Saturday, July 23, 2022

TỊNH THẤT BÔNG LAI THẬT RA CHỈ LÀ VỤ ÁN ĐỘNG ĐẾN MỘT CON BÒ (Nhiều tác giả)

 



 

Tịnh Thất Bồng Lai thật ra chỉ là vụ án động đến một con bò

Nhiều tác giả

22/07/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/25543-t-nh-th-t-b-ng-lai-th-t-ra-ch-la-v-an-d-ng-d-n-m-t-con-bo

 

Khi con bò bị miệt thị

Huỳnh Liên, VNTB, 22/07/2022

 

Bạn đọc viết

 

Luật Thú y 2015 đã dành riêng một điều quy định đối với vấn đề đối xử động vật.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52232671812_fa4acbdda8.jpg

Nếu so sánh ông chức sắc tôn giáo cụ thể nào đó là "ngu như bò", thì có lẽ là xúc phạm con bò nhiều hơn.

 

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Thú y 2015 quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây :

 

Thứ nhất, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật. Mỗi loài động vật có những đặc tính, đặc điểm riêng nên tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật phải thực hiện việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp những đặc điểm riêng biệt đó nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo điều kiện tốt cho động vật phát triển ổn định.

 

Thứ hai, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

 

Trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học cần đề cao việc đối xử nhân đạo với động vật. Theo đó, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp làm giảm thiểu đau đớn, sợ hãi cho động vật, bảo đảm động vật không bị đói khát, không khó chịu cả về thể chất và tinh thần, không bị đau đớn – thương tật – bệnh tật, tự do thể hiện các hành vi theo bản năng, không sợ hãi và lo lắng.

 

Như vậy, hiểu theo nghĩa nào đó thì việc ví một chức sắc tôn giáo là "ngu như bò", rất có thể làm cho con bò được ví đó "khó chịu về tinh thần" như điều luật nêu trên của Luật Thú y.

 

Sở dĩ con bò có thể "khó chịu về tinh thần", vì ở đây lẽ thường tình nếu đã chọn là con của đấng Như Lai thì dẫu bị người đời miệt thị, lăng mạ, hạ nhục đến đâu chăng nữa thì các vị này cũng không hề buồn phiền, bực bội chút nào. Do vậy, nếu vì bị chê là "ngu như bò" để rồi người khoác áo tu hành đó lại sửng cồ lên, thì quả tình con bò sẽ chịu tiếng oan, và "khó chịu về tinh thần" như điều luật của Luật Thú y là dễ hiểu.

 

Theo cách hiểu của cách nói dân dã, thì ngu như bò là câu thành ngữ chỉ những người ngốc nghếch, ngờ nghệch, chậm chạp.

 

Tại sao lại nói là ngu như bò, thì có lẽ là do nhìn mặt con bò không được sáng sủa, nhanh nhẹn như những con vật khác, mà lúc nào cũng chậm chạp, và có thể do bò cũng rất hiền nữa, hiền quá thì cũng thường bị coi là ngu, bò không hung hăng như trâu, nên bò lúc nào cũng được xếp sau cùng trong các loài gia súc.

 

Và ngu như bò thì còn được nói là : ngu như bò đội nón, ngu như bò đội xoong, ngu như bò tót, tiếng Anh câu này nghe đâu thì có thể viết : "Dull as a cow, stupid as cattle".

 

Vậy thì nếu so sánh ông chức sắc tôn giáo cụ thể nào đó là "ngu như bò", thì có lẽ là xúc phạm con bò nhiều hơn.

 

Xin giải thích. Trước tiên ông chức sắc tôn giáo đó là một viện phó thường trực của Học viện Phật giáo Việt Nam. Ông chức sắc này còn là một CEO của công ty chuyên kinh doanh các vật phẩm, kinh kệ và nhiều thứ khác nữa ‘nhân danh tôn giáo’. Ông chức sắc đó còn là chủ một nguồn quỹ cũng gắn mác ‘nhân danh tôn giáo’.

 

Khi đăng đàn thuyết pháp, ông chức sắc này còn cho mình cái quyền "ta là số một" để sẵn sàng nói về nhiều tôn giáo khác theo hướng "đạo của ta là tối thượng" giống hệt như Điều 4 Hiến pháp về Đảng cộng sản vậy.

 

Với tất cả một số điểm kể trên của ông chức sắc tôn giáo đó, cho thấy ông không hề "chậm chạp", không hề "hiền quá" như người đời đánh giá về con bò ở thành ngữ "ngu như bò". Cái giống ở đây, có chăng là màu vàng của chiếc áo mà ông chức sắc tôn giáo hay mặc khi so với màu da của giống bò vàng.

 

Vậy thì nếu có một tòa án của gia súc, tin chắc con bò sẽ đệ đơn để thưa chuyện bị vu khống là so con bò ngang hàng với ông chức sắc như kể trên.

 

Huỳnh Liên

Nguồn : 22/07/2022

 

************************

 

Miệt thị trúng "ông sư" nên phải chịu tội

Cát Tường, VNTB, 22/07/2022

 

Ông sư Thích Nhật Từ đã nhờ công an can thiệp việc ông bị một người khác nói ông "ngu như bò".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52234143785_f5e1c1e0f0.jpg

Thượng tọa Thích Nhật Từ

 

Theo đơn thưa này của ông sư, cơ quan an ninh điều tra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã ‘củng cố hồ sơ’, và phiên tòa hình sự sơ thẩm đã diễn ra với người bị hại ở đây là ông sư Thích Nhật Từ.

 

Dư luận bày tỏ bất ngờ vì một nhà tu hành, một vị trụ trì chùa, đồng thời còn là một giảng sư của học viện tôn giáo lại đưa ra yêu cầu hình sự hóa cho việc ông bị miệt thị "ngu như bò" trong một clip phát trên youtuber.

 

Ông sư Thích Nhật Từ cũng có một kênh youtube cá nhân trên mạng xã hội – một cụm từ quá quen thuộc đối với đa số mọi người thời đại công nghệ số hiện nay. Mạng xã hội giúp kết nối các thành viên có một số đặc điểm chung, tương đồng trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.

 

Thực tế dư luận xã hội là đương nhiên hiện diện trong cuộc sống và khi mạng xã hội phát triển thì càng thúc đẩy dư luận xã hội lan truyền mạnh mẽ.

 

Thực tế, quyền bày tỏ ý kiến là quyền của công dân là quyền cơ bản, hiến định. Pháp luật cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định, thực hiện quyền nhưng không được lợi dụng, lạm dụng để xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước.

 

Với cách hiểu trên thì khi ông sư Thích Nhật Từ bị chê là "ngu như bò", thì theo luật, cần làm rõ ông sư này bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp gì ?

 

Khá lâu trước đây ở miền Tây từng xảy ra vụ một nông dân vì uất ức bị một ông quan cách mạng hiếp đáp về đất đai, đã buộc miệng chửi tục rất Nam bộ : "Đ.M. mày Năm Hoằng". Kết quả là ông nông dân này phải đi tù 7 tháng.

