Thursday, October 27, 2022

XU HƯỚNG TỰ CHỦ CHIẾN LƯỢC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ HIỆN NAY (Vũ Lê Thái Hoàng, ThS. Trần Hà My -  Tạp Chí Cộng Sản)

 



Xu hướng tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế hiện nay

Vũ Lê Thái Hoàng, ThS. Trần Hà My  -  Tạp chí Cộng sản

26/10/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/26/xu-huong-tu-chu-chien-luoc-trong-quan-he-quoc-te-hien-nay/

 

Tình hình thế giới, khu vực những năm gần đây chứng kiến nhiều biến chuyển sâu sắc, mau lẹ. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nhân tố khó lường kèm theo nguy cơ, thách thức cũng gia tăng, đặc biệt là những hệ quả bất lợi, đa chiều từ xu hướng cạnh tranh, kiềm chế phức tạp giữa các nước lớn. Để ứng phó với tình hình mới, các nước dù lớn hay nhỏ hiện nay đề cập nhiều hơn tới khái niệm “tự chủ chiến lược”, thậm chí xác định đây là phương châm chủ đạo, lâu dài trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu về cách tiếp cận mới của các nước về khái niệm tự chủ chiến lược, đặc biệt là của các nước nhỏ, nước tầm trung có thể mở ra nhiều gợi ý để thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu đối ngoại mà Đại hội XIII đã đề ra.

 

Vậy tự chủ chiến lược là gì?

 

Từ góc độ ngôn ngữ, theo từ điển Oxford, “chiến lược” (strategic) liên quan đến việc nhận diện các mục tiêu hay lợi ích lâu dài và các công cụ để đạt được các mục tiêu đó; còn “tự chủ” (autonomy) phản ánh khả năng tự quản trị, sự độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Như vậy, theo cách sơ lược nhất, có thể hiểu tự chủ chiến lược (strategic autonomy) chỉ sự độc lập, tự lực của một chủ thể trong việc xác định và thực hiện các mục tiêu và lợi ích quan trọng, dài hạn.

 

Trong quan hệ quốc tế, nhiều chuyên gia, học giả đã cố gắng khái quát hóa và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về tự chủ chiến lược. Học giả Ấn Độ S. Kalyanraraman cho rằng tự chủ chiến lược phản ánh khả năng một quốc gia trong việc theo đuổi, triển khai chính sách đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia và các ưu tiên đã xác định mà không bị ràng buộc, tác động bởi bất kỳ quốc gia nào khác.[2] Nói một cách ngắn gọn như nhà báo Ấn Độ Sreemoy Talukdar thì tự chủ chiến lược là việc các nước đưa ra các lựa chọn chỉ “đơn thuần dựa trên lợi ích quốc gia”.[3] Tuy nhiên, tự chủ chiến lược không có nghĩa là tự cô lập, hay theo đuổi chính sách biệt lập, thực tế, tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay phản ánh sự độc lập của một quốc gia trong việc lựa chọn các đối tác, tham gia các thoả thuận hợp tác để bảo vệ và thực hiện các mục tiêu/lợi ích một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

 

Một số học giả khác nhấn mạnh nhân tố giá trị và tiềm lực như một biểu hiện của tự chủ chiến lược. Nathalie Tocci – người được coi là một trong các chuyên gia đầu tiên đề cập tới khái niệm tự chủ chiến lược của Châu Âu cho rằng tự chủ chiến lược “là việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong khi duy trì, bảo vệ được các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của chính mình”.[4] Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập sâu rộng hiện nay, một quốc gia có tính tự chủ chiến lược cao nghĩa là quốc gia đó có khả năng thiết lập, điều chỉnh và thực thi các quy tắc/luật chơi quốc tế, thay vì chỉ tuân thủ thụ động luật chơi được do người khác đặt ra.[5]

 

