Saturday, July 23, 2022

VÌ SAO ĐẢNG CHỈ ĐỊNH HAI LÃNH ĐẠO LẠI LÀ SỰ KIỆN KHIẾN DƯ LUẬN "DẬY SÓNG"? (TS Phạm Quý Thọ)

 



Vì sao Đảng chỉ định hai lãnh đạo lại là sự kiện khiến dư luận “dậy sóng”? 

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2022.07.23

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-public-went-viral-when-vcp-select-two-government-leaders-07222022172553.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-public-went-viral-when-vcp-select-two-government-leaders-07222022172553.html/@@images/image

Bà Đào Hồng Lan và ông Trần Sỹ Thanh.  RFA edit

 

Công tác cán bộ của riêng Đảng, vận hành theo cơ chế “đóng”, ngày càng tỏ ra không thích ứng với chuyển đổi thị trường, cản trở cải cách và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Mỗi thay đổi nhân sự Đảng đều thu hút sự chú ý của dư luận. Mới đây, ngày 15/7/2022 Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản VN "chỉ định" bà Đào Hồng Lan giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và "phân công” ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội để chuẩn bị lấp vào hai vị trí quyền lực đã bị “bỏ trống” hơn một tháng nay. Như đã biết, hai ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và cựu Chủ tịch TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã bị bắt vì vi phạm liên quan đến vụ Việt Á. Giới quan sát băn khoăn về quy trình lựa chọn, năng lực cán bộ và, hơn thế coi sự kiện như cái cớ để phản ánh những bất cập, yếu kém của công tác này và sự cần thiết cải cách một cơ chế “mở” với sự tham gia thực sự của người dân trong bối cảnh chống tham nhũng khó khăn và khủng hoảng nhân sự Đảng.

 

Bệnh hình thức

 

Động thái “chỉ định” trên là đúng theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017. Theo đó, Bộ Chính trị có quyền “phân công công tác”, “chỉ định” các cán bộ lãnh đạo, tổ chức đảng “trực thuộc Trung ương”… Tuy nhiên, công luận ‘dậy sóng’ trước hết vì căn ‘bệnh hình thức’ phát sinh từ cơ chế “Đảng cử dân bầu” và ngày càng nghiêm trọng. Hai vị quan tham trên cũng từ được ‘bầu’ với số phiếu cao, khi đó cựu chủ tịch Chu Ngọc Anh thậm chí có tỷ lệ bầu tuyệt đối 100%.

 

Biểu hiện đặc trưng của căn bệnh là  “thừa” quy định nhưng “thiếu” hiệu quả. Từ sau Đại hội 12 năm 2021 nhiều văn bản “Đảng quy”, mà Quy định 105 nêu trên là một trong số đó, được sửa đổi, hoàn thiện và mới được ban hành, đặc biệt liên quan đến công tác cán bộ với các nội dung về kỷ luật, bổ nhiệm, luân chuyển, nêu gương đạo đức, những điều đảng viên không được làm… Đây là những giải pháp củng cố Đảng, thúc đẩy tập trung quyền lực trong khi các khuyến nghị về minh bạch tài sản quan chức, thay đổi chế độ lương bổng theo thị trường, thiết kế “lồng thể chế” kiểm soát quyền lực… đề bị ‘bỏ dở’ vì bị ‘vướng’ bởi tính chất ‘đóng’ của cơ chế sử dụng cán bộ.

 

Bệnh thành tích có cội nguồn từ chế độ. Chuộng thành tích thái quá hòng thoả mãn nhu cầu theo đuổi quyền lực tuyệt đối khiến nó trở thành bệnh. Không thể phủ nhận ưu thế Đảng toàn trị trong hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, nhưng khi Đảng mạnh hơn mức cần thiết, nhất là khi thời bình, thì điều tồi tệ sẽ xảy ra. Điều đầu tiên là quan chức và người dân trở nên dễ bảo và thụ động. Rốt cuộc, vì sao họ phải gánh trách nhiệm, thậm chí là rủi ro khi Đảng, Nhà nước sẽ làm điều đó thay cho họ?

 

Nguyên tắc “người của Đảng” bị lung lay

 

Công luận cũng ‘băn khoăn’ về tiêu chuẩn “hồng và chuyên”, nghĩa là yêu cầu chính trị và chuyên muôn, luôn được đặt ra trong công tác cán bộ. Trong bối cảnh suy thoái chính trị nghiêm trọng thì nguyên tắc ‘người của Đảng’ được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, chuỗi các sự kiện kỷ luật, chỉ định, luân chuyển, thay thế lãnh đạo cấp cao vừa xảy ra cho thấy nguyên tắc này đang bị ‘lung lay’.

 

Ông Nguyễn Thanh Long, người duy nhất có chuyên môn ngành y, là Uỷ viên trung ương khoá 13 đã bị kỷ luật. Bà quyền Bộ trưởng Y tế, nguyên Bí thư Bắc Ninh, đủ tiêu chuẩn ‘hồng’ nhưng không ‘chuyên’. Bà này “bất ngờ” khi nhận quyết định phân công của Đảng, thừa nhận sẽ gặp khó khăn, thách thức khi không được đào tạo và công tác trong ngành y tế, nhưng hứa sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao!