 

Từ ‘án lệ’ trên thì nay ông sư Thích Nhật Từ vì bị cho là "ngu như bò", nên ông cũng đi thưa là phải thôi. Thế nhưng điểm chung ở cả "Ông Nhật Từ ngu như bò" đến "Đ.M. mày Năm Hoằng" cho thấy đã chính trị hóa vấn đề, sau đó sử dụng điều luật hình sự để trả đũa người đã dám xách mé một ông sư cách mạng.

 

Thế nhưng cũng có một ‘án lệ’ khác về "ngu như bò".

 

Chiều 25/9/2016, hàng loạt phụ huynh có con học tại trường trung học cơ sở Ba Đình (Hà Nội) nhận tin nhắn từ đầu số sổ liên lạc điện tử của trường. Nội dung cụ thể của tin nhắn như sau : "THCS Ba Đình : Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa ?????".

 

Hơn 22g30, tức khoảng 7 tiếng sau khi tin nhắn truyền đi từ đầu số sổ liên lạc, Fanpage của trường THCS Ba Đình đăng lời giải thích : "Chiều 25/9, hệ thống sổ liên lạc điện tử của trường THCS Ba Đình bị hack, nhắn tin với nội dung xấu, gây hoang mang cho phụ huynh và ảnh hưởng đến nhà trường. Nhà trường mong quý phụ huynh, học sinh thông cảm và chia sẻ về sự việc ngoài ý muốn".

 

Sau khi nhận trình báo, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 – Hà Nội) khẩn trương truy xét, bắt giữ đối tượng gây ra vụ việc là Nguyễn Việt Cường.

 

Tại cơ quan công an, Cường khai nhận Cường từng là nhân viên của một công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử cho trường THCS Ba Đình nên có mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý. Tháng 3/2016, Cường nghỉ làm do mâu thuẫn với giám đốc.

 

Để công ty mất uy tín, ngày 25/9, Cường truy cập vào trang bảo mật của công ty, chọn trường THCS Ba Đình rồi xóa, làm xáo trộn hàng loạt dữ liệu. Cường vào phần quản lý tin nhắn và gửi nội dung có lời lẽ miệt thị gây sốc đến toàn bộ phụ huynh sử dụng sổ liên lạc điện tử của trường.

 

Nguyễn Việt Cường bị bắt giữ hình sự về tội xâm nhập trái phép mạng máy tính. Câu nhắn "ngu như bò" không được xem xét là yếu tố luận tội hình sự của Nguyễn Việt Cường.

 

Tin tức cho biết có khoảng 1.500 phụ huynh đã nhận tin nhắn "ngu như bò", nhưng không có phụ huynh nào giống như ông sư Thích Nhật Từ là thưa ra tòa để bỏ tù kẻ dám xách mé nhà tu "ngu như bò" (!?).

 

                                                       ***

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai/Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ nghị án vào lúc 17g40′ đến 18g30′ ra tuyên bản án khoảng hơn 20 trang kết tội 6 bị cáo phạm tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ…" theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015-2017 và phạt từng bị cáo theo mức án :

 

1. Cụ Lê Tùng Vân : 5 năm tù

2. Lê Thanh Hoàn Nguyên : 4 năm tù

3. Lê Thanh Nhất Nguyên : 4 năm tù

4. Lê Thanh Trùng Dương : 4 năm tù

5. Lê Thanh Nhị Nguyên : 3 năm 6 tháng tù

6. Bà Cao Thị Cúc : 3 năm tù.

 

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 22/07/2022

 

************************

 

Ác nào bằng ác tăng ?

Lâm Công Tử, SaigonnhoNews, 21/07/2022

 

Bây giờ thì tui đủ bằng chứng để nói lên suy nghĩ của mình : Thích Nhật Từ là một ác tăng !

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233670548_59c51f4a04.jpg

Thích Nhật Từ

 

Nói vậy vì mấy ngày nay thiên hạ bỏ hết mọi chuyện chính trị để theo dõi vụ án Tịnh thất Bồng Lai. Cái kết của nó cho thấy Thích Nhật Từ đã cấu kết với bộ máy công an tỉnh Long An để tống giam sáu người tu hành trong cái tịnh thất nhỏ bé do ông Lê Tùng Vân làm chủ. Cả sáu con người ấy đã chống chọi lại Thích Nhật Từ và cả một tập đoàn đứng sau nó, tuy không thành công, vì bản án vốn bị gài bẫy từ đầu, nhưng sự phản kháng của họ đã cho cả nước Việt Nam thấy khuôn mặt thật của cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Câu chuyện xảy ra giữa tòa đang được người ta bàn tán xôn xao về hai phát biểu, một của ông Lê Tùng Vân, bị cáo trong vụ án ; một của Âu Quang Phục, luật sư đại diện cho Thích Nhật Từ. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi ông Lê Tùng Vân, nay đã hơn 90 tuổi, "Lý do vì sao những người trong hộ Cao Thị Cúc mặc áo màu nâu mà bị cáo lại không đăng ký sinh hoạt tôn giáo ?", ông Lê Tùng Vân khẳng khái trả lời : "Không có đăng ký Giáo hội Phật giáo bởi vì Giáo hội Phật giáo đối với tôi là không xứng đáng. Xứng đáng thì tôi mới bái phục để cầu xin nghe, còn không xứng đáng thì biểu tôi nghe, ra lệnh tôi nghe, thì tôi không nghe".

 

Ông luật sư Âu Quang Phục cũng góp phần vào câu chuyện này khi lập luận rằng "Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao ?". Luật sư Phục đưa ra câu hỏi này như một "phản biện", bởi đơn tố cáo của ông Trần Ngọc Thảo, tức Thích Nhật Từ, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã nói "Thích Nhật Từ ngu như bò". Tức giận do bị so sánh với con bò nên Thích Nhật Từ làm đơn kiện, nói rằng mình bị xúc phạm danh dự cá nhân.

 

Hai phát biểu công khai tại tòa án chứng minh rằng Thích Nhật Từ là một ác tăng, mặc dù y ta không tà dâm, không giết người nhưng cung cách phạm tội của y ta qua những việc y làm, những lời y nói cũng như những kẻ do y chỉ đạo đã khiến xã hội băng hoại lại càng mục rữa, khiến cho đạo Phật ngày nay dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam trở thành nơi chứa chấp mọi thói hư tật xấu của một băng nhóm mượn Phật làm chiêu bài, dựa vào Phật để thỏa mãn dã tâm.

 

Thích Nhật Từ hiện là Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì tại chùa Giác Ngộ (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).

 

Với bao nhiêu chức vụ và vai trò đó, Thích Nhật Từ xứng đáng đại diện cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và cũng xứng đáng nhận lời xỉ vả của ông Lê Tùng Vân trước tòa.