Trong khi đó, nhóm tác giả Barbara Lippert, Nicolai von Ondarza và Volker Perthes trong nghiên cứu “Tự chủ chiến lược Châu Âu: Chủ thể, Các vấn đề, Xung đột và Lợi ích” nhận định tự chủ chiến lược dùng để chỉ khả năng của một chủ thể trong việc định hình các ưu tiên và có đủ tiềm lực tổng hợp về thể chế, chính trị, vật chất để tự thực hiện các ưu tiên/quyết định đó mà không bị ảnh hưởng bởi bên thứ ba. Chia sẻ quan điểm này, Evan Laksmana từ Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia cho rằng một trong các nhân tố tác động trực tiếp đến sự tự chủ chiến lược của một quốc gia về đối ngoại là yếu tố tiềm lực. Trong thế giới lưỡng cực hay đa cực, nhất là dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá, tự chủ chiến lược có tính tương đối. Về mặt lý thuyết, chỉ có siêu cường trong thế giới đơn cực mới thật sự có quyền tự chủ chiến lược tuyệt đối vì chỉ có siêu cường mới có sức mạnh vượt trội về kinh tế, quân sự, công nghệ và sức mạnh mềm để kiềm chế, đối trọng được áp lực từ các quốc gia khác.[6]

 

Như vậy, các khái niệm về tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế cho đến nay đều cơ bản nhấn mạnh các thành tố chính là: (i) Sự độc lập của một quốc gia về ý chí (trong việc đề ra lợi ích, mục tiêu, giá trị) và hành động (kiên định triển khai và bảo vệ các các biện pháp để đạt được mục tiêu/lợi ích và giá trị đã đề ra); (ii) Sự tích cực, chủ động trong triển khai đối ngoại, tập hợp lực lượng và thích ứng, định hình luật chơi để tạo dựng môi trường chiến lược thuận lợi nhất; (iii) Tối đa hóa sức mạnh tổng hợp, trong đó nội lực đóng vai trò quyết định của một quốc gia để bảo vệ/triển khai hiệu quả các chiến lược, chính sách.

 

Các nhân tố tác động tự chủ chiến lược

 

Từ các thành tố chính về khái niệm, có thể thấy để có khả năng tự chủ về chiến lược, trước tiên, một quốc gia cần có ý chí chính trị và tiềm lực về để triển khai các quyết tâm của mình. Theo học giả Frédéric Mauro, công thức lý tưởng tạo nên tự chủ chiến lược của một quốc gia bao gồm đồng thời cả ba yếu tố ý chí chính trị, khả năng tự quyết định và khả năng hành động. Đồng tình với quan điểm này, Sven Biscop cho rằng, một quốc gia dù có tiềm lực mạnh đến đâu, song nếu thiếu đi nhận thức, ý chí về tự chủ thì sẽ không bao giờ tự quyết định hoặc hành động một cách tự chủ được.[7] Trên thực tế, có rất nhiều quốc gia tầm trung, tiềm lực còn hạn chế song ngày càng thể hiện được các quyết định độc lập dựa cơ sở lợi ích quốc gia của mình, cho dù các quyết định đó có thể gặp phải sức ép lớn từ các cường quốc khác.

 

Cùng với ý chí chính trị và khả năng tự quyết, thì sức mạnh/nguồn lực của một quốc gia là yếu tố quyết định tới việc hiện thực hoá các quyết định/mục tiêu đề ra.[8] Sức mạnh tổng hợp (bao gồm sức mạnh cứng, sức mạnh mềm) càng lớn sẽ giúp các quốc gia khẳng định chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, tối đa hoá khả năng hành động độc lập, và bảo vệ hiệu quả giá trị, lợi ích của mình trên thế giới.[9] Tuy nhiên, sức mạnh của một chủ thể trong quan hệ quốc tế không chỉ được biểu hiện qua các chỉ số sức mạnh cứng như tăng trưởng kinh tế, mức độ đầu tư quân sự, mà còn vào mức độ tự chủ, tự cường, tự chống chọi của chủ thể đó trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là trong tình huống xảy ra khủng hoảng, đứt gãy chuỗi cung.

 

Bên cạnh các nhân tố chủ quan, chiều hướng phát triển của cục diện quốc tế, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương toàn cầu, khu vực, xu hướng đánh giá lại toàn cầu hoá, phong trào dân tuý và dịch COVID-19 cũng là những nhân tố tác động lớn, đẩy nhanh hơn quá trình nhận thức và thúc đẩy các quốc gia tăng cường tự chủ chiến lược.

 

Khái niệm tự chủ chiến lược trên thực tế đã bắt đầu được nhắc khi Mỹ – Trung bước vào giai đoạn chuyển đổi trạng thái sang cạnh tranh từ nhiệm kỳ II của Tổng thống Obama.[10] Dù vậy, kể từ khi Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” dưới Chính quyền Trump đến nay, kéo theo tình trạng phân tách trên nhiều lĩnh vực công nghệ, thương mại, chuỗi cung, các căng thẳng về ngoại giao – chính trị thì nhu cầu tự lực, tự cường trong các lĩnh vực trọng yếu trở nên cấp thiết hơn. Hiện nay, khủng hoảng Nga – Ucraina và những hệ lụy về an ninh năng lượng, sự đứt gãy về đầu tư, tài chính và việc các nước lớn thúc đẩy tập hợp lực lượng mới càng làm cho tự chủ chiến lược trở thành một chủ đề, một xu hướng mới ngày càng nhiều quốc gia theo đuổi để tránh nguy cơ bị rơi vào thế kẹt và có thể xử lý hài hoá quan hệ giữa các nước lớn.

 

Bên cạnh đó, mặc dù toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển song do tác động của các phong trào dân tuý, dân tộc cực đoan, một số mặt trái đã bị phơi bày như chuỗi cung cồng kềnh, sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng hoảng nhập cư, an ninh mạng, khủng bố trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn biến phức tạp khiến các quốc gia, ngay cả các nước lớn cũng phải điều chỉnh, tìm cách cân bằng tốt hơn việc tận dụng các nguồn lực, lợi thế toàn cầu và đảm bảo mức độ tự lực cần thiết. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 là chất xúc tác khiến cạnh tranh giữa các nước lớn trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời, phơi bày sự lệ thuộc của các nước vào các chuỗi cung ứng nước ngoài về dược phẩm, làm nảy sinh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung do chính sách kiểm soát biên giới, đóng cửa nền kinh tế của các nước để đối phó với dịch bệnh, thậm chí phục vụ mục tiêu cạnh tranh chiến lược. Chính vì vậy, nhu cầu tự chủ trong các lĩnh vực chiến lược liên quan đến sự sống còn của đất nước trong tình huống khủng hoảng trở nên cấp bách và quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia.

 

 

Thực tiễn tự chủ chiến lược của một số quốc gia

 

.

Ấn Độ

 

Nhìn suốt chiều dài lịch sử phát triển, Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia thể hiện bản sắc riêng về đối ngoại, trong đó yếu tố tự cường, tự chủ chiến lược được thể hiện tương đối rõ nét. Sreeram Chaulia nhận định dù trong thời kỳ trật tự thế giới lưỡng cực (1947 – 1991), đơn cực (1991 – 2008) – khi Mỹ bước vào một chu kỳ dài của sự suy thoái kinh tế và Trung Quốc dần tiếp cận Mỹ về sức mạnh tổng lực), hay thế giới đa cực (hiện tại), nhu cầu tự chủ trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn tiếp tục được duy trì.[11]

 

Trên cở sở thực tiễn các phát biểu của chính giới Ấn Độ, nội hàm của khái niệm tự chủ chiến lược được định hình và phát triển theo thời gian. Sau chiến tranh Lạnh, đặc biệt là sau các vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1998, các quan chức Ấn Độ thường xuyên sử dụng tự chủ chiến lược nhằm khẳng định việc không chấp nhận sức ép của các nước trước việc phát triển vũ khí hạt nhân vì lý do an ninh quốc gia. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Ấn Độ K. Narayanan (10/1999) khẳng định “Ấn Độ duy trì cam kết đối với vấn đề giải giáp hạt nhân toàn cầu dựa trên nền tảng không phân biệt đối xử. Đồng thời, Chính quyền sẽ đảm bảo tự chủ chiến lược của đất nước dựa trên những quan ngại chính đáng về an ninh và đánh giá về môi trường an ninh quốc tế”.[12]

 

Sau này, khái niệm tự chủ chiến lược được gắn trực tiếp nhiều hơn với các vấn đề đối ngoại. Trong bài phát biểu của của Tổng thống Pratibha Patil (8/2011) và các báo cáo đối ngoại của Quốc hội Ấn Độ, tự chủ chiến lược là nhân tố được nhấn mạnh đậm nét khi nói về đường lối đối ngoại của Ấn Độ. Tư tưởng này được cụ thể hoá hơn trong phát biểu của Ngoại trưởng Salman Kurshid (11/2013), cho rằng “trong quá khứ Ấn Độ duy trì chính sách không liên kết, hiện nay, Ấn Độ theo đuổi lập trường chiến lược về tự chủ”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó đã có nhiều phát biểu giải thích rõ ràng hơn, cho rằng Ấn Độ đang chuyển từ chính sách không liên kết một cách thụ động trong qua khứ, trở thành một nước chủ động liên kết, hợp tác trong từng vấn đề; đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập ngày càng cao việc “mở rộng đối tác chính là một biện pháp tự chủ chiến lược”. [13] Như vậy có thể thấy, tự chủ chiến lược trong các phát biểu chính sách của Ấn Độ nổi lên hai nét lớn: (i) Xác định rõ các lĩnh vực trọng yếu cần thúc đẩy, bảo vệ, kiên định trước sức ép của các nước lớn; (ii) Từ chỗ duy trì chính sách trung lập một cách thụ động, chuyển sang chính sách chủ động lựa chọn các đối tác, vấn đề thúc đẩy hợp tác, phục vụ lợi ích quốc gia.

 

Thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong những năm qua thể hiện rõ tư duy trên về tự chủ chiến lược, đặc biệt trong cách ứng xử của Ấn Độ trong xử lý quan hệ với các nước lớn.Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, Ấn Độ khéo léo thúc đẩy hợp tác với từng nước trong các lĩnh vực có lợi ích, song duy trì nguyên tắc độc lập, không liên minh, liên kết và không ngại bảo vệ lập trường khi cần thiết. Ấn Độ chủ động tham gia và đóng vai trò thành viên tích cực trong Nhóm Bộ Tứ do Mỹ khởi xướng, công khai chia sẻ nhiều giá trị mà Mỹ thúc đẩy trong chiến lược với khu vực. Sự tham gia của Ấn Độ vào Nhóm bộ Tứ và mới đây là IPEF không những giúp Ấn Độ nâng cao vị thế quốc tế, phục vụ chính sách Hướng Đông, mà còn đưa Ấn Độ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng về cơ sở hạ tầng, năng lượng, thương mại, y tế trong cùng với các cường quốc phát triển hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tham gia tích cực và có chọn lọc vào một số cơ chế do Trung Quốc khởi xướng như BRICS nhằm tăng thế chiến lược trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời, tận dụng lợi thế của BRICS trong vấn đề khủng bố tại Nam Á, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của Ấn Độ tại Châu Á. Trong lúc thúc đẩy khéo léo quan hệ với các nước lớn, Ấn Độ cũng thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, tiếp tục hoàn tất tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 từ Nga – đối tác quốc phòng truyền thống số 1 của Ấn Độ bất chấp sức ép trừng phạt từ Mỹ; Ấn Độ cũng tiếp tục đã quyết định bỏ phiếu trắng hoặc chống trong một số dự thảo nghị quyết lên án Nga ở Liên Hợp quốc liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ucraina; tiếp tục tăng mạnh việc mau dầu thô từ Nga[14] và khẳng định không chính trị hoá các giao dịch dầu hợp pháp của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng tự chủ chiến lược trước Nga về nguồn cung vũ khí bằng cách đa dạng hóa, tăng tỷ trọng nhập vũ khí từ Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Nga về nguồn cung. Riêng 10 năm qua, từ 2012 – 2022, Ấn Độ đã nhập khoảng 13 tỷ USD khí tài quân sự Mỹ, qua đó hạ tỷ lệ mua vũ khí, khí tài quân sự từ Nga xuống chỉ còn khoảng 50-60% tỷ trọng nhập khẩu vũ khí, khí tài từ nước ngoài của Ấn Độ.[15]

 

.

