29/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/7071676.html
Cuộc chiến
Việt Nam đã đi qua gần 50 năm, nhưng những tác động của nó vẫn từng ngày ảnh hưởng
lên cuộc sống của bao người Việt Nam, kể cả những thế hệ sinh sau đẻ muộn, trưởng
thành ở một đất nước xa xôi bên nửa kia địa cầu của dải đất hình chữ S.
Câu chuyện của một đứa trẻ Việt lớn lên ở Mỹ,
từ nhỏ đã bị chế nhạo ở trường rằng “Miền Nam của mày thua là đúng rồi”, nay trở
một học giả, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, có thể sẽ đặt ra
nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về những gì đã và đang diễn ra sau cái ngày được gọi
là “thống nhất đất nước”.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fcb7-08db48b724e8_w1023_r1_s.png
Giáo sư - Tiến sĩ Alex Thái Đình Võ trả lời phỏng vấn VOA.
“Thua là đúng rồi”
“Mình xin giới thiệu là tên là Alex Thái Đình
Võ. Mình hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ ở Đại học
Texas Tech, chuyên nghiên cứu về Á Châu, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam”, vị
giáo sư trẻ tuổi với nước da đậm màu Á châu bắt đầu câu chuyện với VOA về cái
duyên đến với cái nghề “ít tiền mà nhiều ưu phiền” này của mình.
“Thái sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi. Khi mình còn nhỏ,
lúc người Mỹ bắt đầu dạy trong nhà trường về cuộc chiến Việt Nam hay lịch sử Việt
Nam, mình nhớ là khoảng lớp 7, lớp 8, khi giáo viên bắt đầu cho học sinh xem những
bộ phim gọi là bộ phim documentary (phim tài liệu) về cuộc chiến Việt Nam, thì
sau khi xem bộ phim đó và học sơ về cuộc chiến, có một cậu học sinh đặt ra câu
hỏi cho mình là ‘Gia đình của bạn thuộc phe nào trong cuộc chiến?’. Ở lứa tuổi
đó thì thú thật khi sang Hoa Kỳ, bố mẹ cũng không nói gì nhiều cho mình về cuộc
chiến, cũng không dạy mình phải hận thù hay biết bên này, bên kia… Nhưng khi cậu
đó đặt câu hỏi đó thì mình mới nhớ ở nhà thường hay nói gia đình mình là thuộc
miền Nam Việt Nam. Mình mới nói ‘The South’ (miền Nam), thì cậu đó mới chỉ tay
vào mặt mình mà cười kiểu chế nhạo và nói ‘À, vậy thì gia đình mày thua là đúng
rồi!’. Đối với một đứa học với lớp 7, lớp 8, mà khi một người khác nói với mình
là gia đình mày thua là đúng rồi thì nó đánh một dấu hỏi trong đầu mình là
‘Thua là một chuyện, nhưng mà thua là đúng rồi có nghĩa là như thế nào?’”.
Về nhà, Alex Thái hỏi và xin phép bố cho đọc tất
cả những cuốn sách có trong nhà viết về Việt Nam. Cậu bé chẳng bao giờ ngờ rằng
câu chuyện ở lớp ngày hôm đó đã khởi đầu cho một hành trình lớn, đặt viên gạch
đầu tiên cho sự nghiệp nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam và lịch sử Việt Nam của
mình sau này.
“Đến khi mình bắt đầu học ở trường Đại học
University of California Berkeley là một trường rất nổi tiếng, nhưng trong thời
chiến cũng nổi tiếng là trường phản chiến, mình mới lấy một lớp gọi là ‘Peace
and Conflict’ (tạm dịch ‘Hòa bình và Xung đột’) với một vị giáo sư khi xưa là một
người lính trong binh chủng của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam”, Alex
Thái hồi tưởng.
Cậu sinh viên Alex Thái lúc đó nhận thấy những
điều vị giáo sư người Mỹ chủ trương phản chiến này giảng dạy “tương đối một chiều”.
Vị giáo sư cho rằng nước Mỹ đã đưa ra quyết định không đúng. Lẽ ra Mỹ phải giúp
cho phe thắng cuộc (tức miền Bắc), còn phe mà Mỹ giúp là Việt Nam Cộng Hòa là một
phe nhu nhược, không có lập trường, không có chủ trương, và thường bị gọi là
“con rối của Hoa Kỳ”.
