Từ chuỗi ngọc Melo
của Vua Bảo Đại tới ấn vàng Hoàng đế Chi bảo của Vua Minh Mạng
Phạm Cao Phong
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Paris
28 tháng 10 năm 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cle1xy7qy53o
https://ichef.bbci.co.uk/news/787/cpsprodpb/8256/live/20fc6260-5635-11ed-ab36-f54ddeb33fa9.jpg.webp
Ấn Hoàng đế chi
bảo
Tháng Bảy năm ngoái, Paris cho thế giới đến
để ngả mũ chiêm ngưỡng những
viên ngọc Melo của vua Bảo Đại. Quốc bảo của Việt Nam hiện
diện trong cuộc trưng bày danh giá do nhà chế tác kim hoàn thượng thặng
Van Cleef & Arpels kết hợp với Bảo tàng quốc gia Lịch sử Thiên
nhiên Pháp tổ chức.
Bộ sưu tập chuỗi ngọc gồm 23 viên, một
số lượng lớn, mỗi viên đều có màu ngà nuột nà, óng vàng, kích cỡ
khác nhau, chưa từng thấy ở đâu trên thế giới. Các chuyên gia Pháp
thẩm định rằng, đây là bộ sưu tập từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 của
Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Câu chuyện chuỗi ngọc còn chưa dứt tiếng
vang, thì mùa thu năm nay, Paris lại trở thành tâm điểm của một đợt
sóng ngầm mới. Đó là chuyện nhà đấu giá Millon, thương điếm có lịch
sử gần 100 năm của trò mua đi bán lại, có chân rết tại Bỉ, Tây Ban
Nha, Italia… tuyên bố sẽ trình làng cho các nhà săn cổ vật thêm một
hiện vật lịch sử vốn sở hữu của Hoàng gia Nguyễn, triều đại quân
chủ Việt Nam cuối cùng.
Đây là
chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng, hoàng đế thứ hai
triều Nguyễn, nặng 10,7kg vàng ròng, là hiện vật vua Bảo Đại dùng
như biểu tượng chuyển giao quyền lực tại Ngọ Môn Huế năm 1945.
Chiếc ấn ‘Hoàng đế chi bảo’, tên khai sinh chính ngày ra đời năm 1823, đang đợi tiếng gõ búa
của Millon để vĩnh viễn nhận được visa xuất cảnh hợp pháp biến vào
một bộ sưu tập nào đó.
Câu hỏi được nêu lên là, nếu chiếc ấn
Millon sắp bán, sẽ theo chân những viên ngọc Melo kể trên như những mùa
gặt không bao giờ trở lại ấy, biến vào bóng tối đó và thế hệ mai
sau của Việt Nam sẽ không còn được biết đến như một sự việc đủ
sức nặng để quan ngại sâu sắc?
Có cần quan ngại sâu sắc khi báu vật tiền nhân một đi không trở lại?
Cụm từ bất lực và hời hợt «quan ngại
sâu sắc» tôi đã không được một lần nghe thấy khi kho báu có chiều dài
500 năm của lịch sử Việt Nam là chuỗi ngọc Melo bị cầm tù trong
két sắt dưới tầng hầm của Van Cleef & Arpels.
Van Cleef & Arpels đã chính thức trình
làng, coi đây là sở hữu không lăn tăn, không tỳ vết của một cuộc buôn
bán sòng phẳng, danh chính ngôn thuận. Có thể coi như báu vật đó
đã hạ cánh an toàn, không bị truy đuổi bởi pháp luật Việt Nam và
quốc tế ?
Hẳn giới chức có thẩm quyền Việt Nam
đã được biết và buông trôi sự việc kể trên, và cụm từ tai tiếng
«quan ngại sâu sắc» không được kích hoạt để các phương tiện thông tin
đại chúng lên tiếng về việc báu vật quốc gia bằng cách nào đó bị đưa ra
nước ngoài và trở thành món đồ được buôn bán công khai.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/baaa/live/c58577a0-5634-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp
Chuỗi ngọc Melo của vua Bảo Đại đã được hãng
kim hoàn Van Cleef & Arpels mua
Tôi nhắc lại câu chuyện này để nói đây
là một tiền lệ xấu, rất xấu.
