Monday, May 29, 2023

THỔ NHĨ KỲ : TỔNG THỐNG ERDOGAN TÁI ĐẮC CỬ NHIỆM KỲ THỨ BA (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba

Bình Phương  -  Saigon NHỏ
28 tháng 5, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tho-nhi-ky-tong-thong-recep-tayyip-erdogan-tai-dac-cu-nhiem-ky-thu-ba/

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hôm Chủ nhật 28 tháng Năm 2023, kéo dài thời gian cầm quyền ngày càng độc tài của ông sang thập niên thứ ba, vào lúc đất nước quay cuồng vì lạm phát cao và hậu quả trận động đất san bằng nhiều thành phố.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/GettyImages-1258255960.jpg

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu với cử tri ủng hộ ông trước dinh tổng thống ở Ankara tối 29/05/2023 khi có kết quả bầu cử vòng hai cho thấy ông đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Ảnh Chris McGrath/Getty Images

 

Hãng AP đưa tin, với hơn 99% số phiếu đã được kiểm, kết quả không chính thức từ các hãng thông tấn cho thấy ông Erdogan giành được 52% phiếu bầu, so với 48% của đối thủ Kemal Kilicdaroglu, làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. 

 

Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, ông Erdogan cảm ơn người dân đã tin tưởng giao cho ông nhiệm kỳ tổng thống thêm năm năm nữa. “Chúng tôi hy vọng sẽ xứng đáng với sự tin tưởng của các bạn, như chúng tôi đã làm trong 21 năm qua. Người chiến thắng duy nhất ngày hôm nay là Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói với người ủng hộ trên một chiếc xe buýt vận động tranh cử bên ngoài nhà ông ở Istanbul.

 

Ông Erdogan, một người Hồi giáo 69 tuổi, lãnh đạo đảng Công lý và Phát triển (AKP) theo đường lối bảo thủ và tôn giáo, sẽ nắm quyền cho đến năm 2028. Đảng AKP của Erdogan và các đồng minh của đảng này cũng đã giành được đa số ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức vào ngày 14 vừa qua. Thành tích vang dội của ông Erdogan và đảng AKP đã bất chấp lạm phát làm tê liệt nền kinh tế và ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng ba tháng trước.

 

                                                             ***

 

Theo giới phân tích, một nhiệm kỳ thứ ba sẽ mang lại cho Erdogan một bàn tay thậm chí còn mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn cả ở trong nước và quốc tế, có những tác động vượt xa ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á và đóng một vai trò quan trọng trong Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

 

Erdogan đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong 21 năm và lèo lái đất nước đi vào con đường chuyên chế. Về đối nội, các chính sách kinh tế độc đoán của Erdogan là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhiều người cũng đổ lỗi cho chính phủ của ông phản ứng chậm chạp trước trận động đất giết chết hơn 50,000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

 

Nhưng Erdogan giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri bảo thủ, những người cho rằng ông đã nâng cao vị thế của đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ, và mở rộng ảnh hưởng của đất nước trong nền chính trị thế giới.

 

Về đối ngoại, chính phủ của ông Erdogan đã phủ quyết đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, đi ngược nguyên tắc phòng thủ chung của NATO, khiến Hoa Kỳ rất tức giận và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án chế tạo máy bay chiến đấu F-35 do Hoa Kỳ lãnh đạo. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp môi giới một thỏa thuận quan trọng cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc xuất cảng qua biển Hắc Hải, nhờ đó ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

 

Trong số các nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi điện mừng thắng lợi của ông Erdogan có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

 

                                                        ***

Trước khi Erdogan lên nắm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ dân chủ nghị viện, quyền hành tập trung ở quốc hội; ở đó ông Erdogan giữ chức vụ thủ tướng. Ông ta đã tổ chức trưng cầu dân ý năm 2017, sửa đổi hiến pháp và biến chức vụ tổng thống – vốn chủ yếu mang tính lễ nghi, thành trung tâm quyền lực và loại bỏ vai trò quyết định của quốc hội. Ông là tổng thống đầu tiên được bầu cử trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014, tái đắc cử vào năm 2018.

 

Nửa đầu nhiệm kỳ 2014-2018 ông Erdogan đã thực hiện nhiều cải cách dân chủ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp nhiều người thoát nghèo, đẩy mạnh cuộc đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Nhưng đến tháng Bảy 2016, một âm mưu đảo chính thất bại đã xảy ra, mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là do giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sinh sống tại Hoa Kỳ dàn dựng. Từ đó Erdogan chuyển sang chống Mỹ, đàn áp các quyền tự do và phương tiện truyền thông, đồng thời tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay mình, đưa Thổ Nhĩ Kỳ đi dần vào chế độ chuyên chế phi dân chủ.

 

Đối thủ của ông Erdogan, ông Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, là một cựu công chức có tính cách mềm mỏng, người đã lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) từ năm 2010. Ông Kilicdaroglu vận động tranh cử với cam kết khôi phục nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, khôi phục nền kinh tế bằng cách quay lại những chính sách thông thường và cải thiện quan hệ với phương Tây để đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Thất bại của ông Kilicdaroglu cho thấy đường vào EU hãy còn xa dù Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi từ năm 1963 đến nay. 

 

-----------------

Đọc thêm:

·        Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ chưa phân được thắng thua 

·        Tại sao Hắc Hải trở thành điểm nóng địa-chính trị?

·        Một lần ghé Istanbul





No comments:

Post a Comment