Tuesday, March 22, 2022

TÍN HIỆU PHÁT ĐI TỪ VIỆC NGA DÙNG TÊN LỬA SIÊU THANH Ở UKRAINE (Hoàn Cầu Thời Báo)

 



Tín hiệu phát đi từ việc Nga dùng tên lửa siêu thanh ở Ukraine

Thời Báo Hoàn Cầu

Nguyễn Hải Hoành, bên dịch

22/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/22/tin-hieu-phat-di-tu-viec-nga-dung-ten-lua-sieu-thanh-o-ukraine/

 

Vì sao quân đội Nga trình diễn “vũ khí sát thương lớn” vào thời điểm này?

 

Ngày 20/3/2022 Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phóng tên lửa siêu thanh “Dao găm” và tên lửa hành trình “Kalibr” phá huỷ một căn cứ nhiên liệu quân sự lớn tại thành phố Nikolaev của Ukraine. Đây là lần thứ hai Nga sử dụng tên lửa “Dao găm” tại Ukraine. Các chuyên gia quân sự Nga nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, vũ khí siêu thanh được đưa vào thực tế chiến đấu.

 

Trước đó, ngày 18 Nga đã dùng loại tên lửa này phá huỷ một kho ngầm lớn chứa thuốc nổ tên lửa và bom máy bay của Ukraine. Phía Ukraine không phủ nhận bị tên lửa “Dao găm” đánh phá nhưng lên tiếng phê bình, cho rằng việc đó thể hiện quân đội Nga đã không thể dùng bộ binh để đạt mục tiêu chiến lược mà phải chuyển sang tăng cường dùng cách đánh bom các khu dân cư và dùng vũ khí chính xác cao nhằm làm tan rã ý chí kháng chiến của Ukraine.

 

Tên lửa siêu thanh là vũ khí sáng giá nhất trong kho vũ khí của Nga. Vì sao Nga chọn thời điểm này để phóng tên lửa “Dao Găm” bắn phá một kho đạn dược không có gì quan trọng nổi bật?

 

Ngày 20/3, một chuyên gia quân sự giấu tên đã trao đổi ý kiến với phóng viên Thời báo Hoàn Cầu. Ông cho biết, mục tiêu đánh phá của Nga hiện nay bắt đầu chuyển sang các cơ sở cung cấp và sửa chữa ở hậu phương quân đội Ukraine. Hành động nói trên nhằm làm suy yếu năng lực tác chiến lâu dài của quân đội Ukraine.

 

Hiện nay tên lửa “Dao Găm” chủ yếu được lắp trên máy bay chiến đấu hạng nặng MIG-21K có bán kính tác chiến trên 1.000 km, có thể công kích nhanh các mục tiêu trong phạm vi 2.000 km.

 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/03/kinzhal-hypersonic-missile-768x454.jpg

Tên lửa siêu thanh “Dao găm” và tên lửa hành trình “Kalibr”

 

Kho đạn dược bị đánh hôm 18/3 vốn là hầm ngầm chứa vũ khí hạt nhân thời Liên Xô, rất kiên cố, có thể chống được các loại bom khoan đất loại nặng, thậm chí bom hạt nhân nổ gần, vì thế tên lửa hành trình và các loại bom thường đều không thể phá được. Nhưng tên lửa “Dao găm” dựa vào tốc độ cực cao cho nên đạt hiệu quả nổi bật xuyên qua các công sự bê tông kiên cố. Rất có thể Nga muốn qua lần phóng tên lửa này để kiểm nghiệm hiệu quả của “Dao găm”.

 

Ngoài ra Nga đưa tên lửa “Dao găm” vào tác chiến còn là để đe doạ NATO chớ nên manh động. Cho dù “Dao găm” đã trang bị cho quân đội Nga từ 2019 nhưng lâu nay phương Tây vẫn có thái độ nghi ngờ hiệu quả của tên lửa này, cho rằng Nga đã phóng đại năng lực của thứ vũ khí không-đối-đất đó. Việc chọn hai mục tiêu ở gần Rumani và Hungary để phóng tên lửa “Dao găm” đánh phá đều là nhằm công khai trình diễn loại vũ khí “không thể phòng ngự” này, rõ ràng có ý đồ đe doạ NATO.

