Tuesday, April 25, 2023

IMMANUEL WALLERSTEIN VỚI LÝ THUYẾT HỆ THỐNG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI VÀ TRUNG TÂM NGOẠI VI (Hồ Sĩ Quý / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Immanuel Wallerstein với lý thuyết Hệ thống Thế giới Hiện đại và Trung tâm-Ngoại vi

Hồ Sĩ Quý*

22/04/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/04/22/immanuel-wallerstein-ly-thuyet-he-thong-the-gioi-hien-dai/

 

Lời Ban Biên tập: Lý thuyết Hệ thống thế giới hiện đại (Modern World-Systems Theory) mà trong đó, quan niệm về trung tâm và ngoại vi (Core – Peripheral Theory) đóng vai trò là cách tiếp cận chủ yếu, khám phá những quan hệ hiện thực đã kiến tạo nên hệ thống thế giới ngày nay, là một trong những lý thuyết khoa học xã hội đồ sộ nhất thế kỷ 20. Người đề xuất lý thuyết này là Wallerstein, nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ.

 

                                                              *

 

Suốt từ thập niên 1970 đến nay, bằng lý thuyết của mình, Wallerstein đã có tiếng nói ở hầu hết các sự kiện nóng của thế giới. Lý thuyết của ông, trên thực tế đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học và giới chính trị ở hầu khắp các nước. Sách của Wallerstein được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Tên tuổi của ông được giảng dạy ở khắp các giảng đường. Không chỉ đóng vai trò là cách tiếp cận cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học, lý thuyết Wallerstein còn là phương pháp luận cho việc hoàn thiện “Khoa học Lịch sử toàn cầu” (Universal History), trực tiếp làm cơ sở cho Ủy ban Gulbenkian về tái cấu trúc khoa học xã hội[1] và truyền cảm hứng cho một số phong trào chính trị xã hội trên khắp thế giới. Tại các tổ chức của Liên Hợp Quốc như UNESCO, UNDP, FAO… suốt mấy chục năm qua, lý thuyết của Wallerstein thường xuyên được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để chống nghèo đói và giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội.[2]

 

Ở Việt Nam trước thập niên 1990, Wallerstein hầu như không được nhắc tới. Chỉ trong những năm gần đây, các nhà kinh tế học và xã hội học mới nói tới “Hệ thống thế giới” và các nhà nghiên cứu văn hóa – xã hội mới nói tới quan điểm “Trung tâm – ngoại vi” của ông. Tuy thế những hiểu biết về Wallerstein thể hiện trên sách báo thường khá giản đơn. Không mấy ai chủ tâm đi sâu vào các lý thuyết, dù là để phê phán hay là để tiếp thu, vận dụng. Thêm vào đó, trong tiếng Việt, thuật ngữ “Hệ thống thế giới hiện đại” lại gợi lên những hiểu biết đã có ở Việt Nam về “Lý thuyết hệ thống” (General System Theory) của Bertalanfly,[3] chứ không phải về “Modern World-Systems” của Wallersteins. Nói đến tiếp cận hệ thống, không ít người vẫn nhầm lẫn hệ thống của Bertalanfly với hệ thống của Wallersteins. “Trung tâm và ngoại vi” cũng thế, các khái niệm này được hiểu không hẳn đã trùng với các khái niệm “Lõi và ngoại vi” (Core – Peripheral) như thuật ngữ gốc mà Wallersteins đã sử dụng làm khái niệm công cụ của học thuyết Modern World-System.

 

Với bài viết này, chúng tôi muốn góp phần khắc phục tình trạng nói trên.

 

.

1. Vài nét về Wallerstein

 

Immanuel Maurice Wallerstein Sinh ở New York ngày 28/9/1930. Tại Đại học Columbia, New York, ông được đào tạo cả ba trình độ – Cử nhân năm 1951, Thạc sĩ năm 1954, và Tiến sĩ năm 1959. Ngoài Columbia, Wallerstein còn học và nghiên cứu tại Đại học Oxford – Anh, Đại học libre de Bruxelles – Bỉ, Đại học Paris 7-Pháp, và Đại học Nacional Autonoma – Mexico.

 

Từ năm 1951 đến năm 1953, Wallerstein phục vụ trong quân đội.

 

Từ năm 1958 đến năm 1971, Wallerstein nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại Đại học Columbia, New York. Từ năm 1971 đến năm 1976, tại Đại học McGil. Từ năm 1976 đến năm 1999, tại Đại học Binghamton. Và từ sau năm 2000, tại Đại học Yale.

 

Những năm 1976 đến 2005 ông là lãnh đạo Trung tâm Fernand Braudel thuộc Đại học Binghamton, nghiên cứu về kinh tế, hệ thống lịch sử và các nền văn minh (Fernand Braudel Center for the Study of Economies, Historical Systems and Civilization). Đây là trung tâm nghiên cứu mang tên nhà khoa học Fernand Braudel nổi tiếng người Pháp với những tư tưởng kiệt xuất về sự thống nhất các khoa học. Đây cũng là nơi có các thành viên nhiệt thành ứng dụng và phát triển cách tiếp cận hệ thống thế giới của Wallerstein.

 

Trong những năm 1993-1995, Wallerstein là Chủ tịch Ủy ban Gulbenkian – Ủy ban thuộc UNESCO về tái cấu trúc các khoa học xã hội nhằm định hướng phát triển khoa học xã hội và nhân văn 50 năm sau đó. Ủy ban này đi theo khuynh hướng nhìn nhận toàn bộ các khoa học xã hội và nhân văn dưới cách tiếp cận hệ thống thế giới.[4] Các thành viên của ủy ban đều là các nhà khoa học nổi tiếng gồm 6 chuyên gia về khoa học xã hội, 2 chuyên gia khoa học tự nhiên và 2 chuyên gia khoa học nhân văn. Báo cáo của Ủy ban “Open the Social Sciences” được công bố vào năm 1996 bằng nhiều ngôn ngữ. Bản tiếng Việt của báo cáo này xuất bản năm 2007 dưới tiêu đề “Khoa học xã hội trên thế giới” do ĐHQG Hà Nội xuất bản. Tuy nhiên, tiếng vang của báo cáo này không lớn trong khi nó bị chỉ trích ở nhiều nơi.[5]

 

Những năm 1994-1998, ông là Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học thế giới.

