Gia
Lai: Cựu tù nhân tố cáo bị tấn công tình dục, đối xử vô nhân đạo trong thời
gian tạm giam
RFA
2022.12.01
Cựu tù nhân
Nguyễn Thị Huệ ở xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nói bà bị tấn công
tình dục và đối xử vô nhân đạo trong thời gian tạm giam để điều tra ở Trại tạm
giam Công an huyện Ia Grai.
Bà Nguyễn Thị
Huệ tại Toà án Nhân dân huyên Ia Grai năm 2019.
Công Lý
Bà Huệ, sinh năm 1968, bị bắt ngày 12/3/2019.
Bà Huệ cho biết mình bị bắt sau khi tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu
hồi năm 2018. Bà bị kết tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ
luật Hình sự. Tháng mười năm đó, bà bị kết án hai năm sáu tháng tù giam. Bà Huệ
mãn hạn tù vào tháng 6/2021.
Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về việc bị
đe doạ tấn công tình dục và đối xử tàn tệ bởi cán bộ Trại tạm giam của công an
huyện Ia Grai như sau:
“Trong thời gian bị giam ở huyện Ia Grai
(tôi) bị đánh đập, cúp nước không cho tắm cả tuần, không cho nước đi vệ sinh.
Không cho thăm gặp. Không cho gì hết cả.”
Bà nói bà bị Trưởng trại tạm giam tên Sơn tấn
công tình dục trong thời gian này. Bà Huệ không nhớ họ của ông Sơn. Bà Huệ thuật
lại như sau:
“Đến khoảng chừng 9 giờ 30 phút, Sơn trưởng
trại uống rượu vào rồi bắt chị cởi quần áo. Chị la lên.”
Khi bà Huệ la lên, ông trưởng trại giam tên
Sơn bỏ đi. Sáng hôm sau, người này quay lại khu giam giữ và bắn hai phát đạn, một
vào buồng giam của bà Huệ và một vào buồng giam bên cạnh, làm vỡ ca đựng nước,
với sự đe doạ những người bị giam tại đây không được nói gì về sự việc xảy ra
đêm trước.
Bà Huệ cho biết ông Sơn chỉ tấn công tình dục
một lần. Bốn đêm tối khác, ông này cũng uống rượu rồi đến đập cửa buồng giam của
bà, bắt bà dậy và hát cho ông ta nghe.
Bà Huệ kêu cứu và tố cáo việc mình bị tấn công
và sách nhiễu trong đêm nhưng phía trại tạm giam im lặng. Ba hôm sau, bà Huệ tố
cáo việc mình bị tấn công và sách nhiễu trong đêm với hai người từ Viện Kiểm
sát huyện khi họ vào kiểm tra trại tạm giam.
Bà cho biết phía kiểm sát có mời bà lên làm việc
nhưng họ bao che cho công an sự việc không đi đến đâu.
Bà nói trong khu vực tạm giam có gắn camera
nhưng phía trại tạm giam không cho camera hoạt động vì sợ để lại chứng cứ về việc
đàn áp người bị tạm giam.
Sau đó, bà Huệ cho biết mình bị tấn công bằng
gậy bởi hai người cũng bị tạm giam và bà nghi ngờ vụ tấn công này là do sự chỉ
đạo của cán bộ công an. Trong khi chạy để tránh đòn, bà bị đâm vào bể nước và
rách đầu, phải khâu bốn mũi.
Bà Huệ còn tố cáo trong hai lần phải đi bệnh
viện trong thời gian tạm giam, bà bị tiêm thuốc thần kinh làm bà không biết gì
hết.
Trại tạm giam còn trả thù việc bà tố cáo cán bộ
của trại bằng cách cúp nước và nấu cá mà không mổ bụng rồi đưa cho bà ăn, tuy
nhiên bà từ chối.
Phóng viên gửi email đến Công an huyện Ia Grai
để kiểm chứng thông tin mà bà Huệ cung cấp nhưng chưa nhận được hồi âm từ cơ
quan này.
Bà Huệ nói Công an huyện Ia Grai dụ dỗ và ép
bà không được thuê luật sư với lời hứa hẹn cho tại ngoại, tuy nhiên, bà vẫn nhờ
luật sư Nguyễn Duy Bình ở thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ pháp lý.
Phóng viên RFA liên hệ với luật sư Nguyễn Duy
Bình để hỏi về những gì bà Huệ nói nhưng luật sư từ chối trả lời.