 

Đối với ông Nguyễn Sỹ Thanh, người từng được Đảng ‘luân chuyển’ 11 vị trí khác nhau 16 năm là Uỷ viên TƯ, từ Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia… và từng trải qua “làm lãnh đạo” của ba tỉnh: Đắk Lắk, Bắc Giang, Lạng Sơn với thời gian từ một năm đến ba năm…   

 

Phần lớn các bình luận trên truyền thông nhà nước đều giả định “nếu” và kèm theo điều kiện. Chẳng hạn, Tạp chí điện tử Nhà Đầu tư ngày 16/7 bình luận rằng việc chỉ định hai vị trên là "trái thông lệ" vì thiếu chuyên môn, nhưng “nếu” thành công thì sẽ “hình thành nên một thông lệ mới.” Tuy nhiên, Đảng coi đây là việc thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo Kết luận 24 ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị. Liệu chủ trương này có “xoay chuyển” công tác cán bộ đảng?

 

“Bí thư không là người địa phương”

 

Công luận cũng chưa thể bị thuyết phục về chủ trương “bí thư không là người địa phương” trong công tác cán bộ. Mới đây, ngày 14/7/2022 tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng với sự tham dự, trực tiếp và trực tuyến, của 1.700 đại biểu, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nhận định, rằng Bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn là người địa phương. Hiện tại, chủ trương này đã được thực hiện ở 32/63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó nhiều người được Trung ương điều động đến, và đến cuối nhiệm kỳ quá trình thực thi sẽ hoàn tất.

 

Còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Không phải người địa phương, các bí thư có thể ít bị chi phối bởi các yếu tố 'quan hệ', 'hậu duệ', không bị chi phối bởi thái độ và cách làm việc của thế hệ lãnh đạo cũ... Nhưng cũng khó tránh khỏi những thử thách như ngại 'va chạm' và bị ‘bao vây’ hay ‘cài bẫy’, thậm chí có thể bị ‘vô hiệu hoá’ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Tính cục bộ do yếu tố văn hoá địa phương còn nặng nề ở nhiều nơi, có chỗ đứng khi tâm lý mặc cảm truyền thống ‘chịu khổ’ nhưng không thể ‘chịu nhục’. Đây rõ ràng là thử thách thực sự cho các ‘tân bí thư’ nhiệm kỳ này để tiến hành các giải pháp chính sách ‘đột phá’ như Đảng kêu gọi.

 

Thực ra, “mẹo” dùng người này đã được áp dụng phổ biến dưới thời phong kiến tập quyền. Mục đích không chỉ dừng lại như nêu trên mà còn ngăn ngừa nguy cơ tập hợp lực lượng tạo phản, bất tuân, bất trung với nhà vua. Quan hệ huyết thống, dòng họ, đồng hương, chung sống… luôn là chỗ dựa của niềm tin.

 

Thị trường ngầm quyền chức”

 

Cuối cùng, dư luận ‘dậy sóng’ bởi bị ‘ám ảnh’ bởi bóng ma ‘thị trường ngầm quyền chức’ mà mọi người dân biết, thậm chí trải nghiệm ‘với mức độ khác nhau. Trong thời buổi kinh tế thị trường, khi quyền lực thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nó trở nên loại hàng hoá đặc biệt có giá, được ‘trao đổi’ bất hợp pháp dưới các hình thức tinh vi. Động cơ chính trị của cán bộ lãnh đạo đã thay đổi, biến họ thành những kẻ cơ hội, tha hoá. Động cơ vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, đã mọc rễ sâu rộng củng cố chỗ đứng trong hệ thống chính trị; sự cám dỗ vật chất lấn át nỗi sợ hãi vì sự trừng phạt và, đạo đức giả lên ngôi…

 

Không thể phủ nhận thực tế này và, Đảng tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trong bối cảnh niềm tin chính trị đã suy giảm nghiêm trọng. Đảng trừng phạt nghiêm khắc và thanh lọc những ‘đồng chí’ vi phạm cam kết, lời thề trung thành với lý tưởng và lãnh tụ. Các hành vi “cua cậy càng, cá cậy vây” bị lên án đồng thời với lời kêu gọi giữ “liêm sỉ” của người đảng viên… Đảng nỗ lực vận hành cơ chế quyền lực tập trung để có thể “dụng nhân như dụng mộc” với việc kiện toàn guồng máy phức tạp và tinh vi để giám sát quyền lực nội bộ, như các Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực, Ban Nội chính, Ban Tổ chức… có cấu trúc theo mô hình kim tự tháp.

 

Đây là nỗ lực thực sự cần thiết để đối phó với tình huống khẩn cấp, mà không thể là chính sách bền vững, không thể mang lại “hiệu quả mong muốn” khi người dân vẫn đứng ngoài “trò chơi quyền lực.” Tạo lập một cơ chế “mở”, sao cho người dân thoát cảnh ‘đứng ngoài cuộc’, quan sát và chịu hậu quả, là đòi hỏi từ thực tế để cải cách công tác cán bộ của Đảng, trước hết là thiết lập chế độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với quan chức.

 

----------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





No comments:

Post a Comment