 

Luật sư Âu Quang Phục không sáng tác câu nói "Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao ?" mà câu này có lẽ được Thích Nhật Từ mớm cho y trước khi tòa xử án. Logic của câu chuyện cho thấy Chúa không có vai trò gì trong vụ án này, mà "con bò Thích Nhật Từ" mới là vai chính, vậy tại sao Âu Quang Phục không mang hình ảnh ngu dốt của con bò ra để phản bác mà lại mang Chúa ra làm vật thế thân ?

 

Chỉ vì Thích Nhật Từ thù Chúa, thù đạo Công giáo. Qua rất nhiều bài thuyết pháp, y bài bác đạo Công giáo khi cho rằng 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam là do theo chân giặc Pháp, rằng Công giáo không giữ bổn phận công dân mà chỉ nghĩ đến việc bảo vệ Thiên quốc, và nói chung ai theo đạo Công giáo là xấu xa và… phản động !

 

Câu chuyện của Thiền Am hôm nay xuất phát từ ý muốn của ba người/tổ chức :

 

Thứ nhất là Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An ; thứ hai là Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trụ trì Chùa Giác Ngộ Thành phố Hồ Chí Minh ; và cuối cùng là cơ quan công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

 

Công an muốn xóa sổ Thiền am Bên bờ Vũ Trụ vì cơ sở này không đăng ký, không hợp tác và nhất là có ảnh hưởng lớn với dân chúng, từ khi nhóm năm chú tiểu của Thiền Am này thắng giải trên Đài Truyền hình quốc gia. Kênh YouTube của Thiền Am có tên "Đạo Pháp Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ" có đến 146.000 người theo dõi và thu hút 4,690.885 lượt xem. Các bình luận trên kênh này đều là những lời khen tặng, ái mộ, cảm ơn và góp ý.

 

Thích Minh Thiện muốn dẹp bỏ Thiền viện này vì lòng đố kỵ, sợ phong trào Thiền Am lan rộng sẽ mất ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo mà y đang nắm giữ tại Long An. Thế nhưng chính Thích Nhật Từ mới là kẻ chủ mưu từ những ngày đầu, với việc rắp tâm hãm hại thầy trò ông Lê Tùng Vân, vì đố kỵ, vì tranh giành ảnh hưởng, vì muốn triệt hạ một kênh YouTube đối thủ, vì lòng hám danh và cuối cùng vì ác tâm sẵn có.

 

Liên tục suốt ba năm, Thích Nhật Từ chủ mưu đánh phá Thiền Am khốc liệt, khi gán ghép tội ghê tởm là loạn luân và lừa đảo. Với hơn 20 kênh YouTube và Facebook của riêng mình, y ta tập họp được nhóm du côn mạng, kể cả Nguyễn Phương Hằng nay đã xộ khám, liên tục vu khống, chà đạp Thiền Am, chửi bới luôn cả nhưng ai không tin vào câu chuyện loạn luân. Thích Nhật Từ khen ngợi và đặt tên nhóm này là "YouTube chính nghĩa" còn y là "Chân tu", phía những người đối lập là bị tà kiến, mê muội, ngu đần.

 

Trên cái đất nước vốn đã mục rã đạo đức này, Thích Nhật Từ xuất hiện như một kẻ cầm đầu bọn ác tăng gieo hết ác nghiệp này đến ác nghiệp khác. Một khi ông ta phất cờ triệt phá ai thì đều có kế sách, chiến lược lẫn chiến thuật. Ai theo ông thì được ngợi khen, vuốt ve. Chẳng hạn Nguyễn Sin, một tay giang hồ đóng vai nghĩa hiệp.

 

Tháng Mười Hai 2019, Nguyễn Sin tung tin rằng có quan hệ loạn luân trong Thiền Am. Thích Nhật Từ dựa vào tin từ Nguyễn Sin bắt đầu phát tán việc loạn luân này trong hai buổi "thuyết pháp" trên YouTube. Có thể chính Thích Nhật Từ đã chỉ đạo cho Nguyễn Sin làm việc quăng miếng mồi ra cho Thích Nhật Từ có cơ hội câu con cá dư luận. Tháng Tám 2020, Đài truyền hình Long An và báo chí nhà nước tung tin "có nghi vấn" loạn luân trong Thiền Am, Thích Nhật Từ lại nói tiếp những điều áp đặt, nhưng đạo đức giả khi nói thêm rằng, "vì lý do nhân đạo, vì tương lai các cháu bé" nên nhà cầm quyền chưa công bố.

 

Bây giờ câu hỏi đặt ra là nhân vật này vốn ác trước khi gia nhập cái Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, hay cái ác nảy sinh khi ông giao tiếp với những thành phần trong cái tổ chức tôn giáo được sự chỉ đạo và thao túng của Đảng cộng sản này ? Tôi vẫn tin "đi với bụt mặc cáo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Con ma Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công khai căn cước của nó vậy thì Thích Nhật Từ phải mặc áo giấy là đúng thôi.

 

Cả thế giới đang lên án Putin khi y xâm lược Ukraine. Điều đó đúng vì hành vi Putin rõ ràng và công khai. Thích Nhật Từ chẳng… "xâm lược" ai cả. Y ta chỉ đánh phá. Putin bắn người còn Thích Nhật Từ giết đạo đức. Giết người bị lên án nhưng giết đạo đức khó thấy hơn. Sự nguy hiểm của Thích Nhật Từ nằm ở chỗ đó, và điều nguy hiểm nhất là y mượn áo Phật để phục vụ chế độ và phá tan nát Nhà Phật.

 

Lâm Công Tử

Nguồn : SaigonnhoNews, 21/27/2022

 

************************

 

Chuyện con bò trong tòa án

Tuấn Khanh, RFA, 21/07/2022

 

Trong phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai ngày 20/7/2022, luật sư Âu Quang Phục, người được gọi là bảo vệ cho bị hại Trần Ngọc Thảo tức ông Thích Nhật Từ, đã đặt một vấn đề với những người ở Tịnh Thất Bồng Lai, trước mặt phiên tòa, điều mà ai nấy đều phải ngỡ ngàng :

 

https://live.staticflickr.com/65535/52234143715_80be1354f8.jpg

Ông Thích Nhật Từ (bên trái) và năm người ở Tịnh thất Bồng Lai bị kết tội (bên phải) - RFA edit

 

"Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao ?".

 

Luật sư Phục đưa ra câu hỏi này, bởi đơn tố cáo vì cho là bị xúc phạm của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã phát biểu : "Thích Nhật Từ ngu như bò". Tức giận do bị so sánh với con bò nên ông Thích Nhật Từ đã làm đơn khởi kiện, nói bị xúc phạm danh dự cá nhân, nhất định hoàn toàn không thể là bò.

 

Thế nhưng câu hỏi được đặt ra mang tính đối chiếu của luật sư Phục khiến ai nấy ngỡ ngàng, thậm chí phải bật cười vì sự ấu trĩ - và phải nói rõ là ngu xuẩn về trình độ nhận thức - vì Chúa Giêsu dù được đặt ra ở bất kỳ vị trí nào cũng không hề liên quan gì với những người trong Tịnh Thất Bồng Lai.