Sau thời gian ở trại tạm giam, vào tháng
11/2019 bà Huệ được chuyển sang Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai). Trong thời
gian bị giam giữ ở Trại giam Gia Trung, bà Huệ cho biết bà nhiều lần bị đánh đập
bởi tù hình sự, những người được gọi là trật tự viên có nhiệm vụ giúp quản giáo
quản lý tù nhân khác.
Lý do bị trật tự viên đánh đập và chửi bới là
do sức khoẻ bà bị suy giảm nghiêm trọng sau thời gian bị tạm giam ở Công an huyện
Ia Grai nên không thể tuân thủ kỷ luật lao động của Trại giam Gia Trung.
Phóng viên có liên lạc với hai cựu tù nhân
lương tâm Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai- là những người bị giam giữ ở Trại
giam Gia Trung cùng thời gian với bà Huệ thì được họ cho biết có nghe tin bà Huệ
bị đánh đập và đàn áp bởi trật tự viên nhưng không rõ nguyên nhân.
Phóng viên cũng gọi điện đến Trại giam Gia
Trung để hỏi thông tin của bà Huệ nhưng không ai trả lời máy.
Trại giam Gia Trung đã từng bị một số tù nhân
lương tâm tố cáo đối xử tàn tệ với tù nhân. Gần đây nhất trong năm nay là trường
hợp tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy tố cáo mình bị cán bộ trại giam đánh và bóp
cổ.
Báo chí Nhà nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm
sát Nhân dân huyện Ia Grai cho biết, trong quá trình đi khiếu nại từ tháng
7/2017 đến tháng 3/2019, bà Huệ thường xuyên đến các cơ quan tiến hành tố tụng,
ban tiếp dân và các ban ngành khác của huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai để khiếu nại,
chửi bới, xúc phạm các cán bộ đang làm nhiệm vụ.
“Dù rất nhiều lần được các cán bộ làm nhiệm vụ trả lời,
giải thích đầy đủ, đúng pháp luật nhưng Huệ vẫn không chấm dứt thực hiện hành
vi,” báo Nhà nước trích cáo trạng cho biết.
Thông tin từ cơ quan công an điều tra được báo
Nhà nước trích dẫn vào thời điểm bà Huệ bị kết án xác định, từ năm 2017 đến trước
khi bị bắt, bà Huệ lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook để đăng tải,
chia sẻ, bình luận các nội dung đả kích, xuyên tạc những chủ trương, đường lối,
chính sách của đảng Cộng sản và Nhà nước; nói xấu chế độ, chính quyền các cấp
và xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo đảng Cộng sản, Nhà nước…
Khi bị kết án, báo chí Nhà nước dẫn cáo trạng
xác định bà Huệ xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Gia
Lai, đưa tin không chính xác về lực lượng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa
án nhân dân tỉnh Gia Lai và các ban ngành khác.
Bà Huệ nói với RFA rằng tai hoạ của bà bắt đầu
bằng việc bị một người tên Hướng, buôn bán cà phê, vu khống số nợ 102 triệu đồng
và bị người này thuê côn đồ đến nhà bà lấy đồ đạc để trừ vào số nợ này. Bà đã
đưa đơn khiếu nại lên nhiều cấp, trong đó có cả Bộ Công an, nhưng không được giải
quyết.
Do vậy, bà đã lên mạng xã hội để chửi nhiều
quan chức của chế độ, trong đó có Chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm… và dẫn đến việc bà bị bắt.
Bà Huệ cho biết, trước khi bị bắt, bà đã
đi khiếu kiện các vụ bao gồm việc bà Hướng cướp tài sản, chồng bà không được trả
lươngxứng đáng sau khi xuất ngũ và việc chồng bà bị vu oan trong một vụ tai nạn
giao thông.
Tuy nhiên, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát
Nhân dân huyện Ia Grai, “các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức
năng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giải quyết một số vụ án, vụ việc liên quan đến
gia đình Nguyễn Thị Huệ theo quy định của pháp luật.”
Bà nói sau thời gian bị giam cầm, đặc biệt là
thời gian tạm giam ở Công an huyện Ia Grai, sức khoẻ bà bị suy giảm nghiêm trọng.
Nhiều cơn đau đầu hành hạ bà, làm cho bà không thể làm việc nương rẫy như trước
khi bị giam cầm.
Bà chia sẻ ý định khiếu kiện đòi chính quyền
huyện Ia Grai bồi thường về bản án oan sai và thời gian hai năm ba tháng tù
giam. Bà cũng đã gửi đơn kiện bà Hướng đến một số cơ quan ở huyện và tỉnh.
No comments:
Post a Comment