Tại một nước như ở Pháp, các công việc
buôn bán, trao đổi dù cá nhân hay tổ chức tư nhân, kể cả Van Cleef
& Arpels, thương hiệu được biết đến với những ông hoàng, bà chúa,
các tổng thống và các vị vua, đều phải tuân thủ luật pháp Pháp và
quốc tế. Không một ai, một cơ sở thương mại nào dám công khai mua một
đồ ăn cắp, chiếm đoạt một tài sản quốc gia, một báu vật có danh
phận mà không phải lường đến hậu quả một ngày phải đứng trước vành
móng ngựa.
Việc chuỗi ngọc của vua Bảo Đại sang tay
Van Cleef & Arpels phải có một cá nhân, có đầy đủ giấy tờ hợp
pháp và được các công chứng viên (notaire) khẳng định là tuân thủ
pháp luật và đầy đủ tư cách nhân thân và sức khỏe để ý thức về
việc làm của mình, mới có quyền bán và trao đổi.
Song, nếu đó là tài sản quốc gia thì
bất cứ cá nhân nào cũng không có quyền sang nhượng hay bán đi.
Vậy tại sao, lại có câu chuyện con voi
chui lọt lỗ kim như việc Van Cleef & Arpels mua được chuỗi ngọc Melo?
Chuỗi ngọc hẳn là thu được từ các cuộc
chinh phạt Chiêm Thành, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê qua Tây Sơn
rồi vào tay triều Nguyễn, không lẽ không phải quốc bảo của tiền nhân,
bảo vật của đất nước Việt Nam?
Một câu hỏi nhức nhối cần có một câu trả
lời thích đáng.
Bây giờ, việc Millon rao hàng trên website
chính thức về việc tổ chức lễ hội cho chiếc ấn Minh Mạng đi về nhà
người, thì phía Việt Nam có nên làm một động thái là ngoài những
chữ ký, những văn bản nhà nước không chỉ được in ấn tốt, có những
chuyên gia giỏi, thuộc luật pháp quốc tế như cháo sẽ có những phản
ứng tích cực hơn là ngôn từ ngoại giao mềm dẻo?
Hiện đã có một vài dấu hiệu cho thấy
phía Việt Nam rục rịch chuyển mình, không thụ động như trước.
Song, điều mà chúng ta muốn thấy là kết quả
mà phía Việt Nam mang về, chứ không phải những cụm từ bất lực của một dân tộc ‘ra ngõ gặp
anh hùng’, nhưng nhà thì bị trộm khoắng như cơm bữa.
https://ichef.bbci.co.uk/news/787/cpsprodpb/86fd/live/35ad2060-5634-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp
Mặt trên, mặt dưới của bảo vật Hoàng đế chi
bảo sẽ được Millon đưa ra bán ngày 31.10.2022
Nguồn gốc xuất xứ của 'Hoàng đế chi bảo'
Đại Nam Thực lục quyển hai viết như sau:
Năm Quý mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823].
Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (nuốm là hình
rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng
180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy (câu cuối cùng tờ
chiếu sắc, trước dùng những chữ “Đặc chiếu cố sắc”(1) Đặc chiếu cố sắc: đặc
cách xuống chiếu, nên có sắc này. 1), đến nay đều bỏ).
Chiếc ấn phiêu lưu từ Huế ra Hà Nội, có
mặt trong ngày Quốc khánh nước VNDCCH 2.9.1945 và được cho là thất
lạc sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946.
Năm 1952, Pháp thông báo tìm thấy chiếc
ấn kể trên và trao trả lại cho Cựu hoàng Bảo Đại.
Sự kiện Pháp tìm thấy được ghi trong
nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I có Biên bản
đánh máy sử dụng giấy than xanh, được ghi chú bằng tay các chữ nho
với mực đen, phía góc phải có số 8.
Tôi dịch ra đây từ bản tiếng Pháp với
ảnh đi kèm.
BIÊN BẢN
Năm 1952, ngày 28 tháng hai, 16 giờ.
Chúng tôi, TRAN NGOC THU, quận trưởng Quảng
Bá-Yên Thái, gửi biên bản tường trình sự việc như sau:
Theo tường trình của ông TOCE Raymond, chỉ
huy Tiểu đoàn Dù số 2 tại LIEU GIAI rằng, các lao công trong khi đào
móng của một ngôi nhà đổ nát trong làng NGHIA DO để thu nhặt gạch
vỡ, đã tìm thấy hai thùng trong đó có một thanh kiếm và một chiếc
ấn đều bằng vàng.
Chúng tôi đã giao lại hiện vật cho ông TOCE và
chứng nhận đó là:
1- Một chiếc kiếm vàng, chuôi bằng ngọc, và
bao kiếm có chạm những dòng chữ bằng tiếng Hán “Chế tạo thời trị
vì của KHAI DINH, bằng vàng ròng, nặng 4 lạng 75.
2-Một ấn hình vuông bằng vàng khối, núm cầm
hình rồng có hàng chữ từ trên và dưới
a- Dòng thứ nhất “Tài sản quý của Hoàng
đế.»
b-Dòng thứ hai “Được đúc vào năm thứ tư thời
trị vì của MINH MANG, ngày thứ tư và tháng thứ hai.»
c- Vàng ròng, nặng 280 lượng, 92.
Cho rằng, đây là những đồ vật của Triều đình
Hoàng gia bị ăn cắp vào năm 1946, trong khi xẩy ra những sự kiện,
chúng tôi đã bàn giao lại chiếc ấn và kiếm cho ông chỉ huy TOCE và
yêu cầu chuyển lại cho nhà cầm quyền Việt Nam.
Để chứng thực sự việc đã nêu cùng ngày,
tháng, những người làm chứng dưới đây đã ký:
Chỉ huy tiểu đoàn Dù 2 TOCE Ray mond và Quận
trưởng THU
Đồng kính gửi Bộ Nội vụ Thủ hiến Bắc phần
Tỉnh trưởng GIAP NGOC PHUC đã ký.
Phần tiếng Việt trong Hồ sơ như sau (tôi giữ
nguyên những sai sót về chính tả):
Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá - Yên Thái ngày
28.2.1952 gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long (hồ sơ số 16 Văn phòng Quốc trưởng Quốc
gia Việt Nam Đà Lạt):
“Trân trọng trình ông rõ: hồi quá trưa ngày 28 tháng
2 năm 1952 hôm nay, được tin mật báo là bọn công nhân của tiểu đoàn nhảy dù 2è
BBC đóng tại Liễu Giai đi tìm gạch vỡ tại một ngôi nhà tàn phá trong Nghĩa Đô,
tìm kiếm đào chân móng đã thấy một ống kẽm và một hộp kẽm trong đựng một thanh
kiếm và một chiếc ấn vàng.
Tôi thân đến liên lạc với vị chỉ huy là thiếu tá
Toce Raymond thì vị võ quan này nói là cũng sắp báo tôi biết về việc đó.
Tôi xét hai bảo vật này thì là:
Một Thanh kiếm vỏ bằng vàng trạm, chuôi bằng ngọc thạch
có khắc hai giòng (dòng ) chữ “Khải Định niên chế” và “Trọng kim tứ lạng
thập thất phân” (kiếm nặng 4 lượng 17 phân)
Một quả ấn bằng vàng nuột, tay nạm là một con rồng,
trong có khắc 4 chữ “Hoàng đế chi bảo” và phía trên có hai giòng (dòng) chữ nho
“Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (ấn được đúc vào
ngày 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 4) và “Thập thành hoàng kim
trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (trọng lượng 280 lạng, 9 tiền,
2 phân.)
Nhận, hai vật này là Hoàng triều Quốc bảo mà hiện đã
vào tay vị chỉ huy tiểu đoàn Pháp, không tiện lấy về trình ông kính đệ Phủ Thủ
Hiến, tôi đã lập biên bản giao cho Thiếu tá Toce để nhờ chuyển lên chính
phủ.”
Hồ sơ đánh số
3262 của Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam 16h ngày
28.2.1952 viết:
Bảo kiếm bằng vàng, chuôi kiếm nạm ngọc có khắc chữ
Hán 啟定年製và 重金四兩七十五分 (nghĩa là:
kiếm được làm vào thời Khải Định, vàng ròng nặng 4 lạng 75 phân).
Quốc ấn hình vuông bằng vàng nguyên khối phía trên
có tay cầm hình rồng và khắc chữ 皇帝之寶
(Hoàng đế chi bảo),
明命四年二月初四日吉時鑄造( đúc
vào giờ tốt ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 [tức ngày 17/3/1823]
Và 拾成黃金重貳百捌拾兩玖錢貳分 (vàng mười
nặng 280 lạng 9 tiền 2 phân).
Báo cáo ngày
28/2/1952 ghi thêm:
“…nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn
phá hết cả tường của Hà Văn Dô (Hà Văn Đô ?) tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô
hiện nay còn ở Hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh.
Bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau
quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ, ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi
Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi
làng Nghĩa Đô đem chôn dấu vào móng tường nhà này“.
Tường trình của
Văn phòng Thủ hiến Bắc Việt gửi Đổng lí Văn phòng Quốc trưởng ngày
19.4.1952 về việc tìm thấy ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô:
“…Viên lính tên là Marius Caroul và 2 tù nhân Bùi
Văn Mạch (số tù 29.956) Đồng Xuân Phái (số tù 29.924) đã phát hiện ấn kiếm khi
phá móng nhà của Hà Đô. Thủ hiến Bắc Việt Đinh Xuân Quang đã trao cho Marius
Caroul khoản tiền 10.000 đồng, sẽ tặng 3.000 đồng cho lính Pháp bị thương đóng
tại Nghĩa Đô và Liễu Giai và thưởng cho người báo tin cho Quận trưởng quận Quảng
Bá-Yên Thái 5.000 đồng. Hai tù nhân Mạch và Phái chưa nhận khoản tiền thưởng
nào và theo đề nghị của Quận trưởng, Thủ hiến đồng ý thưởng ngay cho mỗi người
1.000 đồng…”
“Căn nhà nơi tìm thấy ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô ban
đầu là của Bá Sinh, một chủ sòng bạc nổi tiếng thời đó tại Hà Nội. Sau đó, Bá
Sinh bán cho hãng Phú Mỹ rồi sau bán cho Vũ Văn Hợi. Cuối cùng, căn nhà được
bán cho Hà Đô, người làm nghề sửa ô tô ở phố Hàng Đậu. Hà Đô từ khi tậu căn nhà
này có nhiều hoạt động bí ẩn và hàng xóm hoàn toàn không biết ông ấy làm gì.
Ông đi một chiếc xe tải phủ bạt khi về nhà. Chính tại căn nhà của Hà Đô Bộ Tài
chính của Chính phủ Hồ Chí Minh đã chuyển thiết bị in tiền sau khi quân đội
Pháp đến Hà Nội năm 1946. Căn nhà bị chính quyền quân sự Pháp phá huỷ năm 1947.
Chính quyền quân sự Pháp đã thu được một số lượng nhỏ vàng và một số máy in“.
“Hà Đô là em rể của Đặng Xuân Khu (Cố Tổng Bí thư
Đảng CSVN Trường Chinh) và Đặng Xuân Thiều. Ông Khu hoặc ông Thiều đã mang những
bảo vật này về giấu tại nhà của ông Hà Đô… Hà Đô hình như đã tự sát vì lí do
gia đình ở vùng không bị kiểm soát.
Sự kiện tổ chức trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại
được Văn phòng Phủ Thủ Hiến Bắc Việt ấn định ngày 8/3/1952.
Lễ trao lại ấn kiếm diễn ra tại Hà Nội, tuy nhiên cựu
hoàng Bảo Đại không có mặt trong lễ trao nhận ấn kiếm."
Theo Công điện số 1087/CAB/TX của Văn
phòng Quốc trưởng, ngày 5.3.1952, Cựu hoàng Bảo Đại giao nhiệm vụ cho Đặc uỷ
viên Văn phòng Quốc trưởng tại Hà Nội Lê Thanh Cảnh tiếp nhận hai bảo vật này.
https://ichef.bbci.co.uk/news/787/cpsprodpb/d2ba/live/e22ae1f0-5635-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp
Biên bản bằng tiếng Pháp về việc tìm thấy
ấn và kiếm tại Nghĩa Đô
Những câu hỏi về
tính xác thực
Tôi đã có dịp gặp trực tiếp nhiều lần
tại Paris Thứ phi Mộng Điệp, vợ thứ của vua Bảo Đại, được nghe bà
kể về việc nhận lại ấn kiếm thay mặt Cựu hoàng cùng với Đức Từ
cung là mẹ của vua Bảo Đại.
Bà có nói với tôi là nhận lại cây kiếm
bằng thép, bị bẻ làm đôi và chiếc ấn trong một chiếc thùng vốn
dùng để đựng dầu hỏa cao khoảng 60 cm. Bà đã đưa chiếc kiếm cho hai
người thợ rèn ở Huế hàn lại. Bà có nói thêm, nếu nội soi nhìn
thấy vết hàn, thì đó chính là chiếc kiếm bà đã nhận được. Cựu
hoàng Bảo Đại đã nhìn thấy chiếc ấn và thanh kiếm tại Buôn Mê
Thuột. Sau này, bà qua Pháp đã mang ấn và kiếm trao cho Nam Phương
Hoàng hậu.
