Thursday, November 3, 2022

KIM ẤN "HOÀNG ĐẾ CHI BẢO" (Nguyễn Phong)

 



KIM ẤN "HOÀNG ĐẾ CHI BẢO"   

Nguyễn Phong

23-10-2022  10:22  

https://www.facebook.com/groups/1069575710476068/posts/1288811345219169

 

Năm 1802, Nguyễn vương Phúc Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, nhất thống sơn hà. Nhà vua, kế thừa đại thống từ các chúa Nguyễn, nên các bảo tỷ bằng vàng (kim ấn) vẫn tiếp tục được sử dụng như: "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo", "Thủ Tín Thiên Hạ Văn Vũ Quyền Hành", hai kim ấn này được đúc năm 1709, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, đời vua Lê Dụ Tông.

 

Sau đó vua Gia Long cho đúc nhiều bảo ấn khác để sử dụng cho công việc triều chính như: "Quốc Gia Tín Bảo", "Mệnh Đức Chi Bảo", "Sắc Mệnh Chi Bảo"....

 

Từ đó trong suốt quãng thời gian trị vì của nhà Nguyễn còn cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc (ngọc tỷ), chưa kể số ấn tín quý khác dùng trong hoạt động hành chính của triều đình.

 

Đặc biệt từ thời vua Đồng Khánh trở về sau, triều Nguyễn cho đúc thêm nhiều ấn bằng vàng và bạc, ví như thời vua Thành Thái đúc 10 chiếc; thời vua Khải Định đúc 12 chiếc và 8 chiếc thời vua Bảo Đại....

 

Mặc dù nhà Nguyễn có rất nhiều kim ấn, nhưng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo" đúc thời chúa Nguyễn Phúc Chu mới được coi là bảo tỷ truyền quốc.

 

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, toàn bộ số bảo tỷ cùng khoảng 3.000 món bảo vật quý giá được bàn giao cho chính quyền Cách mạng và được chuyển ra Hà Nội để cất giữ. Hiện nay, số cổ vật quý giá này đã được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo quản, trưng bày nhằm phục vụ đông đảo nhân dân.

 

Trong số những bảo vật đó thì kim ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" đúc thời vua Minh Mạng, và thanh bảo kiếm chế tác thời vua Khải Định được chọn làm vật tượng trưng trong lễ trao ấn kiếm của vua Bảo Đại cho chính quyền Cách mạng.

 

Kim ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" đúc bằng vàng ròng nặng 10,78kg. Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ: 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 - tức năm 1823) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện: 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).

 

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải sơ tán lên Việt Bắc, toàn bộ số bảo vật triều Nguyễn được phân tán để cất giấu hoặc mang theo lên chiến khu. Nhưng đến ngày 28/2/1952, quân lính Pháp đã phát hiện ra nơi chôn giấu ấn vàng "Hoàng Đế Chi Bảo" cùng thanh kiếm tại Nghĩa Đô, Hà Nội. Sau đó người Pháp quyết định trao trả bộ ấn kiếm này cho cựu hoàng Bảo Đại, lúc này đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam vào tháng 3 năm 1952. Đến năm 1953, ấn kiếm được chuyển sang Pháp để hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long cất giữ. Được biết, sau này cựu hoàng Bảo Đại và con trai Bảo Long phải ra toà để phân chia ấn kiếm, cuối cùng toà xử cựu hoàng được giữ ấn, còn cựu thái tử được thanh kiếm.

 

Năm 1997, Cựu hoàng Bảo Đại trước khi mất đã di chúc trao toàn bộ tài sản cho bà vợ người Pháp tên là Monique Baudot mà ông cưới năm 1972. Từ đó kim ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" không rõ tung tích. Năm 2021 bà Monique Baudot qua đời, chính vậy kim ấn lại xuất hiện và đang được công bố đấu giá vào ngày 31/10/2022 tới đây với giá trị ước tính khoảng 70 tỷ Việt Nam đồng. Sự kiện gây chấn động dư luận không phải là số tiền lớn mà đây là một bảo vật gắn liền với sự kiện Cách mạng Tháng 8 thành công và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, là một cổ vật gắn liền với lịch sử hoàng triều Nguyễn từ khi cực thịnh đến lúc suy vong.

 

LỜI BÀN:

 

Biết rằng kim ấn là vật báu vô giá, nhưng đó không phải là tất cả và duy nhất. Vì vậy, chúng ta không nên quá vội vàng, nên xem xét thật kỹ, qua các kênh ngoại giao biết được ai đang là chủ sở hữu của bảo vật, có hợp pháp hay không.

 

Cẩn thận không thừa, nước ta còn nghèo, khéo lại bị lừa mua cục vàng với giá đắt, bởi đã có những tố cáo về mánh khoé làm giả niên đại của cổ vật, gán với hoàng gia nhà Nguyễn tại Pháp như ở hiện vật này:

https://www.facebook.com/100021907516604/posts/1353555742051330/

 

Hoặc đã có những ý kiến cho rằng, kim ấn được công bố đấu giá có nhiều điểm đáng ngờ.

 

Mặt khác, kim ấn đã được chính vua Bảo Đại trao lại cho chính quyền Cách mạng vì vậy quyền sở hữu hợp pháp phải là chính phủ nước CHXHCN Việt Nam hiện nay. Vậy rất có thể nhà nước nên tuyên bố chủ quyền sở hữu hợp pháp của mình với kim ấn này bên cạnh các kênh đàm phán, đấu giá để mua lại hiện vật.

 

Mời xem thêm về kim ấn truyền quốc "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo" tại đây:

https://www.facebook.com/groups/1069575710476068/permalink/1287158472051123/

 

Một vài hình ảnh sưu tầm về kim ấn "Hoàng Đế Chi Bảo"

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3276321829292601&set=pcb.1288811345219169

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3276321869292597&set=pcb.1288811345219169

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3276321909292593&set=pcb.1288811345219169

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3276321965959254&set=pcb.1288811345219169

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3278621192395998&set=pcb.1288811345219169

 

.

55 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment