Tuesday, March 29, 2022

XÃ HỘI VIỆT NAM QUA SỰ KIỆN NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG (Jackhammer Nguyễn)

 



 

Xã hội Việt Nam qua sự kiện Nguyễn Phương Hằng

Jackhammer Nguyễn

29/03/2022

https://baotiengdan.com/2022/03/29/xa-hoi-viet-nam-qua-su-kien-nguyen-phuong-hang/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/03/1-28.jpg

Bà Nguyễn Phương Hằng bắt tạm giam hôm 24/3/2022. Nguồn: Báo Chính Phủ

 

Nhân vật nổi tiếng Nguyễn Phương Hằng bị bắt. Công an nói rằng, bà ta bị bắt theo điều 331 Bộ luật Hình sự của nước Việt Nam Cộng sản, “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Nhà chức trách chiếu điều luật này vào bà Hằng, nói rằng bà lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền và lợi ích của người khác.

 

Việc áp dụng điều 331 này đối với bà Hằng là một sự việc rất khôi hài trong việc áp dụng luật pháp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Từ trước tới nay, gần như 100% những người bị bắt, bị truy tố vì điều luật này, hay các điều luật tương tự nhưng có trước nó, là những người thuộc giới chỉ trích nhà nước, hay còn gọi là bất đồng chính kiến. Vì thế, mỗi khi nghe nói người nào đó bị bắt vì điều luật này, thường bộ phận công chúng “lề dân” tỏ ra thương cảm, vì làm gì có quyền tự do dân chủ ở Việt Nam mà lợi dụng!

 

Thế nhưng trường hợp bà Hằng lại khác, có thể là rất khác nữa. Khá đông người trong giới “lề dân” lại hoan hỉ chuyện này.

 

Bà Hằng xuất hiện trên sân khấu YouTube Việt Nam đúng một năm trước, từ tháng 3/2021, và trở thành một hiện tượng nóng, nhờ vào hai điểm:

 

Thứ nhất, bà công kích các nhân vật nổi tiếng, chủ yếu là giới văn nghệ sĩ và việc quyên góp làm từ thiện của họ. Bà công kích cả các cán bộ cộng sản cấp tỉnh, thành trở xuống. Một số nhận định cho rằng, bà đã “vượt lằn ranh đỏ” khi công kích ông Phan Văn Mãi, hiện là chủ tịch thành Hồ.

 

Thứ hai là văn phong của bà dùng để live stream. Đó là một loại ngôn ngữ bình dân của xã hội Việt Nam hiện nay, vừa kết hợp phương ngữ Nam bộ, cộng với những từ gốc Bắc, mà thường người ta chỉ dùng trong văn viết. Những từ gốc Bắc này có khi được dùng rất ngô nghê, nếu nhìn theo văn phạm, ngữ vựng tiếng Việt, nhưng nó lại là thứ ngôn ngữ “tấn công”, rất dữ dội, rất quan điểm, lập trường, có gốc gác từ cơ quan tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam. Loại ngôn ngữ “quan điểm, lập trường” mạnh mẽ này đã xâm nhập vào ngôn ngữ của mọi người Việt Nam, cả những người gốc miền Nam, sau gần nửa thế kỷ thống trị của Đảng.

 

Bà Hằng đã trở thành một hiện tượng trong truyền thông Việt Nam nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung. Bà đã từng thu hút một số lượng người xem kỷ lục, khi có đến nửa triệu người theo dõi live stream của bà.

 

Những người ở phía “lề dân” bị chia rẽ về bà Hằng. Một số người tức giận vì bà tấn công một nhóm dân sự có màu sắc tôn giáo là Tịnh Thất Bồng Lai. Các live stream ồn ào của bà dường như là để tạo tiền đề cho công an Việt Nam “ra án”, kết tội Tịnh Thất Bồng Lai. Cho tới nay vẫn không có bằng chứng gì về “tội lỗi” của Tịnh Thất Bồng Lai cả.

 

Nhưng cũng có những người ở bên “lề dân” không ưa Tịnh Thất Bồng Lai, và live stream của bà Hằng làm người ta củng cố sự không ưa đó.

 

Ngoài ra cũng có những người “lề dân” hoan hô bà Hằng vì họ “cảm thấy” bà ta chống lại Đảng Cộng sản.

