Vì
sao các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, cộng đồng…gặp khó và rủi ro ở Việt
Nam?
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng
Việt từ London
2023.08.28
Một buổi tọa đàm khoa
học Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế tổ chức năm 2019 với các nhân
sĩ, trí thức trong nước. (FB Hoàng Ngọc Giao)
Khu vực ‘thứ ba’ theo cách gọi quốc tế bao gồm
các tổ chức xã hội, xã hội dân sự, cộng đồng, phi chính phủ, ngoài nhà nước
v.v…, là một ‘vùng đệm’ quan trọng giữa khu vực nhà nước và khu vực thị trường,
đang gặp ‘khó khăn và rủi ro’ ở Việt Nam, đòi hỏi khu vực này phải có những nỗ
lực lớn để tồn tại, nhằm qua đó phát huy được vai trò truyền thống của mình,
theo ý kiến từ trong giới hoạt động thực tế ở khu vực này và giới quan sát, phản
biện chính sách độc lập.
“Thực sự tôi cũng đã có những nghiên cứu về
những khu vực khác nhau, tôi gọi như thế, khu vực nhà nước, khu vực thị trường ở
Việt Nam. Trong lịch sử của nói, trong lịch sử phát triển của Việt Nam, tôi thấy
bên cạnh khu vực nhà nước, bên cạnh khu vực gọi là thị trường tư nhân, vẫn có một
khu vực mà tiếng nước ngoài gọi là xã hội dân sự, ở Việt Nam gọi là khu vực
ngoài nhà nước, hay khu vực các tổ chức xã hội, khu vực này vẫn tồn tại, dù
chúng ta có đặt tên là gì chăng nữa, hay là dù có lúc khu vực này rộng hay là hẹp
theo khung quản lý của nhà nước, thì nó vẫn tồn tại và thực sự vai trò của nó
chưa bao giờ mất đi cả trong việc hỗ trợ cho người dân, cho những cá nhân khác
nhau,” Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Phát triển Xã hội (ISDS), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
(Vusta), nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng qua một trao đổi mới
đây trong tháng 8/2023, về vị trí và vai trò của khu vực này.
Tiến sĩ Hồng cho rằng nếu Việt Nam có một cơ
chế giúp phát huy được vai trò của khu vực “thứ ba” này, sẽ giảm được gánh nặng
cho nhà nước rất nhiều; và thực sự điều hòa được những mối quan hệ xã hội và có
thể rút bớt những khoảng cách bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội và tạo ra sự gắn
kết xã hội tốt hơn.
Viện trưởng ISDS đồng thời đưa ra những ví dụ
để cho thấy rằng khu vực này vẫn tồn tại, thông qua những đóng góp của họ trong
đợt dịch COVID-19 vừa qua.
“Trong dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta thấy
rất rõ điều này, chẳng hạn như với ATM gạo, rồi những hỗ trợ rất tự nguyện của
những người dân, của những hội nhóm khi mà dòng người di cư từ các tỉnh miền
Nam trở về miền Bắc, trên đường đi, họ nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều nhóm
khác nhau, của rất nhiều các tổ chức khác nhau, rồi rất nhiều những sáng kiến từ
trong cộng đồng mà ra. Tôi nghĩ rằng nếu không có những sáng kiến ấy, những người
lao động và đặc biệt những người mà ở trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương chắc
chắn sẽ không thể vượt qua nổi. Cho nên đặt tên là gì, thì khu vực này vẫn tồn
tại ở đấy”.
.
Thời ‘vàng son’ đã đi qua
Trước đây, theo TS. Khuất Thu Hồng, người đồng
thời cũng là Ủy viên Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có
giai đoạn mà khu vực thứ ba này có một giai đoạn phát triển ‘vàng son’ ở Việt
Nam, tuy nhiên hiện nay khu vực này dường như đã có sự chững lại khi đối diện với
nhiều khó khăn, bà nói với RFA Tiếng Việt, vẫn trên quan điểm cá nhân:
“Tôi thừa nhận là đã có thời gian các tổ chức
phi chính phủ, các tổ chức xã hội của Việt Nam phát triển rất mạnh, khi đó có
thể nói là một thời kỳ vàng son, không chỉ cho các tổ chức đó, mà cho cả Việt
Nam, khi chúng ta nhận được khá nhiều sự tài trợ của quốc tế, và bắt đầu tư năm
2010, khi Việt Nam bắt đầu được đưa vào danh sách các nước có thu nhập trung
bình thấp, rất nhiều nhà tài trợ đã rút khỏi Việt Nam, họ có những ưu tiên
khác, những đích đến khác và điều đó dẫn đến khó khăn rất đáng kể về mặt tài
chính cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng ở
Việt Nam, đó là một thức tế mà tôi phải ghi nhận.”
