Thursday, March 30, 2023

CHIẾN TRANH UKRAINA : PUTIN THỪA NHẬN TRỪNG PHẠT CỦA QUỐC TẾ TÁC HẠI ĐÊN KINH TẾ NGA (Thanh Hà / RFI)




Chiến tranh Ukraina: Putin thừa nhận trừng phạt quốc tế tác hại đến kinh tế Nga

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 30/03/2023 - 11:58

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230330-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-putin-th%E1%BB%ABa-nh%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-t%C3%A1c-h%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BA%BFn-kinh-t%E1%BA%BF-nga

 

Các biện pháp trừng phạt quốc tế « có thể đem lại những hậu quả tiêu cực về trung hạn » đối với kinh tế Nga. Sau 13 tháng chiến tranh Ukraina và một chục đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây, ngày 29/03/2023 tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên nhìn nhận như trên và ra lệnh cho chính phủ « nhanh hành động » để bảo đảm một mức « tiêu thụ nội địa chắc chắn »

 

https://s.rfi.fr/media/display/071ab47c-cedb-11ed-ae81-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-03-29T130243Z_1042292979_RC2O30ASUH61_RTRMADP_3_RUSSIA-ECONOMY-PUTIN.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp qua video với các thành viên chính phủ, từ dinh thự Novo-Ogaryevo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 29/03/2023. via REUTERS - SPUTNIK

 

Đến nay chủ nhân điện Kremlin luôn khẳng định các biện pháp trừng phạt của Âu, Mỹ nhắm vào kinh tế Nga phản tác dụng, do chúng đè nặng lên kinh tế của chính các quốc gia phương Tây.

 

Thông tín viên đài RFI từ Matxcơva Anissa El Jabri ghi nhận, một thay đổi quan trọng trong lập trường của Nga :

 

Từ nhiều tháng qua, tại Nga, mỗi lần chính quyền được hỏi về các biện pháp trừng phạt mới phương Tây ban hành, Matxcơva luôn đưa ra một câu trả lời gần như rập khuôn. Đó là những biện pháp ấy làm tổn thương chính kinh tế của phương Tây nhiều hơn là đánh vào nước Nga.

 

Tham dự các diễn đàn kinh tế hay phát biểu trước các doanh nhân, ông Putin luôn tự hào về sức kháng cự của kinh tế Nga, về thành công trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Do vậy, tuyên bố của tổng thống Nga nhân cuộc họp với chính phủ được chiếu trên đài truyền hình, cho thấy lập trường đã thay đổi hẳn .

 

Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh : « Mọi người phải phản ứng nhanh, không vì những thủ tục hành chính mà gây chậm trễ vô ích. Những giới hạn bất hợp pháp áp đặt lên kinh tế Nga trong trung hạn có thể đem lại hậu quả tiêu cực. Do vậy, chúng ta cần bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa phải tăng lên một cách lâu dài ».

 

Từ đầu cuộc xung đột Ukraina, tổng thống Nga đã ban hành nhiều biện pháp để đối phó, chẳng hạn như mở rộng các khoản trợ cấp xã hội vào lúc mà các hãng xưởng của phương Tây đóng cửa. Nhiều chỉ số kinh tế vẫn khá tốt, thí dụ như tỉ lệ thất nghiêp đang ở mức thấp nhất, lạm phát trong tầm kiểm soát của chính quyền sau khi đã tăng lên tới 20% hồi năm ngoái nay còn  có 4% tính cho cả năm.

 

Vấn đề đặt ra là phương Tây tiếp tục gia tăng áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ hay Kazakhstan đến nay không trừng phạt kinh tế Nga nhưng những quốc gia này liên tục nhận được những tín hiệu, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ, nhắc nhở rằng không được giúp Matxcơva lách lệnh trừng phạt. Trao đổi mậu dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan với Nga đã tăng mạnh trong năm 2022. 

 

Matxcơva chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến lâu dài 

Trong bối cảnh đó phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov trong cuộc họp báo hôm qua 29/03/2023 tuyên bố phương Tây « khởi động một cuộc chiến hỗn hợp lâu dài nhắm vào nước Nga », cho nên người dân Nga phải đoàn kết bên tổng thống Putin. Theo nhà chính trị học Maxim Trudolyubov, trung tâm nghiên cứu Mỹ Wilson Center, được nhật báo Anh The Guardian trích dẫn, điện Kremlin chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến « bất tận » với phương Tây vào lúc Nga đang sa lầy trên chiến trường Ukraina. 

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - KINH TẾ - CHÂU Á

Xoay trục kinh tế bất đối xứng, Nga ngày càng lệ thuộc vào châu Á

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA - PHƯƠNG TÂY

Nga tuyên truyền phương Tây bị ‘gậy ông đập lưng ông’ khi ban hành trừng phạt

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment