Thursday, April 27, 2023

CHƯƠNG TRÌNH "VUA TIẾNG VIỆT" - BẰNG CHỨNG CỦA SỰ LOẠN TRÍ TÀN PHÁ TIẾNG VIỆT (Tidoo Nguyễn / Saigon Nhỏ)

 



Chương trình “Vua tiếng Việt” – bằng chứng của sự loạn trí tàn phá tiếng Việt

Tidoo Nguyễn  -  Saigon Nhỏ
27 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/chuong-trinh-vua-tieng-viet-bang-chung-cua-su-loan-tri-tan-pha-tieng-viet/

 

Chương trình “Vua tiếng Việt” ngay từ cái tên đã sai. Đến tập 28 (mùa 2) được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 lúc 20:30 ngày 14 Tháng Tư năm 2023 đã mắc lỗi chính tả, và sau đó khuấy động lên làn sóng tranh cãi về chất lượng cũng như cái tên của chương trình. Tuy nhiên, chương trình này không chỉ mắc lỗi chính tả.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Anh-1.jpg

Đáp án “trậm trễ” hay “chậm chễ” đều sai (tác giả chụp màn hình)

 

Từ năm 2021, chương trình “Vua tiếng Việt” được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất trong bối cảnh các chương trình gameshow kém chất lượng ngập ngụa trên các đài truyền hình trong nước đã làm khán giả ngán ngẩm (một từ mà ngay cả trang báo điện tử lớn ở Việt Nam cũng viết sai chính tả thành ngán ngẫm). Mỗi tập của chương trình “Vua tiếng Việt” có thời lượng dài 60 phút, được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 vào khung giờ vàng là 20:30, thứ Sáu hàng tuần, đồng thời được phát lại cùng kênh và các kênh nền tảng số của VTV khác.

 

Trong phần 1 (Phản Xạ) ở thời điểm 20:45 ngày 14 Tháng Tư 2023, chương trình đã đưa ra câu hỏi cho người chơi chọn đáp án đúng: “trậm trễ hay chậm chễ”. Với câu hỏi này, cả hai đáp án đều sai, nhưng khi người chơi chọn đáp án 2 tức là “chậm chễ”, người dẫn chương trình Xuân Bắc xác nhận là đúng. Lỗi này thể hiện ở mốc thời gian 16:37 – 16: 39 trong video clip. Nếu người chơi có tư duy nghĩ bên ngoài chiếc hộp, thì người ta có thể trả lời rằng cả hai đều sai.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Anh-2.jpg

Từ điển Tiếng Việt, tác giả Hoàng Phê (tác giả chụp màn hình)

 

Cũng trong video clip, chúng ta có thể thấy Xuân Bắc luôn cầm trong tay cuốn từ điển Tiếng Việt với trang bìa được in dòng chữ “Chủ biên: GS. Hoàng Phê”. Xuân Bắc dùng từ điển tham khảo mà vẫn sai, điều đó chứng tỏ rằng anh ta không thận trọng trong việc tra từ, và cuốn từ điển cũng chẳng đáng tin cậy. Chúng ta cũng nên nhớ giáo sư Hoàng Phê là một trong những người từng đưa ra đề xuất thay đổi cách viết chữ cái tiếng Việt như VOA đã đưa tin.  Với một người mang ý nghĩ muốn thay đổi mặt chữ tiếng Việt thì cũng nên đặt nghi vấn rằng cuốn từ điển tiếng Việt mà ông Hoàng Phê biên soạn ắt có sự thay đổi từ ngữ không nhiều thì ít. Trong khi đó, hầu hết những người biên tập ở Việt Nam đang sử dụng cuốn từ điển của ông này để tham khảo.

