Friday, April 1, 2022

KHOẢNG CÁCH QUYỀN LỰC (Saadi Salama)

 



Khoảng cách quyền lực    

Saadi Salama

Nhà ngoại giao

Thứ sáu, 1/4/2022, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/khoang-cach-quyen-luc-4445994.html

 

Tôi bị trật khớp vai ba tháng trước. Vết thương đang liền, nhưng cánh tay vẫn đau nhức chưa khỏi hẳn.

 

Tôi phải gặp nhiều bác sĩ để hỏi cách giảm đau. Họ, dù trong cùng một khoa, gợi ý nhiều phương pháp chữa trị khác nhau. Một số người chia sẻ với tôi, họ có quan điểm hơi khác với cấp trên, nhưng ngại bày tỏ ý kiến công khai khi hội chẩn. Vì tôi hỏi, nên họ trao đổi riêng để tôi tùy ý tham khảo.

 

Chuyện cấp dưới không dám có ý kiến khác với cấp trên khá phổ biến ở một quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Khổng như Việt Nam. Tôi không ít lần vấp phải điều này khi làm việc với các cơ quan nhà nước ở đây. Khi tôi có một đề xuất hợp tác hay sáng kiến với phía Việt Nam, tôi thường trao đổi với một số nhân viên cấp dưới trong các bộ ngành trước, để đánh giá tính khả thi, và đề nghị họ đề đạt lên cấp trên. Nhiều người đánh giá cao, ủng hộ hoàn toàn và gợi ý chỉnh sửa sáng kiến của tôi để phù hợp hơn với thực tiễn. Nhưng họ hầu hết yêu cầu tôi phải viết công văn chính thức để họ đệ trình lên cấp cao. Họ không dám tự khẳng định rằng đây là sáng kiến mà họ cũng ủng hộ. Họ không dám quả quyết với lãnh đạo rằng đây là đề xuất nên được thực thi. Quả bóng "trách nhiệm" được đẩy lên cấp trên.

 

Tôi quan sát thấy trong các cơ quan nhà nước, cấp dưới thậm chí còn sợ trình bày vì ngại bị sếp thấy mình có nhiều sáng kiến quá, sợ bị nghĩ là vượt quyền. Một số người sợ bị coi là "thể hiện", có thể đe dọa vị trí của sếp. Nhiều nỗi sợ như vậy ngăn cản khả năng làm việc giản đơn và linh hoạt.

 

Vấn đề này liên quan tới khái niệm "khoảng cách quyền lực". Trong nhiều xã hội Đông Á, tôn ti trên dưới được đề cao. Người dưới có xu hướng tôn trọng, tôn kính người trên. Điều này có nhiều mặt tốt, nhưng cũng khiến nhân viên không dám "bất đồng" với những người quản lý của mình.

 

Khoảng cách quyền lực gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ tai nạn máy bay từng cao hơn tỷ lệ chung của thế giới. Khi nghiên cứu các đoạn thoại trong khoang lái ở những thời điểm máy bay nguy cấp, các nhà điều tra phát hiện ra sự dè dặt của cơ phó trong việc phản biện cơ trưởng. Trong khi cơ trưởng bị cuống và đang sai lầm, nếu cơ phó mạnh mẽ hơn, máy bay có thể đã được cứu. Nhưng khoảng cách quyền lực quá lớn ngăn cản điều này xảy ra.

 

Hàn Quốc sau đó yêu cầu chuyển đổi ngôn ngữ trong khoang lái. Phi công phải dùng tiếng Anh thay vì tiếng Hàn như cũ. Tiếng Anh chỉ có hai ngôi rõ ràng, tôi (I) và bạn (you), cũng như không có nhiều kính ngữ, để giảm bớt khoảng cách quyền lực giữa cơ phó và cơ trưởng. Sự thay đổi nhỏ này góp phần khiến cho Hàn Quốc hiện là quốc gia có mức độ an toàn bay cao nhất.

 

Tiếng Việt là ngôn ngữ thể hiện rõ trật tự quyền lực. Khi mới sang Việt Nam học tiếng Việt vào năm 1980, một buổi tối, tôi thường đi ra nhà ga, địa điểm duy nhất mở cửa 24/24h tại Hà Nội khi đó. Để thực tập tiếng Việt, tôi gặp nhiều người và hỏi cùng một câu: "Đây có phải là nhà ga không?". Người đứng tuổi đáp: "Ờ, nhà ga". Người cùng tuổi trả lời: "Phải, nhà ga". Người ít tuổi hơn nói: "Vâng, nhà ga". Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy tiếng Việt luôn có những cách thức để người cao hơn thể hiện mình là bề trên và người thấp hơn thể hiện sự nhún nhường.

 

Tôi, ở góc độ nào đó, rất thích văn hoá "có trên, có dưới" của Việt Nam, nơi người già được nhường nhịn và tôn trọng. Nhưng giữa công việc và chuyện tình cảm phải phân minh. Không phải cứ sếp là đúng và không phải cứ lớn tuổi hơn là đúng. Nhân viên luôn sợ bày tỏ quan điểm sẽ không tốt cho công việc chung.

 

Ở các công ty hay tổ chức nước ngoài, luôn có bộ phận riêng biệt về đạo đức và đường dây nóng để nhân viên báo cáo những sai lầm của cấp trên mà không sợ bị ai biết và trù dập. Việt Nam có thể cũng sẽ tiến tới có những bộ phận độc lập như vậy để kiểm soát những sai lầm do "khoảng cách quyền lực" tạo nên.

 

Nhân viên cũng phải được đào tạo hàng năm về văn hoá tranh luận, dám có ý kiến xây dựng, dám nêu ý tưởng. Nhiều lãnh đạo cấp trên rất cởi mở và không muốn áp đặt quyền lực, nhưng cấp dưới tự mình e ngại trước.

 

Đây cũng là nguyên nhân hạn chế rất nhiều sáng kiến từ cấp dưới. Khoảng cách quyền lực cũng là lý do khiến nhiều cơ quan đang làm việc máy móc.

 

Phương pháp chữa trị cánh tay bị đau của tôi chỉ là chuyện nhỏ. Khoảng cách quyền lực có thể gây những hậu quả lớn hơn. Thu hẹp khoảng cách trong tâm lý này là điều mỗi cá nhân và toàn bộ hệ thống có thể cùng nhau ý thức và thực hiện.

 

Saadi Salama





No comments:

Post a Comment