 

Với Wallerstein, những người mà ông chịu ảnh hưởng đã từng được ông nhắc đến là Karl Marx, Fernand Braudel, Sigmund Freud, Nikolai Kondratiev… Đây là những vĩ nhân rất điển hình cho tư duy duy lý phổ quát châu Âu. Chắc điều này cũng có ý nghĩa nhất định đối với những hướng nghiên cứu sau này ở Wallerstein.

 

Đầu những năm 1960, Wallerstein bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình với những nghiên cứu xã hội học về châu Phi. Với đối tượng này, việc thống nhất các lý thuyết để nghiên cứu xã hội trong tổng thể các yếu tố địa lý, văn hóa, kinh tế… của nó được ông quan tâm. Từ đó, Wallerstein hướng sự chú ý đến những tư tưởng của nhà sử học người Pháp Fernand Braudel. Ông say mê với ý tưởng về sự thống nhất các khoa học của Braudel trong bài “Lịch sử và Khoa học xã hội, trong tiến trình dài lâu” (Histoire et sciences sociales, la longue durée).[6] Đây là bài viết nổi tiếng của Braudel năm 1958 nhằm đối thoại với cuốn sách của “L’anthropologie structurale” của Claude Lévi-Strauss.[7] Bài viết này được coi là Tuyên ngôn về sự thống nhất của các khoa học theo hướng tiếp nối ý tưởng của K. Marx năm 1844 “về sau, khoa học về tự nhiên sẽ bao hàm trong nó khoa học về con người, cũng như khoa học về con người sẽ báo hàm trong nó khoa học về tự nhiên: Đó sẽ là một khoa học”. Chính là lấy cảm hứng từ Braudel và Marx, Wallerstein đã đề xướng và phát triển lý thuyết Hệ thống thế giới hiện đại của mình.[8]

 

Đến nay, Wallerstein đã xuất bản hơn 20 cuốn sách và hơn 300 bài báo khoa học.[9] Phần lớn các tác phẩm đó đều đề cập đến Hệ thống thế giới và về quan điểm Trung tâm – Ngoại vi. Tác phẩm nào của Wallerstein cũng được coi là có giá trị, mặc dù quan điểm về hệ thống thế giới của ông, suốt mấy thập niên từ ngày công bố đến nay, gần như lúc nào cũng nhận được những ý kiến không tán đồng hoặc phê phán.

 

 

2. Hệ thống thế giới hiện đại trong quan niệm của Wallerstein

 

Hệ thống thế giới hiện đại, theo Wallerstein, là tập hợp thực tế các quốc gia hiện đang tồn tại với các trình độ phát triển rất chênh lệch nhau, nhưng lại có liên hệ hữu cơ với nhau thông qua những quan hệ bóc lột, bất bình đẳng và thông qua sự cạnh tranh, định đoạt địa vị trung tâm – ngoại vi, được hình thành từ thế kỷ 16 và đã định hình ở thế kỷ 19 và ngày càng tỏ ra là bền vững. Hệ thống này sẽ tồn tại dài lâu, có thể vài trăm năm hoặc hơn thế nữa. Trong thế giới ngày nay, hệ thống này là thực tế không thể lảng tránh đối với mọi quan điểm, nó quy định toàn bộ đời sống xã hội loài người về tất cả các phương diện, mà trước hết là về phương diện kinh tế, chính trị và xã hội. Wallerstein viết: “Hệ thống thế giới là một hệ thống xã hội có ranh giới, cấu trúc, các nhóm thành phần, các quy tắc pháp lý và các quy tắc cố kết. Sức sống của hệ thống được tạo thành bởi các lực lượng xung đột – các lực lượng giữ nó trong trạng thái căng thẳng và phân chia nó ra thành từng nhóm nhỏ không ngừng cố gắng để xóa bỏ hệ thống hoặc cải tạo hệ thống. Hệ thống có những đặc điểm của một cơ thể sống, chẳng hạn có tuổi thọ dài hơn nhờ thay đổi đặc trưng của hệ thống trong một vài quan hệ và trong việc duy trì sự ổn định với xung quanh… Sức sống của hệ thống phần lớn là tự điều chỉnh, và các động lực phát triển của hệ thống chủ yếu là động lực bên trong”.[10]

 

Hệ thống thế giới hiện đại được Wallerstein mô tả, phân tích và đánh giá – vừa chi tiết vừa khái quát – trong bộ sách “Hệ thống thế giới hiện đại” gồm 4 tập, lần lượt được xuất bản trong các năm 1974, 1980, 1989 và 2011. Đây cũng là công trình lớn nhất cho tới nay của Wallerstein. Tuy nhiên, về hệ thống thế giới hiện đại với những nội dung vô cùng phong phú của nó thì Wallerstein không chỉ trình bày trong bộ sách 4 tập này, mà còn trong nhiều ấn phẩm khác nữa. Bởi với thời gian gần 40 năm giữa các lần xuất bản cho từng tập, Wallerstein còn công bố hơn 10 ấn phẩm khác, cũng đều là các công trình được đánh giá là tầm cỡ, cả về hàm lượng học thuật và cả về số trang ấn phẩm.

