Tình
báo yếu kém và tham vọng Đại Nga : Hai lý do đẩy Putin thành “đồ tể” ở Ukraina
Thu
Hà -
RFI
Đăng ngày: 31/03/2022 - 13:41
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu và tổng
tham mưu trưởng quân đội Nga Valeri Guerassimov ở đâu trong hai tuần lễ, trước
khi ông Choigu tái xuất trong một đoạn video ngắn phát sóng hôm 24/03 quay cảnh
ông Putin gặp Hội đồng An ninh Quốc gia. Hiện giờ, tình hình dường như rất căng
thẳng giữa tổng thống Vladimir Putin và các quan chức quân sự cấp cao của Nga.
Tiết lộ của tình báo Mỹ ngày 30/03/2022 khẳng định phần nào nghi vấn này.
Tổng thống Nga
Vladimir Putin (T) và bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (P) thăm một triển
lãm quân sự ở Matxcơva, Nga ngày 21/12/2021. AP - Mikhail Metzel
Tổng thống Putin không được các cố vấn cung cấp
thông tin đúng sự thật, khiến ông tự tin phát động “chiến dịch quân sự
đặc biệt”, trên thực tế là cuộc xâm lược Ukraina, để “phi phát xít
hóa, giải trừ vũ khí” nước láng giềng. Tuy nhiên, có hai lý do giải
thích cho những thông tin thiếu tin cậy chuyển lên ông chủ điện
Kremlin.
Cố vấn sợ nói thật
với ông Putin
Thứ nhất, theo phát biểu ngày 30/03 của bà
Kate Bedingfield, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, những thông tin chính
xác đã không được chuyến đến ông Putin và điều này cho thấy “đội ngũ cố
vấn chính của ông sợ nói cho ông biết sự thật”. Ngoài việc không được thông
tin đầy đủ về năng lực và thiệt hại của quân đội Nga ở Ukraina, ông Putin cũng
không nắm rõ việc “nền kinh tế Nga bị tê liệt vì các biện pháp trừng phạt” của
phương Tây.
Nỗi sợ này có thể được giải thích qua việc uy
quyền độc đoán được ông Putin xây dựng từ lâu. Cấp dưới của nguyên thủ Nga chỉ
thông báo cho ông những tin tốt để tránh làm phật lòng nhà lãnh đạo. Tính cách
độc tài này có thể thấy được phần nào trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp
ngày 22/02 của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Với giọng điệu coi thường, ông
Putin dồn dập hỏi và nhắc nhở giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Sergei Naryshkin “đừng
có vòng vo” ủng hộ hay không việc công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở
vùng Donbass Ukraina khiến nhân vật này lúng túng sợ hãi và ấp úng trả lời ủng
hộ.
Theo nhiều
chuyên gia phương Tây về Nga, hai năm “cố thủ” trong điện
Kremlin, chỉ gặp một vài người thân cận, để tránh dịch Covid-19 dường như cũng
khiến nguyên thủ Nga trở nên chuyên quyền hơn và củng cố thêm cho tham vọng tái
lập nước Đại Nga của ông. Ngoại trưởng Mỹ Antony
Blinken, được AP trích dẫn, so sánh chính quyền Nga hiện nay như một chế độ
chuyên quyền “nơi không một ai trong hệ thống đó nói sự thật hoặc có khả
năng nói sự thật cho nhà cầm quyền và tôi nghĩ đó là những gì chúng ta đang thấy
ở Nga”.
Cơ quan tình báo
hoạt động thiếu hiệu quả
Lý do thứ hai là cả ba cơ quan tình báo Nga hoạt
động kém hiệu quả ở Ukraina, dù có lực lượng đông đảo, đặc biệt từ năm
2014. Cơ quan Tình báo Quân đội GRU chịu trách nhiệm theo dõi tiềm lực quân sự
Ukraina và trong các vùng do quân Nga kiểm soát. Tổng cục An ninh Liên
bang FSB
phân tích sức kháng cự của xã hội Ukraina. Cơ quan Tình báo Liên bang SVR giúp điện
Kremlin “về chiều sâu chiến lược”.
Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày
30/03, giữa GRU, FBS và SVR không có sự phối hợp. Cả ba cơ quan này không hoàn
thành nhiệm vụ được cho là sống còn cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” với
hàng loạt thiếu sót trong việc tiếp nhận, phân tích thông tin : đánh giá
sai về quân đội, hiểu sai về xã hội Ukraina, được cho là sẽ nhanh chóng sụp đổ
và về năng lực của các chính trị gia thuộc đảng Nền tảng vì Cuộc sống, một đảng
đối lập thân Nga, về khả năng lập một chế độ thân Nga ở Kiev, đánh giá thấp phản
ứng của phương Tây…
Ngoài ra, theo một chuyên gia Pháp, “nói
sự thật với cấp trên, đó là chấp nhận rủi ro”, cho nên tất cả những
thông tin bất lợi trên thực địa, được cho là làm phật lòng cấp trên, sẽ không
được chuyển lên thượng tầng lãnh đạo. Nói tóm lại, theo đánh giá của Hoa Kỳ, “đó
là một thất bại cho tình báo” Nga và quyết định mà ông Putin đưa
ra “là một sai lầm chiến lược cho Nga”.
Tổng thống Putin có thể sẽ quy trách nhiệm việc
quân Nga sa lầy ở Ukraina cho những người khác. Nhưng tạm thời “ông
Putin chưa có thời gian thay đổi ngay lập tức” đội ngũ thân cận.
Phía chính quyền Mỹ, thông qua quyết định giải
mật thông tin tình báo, hy vọng ông Putin có thể sẽ xem xét lại chiến lược ở
Ukraina. Tuy nhiên, việc này cũng có nguy cơ cô lập thêm ông Putin, người hiện
theo đuổi tham vọng tìm lại hào quang của nước Nga, bị mất từ khi Liên Xô sụp đổ.
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Serguei
Choigu và Valeri Guerassimov, những thủ lĩnh chiến tranh của Vladimir Putin
Anh
Vũ -
RFI
Đăng ngày: 09/03/2022 - 18:19
Bộ trưởng Quốc
Phòng Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valeri Guerassimov từ đầu cuộc
xâm lược Ukraina luôn xuất hiện bên cạnh Vladimir Putin trong màn thông báo những
quyết định quan trọng. Vài nét về hai vị thủ lĩnh chiến tranh đang ở trung tâm
của cuộc chiến tại Ukraina.
Bộ trưởng Quốc
phòng Nga Serguei Choigu (P) và tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri
Guerassimov, ngồi nghe mệnh lệnh từ tổng thống Vladimir Putin ngày 08/02/2022,
tại Kremlin, Matxcơva, Nga. AP - Alexei Nikolsky
Bộ trưởng Quốc Phòng và tổng tham mưu trưởng
quân đội là hai nhân vật thân cận của tổng thống Nga, đã xuất hiện như vai phụ
để ông Putin ra lệnh, trên truyền hình hôm 28/02, đặt lực lượng răn đe hạt nhân
vào tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu.
Không có gì bất ngờ khi
Kremlin quyết định đưa hai ông Serguei Choigou và Valeri Guerassimov lên
mặt tiền sân khấu. Dưới mắt tổng thống Nga, hai ông tướng này là tác giả của
các chiến dịch thắng lợi sáp nhập Crimée năm 2014 và chiến lược quân sự tại
Syria cũng như hậu thuẫn lực lượng nổi dậy thân Nga ở Donbass.
Hai nhân vật này cũng được xem như là những
thành phần trung thành nhất trong số những người trung thành với Valdimir Putin
và dường như họ là một cặp đôi ăn ý với nhau. Thực tế cả hai ông tướng này đều
được bổ nhiệm vào vị trí hiện nay hồi năm 2012, chỉ cách nhau vài tuần.
Hai nhân vật trên tuyến đầu thực thi quyết tâm
của tổng thống Nga tại Ukraina này lại có hành trình sự nghiệp và lý lịch rất
khác nhau.
Serguei Choigu : « Con kỳ nhông hoàn hảo »
Serguei Choigu là một trong số hiếm hoi nhưng
quan chức chính quyền hàng đầu có nhiều ảnh hưởng thời tổng thống Boris Eltsin
cuối thập niên 1990 mà vẫn tồn tại và giữ nhiều ảnh hưởng dưới thời Vladimir
Putin.
