‘Đốt
lò’ chỉ là phong trào, không tạo được nền tảng chống tham nhũng
Võ Ngọc Ánh
28/08/2023
Tham nhũng ở Việt Nam đã đạp đổ đạo lý của một dân
tộc, giẫm đạp lên “tấm gương đạo đức” mà chính quyền dày công xây dựng, học tập.
https://gdb.voanews.com/40ECC80A-481A-43F4-99AB-B417AAE4A6D0_w650_r1_s.jpg
Lý tưởng cộng
sản áp dụng vào thực tế chính quyền của nó có rất nhiều vấn đề. Thể chế độc tài
này đã trực tiếp tạo ra cơ chế, khoảng trống cho tham nhũng lộng hành, phổ biến.
Chiến dịch “đốt lò” trong sáu năm qua cũng chỉ
tập trung ở quan chức cấp cao, các vụ án lớn. Kiểu chống tham nhũng của Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy là độc quyền của đảng chứ không phải trên nền tảng
của luật pháp và thiết chế của xã hội dân chủ.
Chế độ trồng cây cụ tổng “đốt lò”
Sau khi cướp được chính quyền vào mùa thu năm
1945, vài tháng sau Chủ tịch Hồ Chính Minh đã ký sắc
lệnh đầu tiên để phòng, chống
tham nhũng trong hàng ngũ những người cộng sản lãnh đạo.
Từ đó đến nay chế độ cố gắng hoàn thiện việc
chống tham nhũng theo tư duy của lý tưởng cộng sản.
Nhưng ngược với mong muốn, mức độ và sự phổ biến
tham nhũng ở Việt Nam tỷ lệ thuận với thâm niên nắm quyền của những người cộng
sản.
Điều này cho thấy, lý tưởng cộng sản áp dụng
vào thực tế chính quyền của nó có rất nhiều vấn đề. Thể chế độc tài này đã trực
tiếp tạo ra cơ chế, khoảng trống cho tham nhũng lộng hành, phổ biến. Tham nhũng
từ chính quyền tạo ra đã dẫn dắt một xã hội tham nhũng với tâm lý bớt xén, chấm
mút để thu về túi riêng trong mọi ngõ ngách.
Ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền cao nhất ở Việt
Nam từ đầu năm 2011, nhưng phải đến cuối tháng 7/2017, ông mới có thể mạnh miệng
bằng từ đầy tính hình tượng, “đốt lò”. Từ này đang trở thành một slogan nổi bật
trong sự nghiệp chính trị của ông.
Chiến dịch “đốt lò” được thấy qua việc đưa
hàng loạt quan chức cấp cao thăng tiến nhanh trong thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm
Thủ tướng vào ‘lò’. Đây là những quan chức được ví như thế lực của cựu thủ tướng
còn trụ lại khi thủ lĩnh bị buộc về làm “người tử tế”.
Điều này gây ra những đồn đoán, “đốt lò” chỉ
là đấu đá nội bộ của những quan chức cấp cao của chính quyền, ông Trọng dùng
chiến dịch đốt lò để tiêu diệt phe ông Dũng.
Có các nhận định khác nhau, nhưng trên thực tế,
chiến dịch “đốt lò” đã đem lại được tín hiệu tích cực cho chính quyền cộng sản
Việt Nam.
Chỉ số chống tham nhũng của Việt Nam được tổ
chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp hạng liên tục thăng hạng
trong các năm qua. Năm 2017, Việt Nam đứng hàng 107 trong 180 quốc gia được khảo
sát, đánh giá, thì vào năm 2022 đã thăng lên hạng 77/180 quốc gia.
Nhưng từ đầu chiến dịch “đốt lò” đến nay cho
thấy, ông Trọng chỉ tập trung xử lý ở ‘đầu cuối’ hơn là có biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn tham nhũng từ đầu.
.
“Đốt lò” tạo ra sự trì trệ trong đầu tư công
Việc “đốt lò” của ông Trọng mang lại nhiều tín
hiệu tích cực trong dư luận. Nhưng trái ngược với đó là sự hoang mang trong
quan chức chính quyền vốn đã quen với sự nhũng nhiễu, đòi hỏi lợi lộc từ quyền
lực và công việc họ đảm nhiệm.
Sự hoang mang này có vẻ như đang tạo ra tâm lý
bất động trong bộ phận quan chức có trách nhiệm trong việc đầu tư, giám sát đầu
tư từ ngân sách của nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 15, hồi đầu
tháng 6, quốc hội đã đưa ra thông tin Việt Nam đang có một triệu tỷ đồng tiền
nhàn rỗi.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính giải
thích về số tiền này: “Có 895.000 tỷ đồng lãi suất 0,8% một năm tại Ngân hàng
Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng. Ông cho hay,
đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho
các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia. Số tiền này đã có kế hoạch
chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ
không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc nói.
Một đất nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng
còn nhiều thứ chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, mang lại sự thuận lợi
cho người dân. Điều này càng trở nên cấp thiết để đón luồng đầu tư nước ngoài
trong xu thế của nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong chuỗi
cung ứng toàn cầu. Việt Nam cho thấy đang có tiền, đã xác định được làm việc
nào lại không có người để làm là điều cần đặt ra câu hỏi do đâu.
Phải chăng đây là sự chờ đợi cho qua chiến dịch
“đốt lò” trong quan chức chính quyền để tái thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng từ
ngân sách nhà nước?
Bởi đầu tư công ở Việt Nam xưa nay luôn là ‘mảnh
đất màu mỡ’ để quan chức dùng quyền lực trong công việc của mình để bỏ túi
riêng. Nay đang lúc phong trào “đốt lò” giương cờ nên chẳng ai dám làm. Bởi làm
mà không xơ múi được gì cũng tiếc.
Nhìn ở góc độ này có thể thấy, chiến dịch “đốt
lò” đang tạo ra sự trì trệ, bất lợi cho quốc gia do thói quen làm việc của quan
chức xưa nay được thể chế tạo ra.
Đàn áp xã hội dân sự
Song song với chiến dịch “đốt lò”, ông Nguyễn
Phú Trọng đã dùng những người thân tín để trấn áp, triệt hạ các cá nhân, tổ chức
xã hội dân sự thúc đẩy sự phát triển toàn diện, hài hòa của Việt Nam.
Hàng loạt các tổ chức xã
hội dân sự về môi trường bị đóng cửa và lãnh đạo các tổ chức này như Đặng Đình
Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và mới đây nhất là bà Hoàng
Thị Minh Hồng bị bắt. Họ bị buộc tội trong các thủ thuật của chính quyền.
Hơn 6 năm qua cũng là thời gian đàn áp không
khoan nhượng với hàng loạt người có tiếng nói khác với chính quyền và đấu tranh
cho sự dân chủ của quốc gia. Họ lần lượt bị bắt, khởi tố và bị bỏ tù trong những
bản án nhiều năm tù theo các điều 331, 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Nhiều nhà đấu tranh như ở ẩn, buộc phải trở
nên câm lặng trước sự gia tăng bắt bớ, đàn áp của chính quyền.
Phong trào dân chủ của Việt Nam hoang vắng như
chợ chiều trước sự truy lùng của ngành công an vốn như tay chân trong nhà ông
Trọng.
“Đốt lò” cùng sự triệt
tiêu mọi tiếng nói khác biệt, tổng bí thư đảng đang dùng quyền lực đảng để xóa
bỏ chút cởi mở trước đó để gia tăng sự độc tài trở lại ở Việt Nam.
Ngay cả báo chí vốn dành được tình cảm của
công chúng trong việc đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng trong hơn chục năm trở
về trước giờ phải chịu cảnh ‘việt vị’ trước việc “đốt lò”. Báo chí chỉ còn đóng
vai trò hùa theo, tuyên truyền cho chiến dịch của ông Trọng hơn là phát hiện,
điều tra.
Việc không dựa trên nền tảng của luật pháp,
các thiết chế trong một xã hội hiện đại, cởi mở, “đốt lò” đang cho thấy nó như
phong trào, dựa vào một cá nhân để chống tham nhũng. Do đó, việc chống tham
nhũng hiện nay có lẽ rồi cũng chỉ là dấu ấn cho sự nghiệp chính trị của một cá
nhân hơn là việc tạo nền tảng cho tương lai của bộ máy nhà nước ở Việt Nam.
Người Việt cần lên tiếng để có một xã hội hoàn
thiện trong việc phòng ngừa, chống được tham nhũng hơn là thỏa mãn với chiến dịch
“đốt lò”, hoặc rơi vào cảnh phải tung hô lửa của một người cháy mãi trong sự
nghiệp chống tham nhũng.
No comments:
Post a Comment