“Khi đó, một cô trợ giảng cho ông, gọi là
graduate student, sau buổi học đó, cô mới nghiêng qua người bạn của cô nói, mà
cô lại ngồi trước mặt mình, cô nói một câu là ‘À, bây giờ tôi hiểu vì sao gia
đình tôi thua là đúng rồi’. Khi đó, nó tạo cho mình một cảm giác là người giáo
sư này có một ảnh hưởng rất lớn, kể cả đối với những người qua bên này để tị nạn,
qua Hoa Kỳ định cư”.
“Đến mùa Mid-term (giữa kỳ), giáo sư ra đề cho
mình viết. Mình mới quyết định không viết bài theo đề giáo sư đưa ra, mà mình
viết bài yêu cầu giáo sư vào nửa mùa sau nên dạy cho có sự công bằng hơn, đưa
vào thêm những tư liệu có nhiều khía cạnh hơn… Thế rồi mình nhận lại điểm giáo
sư cho là điểm F trừ (F-). Ngoài điểm F trừ, giáo sư còn cho viết thêm một
trang giấy và nói rằng ‘Tôi cho anh điểm này vì anh không viết theo yêu cầu của
tôi, mà anh lại có những quan điểm như vầy đối với tôi là tại vì anh chưa thoát
ra được sự cay đắng của việc gia đình anh thua cuộc trong cuộc chiến vừa rồi’”.
Từ câu chuyện ở lớp và nhận xét của vị giáo sư
đại học, Alex Thái bắt đầu có ý định thay đổi lựa chọn nghề nghiệp.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-9daa-08db48b94023_cx23_cy26_cw69_w650_r1_s.png
GS-TS Alex Thái Đình Võ là một trong những khách mời của "Hội thảo về
Di sản chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia" tại Viện Hoà
Bình ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Như bao đứa trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, Alex
Thái cũng gánh trên vai ước mơ và hy vọng của một gia đình tị nạn. Để từ bỏ giấc
mơ trở thành luật sư (vốn là một trong những nghề nghiệp danh giá mà nhiều người
Việt hướng cho con cái như bác sĩ, kỹ sư…), Alex Thái đã phải nghĩ đến một bức
tranh lớn hơn, đó là ngành nghề nào sẽ giúp anh mang lại những tác động tích cực,
hiệu quả cho xã hội hơn, theo lời khuyên của một chuyên gia tư vấn tâm lý người
Mỹ. Và Alex Thái đã chọn nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, một ngành anh “đam mê”
hơn là một công việc mang lại sự thoải mái tài chính, để có thể có tiếng nói
cho mình và “nói lên những khía cạnh đa chiều” của cuộc chiến, của lịch sử Việt
Nam để cả người Việt lẫn người Mỹ, hay bất cứ ai quan tâm tới Việt Nam, họ sẽ
biết đến Việt Nam trong chiều kích đa chiều ấy.
“Mình chạy trốn khỏi Việt Nam cũng là mục đích
để thấy được sự đa chiều, để có tự do, để thấy được cái đúng cái sai, thì tại
sao bây giờ mình sống ở một đất nước tự do thì mình không đi làm việc đó”, Alex
Thái lý giải thêm cho quyết định lựa chọn ngành nghề của mình.
.
Quyết tâm thành nhà nghiên cứu thực thụ
Chọn học, ra trường, trở thành tiến sĩ không
khó đối với Alex Thái cho bằng những trở lực mà anh gặp phải trên con đường thực
hiện những dự án nghiên cứu, từ cả phía Việt Nam lẫn ở Mỹ.
“Khi mình bắt đầu viết hay nói lên những tiếng
nói mà xưa nay người ta không muốn mình nói thì sẽ gặp nhiều cản trở. Từ khía cạnh
người Mỹ trong ngành khoa cử-giáo dục, nhiều người đã nắm hệ thống nghiên cứu
bao nhiêu năm rồi thì họ không muốn những tiếng nói của mình được nói lên. Cơ hội
dành cho những người giống như mình lại ít hơn. Họ không xem trọng mình. Họ thường
hay nói là ‘Anh là con em của VNCH nên anh sẽ nói như vậy thôi’, hay là họ xem
thường những nghiên cứu của mình. Nhưng chính vì vậy nên mình phải cố gắng vươn
lên. Mình làm nghiên cứu thì mình phải làm nghiên cứu tốt hơn để khi nghiên cứu
của mình ra, mình có buổi phát biểu hay hội thảo thì mình phải đưa ra chứng cớ
rõ ràng, mình chứng tỏ với người ta là ‘Tôi không phải chỉ là con em của một người
VNCH không, mà tôi là một nhà nghiên cứu đứng đắn, làm việc đúng và đang nói
lên những tiếng nói mà xưa nay các vị đã không viết, không nói về, không cho được
lên sách, không đưa đến giảng đường”.
