Việt Nam phải thi hành những
cam kết về lao động trong các hiệp định EVFTA và CPTPP
Trọng-Kiên Trần
Posted on 29/03/2023 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=83459
Đa số những hiệp định thương mại ngày nay ký kết
giữa những quốc gia trên thế giới đều có những ràng buộc về quan hệ lao động và
môi trường. Chủ đích của những ràng buộc này là kiến tạo một môi trường công bằng
trong việc sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa những quốc gia thành viên với
nhau. Mỗi quốc gia không được gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách hạ
giá thành của sản phẩm qua việc bóc lột sức lao động của công nhân hay tàn phá
môi trường.
Các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP
mà Việt Nam đã ký kết cũng không ra ngoài thông lệ đó.
Các ràng buộc về Lao động trong các Hiệp định mà Việt
Nam đã ký kết
Hiệp định EVFTA ký ngày12/01/2020, có hiệu lực
từ ngày 01/08/2020 nêu rõ cam kết của các bên tham gia hiệp định về vấn đề lao
động trong chương 13 về “thương mại và phát triển bền vững“. Cụ thể là Việt
Nam “sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các
quyền cơ bản tại nơi làm việc như tự do liên kết và công nhận một cách thực
chất quyền thương lượng tập thể, chấm dứt lao động cưỡng bức, loại bỏ lao động
trẻ em, chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp“ và “tiếp
tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO (Tổ
chức lao động quốc tế)…“ cũng như “xem xét việc thông qua các
công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến
các điều kiện trong nước“ (điều 13.4).
Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 08 tháng 3
năm 2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14 tháng Giêng năm 2019 có
nguyên một chương 19 về lao động. Trong hiệp định này, về Quyền Lao động, Việt
Nam “cam kết sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như
trong thực hiện… các quyền được nêu lên trong Tuyên bố của ILO“, tương tự
như chương 13 của hiệp định EVFTA nhưng chi tiết và rõ ràng hơn. Thêm vào đó
cam kết “điều chỉnh những điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về
lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn và sức khỏe nghề nghiệp“ (điều
19.3). Điều 19.5 viết: “không bên nào được chối bỏ thực thi hiệu quả luật
lao động của mình”.
Việt Nam cản trở việc thành lập các tổ chức lao động
Để đáp ứng những đòi hỏi của các hiệp định đã
ký kết, nhà nước Việt Nam ban hành luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, trong đó đáng kể nhất là việc cho phép thành
lập thêm các tổ chức độc lập đại diện người lao động tại cơ sở, nghĩa là tại
các xí nghiệp đơn lẻ, bên cạnh Công đoàn cơ sở, một tổ chức do nhà nước lãnh đạo.
Việc cho phép này lúc đầu được quốc tế đón nhận như một bước tiến đáng kể.
Thế nhưng đến nay, sau hơn 2 năm luật có hiệu
lực vẫn không có một tổ chức độc lập nào đại diện cho người lao động xuất hiện.
Lý do là nhà nước không ban hành quy định nào cụ thể để những hội đoàn này có
thể đăng ký được. Bạn cũng có thể so sánh điều này với ví dụ sau: Bạn vui mừng
vì nhận được giấy mời tham dự một bữa tiệc linh đình, nhưng bạn sẽ phải thất vọng
nhanh chóng và bực mình vì giấy mời không ghi là bữa tiệc tổ chức ở đâu và vào
ngày giờ nào? Cũng như thế, các hội đoàn lao động không thể nộp hồ sơ đăng ký
hoạt động vì không có hướng dẫn là nộp ở cơ quan nào, hồ sơ gồm giấy tờ gì v.v…
Tương tự như vậy, quyền thương lượng tập thể
có thực chất theo đòi hỏi của các hiệp định thương mại cũng chỉ là trên giấy tờ
vì thiếu quy định của chính phủ (điều 68 mục 1, luật Lao động). Quyền tự do
liên kết như đã xác định trong các hiệp định cũng chỉ là lý thuyết một khi công
ước 87 ILO về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được liên kết cho tới
nay vẫn chưa được nhà nước Việt Nam phê chuẩn.
Đời sống của người lao động cực kỳ khó khan.