 

Có thể thấy hiện tượng Nguyễn Phương Hằng là một sự chồng chéo rất thú vị của cấu trúc chính trị, đạo đức, văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Về chính trị: Bà Hằng là một doanh nhân và cũng là vợ của một doanh nhân. Cả hai người rất giàu có, có thể nói họ thuộc tầng lớp chính trị “tinh hoa” của xã hội Việt Nam hiện nay. Hai chữ “tinh hoa” mà tôi muốn nói ở đây, theo nghĩa có tiền của và quyền lực, chi phối xã hội, chứ không phải là những người có học. Do thuộc tầng lớp này, nên chắc chắn rằng vợ chồng bà có người nào đó ở đằng sau, đỡ đầu.

 

Vì thế, có khả năng rằng người đỡ đầu nào đó của bà Hằng không còn mạnh mẽ để bảo đảm cho bà nữa, nên bà mới rớt đài.

 

Xem những video live stream của bà Hằng, thấy các viên chức công an xuất hiện cùng với bà. Thật thú vị khi chính những người mặc các bộ đồng phục đó tiến hành việc bắt bớ và truy tố bà.

 

Về văn hóa: Có thể nói không ngoa rằng, bà Hằng chính là một Donald Trump của người Việt (cả ở hải ngoại) trong một năm qua. Cũng giống như Trump, bà Hằng chửi vung chửi vít, dùng những từ ngữ mà người ta không ngờ là có thể thoát ra từ miệng một người của công chúng. Kiểu phát ngôn này, có nội dung hay không, nó ngược hẳn với ngôn ngữ tuyên truyền của tuyên giáo trên các cơ quan báo chí truyền thông, dù chưa chắc rằng nó không mang tính … tuyên giáo.

 

Một số không ít người Việt hiện nay ưa thích cái kiểu phát ngôn của Donald Trump và Nguyễn Phương Hằng, vì nó thõa mãn một tâm lý sùng bái kẻ mạnh của họ, trong một không gian văn hóa vẫn còn ở những lũy tre làng, những pháo đài mà ở đó có những kẻ ngổ ngáo thống trị, dù kẻ đó là một viên bí thư chi bộ tham nhũng tới trời, hay một kẻ du thủ du thực trơ trẽn.

 

Đã có những vụ xô xát xảy ra khi các “fan” của bà Hằng hành hung những người chỉ trích bà ta.

 

Cũng về mặt văn hóa và xã hội, dù kém phát triển, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi một loại văn hóa mạng xã hội của thế giới. Trong loại văn hóa này người ta cảm thấy mình được tung hô, rồi đi đến ảo giác.

 

Có thể bà Hằng cũng thuộc nhóm người này khi bà bắt đầu live stream, nhưng bà không thể đi xa nếu bà không có một chỗ dựa chính trị trong vị thế tầng lớp tinh hoa của bà.

 

Và điều thú vị cuối cùng là, cách hành xử của nhà chức trách Việt Nam đối với bà Hằng. Tại sao nhà nước Việt Nam để bà Hằng “quậy” như thế trong suốt một năm dài?

 

Câu hỏi này cũng thường được đưa ra đối với những người bất đồng chính kiến, những người “lề dân”, tại sao người này bị bắt, người kia lại không.

 

Việt Nam là một quốc gia Đảng trị, chứ không phải là quốc gia pháp quyền. Luật pháp được đảng cầm quyền đặt ra rồi diễn dịch theo ý mình. Mà đảng cầm quyền cũng khá đa dạng, với các phe phái khác nhau, với các tầng nấc khác nhau, từ tổ dân phố cho đến bộ chính trị, cho nên cách hành xử của họ cũng khác nhau. Đôi khi quyết định được đưa ra chỉ là sự khó ở của một ông lãnh chúa địa phương nào đấy, chứ chưa chắc đã là một cái gì ghê gớm mang tính ý thức hệ.

 

Có người nêu quan điểm rằng bà Hằng bị Đảng Cộng sản Việt Nam vắt chanh bỏ vỏ, theo ý chủ quan của tôi thì không phải như vậy, mà là một kiểu phù thủy lụy âm binh, trong đó phù thủy và âm binh có thể đổi vai cho nhau.

 

Nhưng một điều chắc chắn, đó không phải là cách hành xử theo luật pháp!





No comments:

Post a Comment