Cản trở từ Việt Nam và tại Việt Nam trong những
lần Alex Thái trở về để thực hiện các dự án nghiên cứu thì không thể kể hết, nhất
là sau khi nhà nghiên cứu trẻ bắt đầu có những công bố hay phát biểu về công
trình của mình trên báo chí, truyền thông.
“Mình gặp những đe dọa, nghe nói là từ phía
nhà cầm quyền Việt Nam, nói là Thái không nên làm những cái nghiên cứu như vậy.
Nhưng mình cứ tiếp tục làm công việc của mìn. Vì sao? Vì mình nghĩ công việc
mình làm là đúng và mình cũng không lựa chọn phe này phe nọ về mặt chính trị.
Mình là một người làm sử, mình chỉ có thể nói ra những gì mình tìm hiểu được và
mình biết được. Còn sự cản trở thì nó luôn luôn đến với mình…”
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-6ac6-08db48b85ca9_w250_r0_s.jpeg
Sách “Toward A Framework For Vietnamese American Studies” (“Hướng tới xây
dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt – Lịch sử cộng đồng và ký ức”) do Tiến sĩ –
Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ – Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ – Giáo
sư Tường Vũ chủ biên.
Thế là, những dự án nghiên cứu về các chủ đề
“nhạy cảm” đối với Việt Nam như: Cuộc cải cách ruộng đất, với những phân tích tỉ
mỉ cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh, của các cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải
cách đẫm máu và nước mắt với khoảng nửa triệu người dân mất mạng; vụ án nhân
văn giai phẩm, tù cải tạo, vấn đề lý lịch… cứ thế lần lượt ra đời sau rất nhiều
lần Alex Thái lặn lội về Việt Nam và “ăn dầm nằm dề” tại các trung tâm, thư viện…
Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Alex
Thai Vo đã được tập hợp lại cùng với một nhóm học giả gốc Việt và xuất bản dưới
dạng một bộ sách về lịch sử Việt Nam, nhằm bổ sung góc nhìn khác, “đa chiều”
hơn về nền Cộng hoà vốn đã tồn tại ở Việt Nam từ trước khi chủ nghĩa cộng sản
du nhập. Bộ sách được giới học thuật Mỹ đánh giá cao này hiện đang được giới
thiệu ở các bang của Hoa Kỳ với mục tiêu đưa chúng trở thành sách giáo khoa được
giảng dạy trong các trường học hay được giới thiệu trong các thư viện trên đất
Mỹ.
.
Cuộc chiến đau lòng giữa anh em
Sau những ngày tháng đắm chìm trong nghiên cứu,
tìm tòi về một chính thể Cộng hoà từng tồn tại và đang bị lãng quên, bị nhìn
"thiên lệch, khi được hỏi liệu đâu là những điểm mấu chốt mà vị giáo sư trẻ
tuổi muốn lưu ý trong cuộc chiến và lịch sử Việt Nam, Alex Thái nói:
“Khi nói tới lịch sử, người ta hay nói lịch sử
được viết bởi những người thắng cuộc. Từ những trang sử sinh viên học trong nhà
trường từ lớp 1 cho đến đại học, hầu như không nhắc tới giai đoạn của cuộc nội
chiến giữa chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa,
mà chỉ gói gọn trong những câu nói ‘nguỵ quyền’, ‘nguỵ quyền theo Mỹ’ và tất cả
đều là cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chứ không phải là cuộc nội chiến
giữa những anh em với nhau, mà mỗi bên đều mất và tổng cộng là gần 2 triệu người,
trong khi người Mỹ chỉ mất có 58.000 người thôi”.
Theo học giả trẻ này, trên thực tế, không thể
phủ nhận sự ảnh hưởng của người Mỹ, nhưng “vai chính” trong cuộc chiến vẫn thuộc
về những người Việt Nam, hay nói khác hơn, đó là cuộc chiến giữa những người
anh em.
