TT
Biden, TBT Trọng điện đàm: Chưa khẳng định về đối tác chiến lược, nêu ra nhân
quyền
30/03/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng hôm 29/3, thảo luận về tầm quan trọng của việc “củng cố và
mở rộng quan hệ song phương”, biến đổi khí hậu, môi trường và cả việc tôn trọng
nhân quyền, theo thông báo của Nhà Trắng.
Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm
30/3 cho biết tại cuộc điện đàm cấp cao này, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự
phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và “nhất trí
thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương”.
Tuy nhiên, hai bên không cho biết liệu hai nước
có tiến đến nâng cấp quan hệ song phương từ “Quan hệ Đối tác Toàn diện” lên mức
“Quan hệ Đối tác Chiến lược” trong năm nay hay không.
Tổng thống Biden khẳng định Việt Nam là đối
tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, theo
thông cáo của Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đồng thời tái khẳng định
“tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt
Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước”,
theo báo Nhân Dân.
Tờ báo của Đảng Cộng sản dẫn lời ông Trọng
nói: “Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị,
hợp tác, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, tích cực và chủ động hội nhập toàn
cầu”.
“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng
của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết
các thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, đảm bảo một khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tình hình an ninh và môi trường
đang xấu đi dọc sông Mekong”, Nhà Trắng cho biết.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-cfff-08db30727b3d_w650_r1_s.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ
trực tuyến 2023, ngày 29/3/2023.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam và hai cựu thù đang kỷ niệm 10 năm thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện”
trong năm nay.
Nhưng Hà Nội cẩn trọng để đảm bảo rằng các mối
quan hệ của họ không khiến nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc xa lánh, trong
khi hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là một điểm mấu chốt trong mối quan hệ với Mỹ,
với việc Washington chỉ trích chính phủ Việt Nam không khoan dung đối với những
người bất đồng chính kiến và thường xuyên bỏ tù cũng như sách nhiễu những người
lên tiếng, theo Reuters hôm 30/3.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden cũng nhấn
mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của khối ASEAN, “tôn trọng
nhân quyền và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng”.
Trong khi đó báo Nhân Dân viết: “Tổng thống
Joe Biden trao đổi một số vấn đề quốc tế như ứng phó với biến đổi khí hậu, phục
hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, hợp tác dân chủ-nhân quyền”.
Theo cách loan tin của truyền thông trong nước,
dường như ông Biden đã nêu vấn đề nhân quyền chung chung trên thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, theo giới hoạt động nhân quyền, đây là một thông điệp của Nhà Trắng
gửi đến Hà Nội khi mà tình hình nhân quyền tại Việt Nam được cho là ngày càng xấu
đi.
Tin nói
Tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Luật sư
nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội, nêu nhận định
cá nhân của ông với VOA:
“Tôi nghĩ rằng việc Tổng thống Biden nêu vấn đề
nhân quyền là một điều rất quan trọng, có ý nghĩa. Điều này cũng phản ảnh đúng
vì tình hình nhân quyền Việt Nam gần đây rất tệ hại, mà nước Mỹ luôn luôn nói về
vấn đề này, được thúc đẩy bởi những điều này, đặc biệt là đảng Dân chủ”.
“Tổng thống Biden nêu vấn đề nhân quyền là điều
đúng đắn có ý nghĩa và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay”.
“Tuy nhiên, tác động của nó, tôi e rằng sẽ
không được nhiều, bởi vì phía Việt Nam rất là bảo thủ, quan điểm của họ về vấn
đề dân chủ, nhân quyền, trong quá khứ cũng như hiện tại, cho rằng đang rất là
‘tốt đẹp’, đối với họ ‘không có vấn đề gì cả’”, Luật sư Lê Quốc Quân nói thêm.
Từ Canada, Luật
sư Vũ Đức Khanh viết cho VOA hôm 30/3:
"Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi thấy trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc
hôm 29/3 liên quan đến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng có nhắc đến yếu tố "tôn trọng nhân quyền"".
"Việt Nam cần có ngay một chương trình
hành động cụ thể có thể kiểm chứng một cách độc lập được để cải thiện tình trạng
nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tốt hơn", Luật sư Khanh cho biết thêm.
Cuộc hội đàm này, một sự tương tác hiếm hoi của
ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là người đứng đầu nhà nước
hoặc chính phủ, được thực hiện khi tổng thống Hoa Kỳ đang tổ chức Hội nghị Thượng
đỉnh lần thứ hai về Dân chủ, theo Reuters. Các lãnh đạo Việt Nam không tham gia
hội nghị này, và cũng không tham gia hội nghị lần đầu tiên trước đó vào năm
2021 do Hoa Kỳ tổ chức.
Giữa
căng thẳng Mỹ-Trung, Việt Nam có thể từ chối nâng cấp ngoại giao với Washington
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng
việc Hoa Kỳ thúc đẩy nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam trong năm nay đang vấp
phải thái độ không hào hứng ở Hà Nội vì Việt Nam lo ngại rằng Trung Quốc có thể
coi động thái này là thù địch vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường.