 

Đối tượng nghiên cứu và trình bày của bộ sách 4 tập này là “Hệ thống thế giới hiện đại” (The Modern World-System). Tuy nhiên trong các tài liệu, thì đây còn là bộ sách viết về “Lý thuyết phân tích hệ thống thế giới” (World-Systems Analysis) và về “Cách tiếp cận hệ thống thế giới” (World-System Approach). Thực ra những cách diễn đạt này không hề mâu thuẫn với nhau. Vì những điều cơ bản nhất của lý thuyết phân tích hệ thống thế giới và của cách tiếp cận hệ thống thế giới cũng chính là những nội dung rất cơ bản bộc lộ trong phân tích hệ thống thế giới.

 

Điều đáng lưu ý là, lý thuyết hệ thống thế giới còn gắn liền với quan điểm Trung tâm – Ngoại vi, nên bộ sách 4 tập này cũng thường được gọi là bộ sách về lý thuyết trung tâm – ngoại vi. Trên thực tế, một số quan điểm của Wallerstein về hệ thống thế giới hiện đại và về quan điểm Trung tâm – Ngoại vi còn được trình bày ở các tác phẩm khác, đặc biệt ở “Nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa” xuất bản năm 1979 và “Địa chính trị và địa văn hóa” xuất bản năm 1991.

 

Cuốn đầu tiên về lý thuyết hệ thống thế giới của Wallerstein là “Hệ thống thế giới hiện đại – Tập 1: Nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa và nguốn gốc châu Âu của nền kinh tế thế giới ở thế kỷ 16” xuất bản năm 1974.[11] Trong tập này, Wallerstein khẳng định sự tồn tại của hệ thống thế giới hiện đại. Hệ thống này không phải mới bắt đầu hình thành hay đang hình thành trong thế kỷ 20, mà ngay từ thế kỷ 15-16 khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện, hệ thống thế giới hiện đại đã hình thành và ngày một định hình. Sự phát triển không đồng đều là quy luật và là đặc trưng sẽ tồn tại rất dài lâu của hệ thống thế giới hiện đại. Quan hệ bản chất của hệ thống này và cũng là của nền kinh tế thế giới là quan hệ không bình đẳng, bóc lột giữa trung tâm và ngoại vi. nguồn lực bị bóc lột trước hết là vốn và lao động.

 

Theo Wallerstein quá trình chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa là một bước chuyển lớn của lịch sử nhân loại làm xuất hiện hệ thống kinh tế thế giới. Đây là lần đầu tiên một hệ thống kinh tế bao gồm phần lớn các nền kinh tế của thế giới với các liên kết mới thay thế biên giới chính trị quốc gia. Kinh tế thế giới mới khác với hệ thống đế chế trước đó bởi nó không phải là một đơn vị chính trị duy nhất.

 

Mối liên hệ giữa sức mạnh kinh tế và quyền lực chính trị đã được Wallerstein đặc biệt nhấn mạnh trong tập này. Theo Wallerstein, trong thời kỳ phong kiến, quyền lực của các đế chế phụ thuộc vào sức mạnh của các chính phủ, thông qua độc quyền thương mại kết hợp với sử dụng vũ lực để chỉ đạo các luồng thương mại từ ngoại vi vào trung tâm. Với phương thức đó, đế chế có nhu cầu duy trì ranh giới chính trị cụ thể, để nắm giữ quyền kiểm soát dựa trên công cụ là một bộ máy quan liêu rộng lớn và một quân đội thường trực.

 

Bước sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa, các tiến bộ kỹ thuật và khoa học của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã tạo điều kiện và cho phép nền kinh tế thế giới hiện đại mở rộng phạm vi kinh tế của mình vượt ra ngoài ranh giới chính trị của bất kỳ một đế chế nào. Điều này nằm ngoài mong muốn của các ông vua. Bước chuyển này khiến một số nhà nước trở thành nhà nước ngoại vi hoặc nhà nước bán ngoại vi.

 

Cuốn thứ hai của bộ sách, xuất bản năm 1980 có tiêu đề “Hệ thống thế giới hiện đại – Tập 2: Chủ nghĩa Trọng thương và sự củng cố nền kinh tế thế giới giai đoạn 1600-1750”.[12] Trong tập này, Wallerstein mô tả sự phát triển của hệ thống thế giới và của nền kinh tế thế giới trong khoảng thời gian tích lũy tư bản sôi sục với chủ nghĩa Trọng thương. Sự đề cao vai trò của Nhà nước cầm quyền và của giới doanh thương trong hoạt động kinh tế đã làm hệ thống thế giới và nền kinh tế thế giới được củng cố một cách vững chắc. Pháp, Hà lan, Anh… trở thành các trung tâm quyền lực chính trị và tư bản chi phối mạnh mẽ các xu hướng kinh tế – chính trị ở các vùng khác.

 

Cuốn thứ ba của bộ sách có tiêu đề “Hệ thống thế giới hiện đại – Tập 3: Cuộc đại bành trướng lần thứ hai của tư bản kinh tế thế giới, giai đoạn 1730-1840” được xuất bản năm 1989.[13] Trong tập này, Wallerstein đưa ra những chứng cứ khẳng định, công nghiệp chứ không phải là chủ nghĩa tư bản nông nghiệp đóng vai trò là đặc trưng của hệ thống thế giới thời kỳ này. Quá trình chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp đã làm thay đổi toàn bộ trật tự chính trị, kinh tế và xã hội. Diện mạo của hệ thống thế giới giai đoạn này thể hiện ở những đặc trưng:

·         

·        Các quốc gia châu Âu tham gia vào hoạt động thăm dò khai thác các thị trường mới. Chinh phục thuộc địa diễn ra từ giai đoạn trước, nhưng đến giai đoạn này các nước thuộc địa mới được quan tâm như một thị trường hoặc một phần của thị trường rộng lớn.

 

·        Hệ thống các nước Ấn Độ Dương đã được hấp thụ vào hệ thống thị trường châu Âu như là một sự mở rộng phạm vi hệ thống. Với sự độc lập của các nước Mỹ Latinh, khu vực này cùng với các khu vực bị cô lập trước đây trong sự kiềm tỏa của Mỹ đã bước vào nền kinh tế thế giới như một vùng ngoại vi. Toàn bộ các nước châu Phi và châu Á, kể cả Trung Quốc, trong thế kỷ 19, vẫn mới chỉ tồn tại như một vùng ngoại vi trong nền kinh tế thế giới.

 

·        Các nước thuộc châu Phi và Châu Á trở thành khu vực ngoại vi; điều này cho phép các nước có thuộc địa ở khu vực này tăng cường vị thế trung tâm của họ.

 

·        Trong giai đoạn này, các nước thuộc khu vực trung tâm chuyển dần cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp. Giữa thế kỷ 18, Anh trở thành quốc gia có sản xuất công nghiệp đứng đầu châu Âu và thế giới. Năm 1900, chỉ có 10% dân số nước Anh còn tham gia sản xuất nông nghiệp.[14] Sự chuyển dịch sản xuất đã khiến các trung tâm có các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong các vùng ngoại vi và bán ngoại vi. Châu Âu cũng trở thành trung tâm của xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp.

 

Wallerstein cũng phân tích kỹ và chỉ ra một sự thật khá giản đơn là, sự mở rộng hệ thống thế giới diễn ra chẳng có gì là bí hiểm và khó hiểu cả, mà chỉ là bằng con đường thương mại hóa. Tất cả các nguồn lực bao gồm tài nguyên, đất đai và cả lao động và các mối quan hệ kinh tế, chính trị… đều bị “thương mại hóa” và trở thành hàng hóa trong một thị trường mà mệnh lệnh định giá trao đổi được phát đi từ trung tâm, dựa trên sức mạnh công nghiệp và sức mạnh thực dân.

 

Cuốn thứ tư của bộ sách có tiêu đề “Hệ thống thế giới hiện đại – Tập 4: Chủ nghĩa tự do ôn hòa chiến thắng. Giai đoạn 1789 – 1914”.[15] Với giai đoạn này, Wallerstein khẳng định sự xác lập vững chắc của chủ nghĩa tư bản thế giới với nền kinh tế thế giới đã ở quy mô và phạm vi toàn cầu. Đó chính là sự chiến thắng của hệ thống thế giới hiện đại.

 

Trong tập này Wallerstein còn chú ý bác bỏ quan điểm về sự tồn tại của một “Thế giới thứ ba” dù hiểu theo bất kỳ một nghĩa nào đó. Theo ông “Thế giới thứ ba” chỉ là cách gọi làm sai lệch bản chất của những quốc gia và những khu vực bị bóc lột – những quốc gia ngoại vi và những vùng ngoại vi. Wallerstein tuyên bố chỉ có một thế giới được kết nối bởi mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ kinh tế – tức là trong thế giới hiện đại chỉ có duy nhất một nền “kinh tế thế giới” (World-Economy) hoặc là một “Hệ thống thế giới” (World-System), trong đó sự phân bổ vốn, các nguồn lực và lao động diễn ra theo sự cạnh tranh không cân bằng giữa các trung tâm với các ngoại vi và giữa các vùng trung tâm với nhau.

 

Theo Wallerstein, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của tất cả các nước trên thế giới sẽ sống và vận hành theo nhịp điệu của “bước sóng Kondratieff” với sự lặp lại của các chu kỳ khoảng 60 năm.[16]

 

Nói tóm lại, tư tưởng đáng giá nhất trong bộ sách 4 tập và trong những tác phẩm kinh tế học chính trị khác của Wallerstein là ông đã khẳng định và chứng minh bằng những lập luận và những chứng cứ thực chứng về sự tồn tại của Hệ thống thế giới hiện đại. Theo Wallerstein, lịch sử thế giới hiện đại bao gồm không giới hạn các quốc gia dân tộc luôn xích mích, mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi. Và đó chính là Hệ thống thế giới hiện đại duy nhất, được xác lập từ cuối thế kỷ 19 mà loài người đang sống. Biên giới quốc gia chỉ làm cho hệ thống thế giới hiện đại gắn kết thêm bởi các các vấn đề dân tộc, chính trị rắc rối và phức tạp. Nền kinh tế thế giới hiện đại cũng là duy nhất với nghĩa như vậy. Các nước thuộc Hệ thống xã hội chủ nghĩa sau này cùng với các nước nghèo đói, chậm phát triển Á, Phi… cũng là những thành phần hữu cơ của Hệ thống thế giới đó.

 

Cách tiếp cận này được gọi là Cách tiếp cận Hệ thống thế giới.

 

Hệ thống thế giới hiện đại, theo Wallerstein sẽ còn rất lâu nữa mới là hệ thống theo đồng nhất về văn hóa, chính trị và kinh tế. Nó là hệ thống duy nhất bởi đặc trưng của nó là sự khác biệt, thậm chí khác biệt cơ bản trong phát triển xã hội, tích lũy quyền lực chính trị và tích lũy vốn. Những khác biệt này, theo Wallerstein sẽ tồn tại rất dài lâu, chứ không chỉ tồn tại như một tàn dư hoặc như một sự bất thường mà người ta nghĩ có thể sẽ khắc phục được khi hệ thống phát triển.

 

Wallerstein quy trách nhiệm nặng nề cho các nước phương Tây phát triển về sự lạc hậu của các vùng ngoại vi mà người ta thường gọi là “thế giới thứ ba”. Ông chủ trương tiếp tục tư tưởng của Marx về chủ nghĩa đế quốc, về bóc lột, về lao động và tiến bộ xã hội. Tư tưởng chống Mỹ của Wallerstein cũng rõ ràng và nhất quán qua nhiều thập niên. Cách tiếp cận Hệ thống thế giới của Wallerstein có ảnh hưởng lớn và được hưởng ứng trong giới khoa học tại hầu hết các nước. Lý thuyết hệ thống thế giới đã tác động rất lớn đến xu hướng xem xét lịch sử như là một quá trình toàn cầu duy nhất. Sự ra đời của chuyên ngành lịch sử toàn cầu (Universal History) cũng ít nhiều có công đóng góp của Wallerstein.