Nhân vật cốt cán trong bộ máy chế độ Cộng sản
này bắt đầu sự nghiệp chính trị ở vào cuối thời kỳ Xô Viết, đến năm 2012 thì
lên làm bộ trưởng Quốc Phòng tuy chưa hề có kinh nghiệm quân sự nào. Đặc điểm
này không phải là hiếm dưới thời Vladimir Putin, người đã tính toán gạt nhiều
sĩ quan cao cấp quân đội ra khỏi vị trí này. Nhưng Serguei Choigu còn là người
không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực tình báo. Đây mới là điều hiếm thấy
trong số những người thân cận của Putin.
Phẩm chất nổi bật của ông chính là người « đầy
tớ của Nga hoàng và là người cha của các binh sĩ », như nhật báo Nga
Moscow Times đã miêu tả. Serguei Konvis, một chính trị gia ở Touva, Siberia, quê gốc của
Choigou, đã ví bộ trưởng Quốc Phòng này như là « một con kỳ nhông hoàn
hảo », có khả năng biến mình lựa theo ý của lãnh đạo.
Dưới thời Boris Eltsin, ông được biết đến ở vị
trí bộ trưởng Các tình trạng khẩn cấp. Bước sang thế kỷ 21, cơ quan này đã thực
sự trở thành một kiểu Nhà nước trong Nhà nước, quản lý hơn 350 nghìn nhân sự
trong đó có cả lực lượng cảnh sát riêng sẵn sàng triển khai ngay cả khi một đám
cháy nhỏ nhất nổ ra trên lãnh thổ Nga.
Là một bộ trưởng năng nổ, ông không ngần ngại
đến tận hiện trường các vụ tai nạn. Vì thế mà danh tiếng của ông nổi lên, đến mức
người ta gọi ông là thái tử của Boris Eltsin. Năm 2002, Vladimir Putin lên nắm
quyền. Serguei Choigu không tỏ vẻ gì bất mãn, ngay lập tức đặt mình phục vụ
nhân vật quyền lực mới của Kremlin.
Ông Choigu đã lãnh đạo đảng Nước Nga
Thống Nhất, theo ý đồ của Vladimir
Putin nhằm củng cố sự chi phối ảnh hưởng của tổng thống trên bàn cờ chính trị
Nga. Serguie Choigu đã nhiều lần mời Vladimir Putin đến nhà riêng ở Touva. Tại
đó ông tổ chức các buổi đi câu cá với tổng thống, đã được truyền thông đăng tải
rầm rộ.
Tuy nhiên ông không chỉ là một kẻ giỏi xu nịnh.
Serguei Choigu được mô tả như là người phụ trách của kế hoạch hiện đại hóa rộng
khắp quân đội Nga, theo nhận xét của nhật báo Anh The Guardian. Trên cương vị bộ
trưởng Quốc Phòng chính ông là người giám sát toàn bộ cơ quan tình báo quân sự
Nga GRU. Cơ quan này bị tình nghi đã tiến hành trong thập niên 2010 một loạt
các vụ ám sát tại châu Âu. Có thể kể trong đó vụ đầu độc cựu nhân viên tình báo
Serguei Skripal năm 2018 tại Salisburry (Anh).
Valeri Guerassimov và học thuyết quân sự được huyền thoại hóa
Người thực thi trực tiếp các chiến dịch quân sự
theo mệnh lệnh của tổng thống Nga trên chiến trường là tổng tham mưu trưởng các
lực lượng quân đội Valeri Guerassimov. Vai trò của ông tướng chỉ huy quân đội
Nga này vẫn được huyền thoại hóa.
Quân nhân chuyên nghiệp này sinh năm 1955 tại
Kazan, một trong những thành phố đông dân nhất nước Nga, chỉ sau Matxcơva. Ông
đã từng phục vụ trong binh chủng thiết giáp của Hồng quân trên lãnh thổ Liên Xô
cũ.
Valeri Guerassimov cũng đã từng là một
trong những tư lệnh quân đội ở vùng Bắc Kavkaz trong cuộc chiến tranh
Tchetchenia lần thứ 2 (1999-2009). Vào thời đó, ông được nhà báo nổi tiếng
Anna Politkovskaia, (người chỉ trích chính quyền Nga và đã bị ám sát năm
2006), ca ngợi. Nhà báo này từng viết về Valeri Guerassimov là một tấm gương
« của một người biết giữ danh dự quân nhân » trong cuộc chiến
tranh này. Chiến tích của ông là đã cho bắt và kết án một binh sĩ Nga đã
sát hại một thiếu nữ Tchetchenia trong xung đột này.
Bộ trưởng Quốc Phòng
Serguei Choigu nhận xét vị tướng này là một « quân nhân từ đầu đến
chân ». Từ 2012, Valeri Guerassimov là tổng tham mưu trưởng của quân đội
Nga. Ông là người tiến hành chiến dịch tại Crimée năm 2014, tại Syria và
giờ lại là Ukraina.
Nhưng tiếng tăm quốc tế của ông này vẫn chỉ là
dựa trên huyền thoại, hay nói chính xác hơn là sự hiểu lầm. Valeri
Guerassimov được cho là cha đẻ của học thuyết quân sự, trên thực tế không tồn tại
hoặc đã bị hiểu sai. Theo đó, ông là người có thể đã phát minh ra cuộc « chiến
tranh hỗn hợp » Nga, đó là cuộc chiến phối hợp giữa việc sử dụng vũ
khí quy ước với những phương pháp phi quân sự, như bóp méo thông tin hay tin tặc,
để chuẩn bị chiến trường cho binh lính.
Thậm chí người ta còn nói đến cả một « học
thuyết Guerassimov » để chỉ cách tiếp cận quân sự này. Có điều, người
sáng tác ra thuật ngữ « học thuyết Guerassimov " là
chuyên gia Anh về các vấn đề quân sự Nga Mark Galeotti, chính ông đã
không ít lần quả quyết rằng ở Nga không tồn tại một học thuyết chính thức như vậy
và rằng Valeri Guerassimov chẳng có gì là một nhà lý thuyết chiến tranh.
Tất cả bắt nguồn từ một diễn văn của tổng tham
mưu trưởng Nga hồi năm 2013, trong đó ông ta khẳng định «
biên giới giữa thời chiến và thời bình đã ngày càng trở nên mù mờ » và
rằng « các phương tiện phi quân sự để đạt được mục tiêu chiến lược
đã chiếm vị trí quan trọng ». Sau vụ sáp nhập Crimée bằng các cách phi
quân sự (tuyên truyền ủng hộ Nga ở Ukraina, gây sự cố để biện minh cho mục đích
chiến tranh) được áp dụng, thế là giới quan sát cảm thấy ông tướng Nga đã tiên
tri trong diễn văn trên.
Học thuyết Guerassimov và diễn văn của tổng
tham mưu trưởng Nga đã được Washington nghiên cứu rất kỹ lưỡng, theo nhật báo
Financial Times. Nhưng Valeri Guerassimov cho rằng cuộc chiến tranh hỗn hợp
chính là những gì Hoa Kỳ đã sử dụng để xúi giục các phong trào Mùa xuân Ả Rập
và Washington đang tìm cách áp dụng để chống chính quyền hiện nay của Matxcơva.
Ông tướng này không phải là một nhà tiên tri
và nhà chiến lược lớn mà phương Tây phải lo sợ. Nhưng, ý tưởng về học thuyết
chiến tranh hỗn hợp đã định hình trong các nhà phân tích ở Washington và toàn bộ
các tư vấn đều theo hướng học thuyết Guerassemov là một chi tiết chủ chốt
của « thuyết hỗn loạn », theo đó nước Nga đang tìm cách gieo rắc
« rối loạn trên thế giới », Michael Kofman, một trong những chuyên
gia lớn nhất của Mỹ về quân đội Nga nhấn mạnh.
Valeri Guerassimov và học thuyết huyền thoại của
ông là hiện thân cho sự trở lại của nước đại Nga hung hăng, « trong khi mà
có lẽ ông ta thậm chí đã không tự viết bài diễn văn chết tiệt nói trên »,
chuyên gia Mark Galeotti kết luận.
(Theo France24.com)
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Chiến
tranh Ukraina: Khả năng tác chiến của quân đội Nga có vấn đề ?
No comments:
Post a Comment