 

Xin nói thêm, riêng tôi, một người thương tiếng Việt theo phong cách trước năm 1975, đang sử dụng cuốn từ điển “Việt Nam Tân Từ Điển Minh Họa” của Thanh Nghị, được nhà sách Khai Trí xuất bản 1967, một cuốn từ điển đã tránh được cái chết của ngọn lửa tiêu hủy của chế độ mới trong cuộc “bài trừ văn hóa đồi trụy” sau năm 1975, và tôi đã tìm thấy cuốn từ điển này được trong hiệu sách cũ ở Sài Gòn, trong đó có mảnh giấy nhỏ ghi “số quân 65/175987 và tiểu đoàn 2/8” – có lẽ là thông tin của một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng mong rằng qua bài viết này, tôi có thể liên lạc được chủ nhân của cuốn từ điển này và hoàn trả nó lại cho chủ nhân mang số quân như trên.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Anh-3.jpg

Từ điển Tiếng Việt, tác giả Thanh Nghị, NXB Khai Trí ấn hành 1967 (tác giả chụp)

 

Nếu xem kỹ lại thì trong nhiều tập của chương trình “Vua tiếng Việt” còn mắc nhiều lỗi sai chính tả khác nữa. Tuy nhiên, sau phần trả lời của người chơi, thành viên ban cố vấn có đưa ra nhận xét nhưng họ không đả động gì đến các lỗi sai chính tả. Điều đáng nói là các thành viên “ban cố vấn” gồm phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, nhà văn, nhà báo, thạc sĩ văn học, tiến sĩ ngữ văn, tiến sĩ ngôn ngữ, nhà thơ…!

 

Sự làm lơ về lỗi sai chính tả của ban cố vấn làm chúng ta phải suy nghĩ rằng họ thật sự không đủ kiến thức để gạn ra những hạt sạn trong chương trình, có thể họ chỉ là “tiến sĩ giấy”? Hoặc ngược lại, họ không có trách nghiệm, như vậy thì VTV đã lãng phí trong việc chi tiền cho ban cố vấn chương trình.

 

Những người tham gia chơi trong chương trình này thì sao? Họ chia sẻ rằng việc tham gia chương trình chỉ với mục đích chinh phục các thử thách liên quan việc sử dụng tiếng Việt nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ họ muốn giành được giải “Vua tiếng Việt” để nhận được số tiền thưởng rất cao, lên đến 320 triệu đồng (khoảng $13,500).

 

Số tiền trên tương đương tổng số tiền thu nhập gần ba năm rưỡi làm việc miệt mài của người lao động Việt Nam, với mức lương trung bình 7.9 triệu đồng/tháng (khoảng $350) mà trang VOV từng đưa tin. Thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam thuộc hàng thấp nên người ta thường trông mong vào “món tiền từ trên trời rơi xuống” như trúng thưởng, trúng số. Người chơi có hy vọng chiến thắng để “đổi đời”, còn khán giả theo dõi chương trình để tự thẩm định trình độ của bản thân, hoặc rút kinh nghiệm để đăng ký tham dự.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Anh-5.jpg

Xuân Bắc “kiểm tra” từ điển (tác giả chụp màn hình)

 

Một đất nước với nền giáo dục dạy học sinh tập làm văn từ những bài văn mẫu, theo đúng đáp án, đã tạo nên những thế hệ sau 1975 “tư duy trong chiếc hộp”. Vì thế, không lạ khi ban cố vấn toàn những giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo v.v. mà lại không nhận ra được lỗi sai chính tả thì liệu có lựa chọn được thí sinh giỏi tiếng Việt thật sự hay không? Cuối cùng, mục đích của chương trình chọn ra “Vua tiếng Việt” để làm gì? Hay chỉ gieo rắc thêm ảo tưởng, khiến căn bệnh hoang tưởng tự cao (delusion of grandeur) ai cũng muốn làm “vua” càng trở nên phổ biến?

 

Chữ viết tiếng Việt ra đời từ thế kỷ 17 đã trở thành công cụ cho các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu… tạo nên những tác phẩm văn học, âm nhạc, lịch sử Việt Nam, truyền tải lại những giá trị văn hóa từ nhiều đời trước, và cũng là công cụ của những người đấu tranh đòi quyền dân chủ. Song tiếng Việt cũng đã bị người ta “đe dọa” thay đổi cách viết chữ cái nhiều lần. Cho dù mối đe dọa chưa giết chết chữ viết tiếng Việt nhưng tiếng Việt cũng đã bị tổn thương, què quặt, thậm chí bị cấy ghép, bị áp đặt, vì ngôn ngữ tiếng Việt trong các văn bản thuộc cái gọi là “văn hóa cộng sản” đã “biến tấu” một số chữ tiếng Việt thành dị bản đến quái gở, và hiện tại lan tràn ngay cả trên báo chí và cách nói hàng ngày.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment