Monday, May 29, 2023

Ở TUỔI 100, HENRY KISSINGER VẪN LUÔN GÂY TRANH CÃI (RFI)

 




Henry Kissinger: 100 tuổi vẫn là nhà ngoại giao

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 29/05/2023 - 03:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230529-kissinger-100-tuoi-van-la-nha-ngoai-giao

 

Hiếm có chính trị gia nào lại gây phản ứng trái ngược như cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vừa tròn 100 tuổi, ngày 27/05/2023. Trong lúc nhiều người coi Kissinger là kẻ nham hiểm, kẻ phản trắc, độc ác, thủ phạm của các chính sách khiến ‘‘hàng trăm nghìn người chết’’, nhiều đất nước bị tàn phá, thì ngược lại, không ít người coi ông là một con người sáng suốt, tài ba, thiện tâm vì hòa bình, nhìn thấu tương lai.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d2b14798-fd77-11ed-9305-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP421385969921.webp

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ảnh chụp 2014. AP - Jason DeCrow

 

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ các vận động bí mật của Kissinger để thiết lập bang giao Mỹ - Trung, đàm phán ký kết Hiệp định Paris dẫn đến đình chiến tại Việt Nam, rút quân đội Mỹ… Dù lên án hay ngưỡng mộ Kissinger, điều không thể phủ nhận là cựu ngoại trưởng Mỹ ở tuổi 100 vẫn theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, và tiếp tục đưa ra nhiều tư vấn về quan hệ quốc tế, về chiến lược ngoại giao, được giới chuyên gia chú ý.

 

Kissinger tiếp tục viết sách. Một số tác phẩm chính trong mươi năm gần đây là ‘‘On China’’ (Về Trung Quốc) (2011), ‘‘World Order’’ (Trật tự Thế giới) (2014), ‘‘The Age AI : And Our Human Future’’ (Kỷ nguyên Trí thông minh Nhân tạo : Và tương lai của Nhân loại chúng ta) (2021) (đồng tác giả), và ‘‘Leadership : Six studies in World Strategy’’ (Lãnh đạo: Sáu nghiên cứu về Chiến lược toàn cầu) (2022). Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Anh The Economist mới đây, cựu ngoại giao Mỹ cho biết đang có kế hoạch soạn hai cuốn sách, một tiếp tục về vấn đề trí thông minh nhân tạo và hai là về ‘‘bản chất các liên minh (chính trị quốc tế)’’, chủ đề xuyên suốt các quan tâm của Kissinger.

 

Động lực nào đã thúc đẩy Henry Kissinger hành động không mệt mỏi như vậy ? Và điều gì đã dẫn đến quan điểm rất đặc biệt của Kissinger về chính trị quốc tế, thường xuyên gây phản ứng hết sức trái ngược trong công chúng, cũng như trong giới chuyên gia ?

 

Nhật báo thiên hữu Pháp Le Figaro có bài ‘‘Henry Kissinger, nhà ngoại giao vượt thời gian’’, của nhà báo Laure Mandeville, cung cấp một số chỉ dẫn bước đầu giúp giải đáp các câu hỏi này. 

 

‘‘Tất cả những gì vững chắc đều đã sụp đổ’’

 

‘‘Bảo thủ’’ (hay chủ trương bảo tồn) và ‘‘thực dụng’’ (hay thực tế) là hai nét tính cách nổi bật của cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, theo nhà báo Laure Mandeville. Nhà sử học Pháp Charles Zorgbibe, trong cuốn tiểu sử Kissinger, ghi nhận khi còn nhỏ, cậu bé Heinz (tên hồi nhỏ của Henry Kissinger) vốn là một đứa trẻ rất hiếu động, sống hạnh phúc. Tuổi thơ hồn nhiên chấm dứt vào năm 1933, khi Hitler lên cầm quyền, lúc Heinz 10 tuổi. Cậu bé bị đuổi khỏi trường và 5 năm liền phải sống trong một xã hội mà các phong trào Quốc xã trút thù hận lên những người Do Thái, trước khi người cha quyết định đưa gia đình sang Mỹ. Hơn 10 người thân của Heinz mất tích trong nạn diệt chủng người Do Thái.

 

Kissinger kể lại : ‘‘tất cả những gì là vững chắc đối với tôi đều đã sụp đổ… Đấy là một trải nghiệm tiêu cực’’. Theo tác giả cuốn tiểu sử Kissinger, chính việc phải sống trong tình trạng bất an kéo dài giải thích cho ‘‘quan điểm bảo thủ’’ của đương sự sau này.

 

Cựu đại sứ Pháp Gérard Araud, tác giả cuốn ‘‘Henry Kissinger. Le diplomate du siècle’’, ghi nhận ở Kissinger ‘‘sự nhảy cảm lớn đối với tính chất mong manh của thế giới, và ám ảnh thường trực tìm kiếm sự ổn định’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1134a4ae-fd7f-11ed-b161-005056a90321/AP570925068.webp

Tiến sĩ Henry A. Kissinger tại Đại học Harvard, Cambridge, ngày 25/09/1957. AP

 

‘‘Trong sâu thẳm vẫn là người châu Âu’’

 

Định cư tại Mỹ, nhưng ‘‘trong sâu thẳm Kissinger vẫn là người châu Âu’’. Ám ảnh về chiến tranh và sự hỗn loạn thúc đẩy Kissinger tìm hiểu sâu về lịch sử chính trị châu Âu. Các thế hệ đi trước tại châu Âu đã làm gì để tránh được chiến tranh, xác lập được một nền hòa bình lâu dài ?

 

Kissinger bảo vệ luận án tiến sĩ tại Harvard năm 1955. Luận án ‘‘A World Restored: Metternich, Castlereagh and the Problems of Peace 1812-1822’’, được dịch ra tiếng Pháp với tiêu đề ‘‘Le Chemin de la paix’’ (Con đường của hòa bình), mô tả những nỗ lực trong giới cầm quyền các nước châu Âu tìm kiếm các thỏa thuận liên minh nhằm tạo lập ổn định, tại một châu Âu đầu thế kỷ 19, đang trong giai đoạn biến động sôi sục, với chiến tranh, công nghiệp hóa, sự trỗi dậy của các dân tộc, nguy cơ cách mạng…

 

Con đường đến hòa bình : Kinh nghiệm châu Âu đầu thế kỷ 19

 

Đối với Kissinger, 10 năm nỗ lực về chính trị, ngoại giao của các chính trị gia hàng đầu châu Âu lúc đó, Talleyrand (người Pháp), Metternich (người Áo), Castlereagh (người Anh), đã tạo lập những nền móng của nhiều thỏa hiệp quốc tế, cho phép châu Âu về cơ bản được hưởng một nền hòa bình kéo dài một thế kỷ, chấm dứt với Thế chiến thứ nhất. Hội nghị Vienna (1814 – 1815), dưới sự chủ tọa của nhà ngoại giao Metternich, đã dẫn đến sự ra đời của Liên minh Thần Thánh (liên minh của ba nền quân chủ châu Âu Nga – Áo – Phổ, bên thắng trong cuộc chiến chống lại đế chế Pháp hậu cách mạng của Napoléon). Kissinger đánh giá rất cao tính chất thực dụng, thực tế của các chính trị gia nói trên.

 

Theo Jérémie Gallon (tác giả cuốn ‘‘Henry Kissinger. L’Européen’’ / ‘‘Henry Kissinger. Người châu Âu’’) (2021), hai thập niên học tập tại Mỹ đã cho phép Kissinger có được một hành trang tri thức hiếm có trước khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon. Quan điểm hướng đến hòa bình, hành xử thực dụng, đã khiến Kissinger chọn chính sách hòa hoãn với cả Liên Xô và Trung Quốc. Theo Jérémie Gallon, chính sách hòa hoãn với Liên Xô của Kissinger, bị chính quyền Mỹ thời Reagan lên án, vì coi là đồng lõa với chính quyền độc tài, rút cục đã mang lại kết quả : sự giải thể của Liên Xô một phần được coi là kết quả của chính sách này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4be5b4aa-fd78-11ed-ae33-005056bfb2b6/AP7310160234.webp

Henry Kissinger tại bộ Ngoai Giao, Washington, ngày 16/10/1973, sau khi thông báo được trao giải Nobel Hòa bình. AP

 

‘‘Những giới hạn’’ của phương pháp Kissinger

 

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng chỉ ra ‘‘những giới hạn’’ của phương pháp Kissinger. Cựu ngoại trưởng Mỹ đã cố gắng phát triển quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin trong khoảng 15 năm nay. Cuộc xâm lăng Ukraina cho thấy nỗ lực đã không mang lại kết quả. Nhiều người cũng chỉ trích chính sách nâng đỡ với nhà cầm quyền Bắc Kinh của Kissinger, với ảo ảnh Trung Quốc thay đổi, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành một đối thủ đáng sợ của phương Tây.