Theo quan sát của bà Khuất Thu Hồng, rất nhiều
tổ chức trong khu vực này đã gặp khó khăn tới mức độ phải giải thể, hay phải
thu hẹp.
“Bây giờ, nếu các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức
cộng đồng ở Việt Nam muốn có nguồn kinh phí để hoạt động, họ phải cạnh tranh ở
toàn cầu”.
Cũng theo vị tiến sĩ này: “Nếu chỉ
trông đợi vào sự hỗ trợ tài chính của chính phủ (Việt Nam), tôi e rằng sẽ rất
là khó, chúng ta đều biết rằng nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn.”
Tiếp tục bình luận khía cạnh khó khăn về tài
chính và hạn chế trong năng lực tiếp cận và chiếm lĩnh các nguồn tài trợ tiềm
năng của các tổ chức ở khu vực thứ ba ở Việt Nam hiện nay, bà Khuất Thu Hồng đề
cập một vấn đề mà bà cho là một điểm yếu cần khắc phục của nhiều tổ chức thuộc
khu vực này tại Việt Nam:
“Một điểm yếu của khu vực các tổ chức xã hội, các tổ
chức phi chính phủ Việt Nam là chúng ta chưa huy động được nguồn tài trợ ở
trong nước. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp rất phát triển, cũng có nhiều Mạnh
Thường Quân rất hào phóng, thế nhưng các tổ chức xã hội của Việt Nam chưa biết
cách để tiếp cận những nhà tài trợ tiềm năng này. Đấy cũng là một điểm yếu
trong năng lực của các tổ chức của Việt Nam. Cơ quan, tổ chức của tôi là một
trong các thành viên của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và tôi cũng tự nhận
thấy đấy là điểm yếu của mình.”
.
Rủi ro về mặt an ninh, chính sách, pháp luật
.
Bên cạnh những khó khăn trên, Tiến sĩ Khuất
Thu Hồng còn đề cập thêm một khó khăn có tính ‘rủi ro’ mà nhiều tổ chức trong
khu vực thứ ba tại Việt Nam hiện nay đang phải đối diện, nhất là gần đây tại Việt
Nam đã có không ít trường hợp các nhà khoa học, nhà hoạt động, lãnh đạo trong một
số lĩnh vực xã hội dân sự như môi trường, sinh thái, hay phản biện độc lập xã hội
đã bị bắt giữ, kết án tù hoặc bị áp dụng các hình thức chế tài, trừng phạt của
chính quyền, về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng nhận xét:
“Câu chuyện an ninh được nói đến ở đây cần phải được
hiểu rộng hơn, ở đây câu chuyện là có một tổ chức hay một thực thể nào đó vận
hành trong một đất nước, một quốc gia nào đấy, thì nó phải tuân thủ luật pháp,
chính sách của đất nước hay của khu vực đó. Vậy thì chính sách, luật pháp càng
rõ ràng thì việc tuân thủ càng dễ dàng hơn. Nếu thiếu những chính sách phù hợp,
thì nguy cơ ‘làm sai’ sẽ rất cao. Ở đây, tôi muốn nói đến một sự rủi ro của các
tổ chức xã hội ở Việt Nam là chúng ta còn đang thiếu một khung chính sách
rõ ràng, để mà biết rằng có thể làm được việc này, hoặc không thể làm được việc
này, hay làm điều này là 'vi phạm luật pháp'. Đấy là điều mà nhiều tổ chức hiện
nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì không biết rằng mình làm như thế có đúng hay
không, làm như thế có gì 'sai' hay không về mặt quản lý tài chính, quản lý nhân
sự, hay việc này, việc khác, thì rủi ro rất là lớn”.