Vậy
chiếc kiếm vàng theo tường trình của Hồ sơ số 3262 Văn phòng Quốc trưởng
Quốc gia Việt Nam và chiếc kiếm thép hai mảnh rời nhau được trả lại
cho Cựu hoàng dẫn chúng ta đi về đâu?
Chiếc ảnh được cho là của "tạp chí
Paris Match ngày 8.3.1952 "chụp hai vệ binh vẻ mặt căng thẳng bưng
ấn và kiếm cho thấy chiếc kiếm có nguyên vỏ, lưỡi kiếm cong.
Hẳn đây là chiếc kiếm như được mô tả trong
Hồi ký chính trị của ông Nguyễn Hữu Đang. Người tổ chức Quốc khánh
2.9.1945, trên Quảng trường Ba Đình, kể lại và mô tả ông Hồ Chí Minh
đã nâng cao chiếc kiếm vàng và hô to: “Chiếc kiếm này để chém những
kẻ phản động.»
Sự mâu thuẫn giữa các bản tường trình
kể trên và lời kể của bà Mộng Điệp, tôi thiên về suy nghĩ là sự
việc được cho là tìm thấy ấn kiếm và tung hô với những lễ lạt rình
rang là một màn chiến tranh tâm lý và che giấu một sự việc nào đó,
có thể là giấu tên một người đã cung cấp cho tình báo Pháp nơi cất
giấu chiếc ấn và kiếm dùng trong ngày Quốc khánh đầu tiên.
Đại Nam Thực lục chép: ấn nặng 180
lượng 92. Hồ sơ số 3262 nêu trên ghi: ấn nặng 280 lượng 92. Con số nào
đúng?
Năm 1952, là thời điểm Pháp đang đi tìm
một lối thoát trong danh dự cho chiến tranh ở Việt Nam. Pháp muốn sử
dụng Cựu hoàng như một cứu cánh về tâm lý, sử dụng lòng quyến
luyến của người dân với triều Nguyễn. Hoàng thân Bửu Lộc được đứng
ra làm Thủ tướng để cho bộ mặt Quốc gia Việt Nam có màu sắc hoàng
gia hơn.
Sự không chấp nhận trở lại làm vua của
Cựu hoàng với Pháp, cùng sự không có mặt để nhận lại ấn và kiếm
đã phá hỏng màn trình diễn.
Bài báo Raymond Cartier viết tiêu đề đậm
nét "Bảo Đại không muốn làm một Hoàng đế - Người lính",
trên số 173 của tờ Paris Match tuần từ ngày 5-12.7. 1952 là một minh
chứng.
Tôi tra cứu trên micro phim tại BPI, Trung
tâm văn hóa Pompidou Paris và tạp chí Paris Match bản in trên giấy tại
BnF, Thư viện Quốc gia Pháp, Trung tâm lưu trữ Arsenal số 1 phố Sully
Paris, rà soát những số báo từ năm 1949, 1950, 1951, 1952 không tìm ra bài
báo nào đưa tin về sự kiện trao trả ấn kiếm, cũng như bức ảnh vốn
được cho là của tờ báo này, nói rằng trong số ngày 8.3.1952.
Paris Match giai đoạn đó có những bài
phóng sự về chiến sự tại Đông Dương và cuộc gặp của nhà báo Raymond
Cartier với Cựu hoàng Bảo Đại, các bài tường trình của nhà văn và
là nhà báo Mỹ Graham Green, người được biết đến với tiểu thuyết
"Một người Mỹ thầm lặng".
Bài tường thuật nếu có của Paris Match
hẳn sẽ phải có tên tác giả và một sự kiện nếu có thật lớn như
thế sẽ không dừng ở chỗ chỉ chụp vẻn vẹn một bức ảnh không có cờ
hoa, không rõ địa điểm nào ở Hà Nội? Phóng viên của bức ảnh trên
hẳn không sợ chết nhát như một phóng viên chiến trường chúi đầu chụp
một bức ảnh xa lắc, không tiếp cận được để có những bức ảnh nên
hồn, chụp mặt mũi cho thấy ấn và kiếm?