 

Dù bị chỉ trích, lên án không ít, tiếng nói của Kissinger vẫn tiếp tục được lắng nghe. Trước thềm sinh nhật Kissinger 100 tuổi, tuần báo Pháp đăng tải bài viết ‘‘Làm thế nào để tránh được cuộc Thế chiến thứ ba, theo Henry Kissinger’’ (dịch lại từ bài tổng hợp quan điểm của Kissinger trên báo Anh The Economist, sau 8 giờ trò chyện).

 

Chỉ còn ‘‘từ 5 đến 10 năm’’ để tránh Thế chiến thứ Ba

 

Cựu ngoại trưởng Mỹ cảnh báo, thế giới chúng ta đang trong tình trạng tương tự như trước Đại chiến thứ nhất, khi thế đối đầu giữa các bên đã dâng ngày càng cao. Khó có đường lui. Mọi động thái mất cân bằng có thể biến thành các thảm họa. Kissinger nhấn mạnh là ‘‘số phận của nhân loại phụ thuộc vào khả năng của Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm được thỏa hiệp’’. Thời gian còn lại không nhiều: chỉ ‘‘từ 5 đến 10 năm’’. Bởi với sự phát triển như vũ bão của trí thông minh nhân tạo, sức mạnh hủy diệt của các công nghệ quân sự sẽ tăng gấp bội phần.

 

Kissinger đặt niềm tin vào ‘‘một nền ngoại giao thực tế, tỉnh táo, được củng cố bởi các giá trị chung được chia sẻ’’, ‘‘cân bằng sức mạnh’’, đề cao ‘‘sự tự chế’’, sẽ cho phép ‘‘tránh được xung đột’’. Trật tự thế giới cũ đang tan vỡ, cần phải ‘‘xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên các quy tắc, mà cả châu Âu, cả Trung Quốc, cả Ấn Độ đều có thể tham gia’’. Đây chính là nhiệm vụ của lãnh đạo các đại cường hiện nay, theo cựu ngoại trưởng Mỹ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b6c5364e-fd76-11ed-b204-005056bf30b7/AP22335758878768.webp

Henry Kissinger trong cuộc gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 1/12//2022, tại trụ sở bộ Ngoại Giao Mỹ. AP - Jacquelyn Martin

 

===============================================

 

Ở tuổi 100, Henry Kissinger vẫn luôn gây tranh cãi

 Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 28/05/2023 - 16:54

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230528-100-tuoi-henry-kissinger-gay-tranh-cai

 

Thứ Bảy, 27/05/2023, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thổi cây nến thứ 100. Ông được xem là một trong những nhân vật chính trị tiêu biểu nhất của Mỹ, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973. Henry Kissinger, là một nhà ngoại giao nổi tiếng nhất và được lắng nghe nhất. Nhưng ông cũng là nhân vật gây tranh cãi và bị ghét nhất.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d03e58aa-fc9d-11ed-9f45-005056a90284/w:980/p:16x9/AP17272382821096.webp

Ảnh lưu trữ: Henry A. Kissinger (T) và trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Lê Đức Thọ tại Gif Sur Yvette, ngoại ô Paris, ngày 13/06/1973. AP - Michel Lipchitz

 

Sinh ngày 27/05/1923 tại Furth, vùng Bavière, Henry Kissinger, người Đức gốc Do Thái, tên thật là Heinz Alfred Kissinger. Năm ông 15 tuổi, khi Hitler lên cầm quyền, ông cùng gia đình đã di tản sang Mỹ. Năm năm sau, ông được nhập quốc tịch Mỹ. Có cha là giáo viên, Henry Kissinger từng tham gia đơn vị phản gián quân sự và nhập ngũ quân đội Mỹ trước khi theo đuổi con đường học hành sáng lạn tại trường Harvard, nơi ông từng giảng dạy.

 

Theo AFP, nhắc đến Kissinger là người ta nhớ đến hai sự kiện quan trọng, có thể nói là đã làm nên tên tuổi ông trong nền ngoại giao quốc tế : Thứ nhất, ông khởi động tiến trình hạ nhiệt căng thẳng với Liên Xô và nối lại bang giao với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông sau những đợt đi bí mật để tổ chức chuyến công du Bắc Kinh lịch sử cho tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.