Tôi nói ví dụ, những chính sách về mặt lao động chẳng
hạn, không phải tổ chức phi chính phủ nào của Việt Nam cũng vận hành, thực hiện
đúng những chính sách về lao động của Việt Nam, ví dụ như về luật lao động. Ở
đây, cũng nói đến câu chuyện về năng lực của các tổ chức phi chính phủ, các tổ
chức xã hội trong việc hiểu và áp dụng đúng luật và chính sách của đất nước mà
mình và hiểu rõ rằng những khoảng trống ở đâu để mà cùng vận động để có hành
lang pháp lý cho mình hoạt động để an toàn. Nếu không, nguy cơ sẽ rất là lớn,
giống như từ mà nói là 'an ninh', thì nó mất an ninh có thể xảy ra.
Tôi không cho rằng vấn đề về môi trường hay là biến
đổi khí hậu là nhạy cảm, mà ở đây có thể là những câu chuyện khác nữa, tôi
không hiểu được chi tiết của những vấn đề đó, nhưng tôi tin rằng hành lang pháp
lý để cho các tổ chức các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội Việt Nam hoạt
động một cách đúng đắn, phù hợp còn đang thiếu, hoặc là rất lỏng lẻo và bản
thân các tổ chức chưa thực sự nắm bắt được tình trạng đó để mình vận hành làm
sao tránh được tất cả những rủi ro.”
.
Vì sao không thể phát triển, khó thành lập mới?
Vẫn liên quan đến vấn đề về khó khăn, rủi ro của
khu vực “thứ ba”, một nhà quan sát độc lập từ Việt Nam - ông Trần Tiến
Đức, cựu Vụ trưởng một Ủy ban nhà nước trực thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam
và cựu thành viên Ban tư vấn về một số vấn đề chính sách của Ủy ban các Vấn đề
Xã hội của Quốc hội Việt Nam thời kỳ trước đây, mới đây cũng đã chia sẻ góc
nhìn của mình với RFA Tiếng Việt:
“Gần đây, những người như là ông Hoàng Ngọc
Giao, là một nhà phản biện mà Viện nghiên cứu của ông cũng là thành viên trong
Liên hiệp hội (Vusta), cũng được hoạt động chính thức, hay như trường hợp với
bà Ngụy Thị Khanh, cũng đứng đầu một Trung tâm hoạt động được đăng ký với
Vusta, và những ý kiến đó cũng là những ý kiến phản biện, nhưng người ta cho rằng
“không phù hợp” với những quy định nào đó, những định hướng chính sách của họ,
nên họ thậm chí đầu tiên buộc tội là “trốn thuế”, sau đó mới đến buộc tội “lợi
dụng quyền tự do dân chủ” để mà “chống lại đất nước”, những cái đó làm ảnh hưởng
rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam”.
Do đó, ông Trần Đức Tiến cho rằng những tổ
chức xã hội dân sự, khi vượt ra ngoài những khuôn khổ, những vấn đề mà chính
quyền cho phép hoạt động, liên quan vấn đề thể chế, thì khó có thể được
chấp nhận, ông nói tiếp:
“Chính vì thế mà tôi nói thẳng là người ta
không muốn cho những tổ chức xã hội dân sự phát triển. Và trong môi trường,
trong điều kiện ấy, các tổ chức xã hội dân sự không thể nào phát triển được và
những tổ chức mới rất khó thành lập…”
Ông Trần Tiến Đức cho rằng nhà nước Việt Nam cần
tạo mọi điều kiện, nhất là hành lang pháp lý, pháp luật để các tổ chức trong
khu vực này có thể hoạt động và thực hiện vai trò của mình, ông nói thêm với
RFA:
“Tôi vẫn muốn khẳng định rằng sự tồn tại của
xã hội dân sự là một chỉ dấu của một xã hội văn minh, dân chủ, của một thể chế
dân chủ mà tin vào dân, dựa vào dân và thể hiện được ý chí của dân. Và những tổ
chức xã hội dân sự nào mà không làm được điều đó, thì sớm muộn cũng sẽ bị đào
thải, cho nên đã làm tổ chức xã hội dân sự là phải tâm niệm điều đó.