Hẳn các nhà lập trình vở kịch cho rằng
cứ ấn cho màn diễn đã được tờ báo bán đến 50 francs, dành cho các
công nương, hoàng tử, kẻ giầu ở tận Paris, thì người Việt Nam nào là
kẻ lần cho ra, nên hơi cẩu thả?
Nếu muốn tìm hiểu rạch ròi sự thật về
việc này, theo tôi có thể tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của Tổng cục
phản gián Pháp, mới được bạch hóa chưa lâu.
Tôi đã được xem hồ sơ của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp mà tình báo Pháp lập ra từ năm 1925, trước khi thời điểm
Đảng CS Đông Dương ra đời.
Hồ sơ của Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp
(viết tắt trong tiếng Pháp là DGSE) ghi đầy đủ tên các chỉ điểm viên,
động cơ làm việc cũng như kết quả đánh giá về họ. Trong hồ sơ của
cơ quan này hẳn có tên và hành trình của ông Phạm Khắc Hòe, cựu
Đổng lý văn phòng của vua Bảo Đại.
Ông Hòe biết nhiều nhất đến chuyện tráo
chiếc ấn lẽ ra phải có mặt trong việc chuyển giao quyền lực, là
chiếc ấn "Đại việt quốc Chúa Nguyễn Vĩnh Trấn chi bảo - 大越國阮主永鎮之寶" đúc ngày 6 tháng
12 năm 1709 do chúa Nguyễn Phúc Chu, thay bằng ấn "Hoàng đế chi
bảo" đúc năm 1823 của vua Minh Mạng.
Ông Hòe sau đó ra Hà Nội giữ chức Đổng
lý văn phòng Bộ Nội vụ tương đương hàm thứ trưởng trong chính phủ
VNDCCH.
Tuy nhiên, ông bị bỏ lại, không được thông
báo khi Chính phủ của ông Hồ Chí Minh rút lên Chiến khu Việt Bắc. Đây
vốn là kiểu dùng cây cảnh của Mặt trận Tổ quốc?
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến
19.12.1946, ông bị quân đội Pháp bắt lại tại nhà riêng tại Hà Nội.
Ông Hòe được Phủ Cao ủy Pháp cấp giấy
chứng nhận có sứ mệnh đặc biệt (theo tiếng Pháp "En mission
spécial auprès du Haut Commissariat", từ ngày 28.1.1947 vào Sài Gòn
làm việc cho cơ quan này.
Nhiều khả năng, trong hồ sơ của Tổng cục
phản gián Pháp có những trao đổi của ông với các quan chức cao cấp
nhất của mật thám Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, cũng như vai trò của ông
Hòe, trước, trong và sau ngày 30.8.1945.
Ông Hòe sau đó được Việt Minh móc nối
trở lại và đưa ra chiến khu Việt Bắc. Ở đây ông có một người vợ
Thái và có con với bà. Sau chiến thắng Điện Biên, ông trở về Hà Nội
và bỏ người vợ này.
Một khía cạnh khác cần lưu ý là, hiện
vật kể trên là đồ thật hay đồ giả?
Chiếc ấn trên ảnh quảng cáo của Millon
thật… như con dấu được dùng hàng ngày ở Ủy ban Nhân dân phường, với
dấu mực đỏ vẫn còn dính phía dưới mặt ấn. Ấn vua, ấn chúa vốn
lười nhác, không chăm chỉ như con dấu phường, cộp một cái là nghe
tiếng vui tai của kim tiền. Muốn dùng ấn này, nhiêu khê lắm. Mà từ
sau năm 1946; có ai đem dùng nữa đâu mà có son với phấn bôi đỏ vậy?
Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tập
VIII, quyển 225, ấn "Hoàng đế chi bảo" chỉ dùng để đóng lên “các bản
cáo dụ cho thân huân và các quan to trong to ngoài”.
Bà Mộng Điệp có kể rằng chính tay bà
tẩy rửa chiếc ấn và chăm sóc sức khỏe chiếc kiếm gãy. Lệ Nhà Nguyễn
ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, tiến hành lễ Phất Thức, rửa bằng nước thơm,
rồi cất lại vào hộp sơn son, thếp vàng, trong lót lụa đỏ.
