Friday, June 30, 2023

ĐOÀN NHẬT HUYỀN TRÂN : CHÁN LÀM NAIL, ĐẦU QUÂN VÀO HẢI QUÂN HOA KỲ (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



Đoàn Nhật Huyền Trân: Chán làm nail, đầu quân cho Hải quân Mỹ

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

30 tháng 6 2023, 16:08 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c519678309ko

 

Với nụ cười rạng rỡ, gương mặt tươi tắn giữa cái nắng của Đà Nẵng, cô gái 23 tuổi Đoàn Nhật Huyền Trân trở thành tâm điểm khi là người Việt Nam phục vụ trên chiến hạm của USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Tiên Sa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9c3e/live/b82a5c40-1715-11ee-8365-b3ed9ea8f54b.jpg

Đoàn Nhật Huyền Trân

 

Hôm 29/6, cô gái gốc Nha Trang chia sẻ với BBC rằng cô rất bất ngờ, cảm kích vì được mọi người quan tâm, yêu quý và chất giọng Nha Trang pha lẫn miền Trung và miền Nam, Trân khiêm tốn nói công việc của mình cũng bình thường như bao người khác, "không quá đặc biệt như mọi người nghĩ đâu!".

 

"Khi mình biết được tin sẽ ghé Việt Nam thì khá lo lắng và hồi hộp, không biết có đặt chân đến Việt Nam được không hay là sẽ bị hủy bỏ như năm vừa rồi. Và khi đã đậu vào biển Đà Nẵng thì mình cảm thấy bồn chồn trong người vì biết là sắp được gặp người thân, nói bằng tiếng Việt và ăn các món của quê hương, như trước đây," Huyền Trân nói với BBC.

 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm Việt Nam

Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Đà Nẵng giữa lúc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

 

'Tuổi trẻ có bao nhiêu'

 

Trong suốt chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tới Đà Nẵng từ 25-30/6, Huyền Trân bỗng dưng nổi tiếng khắp cõi Facebook và có mặt trên các tờ báo. Nhiều người nhớ đến cô gái với nụ cười tươi tắn, lúc nào cũng "dạ thưa" và vui vẻ, có pha chút ngại ngùng khi được quá nhiều người biết đến.

 

Trước đó, Trân đã về thăm nhà hai lần vào năm 2018 và Tết nguyên đán vừa rồi nhưng đây là lần đầu tiếng cô gái về với cương vị là thủy thủ thuộc Hải quân Hoa Kỳ.

 

Mang tên của vị công chúa nổi tiếng là biểu tượng hòa bình đời nhà Trần, cách cô thủy thủ chuyện trò rất đỗi thân thương và dịu dàng nhưng cũng không kém phần rắn rỏi của một cô gái tuổi đôi mươi chọn sống đời lính.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/05ed/live/783b5350-1715-11ee-8cae-4785e93eadf1.jpg

Huyền Trân giao lưu cùng các bạn sinh viên Đại học Đông Á, Đà Nẵng hôm 29/6

 

Rời Nha Trang và đến Mỹ định cư đã bảy năm, Trân cũng giống như nhiều người Việt Nam khác khi mới bước chân qua xứ cờ hoa là vừa đi học, vừa đi làm thêm. Nghề phổ biến nhất vẫn là làm nail. Nhưng cô bé chia sẻ rằng, cô cảm thấy nhàm chán và muốn một lần được chọn một con đường riêng, cho bản thân cơ hội thử sức.

 

Được nuôi lớn bằng nắng gió và biển xanh của thành phố Nha Trang, Huyền Trân nói cô mê đắm màu xanh của biển và trong tim dung chứa một tình yêu to lớn với biển cả. Trân cũng yêu thích ngửi mùi của gió biển và vì thế, cô ấp ủ một niềm mơ ước được làm việc cho hải quân.

 

"Khi học cấp ba ở Mỹ, trong một lần đi ăn, mình vô tình nhìn thấy người thủy thủ trong đồng phục màu trắng và mình mê tới bây giờ," Trân nhớ lại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3dfa/live/1585be70-1716-11ee-8cae-4785e93eadf1.jpg

Đoàn Nhật Huyền Trân trong quân phục màu trắng của Hải quân Mỹ đang trò chuyện với khách tham quan tàu USS Ronald Reagan

 

Chỉ một thoáng chốc, ý nghĩ đi lính lóe lên trong tâm trí cô gái trẻ và rồi sau 2-3 năm cân nhắc, Huyền Trân quyết định ghi danh:

 

"Mình là người châu Á, là dân nhập cư thì không biết vào trong môi trường làm việc quân đội có chịu đựng được hay không nên mình mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ và đưa ra quyết định.

 

"Đôi lúc mình cảm thấy hụt hẫng, cảm giác vô dụng khi làm sai một cái gì đó. Bởi vì khi làm sai trong công việc thì không chỉ ảnh hưởng bản thân mà còn đến những người khác. Mình tự nghĩ bản thân không xứng đáng được ở trong quân đội Mỹ.