 

Wallerstein chắc chắn không phải là người Mác-xít. Cũng chắc chắn ông không phải là Tân-Mác-xít. Nhưng ở phương Tây, rất nhiều người vẫn mặc nhiên coi Wallerstein là môn đệ của Marx. Còn ở các nước Xô-viết trước đây, Wallerstein lại bị kỳ thị và trước những năm 1990, sách của ông cũng không được xuất bản. Một học giả Mỹ Latinh nhận xét rằng: “Các tác phẩm của Wallersteins là phương pháp luận nằm đâu đó ở giữa Marx và Weber, cả hai đều là nguồn cảm hứng quan trọng đối với sự sáng tạo của Wallersteins”.[17]

 

3. Lý thuyết trung tâm – ngoại vi của Wallerstein

 

Như đã nói ở trên, lý thuyết của Wallerstein về hệ thống thế giới hiện đại chứa trong nó cách nhìn, cách tiếp cận thế giới theo quan điểm trung tâm – ngoại vi. Quan hệ trung tâm – ngoại vi là quan hệ cơ bản, quan hệ bản chất, xác định diện mạo của hệ thống thế giới hiện đại. Phân tích hệ thống thế giới hiện đại, người ta buộc phải sử dụng cách tiếp cận trung tâm – ngoại vi. Ngược lại, khi sử dụng cách tiếp cận trung tâm – ngoại vi, thế giới ngày nay sẽ hiện ra như là một hệ thống thế giới đang tồn tại.

 

Tuy tư tưởng về quan hệ trung tâm – ngoại vi có mặt cả 4 cuốn sách đồ sộ “Hệ thống thế giới hiện đại”, nhưng cũng được trình bày tương đối rõ ở hai tác phẩm “Nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa” xuất bản năm 1979 và trong “Địa chính trị và địa văn hóa” xuất bản năm 1991.

 

Tác phẩm “Nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa” của Immanuel Wallerstein được xuất bản năm 1979.[18] Đây là sách tuyển chọn các tiểu luận của ông về các vấn đề kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới khi triển khai các nghiên cứu về hệ thống thế giới hiện đại. Nội dung cuốn sách chủ yếu hướng sự phân tích vào những trạng thái cơ bản về sự đối lập trong chủ nghĩa tư bản, về mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản và giữa các trung tâm với các vùng ngoại vi. Cuốn sách còn bàn đến sự tăng trưởng mang tính nhịp điệu theo chu kỳ, những cuộc khủng hoảng và những biến đổi thực tế của chủ nghĩa tư bản với tính cách là một hệ thống thế giới đã ngày càng làm cho hệ thống thế giới mạnh thêm và những lý do khiến nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đích thực trở thành nền kinh tế thế giới. Cuốn sách tập hợp ý kiến của Wallerstein tại nhiều cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa giai cấp và ý thức dân tộc.

 

“Địa chính trị và địa văn hóa: các bài tiểu luận về sự biến đổi của hệ thống thế giới”[19] là tập tiểu luận thứ ba gồm các bài viết của Wallerstein viết từ năm 1982 đến năm 1989, xuất bản năm 1991. Những bài viết trong cuốn sách cung cấp quan điểm Wallerstein về các sự kiện của thời kỳ này, đặc biệt là để giải thích những sự kiện đáng nhớ trong năm 1989. Wallerstein cho rằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự suy giảm bá quyền của Mỹ trong hệ thống thế giới tính đến năm 1989 là có cũng một nguyên nhân. Đó là suy giảm mang tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới. Theo Wallerstein, người ta sẽ không thể hiểu được sự sụp đổ của hệ thống cộng sản, sự hợp nhất châu Âu và sự suy yếu tương đối của Mỹ nếu không tính đến sự suy giảm mang tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới trong hệ thống thế giới.

 

Khi phân tích sự phát triển của văn hóa trong xu thế thách thức đối với sự thống trị của quan điểm địa văn hóa, Wallerstein đã nêu những quan điểm mới của mình về văn hóa. Những ý tưởng của ông là khá độc đáo và gây tranh cãi suốt từ ngày đó đến nay tại tất cả các ngành khoa học xã hội. Trong cuốn sách và sau đó là tại các diễn đàn, bằng nhiều cách khác nhau Wallerstein khẳng định:[20]

·         

·        Không có địa văn hóa trong ba thế kỷ đầu tiên của hệ thống thế giới, tức là trong thời kỳ trước Cách mạng tư sản Pháp 1789.

 

·        Với cuộc Cách mạng Pháp, địa văn hóa xuất hiện như một sự đối lập căng thẳng giữa ba hệ tư tưởng – Chủ nghĩa bảo thủ (Hữu), Chủ nghĩa tự do (Trung tâm) và Chủ nghĩa xã hội (Tả).

 

·        Chủ nghĩa tự do (Liberalism) là ý thức hệ hiện hữu trong suốt hai thế kỷ từ năm 1789 đến năm1989. Tuy nhiên, nó sụp đổ cùng một lúc với chủ nghĩa xã hội hiện thực vào năm 1989.

 

·        Chủ nghĩa bá quyền Mỹ, cùng với “thời kỳ hiện đại” (Modern Age) của lịch sử bắt đầu từ 500 năm trước, đã đến giai đoạn kết thúc. Một “thời kỳ mới” xuất hiện, đó là “thời kỳ hỗn loạn mới” (New chaos Age), một “thời kỳ đen tối” (Dark Age) sẽ tiếp tục cho đến khi một hệ thống văn minh mới được thành lập từ 2025-2050.