Sự xuất hiện của ấn "Hoàng đế chi
bảo" rất hiếm. Thời gian qua, đánh động khắp nơi, tôi chưa thấy
các nhà sưu tầm Việt Nam nào có được một hiện vật để cho thấy mặt
"Hoàng đế chi bảo" ra sao. Một tiến sĩ ở Huế cho tôi biết,
nguyên văn, "không thấy xuất hiện ấn Hoàng đế chi bảo trên các văn
bản hành chính thời Nguyễn 1802-1945 luôn."
Tôi lấy ở đây một bức ảnh về
"Hoàng đế chi bảo" do anh Hứa Xán Hoàng, người Đài Loan có
công gìn giữ và sưu tập tại Việt Nam cách đây 30 năm.
Hẳn bây giờ, muốn xác định "Hoàng
đế chi bảo" thật hay giả, các chuyên viên Việt Nam phải bay qua
Đài Loan hỏi xin một bản phiên bản để rồi đo đếm giữa hình với đồ
Paris xem hư thực ra sao.
Tôi đã vinh danh anh Hứu Xán Hoàng qua hai
bài báo, đề nghị trao cho anh một chiếc huy chương Lao động. Nhưng cũng
như câu nói của ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm Việt:
"Sưu tầm của ông Hứa Xán Hoàng vượt xa tất cả những tài liệu có
trong thư viện Yenching của Đại học Harvard, Học viện Viễn Đông của Pháp, Toyo
Bunko của Nhật, Đại học Leiden của Hà Lan cộng lại", cũng chưa thấy đi
kèm cụm từ "quan ngại sâu sắc".
Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" là
biểu tượng chuyển giao quyền lực của triều đình Huế cho Chính phủ
nước Việt Nam DCCH, hiện tại là Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì đương
nhiên, về mặt pháp lý, đây là sở hữu của đất nước Việt Nam, không
phải sở hữu của một cá nhân nào.
Nhưng nếu Van Cleef & Arpels cũng sẽ nhảy
vào tham gia đấu giá ngày 31.10 tới thì sao? Đại gia nào mạnh bằng
Van Cleef & Arpels? Họ đã thắng trong vụ chuỗi ngọc Melo của vua
Bảo Đại thì sẽ thắng tiếp trong việc mua "Hoàng đế chi
bảo"?
Việt Nam có những quyền gì đối với báu vật quốc gia?
Dựa trên tinh thần và lời văn của Công
ước UNESCO 1970, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để ngăn ngừa vụ
bán đấu giá chiếc ấn này. Từ năm 2005, Việt Nam đã tham gia Công ước
UNESCO 1970, về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa
năm 2001 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, có ghi rõ việc quản lý di vật,
cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam.
Luật Quốc tế UNIDROIT cũng ghi những cam
kết mà Pháp và Việt Nam cùng tuyên bố tôn trọng.
Ngày 26.10.2022,
trao đổi với bà Nathalie Mangeot, Commissaire Priseur, phụ trách đấu giá
của hãng Millon về chiếc ấn, bà trả lời cho tôi rằng, nhà đấu giá
là bức tường ngăn cách người bán và người mua, và việc thẩm định
thật hay giả, cũng như giấy tờ sở hữu, nguồn gốc của hiện vật, cũng
sẽ không bàn giao lại cho bên mua. Nhà đấu giá chỉ cung cấp cho người
mua giấy chứng nhận họ đã mua qua Millon.
Bà cho tôi biết thêm, ngày 27.10, nhà in
sẽ chuyển đến cho Millon một bản in riêng về chiếc ấn, mà tôi có thể
qua nhận.
Tôi đã nhận thấy mùi thuốc súng nồng
nặc trước khi cuộc chiến tranh giành cổ vật có thể nổ ra. Millon đã đào
hào, đắp lũy chuẩn bị đối đầu từ mức độ ‘hành động quân sự đặc
biệt’ đến bom rải thảm. Quan ngại sâu sắc?
Vô tình lật quyển Kiều để trước mặt,
hiện trước mặt tôi hai câu thơ buồn của thi hào Nguyễn Du:
Nợ tình chưa trả cho ai Khối tình mang xuống tuyền
đài chưa tan.
*
Bài thể hiện
quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do từ Paris.
------------------
TIN LIÊN QUAN
Lưỡi kiếm đêm trăng
03/1945: Nhật lật Pháp
1 tháng 9 năm 2018
.
Quan triều Nguyễn 'không
lỗ mãng như quan ngày nay'?
20 tháng 7 năm 2017
No comments:
Post a Comment