Liên minh Châu Âu (EU):

 

Tự chủ chiến lược ban đầu được đề cập trong các thảo luận của EU gắn liên với việc cần thúc đẩy năng lực quân sự. Thông cáo của Ủy ban kinh tế – xã hội Nghị viện EU (2013) nhấn mạnh “Châu Âu cần có trách nhiệm đối với an ninh của chính mình và đối với hoà bình, ổn định của thế giới. Điều này đòi hỏi Châu Âu cần có mức độ tự chủ nhất định, Châu Âu cần là một đối tác tin cậy và có đủ khả năng hành động mà không cần phụ thuộc vào bên thứ ba”.[16] Hội đồng Châu Âu sau đó đã nâng tầm và cụ thể hoá các lĩnh vực cụ thể để tăng cường tính tự chủ của EU trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Chiến lược Toàn cầu EU (2016) khẳng định “Tự chủ chiến lược là nhân tố quan trọng đối với mục tiêu đảm bảo hoà bình, an ninh trong và ngoài biên giới của các nước EU. Do vậy, EU sẽ tăng cường năng lực về quốc phòng, an ninh mạng, chống khủng bố, năng lượng. Một nền quốc phòng ổn định, đổi mới và cạnh tranh mang ý nghĩa sống còn đối với sự tự chủ chiến lược của EU”.[17] Trước những thay đổi tình hình thế giới, đặc biệt là đại dịch COVID-19 bộc lộ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung và cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn, nhu cầu tăng cường tự chủ chiến lược của EU trong các lĩnh vực khác bắt đầu được quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borell nhiều lần nhấn mạnh tự chủ chiến lược không nên chỉ được hiểu một cách hạn hẹp trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như thương mại, tài chính và đầu tư, y tế.[18] Điều này không đồng nghĩa với cổ suý cho chủ nghĩa bảo hộ mà là để bảo vệ độc lập chính trị, làm chủ các quyết định và tương lai của mình.[19] Tháng 3/2022, Tuyên bố Versailles của Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu đã chỉ ra định hướng chiến lược mới cho hoạt động của EU,[20] trong đó nhấn mạnh việc Châu Âu sẽ tăng cường tự chủ, giảm phụ thuộc, nhất là với các đối thủ cạnh tranh trên 3 trụ cột là an ninh – quốc phòng, năng lượng và kinh tế.

 

Như vậy, chính sách tự chủ chiến lược của EU chú trọng việc thúc đẩy năng lực và giảm sự phụ thuộc của EU trong các lĩnh vực trọng yếu nhằm đảm bảo sự chủ động và độc lập trong các quyết sách, gồm đối ngoại. Trong thời gian qua, EU đã có nhiều nỗ lực nhằm hiện thực hoá chính sách này. Một ví dụ điển hình là việc EU thông qua Định hướng chiến lược về An ninh và Quốc phòng (tháng 3/2022), quyết định thiết lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5,000 quân giúp độc lập triển khai trong các tình huống khủng hoảng.[21] Cho đến nay, 21 trong số đó là thành viên của EU là thành viên của NATO cũng đã cam kết dành 2% GDP của mình cho chi tiêu quân sự vào năm 2024. Đa số chuyên gia cho rằng việc tự chủ hơn về quốc phòng sẽ giúp EU chủ động, linh hoạt xử lý các khủng hoảng an ninh quốc tế, giảm phụ thuộc vào quá trình thông qua quyết sách vốn mất nhiều thủ tục của NATO. Nhằm giảm các rủi ro từ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung cũng như sự phụ thuộc vào các đối thủ cạnh tranh, EU cũng đã tích cực phối hợp với đồng minh là Mỹ, và đang thúc đẩy hợp tác với các đối tác cùng chung chí hướng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (thông qua chiến lược của EU với khu vực) hướng đến việc đa dạng hoá chuỗi cung trên nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế, thiết lập tiêu chuẩn thương mại toàn cầu phù hợp với giá trị EU theo đuổi.

 

.

Indonesia:

 

Indonesia là một trong các ví dụ được các chuyên gia, học giả quan tâm, đề cập tới nhiều khi nhắc tới các hành xử theo hướng tự chủ chiến lược ở khu vực. Đa số gắn tự chủ chiến lược của Indonesia với “nỗ lực can dự với các nước lớn, đồng thời duy trì sự cân bằng năng động (dynamic equilibrium), độc lập, không ngả hẳn về bên nào”.[22] Với nguyên tắc đối ngoại truyền thống “độc lập và chủ động”, các quan chức cấp cao của Indonesia đã nhiều lần nhấn mạnh “Tất cả các cường quốc đều là đối tác quan trọng và chiến lược đối với Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia sẽ không cho phép mình rơi vào thế bị ép buộc chọn bên”.[23] Đây cũng chính là phương cách giúp Indonesia duy trì được sự tự chủ chiến lược trước sức ép từ các nước lớn.

