The
Economist
Đỗ Đặng NHật Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2022/10/28/the-gioi-hom-nay-28-10-2022/
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% trong
quý ba, đạt tốc độ theo năm cao nhất kể từ năm ngoái. Nhưng nguyên nhân chủ yếu
do nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng mạnh; trong khi nhu cầu trong nước chỉ tăng
0,5%. Chi tiêu tiêu dùng đã giảm tốc, còn lãi suất trung bình cho thế chấp kỳ hạn
30 năm tăng lên 7,08%, lần đầu tiên sau 20 năm. Việc Fed tăng lãi suất đang khiến
thị trường nhà đất hạ nhiệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố
“sự thống trị của phương Tây đối với các vấn đề thế giới sắp kết thúc” trong
bài phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, một diễn đàn ở Moscow. Trong khi
đó, Nhà Trắng cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vệ tinh của Mỹ sẽ bị trả
đũa, sau khi một quan chức cấp cao của Nga gọi chúng là các mục tiêu “hợp pháp”
nếu chúng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng gấp đôi lãi suất điều hành lên 1,5%, mức cao nhất kể
từ năm 2009, đồng thời báo hiệu sẽ còn tăng nữa. ECB quyết tâm kiềm chế lạm
phát “quá cao” (con số của khu vực đồng euro là 9,9% trong tháng 9). Các lãnh đạo
châu Âu đã bày tỏ lo ngại về việc lãi suất tăng làm giảm cầu, nhất là khi châu
Âu đang đi vào suy thoái.
Cổ phiếu Meta giảm giá khoảng 1/5, lấy
đi hơn 80 tỷ đô la vốn hóa thị trường, sau khi tập đoàn truyền thông xã hội này
báo cáo lợi nhuận quý thấp hơn dự kiến. Doanh thu tại công ty mẹ của Facebook
giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 27,7 tỷ đô la. Chi tiêu cho quảng
cáo kỹ thuật số yếu đi tiếp tục kìm hãm tăng trưởng ở các nền tảng truyền thông
xã hội cốt lõi của Meta.
Ba người đàn ông được trang bị vũ khí hạng nặng
đã giết chết ít nhất 15 người và làm bị thương 40 người khác trong cuộc tấn
công vào một đền thờ Shia ở Shiraz, một thành phố miền nam Iran. Nhà nước
Hồi giáo, một nhóm khủng bố dòng Sunni, đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Trong một
diễn biến khác, cảnh sát Iran đã đụng độ với đám đông đang viếng mộ Mahsa Amini
tại quê nhà cô ở Saqez. Cái chết của cô khi bị cảnh sát đạo đức giam giữ chính
là tác nhân châm ngòi cho cuộc biểu tình rộng khắp chống lại các nhà cai trị thần
quyền của Iran.
Royal Dutch Shell
công bố lợi nhuận cơ bản đạt 9,5 tỷ đô la trong quý ba, cao gấp đôi so với cùng
kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn quý hai. Chiến tranh Ukraine đã có thời điểm đẩy
giá dầu lên 120 USD/thùng. Tập đoàn dầu khí lớn nhất châu Âu cho biết họ sẽ
tăng cổ tức lên 15% giữa lúc ngành năng lượng bị kêu gọi tăng đóng thuế.
Nghị viện Bắc Ireland được tái triệu tập
trong nỗ lực phút chót nhằm thành lập chính phủ. Thỏa thuận chia sẻ quyền lực của
lãnh thổ này sụp đổ vào tháng 5, khi Sinn Féin, đảng cánh tả muốn thống nhất với
Ireland, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. DUP, đứng thứ hai, muốn có một
liên minh thương mại chặt chẽ hơn với Anh. Cuộc bầu cử thứ hai trong năm nay sẽ
được tổ chức nếu hai bên không đạt được thỏa hiệp trước nửa đêm.
Con số trong ngày:
61%, là tỷ lệ các nước có chất lượng tuân thủ pháp quyền giảm trong năm qua,
theo Dự án Công lý Thế giới.
TIÊU
ĐIỂM
Meta lại sụt doanh
thu, giá cổ phiếu giảm gần một phần tư
Thứ Sáu này là tròn một năm Mark Zuckerberg đổi
tên công ty ông từ Facebook thành Meta. Đầu năm nay, công ty lần đầu tiên ghi
nhận sụt giảm doanh thu quý so với cùng kỳ năm ngoái và số người dùng Facebook
giảm. Các nhà đầu tư từng hy vọng đó chỉ là một vấn đề tạm thời. Nhưng vào thứ
Tư, Meta tiếp tục công bố doanh thu quý giảm 4% và dự đoán sẽ còn giảm trong
quý tiếp theo. Giá cổ phiếu của công ty ngay lập tức giảm gần một phần tư.
Nhưng đây chỉ là những vấn đề ngắn hạn.