 

Thứ hai, ông âm thầm tiến hành đàm phán với Lê Đức Thọ nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong lúc Mỹ tiếp tục dội bom Hà Nội lần cuối cùng vào cuối năm 1972. Việc ký kết một lệnh ngưng bắn đã mang lại cho ông cùng với nhà đàm phán Việt Nam giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Đây cũng là một trong số các giải gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Nobel Hòa Bình.

 

 

« Thiên thần » hay « quái vật » của ngoại giao Mỹ ?

 

Với một số người, Henry Kissinger là một người có tầm nhìn vượt thời gian, một nhà hiền triết minh mẫn dày dạn kinh nghiệm. Là một tác nhân không thể thiếu của nền ngoại giao thế giới trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, giải Nobel Hòa Bình này đã khai đường cho việc xích lại gần với Nga và Trung Quốc trong những năm 1970, một tầm nhìn thực tế khôn ngoan về thế giới, một dạng chính trị thực dụng theo kiểu Mỹ.

 

Một dấu hiệu cho thấy tầm nhìn đó của ông vẫn không thay đổi, thứ Ba, 23/5 trước các vị khách mời, ông đánh giá rằng Hoa Kỳ có bổn phận bảo vệ lấy các « lợi ích sống còn » của mình. Ông nói : « Chúng ta phải luôn tỏ ra mạnh hơn để chống chọi với mọi áp lực ». Hay khi nói đến chiến tranh Ukraina, ông kêu gọi một lệnh hưu chiến. « Chúng ta đã đi đến một điểm ở đó chúng ta đã hoàn thành mục tiêu chiến lược. Ý đồ quân sự của Nga nhằm nuốt chửng Ukraina đã thất bại ».

 

Nhưng với nhiều người khác, ông lại là một tên « tội phạm chiến tranh ». Họ tiếp tục tố cáo đó là một thế lực xấu xa hành động nhân danh kẻ có quyền lực. Tờ báo cánh tả Mỹ, The Nation đăng một biếm họa mô tả bác sĩ Kissinger sẵn sàng nuốt chiếc bánh rỉ máu từ mọi cuộc xung đột gắn liền với những trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ : Từ việc hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự năm 1973 ở Chilê ; Cuộc xâm lược Đông Timor và đương nhiên là cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Reed Kalman Brody, một luật gia chuyên về nhân quyền, được AFP trích dẫn, nhắc lại : « Theo tôi, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sách của ông đã làm cho hàng trăm ngàn người chết và phá hủy nền dân chủ tại nhiều nước. » Ông chưa bao giờ phải lo lắng với tư pháp. Một đơn kiện đã bị bác năm 2004.

 

Trong một cuộc điều tra đăng ngày 24/5, trang mạng điều tra báo chí, The Intercept, dựa vào các tài liệu lưu trữ của Lầu Năm Góc và các nhân chứng còn sống sót, đã khẳng định rằng chiến dịch dội bom của Mỹ tại Cam Bốt, giai đoạn 1969 – 1973, mà Henry Kissnger là người lập kế hoạch, đã bị đánh giá thấp, số thường dân thiệt mạng cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức đưa ra.

 

Sử gia Muntassir Mamoon, trường đại học Dacca nhấn mạnh rằng ông Kissinger đã « tích cực hậu thuẫn nạn diệt chủng ở Bangladesh » năm 1971. Do vậy, nhà sử học này còn cho rằng « chẳng thấy có lý do gì để ca ngợi Kissinger ». Nhận định này của ông đã được nhiều người đồng chia sẻ, trong đó có người Việt.

 

Nhà sử học Carolyn Eisenberg, trường đại học Hofstra tại Mỹ cũng có cùng nhận xét khi đánh giá : « Điều mỉa mai là người ta chỉ nhớ đến việc ông ấy mang lại hòa bình mà quên hết những gì ông ấy đã làm để kéo dài chiến tranh không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Cam Bốt và Lào. »

 

Nay đã ở tuổi « thất thập cổ lai hy », Henry Kissinger ngày càng ít xuất hiện trước công chúng, mà chủ yếu qua các hội thảo trực tuyến. Nhưng sự trường thọ của người đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong nền chính sách đối ngoại Mỹ trong nửa cuối thế kỷ XX quả đã là một điều ngoại lệ !

 





No comments:

Post a Comment