 

Trên thực tế, Indonesia có cách ứng xử khá thực tế, năng động, linh hoạt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Tận dụng việc coi trọng của các nước lớn, Indonesia chủ động can dự nhằm tranh thủ các nguồn lực phát triển đất nước, dùng quan hệ với nước này để làm đòn bẩy với nước kia, thúc đẩy vai trò trung gian, hòa giải, cầu nối đối thoại; [24] đồng thời kiên định duy trì nguyên tắc, lập trường trong các vấn đề có lợi ích dù gặp phải sức ép. Ví dụ như với Trung Quốc, Indonesia coi trọng quan hệ kinh tế – thương mại, sớm tỏ thiện chí và tham gia nhiều các sáng kiến trọng điểm về kinh tế đối ngoại của Trung Quốc như Ngân hàng hạ tầng Châu Á (AIIB), Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI). Tuy nhiên, việc coi trọng hợp tác kinh tế không có nghĩa Indonesia sẽ nhân nhượng lợi ích của mình.[25] Trong các thảo luận với phía Trung Quốc, phía Indonesia nhiều lần nhấn mạnh việc hợp tác trong Sáng kiến BRI phải phù hợp với các lợi ích của Indonesia trong chiến lược Trục hàng hải toàn cầu (GMF). Trong vẫn đề an ninh biển, bất chấp các sức ép từ Trung Quốc, Indonesia tiếp tục duy trì các dự án dầu khí tại vùng biển xung quanh quần đảo Natuna mà phía Indonesia cho là thuộc Vùng Đặc quyền kinh tế hợp pháp của mình, đồng thời chủ động hơn trong việc khẳng định lập trường ủng hộ luật pháp quốc tế tại Biển Đông dù khẳng định không phải một bên tranh chấp. Với Mỹ, Indonesia tận dụng thúc đẩy các lợi thế từ quan hệ Đối tác Chiến lược, nhất là việc nâng cao năng lực quân sự, phục vụ kế hoạch hiện đại hoá quốc phòng. Nhiều năm qua, Mỹ đã phê duyệt nhiều thương vụ bán, hỗ trợ vũ khí, khí tài quân sự hiện đại, có giá trị lớn, tiến hành huấn luyện, tập trận, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Indonesia. Indonesia cũng là nước đầu tiên thúc đẩy việc ASEAN ra Tuyên bố Tầm nhìn chung với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), chia sẻ nhiều quan điểm giá trị với Chiến lược khu vực của Mỹ như mở, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, Indonesia cũng thể hiện thái độ phản đối rõ ràng với việc Mỹ – Anh – Úc thiết lập Đối tác An ninh ba bên (AUKUS), cho rằng thoả thuận này sẽ châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang và làm suy giảm ổn định của khu vực. Trong khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Widodo tích cực phát huy vai trò hòa giải, sớm chấm dứt chiến tranh, giảm thiểu tác động đến an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu thông qua chuyến thăm cả Ukraine và Nga cuối tháng 6/2022, đồng thời kiên trì vận động cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky cùng dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia tháng 11 tới.

 

.

Một số hàm ý với các nước nhỏ, tầm trung

 

Hiện nay, tình hình thế giới đang trải qua những biến động to lớn, phức tạp, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã đưa ra một số dự báo tình hình quốc tế, trong đó có sự đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn giữa các nước lớn; các quốc gia, nhất là các nước lớn, điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng; cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu; các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.[26] Trong bối cảnh ấy, thực tiễn phát triển và triển khai chủ trương, chính sách tự chủ chiến lược của các quốc gia, có thể thấy tinh thần của khái niệm tự chủ chiến lược cơ bản có nhiều nét tương đồng với chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của các nước nhỏ, tầm trung, trong đó có Việt Nam.

 

Từ góc độ lý luận và thực tiễn hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại, tự chủ chiến lược cho thấy một số điểm nhấn mạnh hơn:

 

Thứ nhất, mục đích của tự chủ chiến lược trước hết là để giảm thiểu áp lực, thế bị động từ cạnh tranh nước lớn, ứng xử hiệu quả với các lực kéo, đẩy, sức ép chọn bên, nguy cơ bị “kẹt”, duy trì thuận lợi nhất môi trường chiến lược, an ninh và phát triển của quốc gia. Tự chủ chiến lược cũng hàm ý năng lực độc lập, chủ động trong lựa chọn chính sách, phương thức tập hợp lực lượng phù hợp (trung lập, không liên kết, cân bằng động, liên minh) phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia – dân tộc trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Thực tế cho thấy nhiều nước nhỏ, tầm trung chủ trương không chọn bên mà đưa ra các lựa chọn dựa trên lợi ích quốc gia – dân tộc, chọn lẽ phải, phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Thứ hai, cách tiếp cận tự chủ chiến lược là toàn diện, liên ngành, toàn chính phủ, kết hợp giữa tự cường nội lực và huy động tối đa ngoại lực, trong đó nội lực là nền tảng, quyết định, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc gia. Các nước chủ trương đảm bảo hài hoà giữa tự chủ và hội nhập, xác định hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, nhưng trong hội nhập, “cần lấy nội lực là cơ bản, là nhân tố quyết định, gắn với tranh thủ ngoại lực – nhân tố quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá”.[27] Để củng cố nội lực, các nước ưu tiên đồng bộ thể chế phát triển, xác định các lĩnh vực trọng yếu để tăng cường và củng cố hơn nữa khả năng tự chủ như kinh tế, công nghệ, lương thực, năng lượng song song với việc tìm kiếm cơ hội từ các đối tác tin cậy để đảm bảo chuỗi cung bền vững trong các tình huống xảy ra khủng hoảng.

 

Thứ ba, tự chủ chiến lược không phải là và không nên là biệt lập, trung lập cực đoan, bảo hộ dân túy, chạy đua vũ trang, phổ biến hạt nhân mà trái lại càng phải đẩy mạnh đối ngoại, đan xen lợi ích, hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, linh hoạt, đa dạng hóa, đa phương hóa (đối tác, thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, công nghệ…), chủ động thích ứng và tham gia điều chỉnh, xây dựng, định hình các luật chơi chung trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung.

 

Thứ tư, tự chủ chiến lược mở ra nhiều cơ hội cho các nước nhỏ, tầm trung, nhất là trong việc đầu tư thúc đẩy các hình thức ngoại giao chuyên biệt, hợp tác nhóm/tiểu đa phương, phát huy vai trò cầu nối đối thoại, trung gian, hòa giải.[28]

 

-----------------------------

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Cộng sản ngày 23/10/2022.

 

[1] *TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao

**ThS. Trần Hà My, Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả.

[2] S. Kalyanaraman (2015), Aravind Devanathan asked: What is ‘strategic autonomy’? How does it help India’s security?, https://idsa.in/askanexpert/strategicautonomy_indiasecurity

[3] Jeff M. Smith (2020), Strategic Autonomy and US – Indian Relations, https://warontherocks.com/2020/11/strategic-autonomy-and-u-s-indian-relations/

[4] Nathalie Tocci (2021), European Strategic Autonomy: What It Is, Why We Need It, How to Achieve It, https://www.iai.it/sites/default/files/9788893681780.pdf

[5]Barbara Lippert, Nicolai von Ondarza and Volker Perthes (2019), European Strategic Autonomy Actors, Issues, Conflicts of Interests, https://www.swp-berlin.org/publications/products/research_papers/2019RP04_lpt_orz_prt_web.pdf

[6] Evan A.Laksmana (2021), Southeast Asian Militaries: The Need to Boost Strategic Autonomy, https://fulcrum.sg/southeast-asian-militaries-the-need-to-boost-strategic-autonomy/

[7] Nt.

