận động sự ủng hộ.

 

Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng tới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f5b5/live/47efe9c0-5c6d-11ee-ba14-0385650a0b66.jpg

Hành lang Cờ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nơi Hội đồng Nhân quyền sẽ họp

 

Trong tài liệu mà BBC xem được, Nga cam kết sẽ tìm ra “các giải pháp thích hợp cho các vấn đề nhân quyền” và tìm cách ngăn chặn hội đồng trở thành một “công cụ phục vụ ý chí chính trị của một nhóm quốc gia”, được hiểu là ám chỉ phương Tây.

 

Các nhà ngoại giao nói Nga đang hy vọng lấy lại được uy tín quốc tế sau khi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine và trong chính nước mình.

 

Bằng chứng mới nhất về những hành vi lạm dụng đó đã được trình lên hội đồng nhân quyền hôm thứ Hai trong một bản phúc trình từ Ủy ban Điều tra về Ukraine.

 

Erik Mose, chủ tịch ủy ban, cho biết vẫn đang tiếp tục có các bằng chứng về tội ác chiến tranh bao gồm tra tấn, hãm hiếp và tấn công dân thường được thu thập.

 

Một phúc trình riêng cách đây hai tuần của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nga, Mariana Katzarova, cho biết tình hình nhân quyền ở Nga cũng “xấu đi đáng kể”, với việc những người chỉ trích cuộc xâm lược bị bắt giữ tùy tiện, bị tra tấn và đối xử tàn tệ.

 

Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva và có 47 thành viên, mỗi thành viên được bầu với nhiệm kỳ ba năm.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b5f6/live/3bf21bd0-5c6c-11ee-ba14-0385650a0b66.jpg

 

Đại diện cho Trung Âu và Đông Âu

 

Trong cuộc bầu cử tiếp theo, diễn ra vào ngày 10/10, Nga sẽ cạnh tranh với Albania và Bulgaria để giành một trong hai ghế đại diện cho các nước Trung và Đông Âu.

 

Cuộc bỏ phiếu sẽ có sự tham gia của tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Các nhà ngoại giao ở đó cho biết Nga đang ráo riết vận động, hứa hẹn cung cấp ngũ cốc và vũ khí cho các nước nhỏ để đổi lấy phiếu bầu của họ.

 

Vì vậy, họ cho rằng hoàn toàn có khả năng Nga có thể quay trở lại hội đồng.

 

Tài liệu tuyên bố lập trường của Nga - được đưa ra tại Liên Hiệp Quốc - cho biết Nga muốn "thúc đẩy các nguyên tắc hợp tác và tăng cường đối thoại mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau trong hội đồng, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp cho các vấn đề nhân quyền".

 

Mục đích cốt lõi là Nga sẽ dùng tư cách thành viên của mình "để ngăn chặn xu hướng ngày càng tăng trong việc biến hội đồng nhân quyền thành công cụ phục vụ ý chí chính trị của một nhóm quốc gia".

 

Nga nói rằng họ không muốn nhóm đó "trừng phạt các chính phủ không trung thành vì dám có chính sách đối ngoại và độc lập của riêng họ".

 

Nga đã bị đuổi khỏi Hội đồng Nhân quyền vào tháng 4/2022 với 93 thành viên của đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu đồng ý, 24 phiếu phản đối và 58 phiếu trắng. Nga đổ lỗi cho "Mỹ và các đồng minh" khiến nước này mất tư cách thành viên.

 

Một bản phúc trình trong tháng này của ba nhóm vận động - gồm UN Watch, Human Rights Foundation và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg - kết luận rằng Nga "không đủ tiêu chuẩn" để trở thành thành viên của hội đồng nhân quyền.

 

Anh quốc nói họ "phản đối mạnh mẽ" nỗ lực của Nga tái gia nhập hội đồng nhân quyền.

BBC đã tiếp cận phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc để lấy phản ứng.

 

----------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Ý kiến: Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng tại LHQ để tránh 'phật lòng cường quốc'

25 tháng 2 năm 2023

·         

LHQ lên án Nga: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ lại bỏ phiếu trắng

24 tháng 2 năm 2023

·         

Việt Nam bỏ phiếu trắng vụ chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine

13 tháng 10 năm 2022

 

 





No comments:

Post a Comment