Ta hãy nghe lời bộc bạch của một nữ công nhân
đăng trong báo Lao động gần đây: (https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-khu-nha-tro-khong-co-thoi-gian-dieu-kien-cham-soc-suc-khoe-1158111.ldo)
“Tôi làm việc các ngày trong tuần, ngày nào cũng làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối,
lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, nên Chủ nhật thường là ngày tôi ngủ
bù”, chị Cúc nói bằng giọng mệt mỏi.Thời gian biểu của nữ công nhân này “một
ngày như mọi ngày”: Sau khi làm việc tổng cộng 12 tiếng tại công ty (trong đó
có 4 tiếng tăng ca), 8 giờ tối chị Cúc mới về phòng trọ. Sau 14 năm làm việc, tổng
thu nhập hiện nay của chị Cúc là 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này chị phải chia
nhỏ thành nhiều khoản: Khoản trả tiền nhà, khoản gửi cho chồng con ở quê, khoản
chi tiêu sinh hoạt của bản thân… Với mức thu nhập này, tháng nào chị đều chi
tiêu hết tháng đó, không có dành dụm
Đó không phải là trường hợp cá biệt của một
công nhân. Đó là tình trạng chung của hàng trăm ngàn… người lao động ở Việt
Nam. Họ làm việc nhiều tới kiệt sức để nhận đồng lương ít ỏi không đủ sống. Đời
sống tinh thần là con số không. Tuy nhiên, những người có việc làm có thể coi như
là có may mắn, bởi trong thời gian gần đây dưới tác động của dịch Covid và chiến
tranh ở Ukraine hàng trăm ngàn người đã mất việc hay phải giảm giờ làm. Hậu quả
là họ không có tiền sinh sống, phải trở về quê, đánh đổi tương lai không có
lương hưu với khoản tiền lấy lại từ bảo hiểm xã hội để tiêu dùng ngay, hay tệ
hơn nữa phải vay tiền nặng lãi ở “tín dụng đen“…
“Yếu tố chủ – thợ và sự khác biệt lợi ích giữa các
bên trong quan hệ lao động sẽ ngày càng rõ nét. Tình trạng bóc lột, ức hiếp người
lao động chưa có dấu hiệu giảm.“ Nhận định này không
phải của “thế lực thù địch“ mà là của TS Vũ Minh Tiến, chủ tịch Viện Công nhân
và Công đoàn, đăng trên trang mạng của Công đoàn, http://www.congdoan.vn/tin-tuc/phat-trien-doan-vien-xay-dung-to-chuc-cong-doan-508/du-bao-tinh-hinh-yeu-to-tac-dong-den-cong-nhan-vien-chuc-lao-dong-giai-doan-2023-%E2%80%93-2028-784315.tld
Tình trạng người lao động quá tệ hại tới mức
mà TS Tiến không thể lấp liếm, nói lên một sự thật mà nhiều người trong chính
quyền muốn che giấu.
Người lao động Việt Nam đã có những tổ chức lao động
nào bảo vệ?
Ở Việt Nam cho tới tận nay chỉ có một tổ chức
“hợp pháp“ cho người lao động. Tổ chức này có tên gọi là Tổng liên đoàn lao động
Việt nam, hay còn gọi tắt là Công đoàn Việt nam. Tuy trên danh xưng có chữ “lao
động“, nhưng tổ chức này không thuần túy là một tổ chức lao động. Đó là một bộ
phận của đảng CSVN do một ủy viên Trung ương Đảng làm chủ tịch. Đảng đưa đảng
viên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Công đoàn VN, và ngược lại giới thiệu
những đoàn viên “ưu tú“ của Công đoàn trở thành đảng viên của đảng CS. Chức
năng của Công đoàn là “tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước… triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của
Đảng…“ (điều 19, chương V của Điều lệ Công đoàn) song song với chức năng “đại
diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng
của người lao động“ (Lời nói đầu, Điều lệ Công đoàn).
Trong thực tế thì hai chức năng này mâu thuẫn
với nhau. Về kinh tế thì chính sách của nhà nước là khuyến khích đầu tư nước
ngoài đổ vào Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận đồng thời tạo công ăn việc làm. Nhưng
khi nhà nước thu hồi đất ruộng để cho xí nghiệp thuê với giá rẻ mặt bằng xây dựng
làm khu công nghiệp hay khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp thì hàng ngàn nông
dân mất phương tiện sinh sống trở thành “dân oan“. Khi nhà nước tạo thuận lợi để
nhà đầu tư làm ăn có lời nhiều qua việc đặt mức lương tối thiểu vùng cho công
nhân cực kỳ thấp thì công nhân phải làm việc cật lực mà vẫn không đủ sống.
Một khi Công đoàn phải thực hiện chủ trương của
Đảng thì không thể chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động. Công đoàn không
giúp “dân oan“ cũng như không đấu tranh đúng mức cho công nhân. Điều này giải
thích tại sao đã có hàng ngàn cuộc đình công tự phát xẩy ra, mà Công đoàn chưa
bao giờ tổ chức và lãnh đạo bất cứ một cuộc đình công nào.
Việt nam phải cho phép các tổ chức đại diện người
lao động tại cơ sở được đăng ký
Để giảm thiểu tình trạng người lao động bị bóc
lột, ức hiếp thì quan trọng nhất là việc tuân thủ các cam kết về lao động đã ký
kết trong các hiệp định EVFTA, CPTPP và đưa vào áp dụng luật lao động đã có hiệu
lực từ 2 năm nay về việc cho phép các tổ chức người lao động tại cơ sở nằm
ngoài hệ thống Công đoàn được đăng ký để có thể hoạt động hợp pháp bảo vệ người
lao động.
Nếu Việt nam tiếp tục trì hoãn thi hành các
cam kết quốc tế hay từ chối áp dụng luật lao động quốc gia thì ta phải đặt một
câu hỏi: nhà nước thực tâm chủ trương bảo vệ người lao động hay thực ra chỉ muốn
bảo vệ lợi ích nhóm?
T.K.T.
Tác giả gửi BVN. Bài viết
không phản ánh quan điểm và bút pháp của BVN.
No comments:
Post a Comment