 

Các khái niệm trung tâm – ngoại vi, theo Wallerstein, gắn liền với mô hình của kiểu quan hệ thống trị trong thế giới hiện đại dựa trên sự phân bổ không công bằng về các nguồn lực trong nền kinh tế, và thể hiện qua các thể chế được định đoạt ở các quốc gia trung tâm. Trung tâm giữ địa vị thống trị, chi phối và quyết định, trong khi các vùng ngoại vi có xu hướng bị cô lập, bị lệ thuộc và chịu thiệt thòi. Hội chứng thống trị – phụ thuộc này tác động mạnh mẽ vào cơ cấu kinh tế và trao đổi, cũng như phân bổ các nguồn lực. Trong sự phát triển của các không gian kinh tế, mức độ tương phản và đối lập giữa trung tâm – ngoại vi được thể hiện rõ nhất khi trung tâm xác lập được địa vị thống trị của mình. Đó cũng là lúc “trạng thái cân bằng” giữa các vùng kinh tế được thường xuyên tuyên truyền như một mục tiêu của chính sách phát triển của các quốc gia. Dĩ nhiên, các trung tâm quyền lực về chính trị và thương mại không phải lúc nào cũng giả dối trong sự truyên truyền này. Tuy vậy, nhiều hạn chế và rào cản đã làm giảm sự thành công của những mục tiêu dân túy đó. Sức mạnh quán tính của trung tâm truyền thống, tham vọng và sự năng động của những trung tâm mới nổi, thường có xu hướng cản trở hoặc ngăn chặn một trạng thái cân bằng giữa các khu vực kinh tế – xã hội trong sự phát triển.[21]

 

Sự thu hút hướng tâm của các vùng trung tâm trong lịch sử đã gây nên các làn sóng di cư trong nước và quốc tế, làm mạnh thêm dòng chảy tài chính và thương mại từ ngoại vi vào trung tâm. Hơn nữa, chính sách kinh tế ở cấp khu vực hoặc quốc gia thường ưu tiên cho các lợi ích của các vùng trung tâm. Mật độ dân số, số lượng các đơn vị bầu cử và số lượng các đại diện chính trị, khi quan hệ trung tâm – ngoại vi được mở rộng, cũng làm tăng thêm tình trạng mất cân đối cao giữa các khu vực.[22]

 

https://miro.medium.com/v2/resize:fit:640/1*m9l80tasd7d05BWgd5eLkQ.gif

Mô hình diễn tả sự chuyển dịch giữa trung tâm và ngoại vi trong một tài liệu của Liên Hợp Quốc

 

Do đó, khu vực trung tâm trở thành “Trung tâm của sự tích lũy – Centers of Accumulation” ngày càng lớn, làm duy trì và sâu sắc thêm sự phát triển không đồng đều. Việc khai thác mạnh mẽ các nguồn tài nguyên và tạo ra các cơ hội kinh tế mới, kết hợp với chính sách khuyến khích các vùng trung tâm, đã kích thích sự xuất hiện của những trung tâm mới. Điều này thách thức quan điểm cho rằng trật tự địa kinh tế có xu hướng là không gian tĩnh và ít biến đổi. Trật tự địa kinh tế, trên thực tế và đặc biệt rõ trong thế giới hiện đại, được hỗ trợ bởi sự di động của các nguồn lực, dòng chu chuyển thương mại và dòng chảy của lực lượng lao động. Sức mạnh kinh tế và quyền lực chính trị, do vậy, ít xuất phát từ yếu tố địa lý đơn thuần, mà là từ quy luật của sự kiểm soát các công cụ sản xuất.[23]

 

Ở phạm vi quốc gia, trung tâm gồm những vùng thịnh vượng và phát triển nhất của một quốc gia, thường là các thành phố lớn, thủ đô, cảng chính, các khu đô thị và công nghiệp lớn… Vùng trung tâm được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa.

 

Trong giai đoạn hệ thống thế giới xuất hiện vào thế kỷ 15-16, phần lớn phía tây bắc châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan… đã phát triển như khu vực trung tâm đầu tiên. Nền chính trị của các quốc gia này cũng phát triển mạnh bởi chính phủ trung ương có bộ máy quan liêu rộng rãi, có đội quân lính đánh thuê hùng hậu. Giai cấp tư sản địa phương của trung tâm nắm quyền kiểm soát thương mại và chiết khấu thặng dư thương mại quốc tế phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Dân số nông thôn cũng được tăng thêm nhờ số lượng những người không có ruộng đất nhưng làm công ăn lương tại các trang trại và làm thuê ở nông thôn. Việc chuyển đổi từ nghĩa vụ kiểu nhà nước phong kiến ​​sang tư bản đã khuyến khích sự nổi lên của những người nông dân độc lập hoặc tiểu chủ nông dân thôn mới. Còn những nông dân nghèo thì di chuyển đến các thành phố, cung cấp lao động giá rẻ cho dịch vụ và sản xuất ở đô thị. Sản xuất nông nghiệp thời kỳ tích lũy tư bản tăng trưởng với ưu thế ngày càng lớn của người nông dân thương mại trong các ngành sản xuất, chăn nuôi gia súc và công nghệ nông nghiệp.

 

Đối diện với trung tâm là các vùng ngoại vi. Các khu vực ngoại vi của hệ thống kinh tế thế giới thiếu các chính phủ trung ương mạnh hoặc bị kiểm soát bởi các quốc gia khác, các tiểu bang khác. Xuất khẩu nguyên liệu thô vào trung tâm và tham gia guồng máy lao động bị cưỡng chế là một thực tế có ở khắp mọi vùng ngoại vi. Trung tâm chiếm đoạt thặng dư của các ngoại vi bằng quan hệ thương mại bất bình đẳng. Hai khu vực Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Mỹ Latinh, thể hiện rõ đặc điểm của các khu vực ngoại vi. Ở Ba Lan, vua bị mất quyền lực vào tay giai cấp quý tộc và Ba Lan đã trở thành nơi xuất khẩu lúa mì hàng đầu vào toàn bộ châu Âu hồi thế kỷ 17-18.