 

Nhưng cần nhớ, câu hỏi kém cỏi của luật sư Phục cũng có thể đáng bị đặt vào tình trạng bị khởi tố theo Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điểm C "Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội".

 

Chuyện cố ý đưa Đức Chúa Giêsu vào trong nội dung này chính là mang tính xúc phạm vô cớ, vì nhân vật Chúa Giêsu không liên quan đến vụ án, và không thể hiện bất kỳ sự suy luận kiến giải nào về việc so sánh ông Thích Nhật Từ ngu như bò, ngoại trừ khi ông Thích Nhật Từ tự coi mình ngang hàng với Chúa, và đặc biệt là hoàn toàn khác con bò.

 

Cần nói rõ là nội dung quyết định ở đây, đang được cân phân giữa ông Thích Nhật Từ và con bò, là hai thực thể rất rõ ràng.

 

Vấn đề là phía bị hại cần phải xác định rằng con bò có những điểm xấu như thế nào mà người ta so sánh với mình khiến mình cảm thấy bị xúc phạm, kể cả chuyện "ngu" ở mức nào là được so sánh với con bò.

 

Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, việc so sánh một con người với một con vật đó là chuyện thường tình mang đầy tính văn hóa dân gian vẫn diễn ra trong xã hội, ví dụ người ta vẫn so sánh "Anh A làm việc chăm chỉ như một con ong" hoặc "Anh B suốt cuộc đời cặm cụi như một con kiến", hoặc "Hắn làm việc như con trâu". Sự kiện ông Thích Nhật Từ tức giận đâm đơn kiện, có thể coi là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử tòa án Việt Nam về việc bất đồng so sánh với thú vật.

 

Trở lại câu hỏi rất "bò" của luật sư Âu Quang Phục, chắc chắn sẽ không ai ở phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai buồn nghĩ gì cả, vì câu chuyện này không liên quan với vụ án. Hơn nữa, câu hỏi này đầy tính khiêu khích, thể hiện chủ trương thù hằn tôn giáo.

 

Ông Trần Ngọc Thảo, tức Thích Nhật Từ, trong các bài giảng của mình cũng đã có rất nhiều lần vô cớ công kích Chúa Giêsu và nội dung của tín ngưỡng Công giáo. Thế nhưng phía Công giáo Việt Nam đã đối xử với ông không khác gì người lớn thấu hiểu, nhìn thấy đứa con nít cứ chòi chọc bám đít tìm cách gây khó. Vì vậy không loại trừ là luật sư của ông Thảo cũng đã được hướng dẫn cách trình bày quan điểm so sánh tín ngưỡng như vậy ở phiên tòa này - dĩ nhiên trình bày kiểu như vậy thì rất "bò".

 

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 21/07/2022

 

************************

 

Quan tòa ở Long An : chiếc áo phải làm nên thầy tu

Liên Trì, VNTB, 21/07/2022

 

Khi chủ tọa hỏi lý do vì sao gần 30 người đến sinh sống mà bị cáo cho là đệ tử, mặc áo nâu mà bị cáo không đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương, bị cáo Vân cho rằng ông không theo đạo Phật theo cách hiểu của tòa. Khi chủ tọa hỏi tiếp lý do vì sao trong gia đình có nhiều tượng Phật, vậy có theo Phật hay không…

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233665096_cf1426e034.jpg

Những thành viên của Tịnh thất Bồng Lai/Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ tại phiên tòa ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hôm 20/7/2022

 

Theo cách hiểu khá đơn giản của vị chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án "Tịnh thất Bồng Lai/Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ", thì đã mặc áo nâu sòng, nhà thờ nhiều tượng Phật, thì những người ở nơi có treo bảng "Tịnh thất Bồng Lai", và về sau là "Thiền An Bên Bờ Vũ Trụ" đó, được mặc định theo đạo Phật.

 

Để sinh hoạt theo nghi thức nhà Phật, các người dân ấy ở "Tịnh thất Bồng Lai/Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ" ấy bắt buộc phải đăng ký tham gia vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và chỉ được quyền thực hiện các nghi thức Phật giáo khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

 

Chuyện cổ Phật giáo kể rằng ở thành Xá Vệ có một người phụ nữ quét rác, dọn đường rất chăm chỉ nhưng vì tính chất công việc nên người bà thường dơ bẩn, không ai muốn đứng cạnh bà. Thường thì người ta tỏ vẻ khó chịu, bịt mũi rồi tránh xa khiến bà rất buồn.

 

May mắn thay Đức Phật vẫn có thiện cảm đối với người phụ nữ này, còn khuyến khích bà đến nghe Pháp, thường xuyên khuyến khích bà nỗ lực hơn trong cuộc sống. Một số người bắt đầu xì xào vì cách cư xử này của Ngài với người quét rác, họ không đồng tình và cho rằng người phụ nữ không xứng đáng với điều đó.

 

Thậm chí, có người tìm tới Đức Phật để bày tỏ sự phẫn nộ :

– Tại sao chúng tôi tôn kính Ngài đến vậy mà Ngài lại nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu. Trong khi đó Ngài thường thuyết pháp những lời thanh sạch, dạy mọi người phải làm được hành vi thanh tịnh ?

 

Đức Phật sau khi nghe xong và nghiệm nghị đáp lời :

– Người phụ nữ đó làm việc chăm chỉ với mục đích giữ gìn sạch sẽ cho thành Xá vệ nên có thể nói, cống hiến của bà ta đối với xã hội cực kỳ lớn. Không những thế bà lại khiêm nhường, ham học hỏi, tại sao mọi người lại có ý nghĩ đó chứ ?

 

Ngài vừa ngừng lời thì cùng lúc đó người phụ nữ nọ đã tắm rửa sạch sẽ, lại thay một bộ y phục sạch sẽ, rạng rỡ tiến đến diện kiến mọi người.

 

Đức Phật tiếp lời :

– Mọi người tự nhận mình sạch sẽ, nhưng thể hiện lại kiêu ngạo vô lễ, tâm trí dơ bẩn. Hãy ghi nhớ, bẩn thỉu bên ngoài có thể dễ dàng tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn, đó mới là điều khó thay đổi".

 

Những người này nghe xong cảm giác hổ thẹn, từ đó về sau không dám cười nhạo người khác như thế nữa.

 

Từ câu chuyện trên nên về sau có thành ngữ "chiếc áo không làm nên thầy tu" không rõ muốn đề cập đến tôn giáo nào. Chỉ biết, vì thế, hãy luôn nhìn vào bản chất vấn đề, bản chất một con người và nên dừng lại khi ai đó bắt đầu muốn nhận xét về ông này thế này, bà kia thế kia… hãy tập dừng những suy nghĩ, những lời nói tương tự như thế lại.

 

Những thuyết giảng quen thuộc ở trên như một luân lý giáo khoa thư. Và theo cách hiểu ấy cho thấy những người dân chọn áo nâu sòng, thờ phượng tượng Phật, thực hiện các nghi thức theo Phật giáo…, đó là một quyền hiến định về tự do bày tỏ sự tín ngưỡng, tự do về niềm tin tôn giáo, bao gồm cả tôn giáo nội sinh rất phổ biến ở miền Nam, không thể bắt buộc họ chỉ được phép làm những công việc đó khi họ đã đăng ký và được sự chấp nhận là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Xin được nói thêm, ngay cả một người không chỉ mặc áo thầy tu, mà còn thêm cả là chức sắc tôn giáo, là trụ trì ngôi chùa được đăng ký theo đúng các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thế nhưng khi người ấy đứng đơn thưa vì cho rằng bị xúc phạm khi so sánh "đức hạnh tu hành" chưa bằng… con bò, thì xem chừng người ấy cũng chỉ là vẻ ngoài khoác áo thầy tu mà thôi.

 

Bởi trong một giảng Pháp có nội dung tóm tắt vầy : Sau khi đã xuất gia, bạn phải xem hạnh nhẫn nhục là cao nhất, là số một. Những kẻ nói xấu, chửi bới, chê bai, phê bình bạn, đều là những kẻ chỉ đường cho bạn. Không có họ, bạn chẳng thể tiến bộ, chẳng thể thành tựu…

 

Liên Trì

Nguồn : VNTB, 21/07/2022

 

************************

 

Tịnh thất Bồng Lai : Các thành viên bị kết án tổng cộng hơn 23 năm tù

RFA, 21/07/2022

 

Sau hai ngày xét xử, hôm 21 tháng 7, các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đã bị Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tuyên có tội và phải nhận mức án tổng cộng là hơn 23 năm tù.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233937099_7862fd585c.jpg

Các bị cáo là thành viên của Tinh thất Bồng lai tại phiên tòa ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hôm 20/7/2022 - PLO

 

Cụ thể, mức án mà sáu thành viên của cơ sở tu tại gia này phải nhận gồm năm năm tù đối với ông Lê Tùng Vân, ba năm đối với bà Cao Thị Cúc, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên nhận mức án bốn năm, ông Lê Thanh Nhất Nguyên chịu bản án bốn năm, ông Lê Thanh Trùng Dương bốn năm, và Lê Thanh Nhị Nguyên 3,5 năm.

 

Cả sáu người trên đều bị buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2, điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 

Một trong những bằng chứng mà phía Viện kiểm sát dùng để buộc tội các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đó là các video được đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có một video chứa nội dung phản bác ông Thích Nhật Từ, một tu sĩ thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.  

Cũng chính vì video trên mà ông Thích Nhật Từ đã kiện Tịnh thất Bồng Lai là xúc phạm cá nhân ông nói riêng, và xúc phạm Phật Giáo nói chung.  

 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc những người thuộc Tịnh thất Bồng Lai cầm đầu bởi ông Lê Tùng Vân đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).

 

Trả lời phỏng vấn của đài RFA, hòa thượng Thích Không Tánh, thành viên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết quan điểm của ông trước việc một tu sĩ Phật giáo tham gia kiện tụng và đẩy người khác vào tù vì lời nói của họ :

 

"Căn bản Đức Phật dạy rằng mình là người tu sĩ, người Phật tử không có nên tố cáo ai hết, cũng không nên kiện tung ai. Trong Phật Giáo thì mình chỉ nên dạy pháp giác ngộ, hay nói lên cái chân lý cho chúng sinh. Chứ mình không tố cáo hay lên án thế nọ thế kia.  

 

Nhất là bây giờ đây lại là một cái người tu hành khác, mà mình lại nhân danh nhà tu hành để kiện nhà tu hành khác, là cái việc không thể có trong Phật Giáo".

 

Vị hòa thượng này cũng cho rằng sở dĩ ông Thích Nhật Từ muốn đẩy các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai vào tù, vì cơ sở tu tại gia này không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, thông qua Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.  

 

Với việc phía cơ quan công tố sử dụng những lời nói của các bị cáo trên mạng xã hội để làm chứng cứ buộc tội, một luật sư nhân quyền ẩn danh (không liên quan đến vụ án) từ Việt Nam cho biết đây là vụ án mang động cơ chính trị, và chà đạp lên quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do tông giáo của công dân.

 

"Bản án này đối với tôi không hề bất ngờ. Bởi vì bản chất của vụ án này là án mang tính chính trị. Ngay từ ban đầu khi nhắm tới Thiền Am thì truyền thông Nhà nước đã có chủ ý cung cấp thông tin để hạ thấp uy tín danh dự của Thiền Am bằng cách vu khống họ có hành vi loạn luân, lừa đảo nhằm trục lợi trong khi luật báo chí quy định rõ báo chí không được quy kết tội danh thay cho Tòa án.

 

Tới khi khởi tố vụ án người ta lại khởi tố theo tội lợi dụng quyền tự do dân chủ không liên quan tới những quy kết trước đây mà báo chí đăng tải, như vậy việc đưa tin một chiều như vậy rõ ràng là có chủ ý.

 

Những gì nhóm thiền Am phản ánh về cơ quan công an thì đó là quyền tự do của họ, họ có quyền chỉ trích, trách mắng chính quyền vì chính quyền xét cho cùng là cơ quan phục vụ người dân, cán bộ công chức rốt cuộc cũng là người được hưởng lương từ nguồn thuế của dân đóng góp nên nếu làm sai, làm chưa đúng thì người dân có quyền phản ánh hoặc thậm chí trách mắng họ.

 

Nhà nước Việt Nam đang cho thấy họ không hiểu thế nào là tự do tôn giáo và họ đang thể hiện cho dư luận thấy rằng bất kỳ nhóm tu hành nào, nếu chính quyền không quản lý được thông qua cấp phép thì họ sẵn sàng đàn áp thẳng tay như đối với trường hợp của Thiền Am".

 

Phiên tòa xử những người thuộc Tịnh thất Bồng Lai bắt đầu từ ngày 20/7 và được mở cho công chúng theo dõi, livestream, một điều lạ gần như chưa từng xảy ra với các vụ xử những người bị cáo buộc theo các điều luật về an ninh quốc gia như Điều 331 và Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Đây là các điều luật thường được chính quyền Việt Nam dùng để buộc tội những người bất đồng chính kiến.

 

Nguồn : RFA, 21/07/2022

 

************************

 

Phiên tòa Tịnh thất Bồng Lai : Ba bị cáo tố bị công an bức cung, nhục hình để buộc nhận tội

RFA, 20/07/2022

 

Ba trong sáu người ở Tịnh thất Bồng Lai bị đem ra xét xử đều cho biết bị đe dọa hay bị tra tấn để phải đưa ra lời khai bất lợi cho bản thân trong giai đoạn điều tra.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233665066_14c72055f4.jpg

Các bị cáo là thành viên của Tịnh thất Bồng Lai tại phiên tòa ngày 20/7/2022 ở Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - SGGP

 

Hôm 20/7, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền am Bên bờ Vũ trụ) theo cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

 

Ông Lê Thanh Trùng Dương trước tòa phủ nhận việc tham gia sản xuất và đăng tải video trên mạng xã hội YouTube, nhưng Hội đồng Xét xử cho biết, trong cáo trạng, ông có nhiều lời khai thừa nhận tham gia vào hai hoạt động này.

