Sunday, December 4, 2022

DẦU HỎA NGA : PHƯƠNG TÂY ĐỒNG Ý về MỨC GIÁ TRẦN, CHẶN NGUỒN THU NHẬP CỦA MOSCOW (Thanh Hà / RFI)

 



Dầu hỏa Nga: Phương Tây đồng ý về mức giá trần, chặn nguồn thu nhập của Matxcơva

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2022 - 11:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221203-d%E1%BA%A7u-h%E1%BB%8Fa-nga-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%...BB%A7a-matxc%C6%A1va

 

Sau nhiều đợt đàm phán để vượt lên trên những bất đồng nội bộ, ngày 02/12/2022 Liên Hiệp Châu Âu thống nhất về mức giá trần 60 đô la/thùng dầu khi mua dầu hỏa Nga. Đây là một sáng kiến của khối G7 mà Anh, Mỹ và cả Úc đã đóng vai trò đầu tàu. Biện pháp chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2022, cùng lúc với việc Bruxelles bắt dầu cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga vào thị trường 27 nước thành viên.

 

Bộ trưởng Tài Chính 27 nước Liên Âu sau phiên họp hôm qua chính thức loan báo đồng ý về mức giá trần 60 đô la một thùng dầu của Nga xuất khẩu sang một nước ngoài Liên Âu bằng đường biển. Để đạt tới kết quả này, Liên Âu đã phải vượt qua 2 trở ngại : một số thành viên như Hy Lạp, hay Malta cho đến tháng 10/2022 bác bỏ nguyên tắc áp dụng giá trần để trừng phạt Nga. Trái lại một số khác, đứng đầu là Ba Lan, chủ trương mạnh tay hơn nữa trong việc trừng phạt Nga : dầu hỏa của quốc gia này chỉ có thể bán ra với giá 30 đô la một thùng, tức chưa bằng phân nửa so với thời giá hiện tại.

 

G7 cùng với Úc và Liên Âu nhất trí về một công cụ mới cắt nguồn thu nhập của Nga nhằm nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh. Từ đầu chiến tranh Ukraina, nhờ dầu hỏa tăng giá, Nga thu vào 67 tỷ euro. Để so sánh, ngân sách quốc phòng của Matxcơva một năm là khoảng 60 tỷ, như Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia về năng lượng tại Viện Jacques Delors ghi nhận. Trước mắt Matxcơva chưa phản ứng về bước ngoặt nói trên.

 

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích thêm về cơ chế mới mà trên nguyên tắc sẽ được áp dụng từ đầu tuần tới, gần như cùng lúc với việc Liên Hiệp Châu Âu cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga : 

 

« Với ngưỡng 60 đô la một thùng dầu, biện pháp Liên Âu đưa ra còn nghiêm ngặt hơn cả so với đề xuất ban đầu của G7. Bảy nền công nghiệp phát triển nhất đề nghị mức giá trần ở ngưỡng 67-70 đô la một thùng.

 

Liên Âu mạnh tay hơn trong việc trừng phạt nước Nga, cho dù mức này vẫn còn cao hơn so với giá thành. Đây là cách để Liên Âu tránh bị mang tiếng là gây thêm thiếu hụt về năng lượng trên thị trường. Bruxelles muốn rằng Nga vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu dầu hỏa vì vẫn có lợi nhưng đồng thời giới hạn thu nhập của Matxcơva.

 

Giải pháp 30 đô la một thùng dầu như Ba Lan đề xuất đã bị gạt bỏ bởi vì giải pháp đó tạo ra tình trạng thiếu hụt dầu trên thế giới. Đổi lại Vacxava được nhượng bộ trên một điểm: trong trường hợp giá dầu trên thị trường thấp hơn so với mức giá trần 60 đô la một thùng, thì giá trần sẽ được điều chỉnh. Và mức giá trần mới sẽ thấp hơn 5% so với giá thị trường.

 

Một khi có hiệu lực, các quốc gia ngoài khối Liên Âu muốn mua vào dầu hỏa của Nga phải chứng minh được là dầu nhập khẩu không vượt ngưỡng 60 đô la một thùng. Nếu không chứng minh được điều đó, các tập đoàn chuyên chở dầu của châu Âu và các hãng bảo hiểm hàng hải của châu lục này sẽ bắt buộc phải từ chối dịch vụ vận chuyển »

 





No comments:

Post a Comment