 

Bán ngoại vi chiếm một vị trí trung gian giữa trung tâm và ngoại vi. Các quốc gia bán ngoại vi có thể di chuyển đến một cấp độ cao hơn hoặc thấp hơn trong xu thế muốn thoát khỏi địa vị ngoại vi. Các khu vực bán ngoại vi thường hình thành bằng cách đại diện cho một vùng trung tâm bị suy giảm hoặc từ một vùng ngoại vi cố gắng cải thiện vị trí tương đối của mình trong hệ thống kinh tế thế giới. Bán ngoại vi là vùng đệm giữa trung tâm và ngoại vi. Thời kỳ đầu, thế kỷ 15-16, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những trung tâm kinh tế suy giảm và trở thành bán ngoại vi. Các nước thực dân này nhập khẩu vàng và bạc từ các thuộc địa của mình ở Mỹ Latinh, chủ yếu bằng lao động cưỡng chế. Nhưng toàn bộ thặng dư này lại chỉ để trả cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước trung tâm như Anh và Pháp, chứ không hề giúp gì cho sự hình thành nền sản xuất chính quốc và thuộc địa. Ý, miền nam nước Đức, và miền nam nước Pháp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hạn chế trong thu hút vốn từ ngân hàng quốc tế, chi phí sản xuất cao và hàng hóa chất lượng thấp đã khiến các vùng này không còn chiếm ưu thế trong thương mại quốc tế và không được hưởng lợi như vùng trung tâm.

Đến thế kỷ 19, hầu như tất cả khu vực trên trái đất đều có liên hệ với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới.

 

Về phương diện kinh tế, theo Wallerstein, nếu phải lấy những chỉ báo thể hiện rõ nhất tình trạng phân biệt giữa trung tâm và ngoại vi thì chỉ báo đó là, mức đầu tư về cơ sở hạ tầng, mức độ ưu tiên các hoạt động kinh tế – xã hội và chất lượng sống của cư dân.

 

Điều Wallerstein lưu ý và nhấn mạnh là, các trạng thái trung tâm hay ngoại vi của bất kỳ một quốc gia hoặc của một khu vực nào đó của thế giới, không phải là bất biến và không cố định về mặt địa lý. Điều này cũng tương tự như quan niệm của các lý thuyết về dịch chuyển các nền văn minh. Có những khu vực bán ngoại vi hoạt động như một ngoại vi của trung tâm và lại là một trung tâm của các ngoại vi khác. Vào cuối thế kỷ 20, khu vực này gồm Đông Âu, Trung Quốc, Brazil hay Mexico… Ở các nước bán ngoại vi này, vùng ngoại vi và vùng trung tâm cùng tồn tại trong cùng một vị trí.[24] Theo Wallerstein, tình trạng bóc lột, sự bất công, bất bình đẳng… sở dĩ có xu hướng được duy trì là do các chính sách và tham vọng của mọi trung tâm là muốn kéo dài vĩnh cửu tình trạng kém phát triển và thua thiệt ở các vùng ngoại vi. Tuy nhiên, quy luật cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, trái với mong muốn chủ quan của các trung tâm, lại cũng giúp cho các vùng ngoại vi có hy vọng thay đổi trật tự hiện hành. Và trong sự đối lập khắc nghiệt về lợi ích như vậy, hệ thống thế giới hiện đại cùng với nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh.

 

Nói tóm lại, theo Wallerstein, quan hệ trung tâm – ngoại vi với bản chất cạnh tranh, đối lập gay gắt của nó là quan hệ rất đặc trưng cho sự phát triển phức tạp của nền kinh tế thế giới và của hệ thống thế giới hiện đại kể từ thế kỷ 16 đến ngày nay. Ở quan hệ này sẽ còn diễn ra sự dịch chuyển thứ hạng (trung tâm, bán ngoại vi, ngoại vi) không dễ dự báo giữa các quốc gia, giữa các bộ phận cấu thành của nó trong nhiều thế kỷ nữa cùng với sự phát triển của hệ thống thế giới hiện đại. Trung tâm trong mối quan hệ với các vùng ngoại vi có mối quan hệ phụ thuộc không đối xứng. Trung tâm thống trị ngoại vi, bóc lột ngoại vi bằng cách chiếm lấy các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực con người của ngoại vi. Cách thức bóc lột vừa thô bạo vừa tinh vi. Ngoại vi thì luôn có xu hướng ly tâm khỏi sức hút của trung tâm, tìm mọi cách thay đổi trật tự hiện hữu và vừa công khai vừa ngấm ngầm thực hiện nhu cầu sống còn đó. “Toàn bộ cuộc chơi của các lực lượng chính trị thế giới phụ thuộc vào cuộc đấu tranh và sự đối đầu của nó (ngoại vi) với trung tâm”.[25]

 

.

* GS.TS., Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. hosiquy.thongtin@gmail.com. Bài đã đăng Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số 7 (379)/2014.

——————-

Chú thích:

 

[1] Xem: Gulbenkiaan Commission on the Restructuring of the Social Scienceshttp://www2.binghamton.edu/fbc/publications/gulbenkian.html

 

[2] Xem: United Nations: World Systems Theory. http://schoolworkhelper.net/united-nations-world-systems-theory

 

[3] General Systems Theory (viết tắt GST) là lý thuyết thuộc lĩnh vực điều khiển học (Cybernetics) được khởi xướng bởi nhà sinh vật học Ludwig von Bertalanffy. GST cho phép phát hiện cấu trúc, các thành phần của hệ thống và các nguyên tắc vận hành của hệ thống đó. GST cho phép nhiều khoa học cùng sáng tạo những đồ án liên ngành, đa ngành để ứng dụng. Trên thực tế, GST được ứng dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ xã hội đến tự nhiên và công nghệ, kỹ thuật, tâm lý… Xem: Bertalanfly’s General Systems Theory. http://www.mind-development.eu/systems.html // General Systems Theory: A Knowledge Domain in Engineering Systems. http://web.mit.edu/esd.83/www/notebook/gst.pdf

 

[4] xem: Wallerstein, Immanuel (sep., 1976). A World-System Perspective on the Social Sciences. The British Journal of Sociology, Vol. 27, No. 3, Special Isue. History and Sociology. c. 343-352. http://www2.southeastern.edu/Academics/Faculty/jbell/wallerstein.pdf

 

[5] xem: Burawoy, Michael. Provincializing the Social Sciences. http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.200.9970&rep=rep1&type=pdf

 

[6] Braudel, Fernand (1958). Histoire et Sciences sociales: La longue durée. http://scienzepolitiche.unical.it/bacheca/archivio/materiale/139/seminario%20gunderfrank/Braudel.%20Longue%20dur%C3%A9e.pdf

 

[7] Lévi-Strauss, Claude (1962). L’anthropologie structurale. La Pense’e saugave. Plon 1962. https://ia600300.us. archive.org/16/items/anthropologiestr00levi/anthropologiestr00levi.pdf

 

[8] Marx, Karl. Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844. K. Marx và F. Engels (2000). Toàn tập, tập 42. Nxb CTQG. tr. 179.

 

[9] xem: Wallerstein CV. http://binghamton.edu/fbc/about-fbc/IW-cv-2013.pdf

 

[10] Wallerstein, Immanuel. 1974. The modern World-System. vol.I: Capitalist Agriculture and the Origins of the European World-Economy in the Sixteenth Century. New York: Academic Press. p. 347.

 

[11] Wallerstein, Immanuel. (1974). The Modern World-System, vol. I: Capitalist Agriculture and the Origins of the European World-Economy in the Sixteenth Century. New York/London: Academic Press.

 

[12] Wallerstein, Immanuel (1980). The Modern World-System, vol. II: Mercantilism and the Consolidation of the European World-Economy, 1600-1750. New York: Academic Press.

 

[13] Wallerstein, Immanuel (1989). The Modern World-System, vol. III: The Second Great Expansion of the Capitalist World-Economy, 1730-1840’s. San Diego: Academic Press.

 

[14] Xem: Modern History Sourcebook: Summary of Wallerstein on World System Theory. http://www.fordham.edu/HALSAll/MOD/Wallerstein.asp.

 

[15] Wallerstein, Immanuel (2011). The Modern World-System IV: Centrist Liberalism Triumphant, 1789–1914. Berkeley: University of California Press.

 

[16] Làn sóng Kondratiev (Kondratiev Waves’) hay Lý thuyết đại chu kỳ (Grand supercycles) là lý thuyết dự báo nền kinh tế thế giới mang tên nhà khoa học Nga Kondratiev. Theo lý thuyết này, một chu kỳ của nền kinh tế thế giới là 60 năm (+/- một năm hoặc lâu hơn). Sự thăng trầm, tiến lui hay khủng hoảng của nó đều theo chu kỳ gồm 4 giai đoạn mà đôi khi được các nhà kinh tế mô tả như là 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. N.D. Kondratiev (1892-1938) là nhà kinh tế người Nga, người đề xướng học thuyết về các chu kỳ kinh tế sóng Kondratiev. Ông cũng là người thiết kế Chính sách NEP những năm 1920 ở Nga. Kondratiev đã nhận dạng được các chu kỳ kinh tế kéo dài trong khoảng thời gian khoảng từ 50 đến 60 năm. Quan điểm của Kondratiev không được Stalin ủng hộ. Ông bị bắt năm 1930 và bị bắn năm 1938.

Xem: Черепков А. Теория “Длинных волн” Н.Д. Кондратьева. http://www.marketing.spb.ru/read/article/a45.htm // Циклы Кондратьева. http://avmol51.narod.ru/172.html

 

[17] Martínez – Vela, Carlos A. (2001). World Systems Theory. http://thebasebk.org/wp-content/uploads/2013/08/The-Modern-World-System.pdf

 

[18] Wallerstein, Immanuel (1979). The Capitalist World-Economy. Cambridge University Press.

 

[19] Wallerstein, Immanuel (1991). Geopolitics and Geoculture: Essays on the Changing World-System. Cambridge: Cambridge University Press.

 

[20] Xem: Dussel, Enrique (2002) “Debate on the Geoculture of the World-System”. Trong sách: I.Wallerstein-A.Clesse, The World we are entering 2000-2050, Dutch University Press, The Netherlands, 2002, pp. 239-246. http://www.ifil.org/dussel/textos/c/2003-338.pdf

 

[21] Xem: Stadel, Dr. Christoph. Core Areas and Peripheral regions of Canada: Landscapes of Contrast and challenger. http://www.ub.edu/medame/PRStadel.pdf

 

[22] Xem: Гусева, Светлана Юрьевна (2003). Проблема взаимодействия культур центра и периферии Римской империи:На анализе жизни и творчества Луция Аннея Сенекитема. диссертация. кандидат философских наук. Санкт-Петербург.

 

[23] Xem: Yeates, Maurice (1998): The Industrial heartland: Its Changing Role and Internal Structure. In: MCCAnn, Larry and Angus GUnn (eds.): Heartland and Hinterland. A Regional Geography of Canada. Scarborough, 116.

 

[24] Xem: Wallerstein. World-Systems Analysis: An Introduction. http://www.iwallerstein.com/alternatives-the-united-states-confronts-the-world/

 

[25] Davidovich, V.E. (2002). Dưới lăng kính triết học. Nxb. CTQG. Hà Nội. tr. 433.

 

 





No comments:

Post a Comment