Wednesday, March 30, 2022

BA LAN NGƯNG NHẬP DẦU NGA, ĐỨC KÊU GỌI NGƯỜI DÂN HẠN CHẾ (Đàn Chim Việt)

 



Ba Lan ngưng nhập dầu Nga, Đức kêu gọi người dân hạn chế 

Đàn Chim Việt  (Tổng hợp AP và Reuters)

30/03/2022

http://www.danchimviet.info/ba-lan-ngung-nhap-dau-nga-duc-keu-goi-nguoi-dan-han-che/03/2022/25756/

 

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/03/277310837_517302223094173_5700395562342335254_n-696x392.jpeg

Thủ tướng Ba Lan (đứng giữa) đưa ra kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu Nga

 

Ba Lan đã công bố các biện pháp nhằm ngưng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm, trong khi Đức đưa ra cảnh báo về khí đốt và kêu gọi người dân tiết kiệm, những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.

 

Tình hình nhiên liệu tại Ba Lan

 

Ba Lan đã đi đầu Liên minh châu Âu khi nhanh chóng cắt bỏ sự phụ thuộc vào nguồn dầu của Nga. Trong lúc EU chưa có những biện pháp mạnh bạo vì còn dựa vào Moscow về nhiên liệu cần thiết cho ô tô, điện, hệ thống sưởi và công nghiệp, Ba Lan đã công bố các đề xuất để giảm dần các nguồn cung cấp đó.

 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Chúng tôi đang đưa ra kế hoạch cấp tiến nhất châu Âu để thoát khỏi dầu của Nga vào cuối năm nay.”

 

Hôm thứ Hai, Ba Lan cấm nhập khẩu than của Nga, dự kiến ​​kể từ tháng 5. Ông Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ thực hiện các bước để “độc lập” với nguồn cung cấp của Nga và kêu gọi các nước EU khác “hãy vẫy tay chào”. Ông lập luận rằng tiền trả cho dầu và khí đốt của Nga đang tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh.

 

EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng dầu và khí đốt nhập của Nga vào cuối năm nay và ngưng hẳn trước năm 2030. Tình hình này đã đẩy giá dầu và khí đốt vốn đã cao đối với châu Âu và những nơi khác.

 

EU đang chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo như một giải pháp lâu dài nhưng cũng đang vất vả đi tìm nguồn năng lượng thay thế, trong đó có một thỏa thuận mới với Hoa Kỳ để mua thêm khí hóa lỏng LNG, chở sang châu Âu  bằng tàu.

 

Ba Lan đang mở rộng một nhà ga để nhận LNG từ Qatar, Mỹ, Na Uy và các nước khác. Một đường ống mới đưa khí đốt từ Na Uy dự kiến ​​sẽ mở vào cuối năm nay. Ba Lan cũng ký thêm các hợp đồng với Ả Rập Xê-út, Mỹ và Na Uy và có thể Kazakhstan.

 

Tình hình nhiên liệu tại Đức

 

Nền kinh tế lớn nhất của EU và là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, 55% trong năm 2021 và 40% trong quý 1 của 2022. Đức đã ký kết các thỏa thuận với một số nhà cung cấp LNG, được vận chuyển đến các nước châu Âu láng giềng và sau đó được bơm vào Đức. Các quan chức nước này cho biết họ muốn ngưng sử dụng dầu và than của Nga trong năm nay và khí đốt vào giữa năm 2024.

 

Trong bối cảnh đó, Đức vẫn lo âu cho những tháng sắp tới. Hôm thứ Tư, Đức kêu gọi các công ty và hộ gia đình tiết kiệm nhiên liệu giữa lúc có lo ngại rằng Nga có thể cắt giao khí đốt nếu không được thanh toán bằng đồng rúp.

 

Hôm thứ Tư, một đại biểu quốc hội có thế lực của Nga cho biết Nga có thể mở rộng chuyện thanh toán bằng đồng rúp sang các mặt hàng khác như ngũ cốc, phân bón, than và kim loại, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu và Hoa Kỳ.

 

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết Đức đã chuẩn bị ba mức cảnh báo nếu Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt nhưng cảnh báo sẽ có “những tác động đáng kể”, ông kêu gọi người tiêu dùng giúp ngăn chặn sự thiếu hụt bằng cách bớt sử dụng.

 

“Chúng tôi đang ở trong tình huống mà tôi phải nói rằng chỉ tiết kiệm một kilowatt giờ năng lượng cũng đã gọi là khá,” Bộ trưởng Habeck nói.

 

Ở mức cảnh báo thứ hai, chính phủ Đức sẽ yêu cầu các công ty trong ngành khí đốt thực hiện các biện pháp cần thiết để điều tiết nguồn cung. Mức thứ ba có nghĩa là chính phủ sẽ can thiệp mạnh để bảo đảm những người cần khí đốt nhất – chẳng hạn như bệnh viện và các hộ gia đình – vẫn nhận được, bộ trưởng Habeck nói.

 

“Chúng tôi chưa tới mức đó và chúng tôi không muốn đến mức đó,” ông nói thêm.

 

Hiệp hội năng lượng của Đức đã ủng hộ động thái của chính phủ. Kerstin Andreae, Chủ tịch Hiệp hội nói: “Mặc dù vẫn chưa thiếu, nhưng tất cả những người liên quan cần có một lộ trình rõ ràng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn.

 

(Tổng hợp AP và Reuters)





No comments:

Post a Comment