 

“Cỗ xe Tam mã” vũ khí siêu thanh của Nga

 

Là một trong các nước phát triển nhanh nhất dẫn đầu toàn cầu về vũ khí siêu thanh (hypersonic),  hiện nay Nga chủ yếu làm được 3 loại tên lửa siêu thanh –– tên lửa vượt đại châu “Tiên phong” (Pioneer), tên lửa hành trình “Zircon” và tên lửa không-đối-đất “Dao găm” (Dagger) –– là phần quan trọng trong năng lực tác chiến phi đối xứng của quân đội Nga. Tên lửa siêu thanh thông thường là tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình có vận tốc tối đa vượt 5 Mach. Trong cỗ xe tam mã vũ khí siêu thanh này, tên lửa vượt đại châu “Tiên phong” có hiệu quả răn đe chiến lược tốt nhất, có thể xuyên qua bất cứ hệ thống chống tên lửa và phòng không nào trên thế giới. Nó có tầm bắn xa nhất trên 10 nghìn km, mang được đầu đạn hạt nhân, đầu đạn có thể bay với vận tốc trên 20 Mach. Nó được chính thức sản xuất hàng loạt từ 7/2018, đã 3 lần phóng thử thành công. Ngày 27/12/2019 tên lửa “Tiên phong” chính thức đưa vào trực chiến.

 

Tên lửa siêu thanh “Zircon” là tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên trên thế giới có thể phóng từ tàu chiến trên biển hoặc tàu ngầm, sử dụng động cơ xung áp siêu nhiên tiên tiến nhất thế giới, tầm bắn 1.000 km, vận tốc 10 Mach, có khả năng bay thấp, rất khó bị đánh chặn, hiện là vũ khí của các chiến hạm chủ lực.

 

Tên lửa siêu thanh “Dao găm” lần đầu tham chiến tại Ukraine thực ra có trình độ kỹ thuật kém hai loại trên, phương Tây cho rằng nó là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo chiến thuật “Iskander” nổi tiếng. Nó được phóng từ máy bay MIG-31K, do phóng từ trên không nên tiết kiệm được nhiên liệu và mở rộng được tầm bắn. Nó có đặc tính độ chính xác cao, có thể bắn trúng mục tiêu di động trên biển.  

 

“Cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu” về vũ khí siêu thanh

 

Nhiều nước đang phát triển tên lửa siêu thanh, xu hướng này được gọi là cuộc “chạy đua vũ trang toàn cầu”. Mỹ sớm nhất khởi động xu hướng này nhưng Lầu Năm Góc phán đoán nhầm xu thế phát triển loại vũ khí đó. Đầu thế kỷ 21, Mỹ đưa ra dự án “Trong vòng 1 giờ đánh khắp toàn cầu”, đã thử nghiệm nhiều loại dụng cụ bay siêu thanh, như máy bay Falcon 2 và tên lửa hành trình siêu thanh X-51. Sau mấy lần thử thất bại hồi năm 2010, Mỹ cho rằng công nghệ siêu thanh chưa chín muồi nên đã ngừng nghiên cứu, cho tới gần đây sau khi Trung Quốc và Nga làm được tên lửa siêu thanh, Mỹ mới bừng tỉnh, thấy mình đã tụt hậu.

 

Hiện Mỹ đang triển khai nhiều dự án vũ khí siêu thanh, như tên lửa AGM-183A của công ty Lockheed Martin, dự kiến tháng 9/2022 bắt đầu sản xuất, nhưng 3 lần thử đều thất bại. Các chuyên gia phương Tây cho rằng Trung Quốc đã đi trước Mỹ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Tên lửa “Đông phong-17” xuất hiện trong duyệt binh quốc khánh 2019 được phương Tây gọi là “Vũ khí siêu thanh đầu tiên trên toàn cầu được trang bị cho quân đội”.

 

Triều Tiên tháng 9/2021 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa siêu thanh “Sao Hoả-8”. Ngày 6 và 11 tháng 1/2022 họ lại tuyên bố phóng thử thành công tên lửa siêu thanh, tên lửa này bay với tốc độ 10 Mach, bay xa 700 km.

 

Trong “Sách Trắng quốc phòng” công bố tháng 8/2018, Nhật đưa ra dự án phát triển “Bom lượn siêu thanh”  và dự kiến đầu tư 600 triệu USD. Năm 2019 Pháp nói sẽ nghiên cứu làm tên lửa siêu thanh. Năm 2021 Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói nước này cần lập tức nghiên cứu làm tên lửa hành trình siêu thanh.

 

*

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung军在乌亮出杀器,人类首次高超音速武器实战发出什么信号 (2022-03-21).





No comments:

Post a Comment