 

"Nhưng hên là có đồng nghiệp an ủi, hỗ trợ hết sức và bảo ai cũng có lúc làm sai, quan trọng là có rút ra bài học hay không. Và mình đã vượt qua được. Mình cũng có sự ủng hộ của gia đình rất nhiều," Trân tâm sự.

 

Có một chi tiết khá bất ngờ là dù phục vụ trên chiến hạm tối tân của Mỹ, Huyền Trân vẫn chưa vào quốc tịch Hoa Kỳ mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

 

"Yêu cầu để tham gia Hải quân Mỹ cần là thường trú nhân hợp pháp. Tùy vào công việc, tùy vào vị trí phục vụ trên tàu mà họ yêu cầu có quốc tịch hay không. Công việc của mình thì không cần. Với những bạn có ước mơ, muốn trải nghiệm vào quân đội Hoa Kỳ, muốn làm trên tàu sân bay như mình thì có thẻ xanh là đủ điều kiện," Trân giải thích.

 

'Small Doan'

 

Cuộc đời phiêu bạt trên biển, phục vụ trên tàu sân bay của Trân cũng đã gần hai năm và cũng chừng ấy thời gian cô gái xa gia đình nhưng mỗi năm sẽ được nghỉ phép 30 ngày.

 

"Mình có thể gửi thư về nhà sẽ hơi lâu, hoàn toàn không gọi điện về nhà được, lâu lâu có viết email hỏi thăm anh trai về gia đình. Ngoài ra không có mạng di động để gọi hay lên Internet, Facebook gì được hết, mọi thứ đều phải kiên nhẫn đợi, khi nào gọi được thì sẽ gọi," Trân giải thích cuộc sống trên tàu.

 

Tuy nhiên, đổi lại, là một người phụ trách bảo trì và sửa chữa các thiết bị để hỗ trợ việc sửa chữa máy bay, Trân được tiếp xúc với những chiến đấu cơ cũng như công nghệ tân tiến của Mỹ.

 

Cô thủy thủ mô tả chiến hạm USS Ronald Reagan là một con tàu "rất to lớn" nhưng mọi thứ kết nối chặt chẽ với nhau và được làm việc trên tàu là "niềm vinh hạnh". Chỉ một từ để nói về tất cả những trải nghiệm đó là "tuyệt vời".

 

Vì là người nhỏ con nhất trong bộ phận nên Huyền Trân được mọi người gọi là "Small Doan" (cách người Mỹ gọi một người bằng cách dùng họ và small - nghĩa là nhỏ nhắn). Nhờ lẽ đó, khi cần một người nhỏ con để có thể chui xuống gầm xe, các đồng nghiệp đều gọi Trân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c64f/live/44aef4a0-1716-11ee-8cae-4785e93eadf1.jpg

Đoàn Nhật Huyền Trân

 

"Mọi người sẽ luôn nhờ mình những việc như vậy, họ gọi là 'Small Doan', chúng tôi cần bạn giúp đỡ," Trân kể lại. Sự lo lắng về hình thể châu Á trong những cân nhắc ngày xưa bây giờ lại thành thế mạnh của cô trên tàu, trong hàng ngàn nhân viên khác.

 

"Với mình, đi lính là một nghề, là một công việc bình thường, không quá to tát như mọi người nghĩ. Mình làm cho họ, họ trả lương cho mình và được hưởng các chế độ riêng," Trân bộc bạch.

 

Nữ thủy thủ trẻ cũng tâm sự rằng, khi nhận được sự chú ý của mọi người, cô rất vui và hạnh phúc. Nhiều người dân Đà Nẵng và các anh chị tham quan tàu nhận ra cô và gửi đến cô những lời chúc tốt đẹp, khiến cô cảm thấy quê hương thân thương từ trong máu thịt và luôn là nhất, "không đâu bằng Việt Nam".

 

Trên mạng xã hội, nhiều người ví Trân là gương mặt đại diện thế hệ mới, tràn đầy sinh khí và năng lượng cho một mối quan hệ khởi sắc giữa Mỹ và Việt Nam.

 

Nhưng Trân chỉ nói mình đang cố gắng làm tốt công việc của mình, mang đến những điều tốt đẹp cho hiện tại và tương lai: "Hôm qua, ngoại dặn mình là làm gì thì làm, ai cũng có lỗi sai trong quá khứ, mình cố gắng bỏ qua và hướng tới hiện tại."

 

Chiến hạm USS Ronald Reagan đã rời khỏi vịnh Đà Nẵng hôm nay, Trân nhắn cho tôi lời chào biệt và hy vọng sẽ có cơ hội tương phùng. Và cũng bao nhiêu thủy thủ khác trên thuyền, cô gái trẻ tiếp tục xây ước mơ giữa lòng đại dương.

 

USS RONALD REAGAN

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/84cd/live/b351a6e0-171c-11ee-8cae-4785e93eadf1.png

 

 

--------------

TIN LIÊN QUAN

 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm Việt Nam

25 tháng 6 năm 2023

.

Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm VN giữa lúc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

22 tháng 6 năm 2023

 





No comments:

Post a Comment