“Nếu chúng ta không ghi
nhận sự thật đó, sự tồn tại của nhau thì khó mà chúng ta có thể làm cho đất nước
mạnh hơn, làm cho con người tin tưởng hơn, mang lại cái mà nhà nước Cộng sản
hay kêu gọi là ‘hoà hợp, hoà giải’ giữa người Việt với nhau. Anh kêu gọi hoà hợp,
hoà giải mà anh không công nhận sự tồn tại của tôi, lịch sử của tôi thì làm sao
hoà hợp, hoà giải được?”
“Hay như vấn đề Hoàng Sa
và Trường Sa, nếu một bên cứ tối ngày nói bên kia là ngụy quân ngụy quyền thì
làm sao anh có thẩm quyền để nói Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam? Vì
trước kia, Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1975 thuộc về Việt Nam Cộng Hòa,
trên danh nghĩa quốc tế. Bây giờ anh cứ gọi họ là chính thể bù nhìn, không có
thật, thì làm sao anh bây giờ đứng trên cương vị gì để nói đó là thuộc về Việt
Nam?”, GS. Alex Thái đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu trẻ, việc nghiên
cứu tới nơi tới chốn về nền cộng hoà tại Việt Nam, vốn đã du nhập vào từ những
năm 1920, khi các nhà hoạt động chính trị thời đó như Phan Chu Trinh, Phan Bội
Châu… mang “chủ nghĩa cộng hoà”, “tinh thần cộng hoà” từ châu Âu, Nhật Bản,
Trung Quốc về.
“Thể chế Việt Nam Cộng
Hòa được thành lập vào năm 1954 cho đến năm 1975 đứng vững trên cái nền tư tưởng
gọi là Chủ nghĩa Cộng hòa đó. Chủ nghĩa Cộng hòa là mang đến gì? Nó đòi hỏi cái
tự do của con người, tự do cá nhân, xuất phát từ cuộc cách mạng của Pháp đòi hỏi
quyền công dân của con người cũng như quyền trước pháp luật. Tất cả những yếu tố
đó nó khác với chủ nghĩa cộng sản. Thành ra, cuộc chiến 1954-1975 nó xuất phát
từ những sự khác biệt đó. Và cũng chính từ những khác biệt đó mà sự kiện xảy ra
năm 1975, nó đưa đẩy nhiều người phải đành bỏ nước ra đi, vì họ không sống được
dưới cái thể chế mới đó, cái thể chế mà mất đi hết tất cả các quyền tự do đó, tự
do báo chí, tự do ngôn luận… Tất cả những cái đó khi người ta bị mất đi thì họ
đành phải bỏ nước ra đi”.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-5a9e-08db48b837d2_cx0_cy25_cw100_w650_r1_s.jpeg
TS. Alex
Thái Đình Võ (phải) và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.
.
Khi nằm xuống, tất cả là con người
Công việc nghiên cứu đã mang đến cho vị giáo
sư trẻ nhiều cơ hội công việc và trải nghiệm khác ngoài giảng đường. Alex Thái
cho biết anh từng cộng tác chính phủ Mỹ trong công việc tìm hài cốt của quân
nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
“Khi đó mình đang đi làm thì trường Đại học
Texas Tech có một cái vị trí cần một nhà nghiên cứu để nghiên cứu tìm hài cốt
quân nhân của người cộng sản. Để tôn trọng cha mẹ, là những người đã trải qua
dưới thể chế cộng sản và trải qua tù đày, mình gọi cho bố và hỏi ‘Ba ơi, con
bây giờ nhận công việc này để làm nghiên cứu tìm hài cốt của những người mà khi
xưa gọi là địch, là kẻ thù của những người giống như ba đó. Thì ba nghĩ như thế
nào? Vì con thấy đây là một công việc mà theo con, là một công việc nhân đạo mà
mình cần phải làm’. Thì thay vì người cha mình giống như mình suy nghĩ là sẽ cản
trở và sẽ nói không, thì bố mình không một giây suy nghĩ và nói là ‘Con nên đi
làm. Công việc này phải làm, vì dù sao cuộc chiến đã qua rồi, mình biết mình là
ai. Nhưng tất cả khi ngã xuống cũng là người Việt Nam và cũng là con người.
Thành ra, công việc mà mình cần phải làm là công việc mang tính nhân đạo và phải
làm để mang lại sự an ủi cho tất cả. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam”.
VIDEO :
Học
giả trẻ gốc Việt và nỗ lực thay đổi cái nhìn ‘thiên lệch’ về Việt Nam Cộng Hòa
| VOA Tiếng Việt
https://www.youtube.com/watch?v=MeLr3WQXKiw
No comments:
Post a Comment