Zuckerberg tin rằng tương lai của Meta nằm trong metaverse, một không gian trực
tuyến để làm việc, giải trí và xem quảng cáo. Meta đã chi hàng chục tỷ đô la để
xây dựng nó. Nhưng tới nay chỉ có không quá 200.000 người được cho là đang dùng
các ứng dụng metaverse của Meta. Một ngày nào đó, metaverse sẽ cất cánh. Câu hỏi
đặt ra là liệu Meta, vốn đã mất hơn 70% giá trị thị trường trong năm nay, có
còn tồn tại đến khi đó hay không.
Cựu thủ tướng
Pakistan tổ chức tuần hành quy mô lớn
Vào thứ Sáu, Imran Khan sẽ dẫn đầu một cuộc tuần
hành phản đối từ thành phố Lahore ở phía đông đến thủ đô Islamabad. Cựu thủ tướng
Pakistan yêu cầu tiến hành bầu cử, dự kiến vào cuối năm sau. Ông Khan đã bị lật
đổ vào đầu năm nay bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Giờ đây, ông kỳ vọng
có thể dùng sức mạnh đường phố để gây áp lực buộc chính phủ phải giải tán quốc
hội. Vị chính trị gia có xuất thân là cầu thủ cricket này đã thu hút người ủng
hộ bằng một thuyết âm mưu cáo buộc người Mỹ muốn lật đổ ông khỏi chức vụ. Gần
đây ông đã ra làm khuôn mặt đại diện trong một loạt các cuộc bầu cử phụ, thắng
sáu trên bảy ghế.
Cuộc tuần hành của ông Khan làm tăng thêm những
khó khăn kinh tế và chính trị khác của Pakistan. Lũ lụt lớn trong mùa gió mùa
năm nay đã gây ra thiệt hại ước tính lên tới 40 tỷ đô la. Bên cạnh đó là lạm
phát cao và tình trạng thiếu hụt năng lượng, cũng như việc phải được giãn nợ 27
tỷ USD, phần lớn là từ Trung Quốc. Nếu chính phủ đàn áp cuộc tuần hành của ông
Khan, nhiều bất ổn chính trị hơn nữa sẽ bùng nổ.
Bắc Ireland sẽ tổ
chức bầu cử nghị viện mới
Bắc Ireland đã không có chính quyền khu vực kể
từ tháng 2. Cả hai đảng lớn nhất trong nghị viện của họ đều có quyền phủ quyết
bên còn lại. Sinn Féin, bên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, muốn
một Ireland thống nhất. Song những người về nhì, Đảng Liên minh Dân chủ, muốn
giữ Bắc Ireland ở lại Liên hiệp Anh. Vào nửa đêm ngày thứ Năm, sáu tháng kể từ
cuộc bầu cử, thời hạn cho hai bên đạt thoả thuận chia sẻ quyền lực đã qua đi, từ
đó kích hoạt một cuộc bầu cử mới. Nó dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng
12.
Cả hai đảng đều được cho là sẽ củng cố vị thế
của mình trong cử tri. Bất kể bên nào thắng, các tranh chấp chính của họ – về
Nghị định thư Bắc Ireland vốn tạo ra biên giới trên biển mới với Anh sau Brexit
– sẽ vẫn còn đó. Để ngăn Bắc Ireland bị trì trệ trong thời gian chờ đợi bầu cử,
Westminster có thể sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho hệ thống công chức, những
người đã điều hành lãnh thổ này từ khi chính phủ sụp đổ vào năm 2017. Tình hình
có thể sẽ không được khắc phục một cách nhanh chóng.
Tình hình kinh doanh khá lạc quan của ExxonMobil
Vào thứ Sáu ExxonMobil sẽ công bố kết quả kinh
doanh quý ba. Công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ đã nói sẽ không đạt được mức lợi
nhuận kỷ lục 17,9 tỷ đô la của quý trước — nhưng không thấp hơn nhiều, dù giá dầu
có giảm từ mức cao kỷ lục sau khi Nga xâm lược Ukraine. Dầu thô rẻ hơn, xuất
phát từ việc Nga tiếp tục xuất khẩu trong khi nền kinh tế toàn cầu chậm đi,
cùng tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu thấp hơn đã làm giảm lợi nhuận của
Exxon. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận nói chung tăng nhờ việc bán khí đốt tự nhiên
đắt đỏ, đặc biệt là cho châu Âu.
Hiện giá khí đã giảm nhưng giá dầu lại tăng vì
OPEC + giảm sản lượng. Exxon vẫn có nhiều nỗi lo, chẳng hạn như cuộc tranh cãi
với bộ trưởng năng lượng Mỹ về giới hạn xuất khẩu nhiên liệu. Đầu tháng 10,
công ty này đã rời Nga tay trắng sau khi tổng thống Vladimir Putin tịch thu một
số tài sản của họ ở Nga. Dù thế, trong tương lai gần lợi nhuận của Exxon vẫn sẽ
lạc quan nhờ khan hiếm năng lượng.
No comments:
Post a Comment