 

Diễn biến phiên tòa được truyền đến màn hình chiếu đặt tại Trung tâm văn hóa huyện Đức Hòa và được các YouTuber trực tiếp trên mạng xã hội cho thấy, ông Trùng Dương khẳng định trong khi hỏi cung ông bị cán bộ điều tra ép nhận tội bằng cách dùng nhục hình. Ông nói :

 

"Trong lúc điều tra, tôi bị một cán bộ tên Phong ở huyện Đức Hòa đánh tôi ba bạt tai, và còng bàn tay tôi như tù nhân, xiết rất chặt làm máu không lưu thông.

 

Lúc đó tôi sắp xỉu cho nên lúc đó tôi xin với cán bộ đi vào phòng bên trong, và tôi bị cán bộ chấp pháp uy hiếp tôi cho nên mới có những lời khai trong bản khai không đúng sự thật".

 

Còn ông Lê Thanh Nhất Nguyên thì cho rằng, bị đánh trong giai đoạn điều tra : "Khi chưa có luật sư thì tôi bị đánh, còn khi có sự tham dự của các luật sư thì tôi không còn bị đánh nữa, do đó tôi yêu cầu phải điều tra lại toàn bộ sự việc".

 

Họ bị bắt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, trừ ông Lê Tùng Vân - được tại ngoại do tuổi cao (92 tuổi).

 

Người bị tạm giữ thứ sáu trong vụ án là ông Lê Thanh Nhị Nguyên cũng cáo buộc bản thân bị cơ quan điều tra đe dọa và đã dùng điện thoại ghi âm lại quá trình bị ép buộc, đe dọa này.

 

Một ông đại diện cho nhóm điều tra viên của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An bị Hội đồng xét xử chất vấn về các cáo buộc của ba bị cáo thì ông này cho rằng toàn bộ quá trình tố tụng, điều tra đều thực hiện khách quan, đúng pháp luật có ghi âm ghi hình lại.

Tuy nhiên đại diện điều tra viên lại đề nghị "bị cáo đưa ra tài liệu, chứng cứ" để thể hiện có sự việc dùng nhục hình.

 

Ngay lúc bắt đầu phiên xử, Luật sư Đặng Đình Mạnh đại diện nhóm luật sư bào chữa cho sáu bị cáo đề nghị đề nghị tạm dừng phiên tòa theo Điều 251 của Bộ luật Tố tụng Hình sự vì chứng cứ buộc tội giả mạo thu thập từ một kênh giả mạo, và hồ sơ vụ án bị làm sai lệch. Tuy nhiên, đề nghị của ông bị tòa bác bỏ, và cho phép tiếp tục phiên xử.

 

Bình luận về quyết định này của Tòa án huyện Đức Hòa, luật sư Hà Huy Sơn (người không có liên quan đến phiên tòa) nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :

 

"(Nếu - PV) chứng cứ để cáo buộc các bị cáo trong vụ án này là không hợp pháp thì theo tôi trong trường hợp này thì không bắt buộc phải hoãn phiên tòa.

Tại vì trong tố tụng hình sự cũng không có quy định bắt buộc việc xét xử phải kết tội bằng được các bị cáo.

Nếu các bị cáo cho rằng các chứng cứ không hợp pháp và họ không có hành vi phạm tội thì tòa phải đình chỉ vụ án trả tự do cho các bị cáo theo điều suy đoán vô tội mà Bộ luật Hình sự đã quy định".

 

VIDEO :

Tịnh Thất Bồng Lai: Tống một cụ ông 90 tuổi vào tù - điểm mới trong trấn áp nhân quyền ở Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=keVTHJrliWU

 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An nói nhóm bị cáo sống ở địa chỉ 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do ông Lê Tùng Vân làm chủ mưu đã có những hành vi vi phạm pháp luật.

 

Họ bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).

 

Chứng cứ được các cơ quan tố tụng đưa ra là năm video clip được đăng trên các kênh YouTube bị cho là do các bị cáo quản lý : bốn clip đăng trên tài khoản YouTube "5 chú tiểu - Thiền an bên bờ vũ trụ" và một clip có tiêu đề "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng lai sắp đổ máu. Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an" đăng trên tài khoản YouTube "Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official".

 

Trước khi phiên tòa được tiến hành vài ngày, nhóm luật sư bao gồm các ông Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh và Đào Kim Lân thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh có đơn kiến nghị khẩn cấp đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.

 

Trước phiên tòa, các luật sư đề nghị tòa án triệu tập gần 40 người có liên quan đến vụ án, trong đó có những người đã tố cáo sáu bị cáo. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, tòa án chỉ triệu tập thêm bốn người và ba người đã đến theo lệnh triệu tập.

 

Nguồn : RFA, 20/07/2022

 

**************************

 

Phiên tòa xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai "mở" đến bất ngờ

RFA, 20/07/2022

 

Phiên tòa xét xử sáu người thuộc nhóm tu tại gia có tên Tịnh thất Bồng Lai ở một tòa án ở tỉnh Long An hôm 20/7 được mở công khai cho công chúng theo dõi và livestream, một điều hiếm hoi có thể nói là gần như không bao giờ xảy ra đối với những người bị cáo buộc theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233670458_2123aaa38c.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, Long An, hôm 30/6/2022 - FB Trịnh Vĩnh Phúc

 

Điều 331 quy định các tội về "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Đây là một trong các điều khoản về an ninh quốc gia thường được chính quyền Việt Nam áp dụng đối với những người bất đồng chính kiến.

 

Quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam phải bỏ điều luật mà họ cho là mơ hồ này.

Tuy nhiên, chính vì việc thường chỉ được sử dụng trong các vụ án có yếu tố chính trị, cho nên việc chính quyền tỉnh Long An sử dụng Điều 331 để truy tố những người ở Tịnh thất Bồng Lai, đã dấy lên nhiều thắc mắc trong dư luận.

 

Có phải vì đây không phải một phiên tòa chính trị cho nên công chúng đã được tiếp cận phiên xét xử một cách dễ dàng hơn rất nhiều, so với các phiên tòa chính trị thường thấy ?

Trao đổi với Đài Á châu Tự do dưới điều kiện giấu tên, một luật sư có nhiều kinh nghiệm theo dõi các vụ án chính trị ở Việt Nam, cho biết các điểm khác biệt giữa phiên tòa hôm nay, với các phiên tòa chính trị điển hình :

 

"Ở phiên tòa này, người dân được theo dõi một cách công khai, dễ dàng giám sát, phát hiện những sai phạm (nếu có) của cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều này rất quan trọng, bởi vì như vậy thì thẩm phán phải thận trọng trong việc xét hỏi, đánh giá chứng cứ, tuyên án. Còn các bị cáo có cơ hội thể hiện sự oan khuất của mình trong vụ án, để người dân nắm rõ được những oan khuất mà bị cáo phải gánh chịu.

Nếu tận dụng tốt phiên tòa này các luật sư có thể chỉ ra các sai sót nghiêm trọng trong điều tra, truy tố trước Tòa. Luật sư cũng có thể chỉ rõ cho mọi người biết những điều bất hợp lý trong bản kết luận điều tra cáo trạng".

 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc sáu bị cáo do ông Lê Tùng Vân làm chủ mưu đã có những hành vi vi phạm pháp luật.

 

Cụ thể, họ bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).

 

Các luật sư đại diện cho các bị cáo đã phản bác cáo buộc này và cho rằng một video clip được sử dụng làm chứng cứ là giả tạo.

 

Đây là phiên tòa hiếm hoi được tổ chức phát sóng trực tiếp trên mạng internet, các phóng viên của các báo trong nước cũng được tham dự và cập nhật trực tiếp, một màn hình và hệ thống âm thanh cũng được bố trí ở một nhà văn hóa gần đó để người dân được theo dõi.

Thông thường, các phiên tòa có bị cáo bị cáo buộc theo Điều 331 về mặt nguyên tắc là được mở công khai, nhưng trên thực tế thì người dân rất khó tiếp cận, thậm chí đến cả người thân của bị cáo cũng khó tham dự.

 

Là một người từng bị truy tố và đưa ra xét xử theo điều 331, ông Chung Hoàng Chương ở Cần Thơ, cho Đài Á châu Tự do biết bản thân phải đấu tranh để vợ của ông được tham dự phiên tòa :

 

"Hôm xét xử thì cô thư ký tòa nói là có gửi thư tới nhà, nhưng tôi không thấy bà xã đến dự, sau đó tôi mới hỏi thì chị nói rằng không biết vì lý do tại sao nhưng thư thì đã gửi rồi. Tôi nói là đã cho số điện thoại của bà xã rồi mà tại sao không gọi, thì chị nói là thôi bây giờ cũng trễ rồi, nên tiến hành luôn chứ gọi thì không kịp. Thì tôi mới nói là nếu vậy thì tôi không tham gia phiên tòa vì nếu xử mà không có gia đình, bạn bè chứng kiến thì đâu có được".

 

Ông Chương cho biết sau khi cương quyết yêu cầu gọi người nhà tới tham dự phiên tòa thì phía tòa án đã đồng ý, nhưng cuối cùng cũng chỉ có vợ của ông là người duy nhất được chứng kiến.

 

Mặc dù phiên tòa xét xử các bị cáo của Tịnh thất Bồng Lai có nhiều điểm được luật sư cho là tích cực so với các phiên tòa chính trị, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phiên xét xử hôm nay không tồn tại những điểm tiêu cực.

 

Một trong số đó là thông tin riêng tư của các bị cáo không được bảo vệ. Vị luật sư giấu tên cho hay :

 

"Việc đời tư các bị cáo được đăng tải, livestream khiến cho thông tin cá nhân của họ không được bảo mật, rồi trở thành con mồi cho giới truyền thông. Tòa án là cơ quan xét xử, có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, việc để cho các YouTuber thoải mái livestream bình luận không khác gì tường thuật bóng đá làm người ta cho rằng tính chất cao cả của xét xử đã không được xem trọng".

 

Thêm nữa, vị luật sư này cũng cho rằng với môi trường báo chí ở Việt Nam, khi truyền thông nhà nước độc quyền việc đưa tin những sự việc như thế này, thì rất dễ dẫn đến tình trạng tuyên truyền, định hướng, dắt mũi dư luận. Và đôi khi là ảnh hưởng đến phán quyết của thẩm phán.

 

Nguồn : RFA, 20/07/2022

*********************

 

Một vị tu sĩ thích ‘cà khịa’ các tôn giáo khác

Nguyễn Nam, VNTB, 18/07/2022

 

Thượng tọa Thích Nhật Từ trong một số buổi thuyết pháp được phát trên kênh Youtube Đạo Phật Ngày Nay, còn đưa ra những phát ngôn mang tính khiêu khích tôn giáo khác.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233937059_6f557425dc.jpg

Ảnh ghép Thích Nhật Từ và ông Lê Tùng Vân

 

Ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, kể rằng ông có nhận được 2 nội dung ghi âm trong chương trình Pháp âm của diễn giả được giới thiệu là Thượng tọa Thích Nhật Từ trên kênh Youtube Đạo Phật Ngày Nay. Hai nội dung này, theo ông Lê Quang Hiển, là xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Xin được trích ý kiến về vấn đề nêu trên của ông Lê Quang Hiển. Biên tập viên Nguyễn Nam của trang Việt Nam Thời Báo thực hiện với sự hỗ trợ của một nhà báo hiện sinh sống tại Sài Gòn.

 

"Ngày 25/2 nhuần năm Đinh Hợi là ngày đau buồn nhất, với niềm thương nhớ khôn nguôi của hơn 9 triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chính Ban Trị sự Trung ương Phật Giáo Hòa Hảo tại An Hòa Tự cũng đã hủy bỏ ngày lễ này trong Hiến Chương vì không muốn khơi lại chuyện đau thương của dân tộc, không muốn khơi lại hận thù giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Thế mà trong video clip Thượng tọa Thích Nhật Từ tán phát trên youtube nói rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã qua đời ? Trong khi nhà nước này thông qua Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo tại An Hòa Tự đã hủy bỏ ngày lễ này, không muốn khơi lại quá khứ đau buồn. Vậy Thượng tọa Thích Nhật Từ biết gì qua vụ án này ? Chắc có lẽ Thượng tọa Thích Nhật Từ muốn nói rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã qua đời từ đêm hôm ấy bởi Việt Minh Cộng Sản ?!

 

Đây là một việc làm gây xáo trộn xã hội, gây mất tình đoàn kết dân tộc, khơi lại dĩ vãng đau thương, như vậy Thượng tọa Thích Nhật Từ muốn gì ở vấn đề này ? Có ẩn ý gì bên trong ? Muốn Phật Giáo Hòa Hảo và Việt minh cộng sản xung đột chăng ?

 

Cần phải làm rõ vấn đề và qua sự việc này chứng tỏ Thượng tọa Thích Nhật Từ đã vi phạm luật pháp hiện hành một cách nghiêm trọng, gây hận thù và mất tình đoàn kết dân tộc.

Trước năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa và sau này, từ năm 1999, Phật Giáo Hòa Hảo đã được nhà nước công nhận, có tư cách pháp nhân, là một trong những tôn giáo lớn tại Việt Nam. Phật Giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân trước khi Thượng tọa Thích Nhật Từ ra đời, vậy tại sao Thượng tọa Thích Nhật Từ lại nói Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tôn giáo ?