[8]Vitor Bento (2022), Strategic Autonomy and Economic Power, https://www.taylorfrancis.com/books/mono/10.4324/9781003248392/strategic-autonomy-economic-power-vitor-bento

[9]Suzana Anghel, Beatrix Immenkamp and Elena Lazarou (2020), On the path to ‘strategic autonomy’, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2020/652096/EPRS_STU(2020)652096_EN.pdf

[10] Trong thời gian này, Trung Quốc vươn lên là cường quốc kinh tế số 2 thế giới, đưa ra một số điều chỉnh chính sách về đối ngoại theo hướng từ bỏ “giấu mình chờ thời”; Chính quyền Tổng thống Obama đề ra và triển khai chính sách Tái cân bằng, không không chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về xác lập mô hình “G2” hay “quan hệ nước lớn kiểu mới”.

[11] Sreeram Chaulia (2020), A self-reliant foreign policy, https://www.thehindu.com/opinion/op-ed/a-self-reliant-foreign-policy/article32339890.ece

[12] Address to Parliament (1999), https://eparlib.nic.in/bitstream/123456789/4004/1/narayanan_25_10_1999.pdf#search=

[13] Jeff M. Smith (2020), Strategic Autonomy and US – Indian Relations, https://warontherocks.com/2020/11/strategic-autonomy-and-u-s-indian-relations/

[14] Refinitiv ước tính 3,36 triệu tấn dầu thô Nga đã đến Ấn Độ tháng 5/2022, gấp 9 lần trung bình tháng 5/2021.

[15] Tham khảo them PTI (2022), Russia’s share of arms import to India fell from 69% in 2012-17 to 46% in 2017-21: Report, https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/russias-share-of-arms-import-to-india-fell-from-69-in-2012-17-to-46-in-2017-21-report/articleshow/90218483.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst, và U.S. Arms Sales to India (2022), https://www.forumarmstrade.org/usindia.html

[16] European Commission, Communication from the Commission to the European Parliament, the Council, the European Economic and Social Committee and the Committee of the Regions (2013), Note of transmission from the General Secretariat of the Council to delegations, https://eurlex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52013DC0542&from=EN

[17] (2016), Shared Vision, Common Action: A Stronger Europe – A Global Strategy for the European Union’s Foreign and Security Policy, https://eeas.europa.eu/topics/eu-global-strategy/17304/node/17304_fr

[18] Josep Borell (2020), Why European strategic autonomy matters, https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage/90963/node/90963_en

[19] Josep Borell (2021), Europe’s Watershed Year, https://www.project-syndicate.org/onpoint/europe-covid-response-and-future-agenda-by-josep-borrell-2021-01

[20] (2022), Informal meeting of the Heads of State or Government

Versailles Declaration, https://presidence-francaise.consilium.europa.eu/media/qphpn2e3/20220311-versailles-declaration-en.pdf

[21] EU (2022), A Strategic Compass for the EU, https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage_en/89047/A%20Strategic%20Compass%20for%20the%20EU

[22] Tham khảo Evan A. Laksmana (2017), Pragmatic Equidistance How Indonesia Manages Its Great Power Relations, https://static1.squarespace.com/static/57e3c9e1d1758e2877e03ba5/t/5bcf79f70d9297b3ea87f50b/1540323832548/Chp+-+Pragmatic+equidistance+-+NYU.pdf và Julie McCarthy (2022), With U.S. focused on defense, China’s trade and infrastructure sweep Southeast Asia, https://www.npr.org/2022/01/20/1073764647/us-china-southeast-asia-trade-defense

[23] Mangadar Situmorang (2020), Insight: National resilience key to Indonesia’s foreign policy, https://www.thejakartapost.com/academia/2020/09/23/insight-national-resilience-key-to-indonesias-foreign-policy.html.

[24] Evan A. Laksmana (2017), Pragmatic Equidistance How Indonesia Manages Its Great Power Relations, https://static1.squarespace.com/static/57e3c9e1d1758e2877e03ba5/t/5bcf79f70d9297b3ea87f50b/1540323832548/Chp+-+Pragmatic+equidistance+-+NYU.pdf

[25] Nt.

[26] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3734

[27] Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS Hoa Kỳ (20221), https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-csis-hoa-ky/789684.vn.

[28] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của Ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 11/2020; Vũ Lê Thái Hoàng & Lê Trung Kiên, Cơ chế hợp tác nhóm: Thực tiễn quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản 3/2/2022, truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/824990/co-che-hop-tac-nhom–thuc-tien-quoc-te-va-ham-y-chinh-sach-doi-voi-viet-nam.aspx.

 

 




No comments:

Post a Comment