Thứ hai là những người làm xã hội dân sự phải là những
người dấn thân. Tôi đã từng nói rằng như các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản thời kỳ
còn chưa “cướp được chính quyền” thì đúng là những người dấn thân, những người
đã dám từ bỏ những con đường rất xán lạn, thí dụ như ông Phạm Văn Đồng, ông Trường
Chinh toàn là con nhà quan, học hành đầy đủ, nhưng dám từ bỏ những con đường có
thể rải đầy hoa hồng để dấn thân vào con đường chông gai, dám đi tù, nhưng mà
vì lý tưởng của họ. Nên tôi nghĩ rằng những người làm xã hội dân sự ngày nay
cũng phải thế, cũng phải biết dấn thân, đừng có nghĩ rằng làm xã hội dân sự là
có được thu nhập gì hay có được cái gì lớn.
Còn về vấn đề luật liên quan các hội đoàn và xã hội
dân sự, tôi khẳng định rằng cần làm càng sớm càng tốt, vì nó sẽ đảm bảo đem lại
lợi ích cho cả hai phía, nhà nước sẽ có cơ sở quản lý trên cơ sở luật pháp hoạt
động của các xã hội dân sự, và các tổ chức xã hội dân sự đồng thời sẽ có một
khung pháp lý để có thể tự tin để hoạt động, mà làm tròn trách nhiệm của mình đối
với người dân ở cộng đồng.”
Trở lại với TS. Khuất Thu Hồng từ Viện ISDS, đề
cập vấn đề thiệt hại cho sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng và quốc gia,
nếu và khi khu vực thứ ba nói trên gặp khó khăn, rủi ro, thu hẹp và không được
phát triển đúng với chức năng, vai trò, năng lực của mình, nhà nghiên cứu này
nói với RFA:
“Tôi vẫn nghĩ rằng sự phát triển hài hòa của
các bộ phận của một đất nước sẽ mang lại sự phát triển tốt hơn cho quốc gia đó.
Nếu một bộ phận mà yếu kém, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng. Và chúng ta đều biết, nếu
chúng ta ví von rằng nhà nước, khu vực nhà nước, như là một cái ‘khung cứng’,
khu vực thị trường rất quan trọng, nhưng nó cũng có rất nhiều rủi ro, vậy thì
khu vực thứ ba - là khu vực của các tổ chức xã hội, như một ‘vùng đệm’. Nó linh
hoạt, luôn luôn sống động và nó có thể điều chỉnh rất dễ dàng, rất nhanh chóng
trong thời gian ngắn.
Nếu khu vực ấy phát triển tốt, chắc chắn sẽ
giúp đỡ cho hai khu vực kia và cho sự phát triển chung của đất nước rất nhiều.
Một đất nước không phải chỉ có kinh tế, không
phải chỉ có công nghiệp, nông nghiệp, mà điều quan trọng là đất nước ấy có những
con người, những con người làm công nghiệp, làm nông nghiệp, con người làm tài
chính…, và những con người ấy ràng buộc với nhau bởi vô vàn những mối quan hệ
xã hội. Họ có cuộc sống của họ, họ chữa bệnh, họ tham gia giao thông, tất cả
các thứ… tất cả những mối quan hệ rằng rịt ấy không thể quản lý theo một khung
cứng; và luôn luôn có khoảng cách giữa nhóm này với nhóm kia, thì sự điều hòa rất
quan trọng. Và vai trò của ‘vùng đệm’ hay là khu vực thứ ba này, tôi nghĩ là sẽ
rất quan trọng để tạo ra sự cân bằng tương đối, luôn luôn là như vậy. Vậy thì
việc để cho khu vực ấy phát triển, tôi nghĩ là cực kỳ quan trọng,” Viện
trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nhà xã hội học Khuất Thu Hồng
nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội.
--------------------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
Quốc
hội Việt Nam cần sớm trả món nợ “ban hành Luật về Hội”
Khuyến
nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ và Phương Tây do quan ngại về Trung Quốc
EU
đòi Việt Nam thực hiện các điều khoản của EVFTA về xã hội dân sự
Phong
trào XHDS Việt Nam từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mùa hè năm 2011
“Đừng
sợ” thông điệp gửi đến xã hội dân sự Việt Nam
No comments:
Post a Comment