 

Năm 1999, nhà nước hiện tại thông qua Ban Tôn Giáo đã công nhận Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo, có tư cách pháp nhân như Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Tin Lành… thế thì Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tôn giáo, chỉ là môt giáo phái của Phật Giáo Việt Nam mà thôi. Qua lời nói của Thượng tọa Thích Nhật Từ như vậy, cho thấy nhà nước này, Ban Tôn Giáo này thiếu hiểu biết hơn Thích Nhật Từ nên mới có quyết định công nhận như vậy ?

 

Đây cũng là một hành vi dấu hiệu vi phạm luật pháp của Thượng tọa Thích Nhật Từ, dung mạng xã hội để hạ thấp giá trị của một nền đạo có hơn 9 triệu tín đồ, xuyên tạc quyết định của nhà nước, của Ban Tôn Giáo".

 

(dừng trích ý kiến)

 

Theo tìm hiểu của biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo, thì Thượng tọa Thích Nhật Từ trong một số buổi thuyết pháp được phát trên kênh Youtube Đạo Phật Ngày Nay, còn đưa ra những phát ngôn mang tính khiêu khích tôn giáo khác.

 

Trong clip có tên "Ngụy biện của ngoại đạo chống phá đạo Phật" (https://www.youtube.com/watch?v=tsMKjkGUmSE), Thượng tọa Thích Nhật Từ viện dẫn các cuộc xung đột nội bộ giữa các vương quốc Công giáo và quyền lực chính trị, để cho rằng cũng đang có một "Thập tự chinh" tương tự đang chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong clip này, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rằng chính Đức Giáo Hoàng ra lệnh tiêu diệt những người theo tín ngưỡng Hồi giáo.

 

Một clip khác có tên "Cảnh báo về hiện tượng đổi đạo các Phật tử" (https://www.youtube.com/watch ?v=-HJ4Vwk5O5g), theo đó nói rằng nữ diễn viên Mai Phương qua đời ở tuổi 35 vì ung thư phổi, mà theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, diễn viên này là một Phật tử thường hay đi chùa. Vào những ngày cuối đời, nữ diễn viên này đã bỏ Phật giáo và theo Tin lành.

 

Tự do ngôn luận là một quyền hiến định, và quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng cũng là quyền hiến định. Do vậy cần thiết có những nhắc nhở từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho đến cơ quan an ninh tôn giáo đối với Thượng tọa Thích Nhật Từ về những phát ngôn khi đăng đàn thuyết pháp.

 

Nguyễn Nam (ghi)

Nguồn : VNTB, 18/07/2022

 

*********************

 

Thiệt hại tinh thần của "bị hại" Trần Ngọc Thảo trong vụ án "Tịnh thất Bồng Lai" ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 17/07/2022

 

Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về bị hại thì "Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52233670443_5de0f463cb.jpg

Là tu sĩ Phật giáo, một khi đã "tứ đại giai không" thì có lẽ tu sĩ Thích Nhật Từ -Trần Ngọc Thảo khi "bị hại", chủ yếu sẽ là "tinh thần".

 

Ông Trần Ngọc Thảo, tu sĩ Phật giáo, pháp danh Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh được cho là "bị hại" trong vụ án được quen gọi là "Tịnh thất Bồng Lai", hay "Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ".

 

Động cơ nào để làm hại một tu sĩ Phật giáo

 

Theo như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị hại có các đặc điểm sau đây : Thứ nhất, về chủ thể bị hại bao gồm là cá nhân, pháp nhân, tổ chức ; Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra được phân chia bao gồm : Cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp ;

 

Thứ ba, thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho bị hại. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn dân sự hay các đương sự khác trong vụ án hình sự ; Thứ tư, công dân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.

 

Trong vụ án "Tịnh thất Bồng Lai", cáo trạng cho biết chỉ có một bị hại là cá nhân trực tiếp là ông Trần Ngọc Thảo, một tu sĩ được tôn xưng Thượng tọa, trụ trì chùa Giác Ngộ.

 

Hồ sơ vụ án cho biết, vào ngày 24/11/2021, ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Phật giáo Quốc tế và trụ trì chùa Giác Ngộ, làm đơn tố giác ông Lê Tùng Vân và Hoàn Nguyên vì có lời nói xúc phạm cá nhân ông Thảo.

 

Theo tố cáo của ông Thảo, nội dung nhiều video, clip do ông Vân và Hoàn Nguyên mang nội dung "báng bổ Đức Phật" và các hành vi về dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 

Ngay sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm của ông Thảo, ngày 14/12/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tổ chức lập biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm từ ông Thảo.

 

Đến ngày 25/11/2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, mà đại diện là Hòa thượng Thích Minh Thiện (thế danh Trương Ngọc Toàn), Trưởng Ban trị sự đã có văn bản về việc tố cáo những sai phạm tại hộ bà Cao Thị Cúc về dấu hiệu hành vi "Lừa đảo – xúc phạm Phật giáo và trục lợi phi pháp". Ngày 20/12/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lập biên bản tiếp nhận tiếp nhận nguồn tin này.

 

Thiệt hại cụ thể trong tư cách bị hại của tu sĩ Thích Nhật Từ ?

 

Như vậy ở đây rõ ràng là chỉ xác định được mỗi cá nhân ông Trần Ngọc Thảo là "bị hại trực tiếp", và là một tu sĩ Phật giáo tứ đại giai không, nên về nguyên tắc, ông Thảo không có thiệt hại vật chất. Vậy thì cụ thể thiệt hại tinh thần ở đây của tu sĩ Thích Nhật Từ là gì nếu vẫn hiểu theo "tứ đại giai không" của Phật giáo ?

 

"Tứ đại giai không" hiểu theo nghĩa dân dã, thì đó là : "Chúng sanh thường chấp sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối. Ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta".

Nếu hiểu theo nghĩa hết sức dung dị đó, cho thấy về nguyên tắc thì tu sĩ được tôn xưng Thượng tọa Thích Nhật Từ, không bị thiệt hại vật chất lẫn tinh thần trong vụ án "Tịnh thất Bồng Lai".

 

Có lẽ lựa chọn khôn ngoan nhất lúc này là bị hại Trần Ngọc Thảo/Thích Nhật Từ và đại diện của vị tu sĩ chức sắc có phẩm trật này cần thiết sử dụng quyền rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa.

 

Cụ thể hơn, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể việc rút yêu cầu khởi tố phải "trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm" nữa, nhưng không có nghĩa người yêu cầu khởi tố rút bất cứ giai đoạn nào cũng dẫn đến đình chỉ, mà chỉ rút trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm mới dẫn đến đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.

 

Nghiên cứu các điều luật liên quan đến đình chỉ vụ án thấy tại các Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự về đình chỉ điều tra ; Điều 248 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố và Điều 282 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thì đều có căn cứ đình chỉ theo quy định tại "khoản 2 Điều 155". Như vậy, có thể thấy nếu người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ.

 

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 17/07/2022





No comments:

Post a Comment