Vào tháng 10/2022, ông Trọng là nhà lãnh đạo
nước ngoài đầu tiên thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sau khi
ông Tập đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ tiền lệ với tư cách là Tổng Bí thư tại
Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhận định về khả năng nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ,
nhà bình luận Bùi Thanh Hiếu nói với VOA từ Đức rằng quan hệ hai nước “còn xa mới đến tầm đối tác
chiến lược” và lưu ý rằng kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ vào năm
1995, phải mất gần 20 năm - đến năm 2013 - quan hệ Việt-Mỹ mới trở thành đối
tác toàn diện.
Ông Hiếu được biết tiếng rộng rãi vì thường sớm
tung ra các thông tin có độ chính xác cao về nội tình chính trị Việt Nam và qua
các bài bình luận, phân tích với bút danh Người Buôn Gió.
Ông Hiếu điểm lại thực tế là Việt Nam đến nay
chỉ có quan hệ đối tác chiến lược với 4 quốc gia là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và
Hàn Quốc mà các nước này nhìn chung hầu như không quan tâm đến nhân quyền, dân
chủ và thể chế chính trị Việt Nam.
Trong số 4 nước, Nga và Trung Quốc đang gắn bó
thân thiết với nhau hơn, cả hai cùng bày tỏ muốn đối kháng với Mỹ trên mọi lĩnh
vực trong thời gian tới, ông Hiếu nói và cho rằng “Do Việt Nam chịu ảnh hưởng của
hai nước này, họ không thể nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ
trong thời gian 3-5 năm tới đây”.
Cũng nói với VOA về khả năng nâng cấp mối quan
hệ Việt-Mỹ lên mức chiến lược giữa hai nước trong năm nay, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thể hiện cái nhìn lạc quan hơn: “Có thể không chắc chắn nhưng khả năng
là không thấp, bởi vì người ta đang cố đi đến đấy”.
Truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết ông Trọng,
nhân vật có thực quyền quyết sách cao nhất của đất nước, và ông Biden đã nhiều
lần mời thăm viếng lẫn nhau. Ông Trọng đã tiếp các cựu tổng thống Hoa Kỳ như
Barack Obama và Donald Trump khi họ còn nắm quyền.
Trong cuộc điện đàm hôm 29/3, ông Trọng và ông
Biden cũng nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. “Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận
lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp”, theo báo Nhân
Dân.
*
Tin nói Tổng thống Mỹ điện
đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Điện đàm Biden-Trọng: Chưa
khẳng định về đối tác chiến lược, nêu vấn đề nhân quyền
====================================================
.
Tổng
thống Mỹ điện đàm với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 30/03/2023 - 14:33
Trên trang web của Nhà Trắng, phủ tổng thống Mỹ
ngày 29/03/2023 cho biết tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với tổng bí thư đảng
Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống Biden củng cố cam kết của Mỹ về
một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập trong bối cảnh ông
đang tổ chức Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần thứ hai.
https://s.rfi.fr/media/display/08b7f614-cef4-11ed-8555-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP744923053938.webp
Ảnh lưu trữ : Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (phía sau) và phó tổng
thống Mỹ Joe Biden tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 07/07/2015. AP
- Manuel Balce Ceneta
Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, tổng thống
Joe Biden lưu ý năm 2023 là kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối Tác Toàn Diện Hoa Kỳ-Việt
Nam. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng
quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức khu vực, chẳng
hạn về biến đổi khí hậu, bảo đảm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở,
cũng như về tình hình an ninh và môi trường đang xuống cấp dọc sông Mekong.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của
Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên, tôn
trọng nhân quyền và hợp tác với Việt Nam về các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.
Theo Reuters, cuộc điện
đàm này là lần nói chuyện hiếm hoi của tổng thống Mỹ Biden với một nhà lãnh đạo
nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ. Hoa Kỳ hiện
là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền lại
là một cái gai trong quan hệ Việt - Mỹ. Washington chỉ trích Hà Nội không khoan
dung đối với những người bất đồng chính kiến và thường xuyên bỏ tù, sách nhiễu
những người lên tiếng.
Cũng theo Reuters, chính quyền Việt Nam rất thận
trọng, tránh việc quan hệ giữa Hà Nội và Washington gây khó chịu cho nước láng
giềng khổng lồ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng việc Hoa Kỳ thúc đẩy Việt
Nam nâng cấp quan hệ song phương trong năm nay đang vấp phải sự phản đối trong
chính quyền Việt Nam. Hà Nội lo ngại Bắc Kinh có thể coi đây là một động thái
mang tính thù địch trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ-Trung. Hồi
tháng 10/2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo
nước ngoài đầu tiên gặp chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sau khi ông Tập tái
đắc cử.
No comments:
Post a Comment