28/03/2022
https://gdb.voanews.com/02660000-0aff-0242-618e-08da0f6d7dd4_w650_r1_s.jpg
Ở Bruxelles, chính
phủ Mỹ đóng vai khiêm tốn hơn, mở mặt trận ngoại giao qua ba cuộc họp thượng đỉnh,
giúp dân Ukraine chống Nga và cảnh cáo Trung Cộng.
Napoleon từng nói rằng trong chiến tranh tinh thần
chiến đấu quan trọng gấp ba lần sức mạnh vật chất. Lòng yêu nước của quân và
dân Ukraine đang lên cao tột đỉnh. Tinh thần quân lính Nga đang xuống thấp.
Trong 20 năm, Mỹ không quan tâm đến các nước đồng
minh. Chính phủ George W. Bush tấn công Iraq mặc dù Pháp, Đức, New Zealand và
Canada không ủng hộ. Chính phủ Donald Trump đánh thuế trên hàng hóa của Âu châu
cũng như của Trung Quốc, dọa rút ra khỏi NATO và thỏa hiệp với Taliban để rút
chân ra khỏi Afghanistan, không cần bàn với các nước khác. Ông Joe Biden rút
quân vội vàng và lộn xộn cũng không báo trước cho các đồng minh để cùng chuẩn bị
rút. Chính phủ Biden ký thỏa ước với Anh quốc giúp Australia về tàu ngầm nguyên
tử bất chấp dự án cộng tác giữa Australia với Pháp; sau đó ông Biden phải xin lỗi.
Chính sách ngoại giao “một mình một ngựa” này
khiến các nước Âu châu lạnh lùng không phản ứng khi được báo động quân Nga đang
kéo quân tới biên giới Ukraine, tháng 12 năm 2021.
Đầu năm 2022, Mỹ đã thay đổi. Ngoại trưởng Mỹ
đi một vòng các thủ đô và Tổng thống Biden gọi điện thoại cho lãnh đạo các nước
từ Âu sang Á. Các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga được chia sẻ với
các nước Âu châu, dần dần đã thuyết phục được họ. Các nước Âu châu đã chấp nhận
phải hợp tác đối phó với tham vọng của Vladimir Putin.
Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz qua thăm Tòa Bạch
Ốc ngày 7 tháng Hai cho thấy đường lối ngoại giao mới có hiệu quả. Từ lâu Đức vẫn
chủ trương hòa dịu với Nga, một phần vì hầu hết dầu và khí đốt nhập cảng từ
Nga. Olaf Scholz đã đổi hướng hoàn toàn, khi Putin tấn công Ukraine. Đức tăng
ngân sách quốc phòng gấp đôi, lên cao hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung
Cộng.
Hầu hết thế giới ủng hộ dân Ukraine. Ngày Thứ
Năm 24 tháng Ba, trong khi ông Joe Biden đến Bruxelles, Đại hội đồng Liên Hiệp
Quốc đã thông qua một quyết nghị lên án Nga. Có 140 quốc gia bỏ phiếu thuận, chỉ
có năm nước chống là Nga, Belarus, Eritrea, Bắc Hàn và Syria; Ấn Độ và Trung Cộng
không bỏ phiếu, cùng 36 nước khác.
Ở Bruxelles, chính phủ Mỹ đóng vai khiêm tốn
hơn, mở mặt trận ngoại giao qua ba cuộc họp thượng đỉnh, giúp dân Ukraine chống
Nga và cảnh cáo Trung Cộng.
Thứ nhất, Liên hiệp Âu châu (EU) yêu cầu Nga
tuân theo luật pháp quốc tế. Tòa Án Quốc tế đã cảnh cáo Nga đang phạm tội ác
chiến tranh, bắt Nga phải rút khỏi Ukraine.
Cuộc họp EU tìm cách giảm bớt cảnh lệ thuộc
vào nguồn năng lượng của Nga. Nga cung cấp 40% số khí đốt và một phần tư số dầu
lửa cho Âu châu. Khi tấn công Ukraine, Vladimir Putin đã báo trước sẽ tiếp tục
cung cấp dầu khí cho Âu châu. Bây giờ, ông Putin tỏ ý muốn các nước mua dầu,
khí phải trả bằng tiền Nga, là đồng rúp. Đó là một cách giảm bớt hiệu lực của lệnh
cấm vận các ngân hàng và Ngân Hàng Trung Ương Nga. Vì các nước nhập cảng sẽ phải
mua đồng rúp, tức là cho Nga thâu ngoại tệ, nhất là đô la Mỹ. Thủ tướng Đức
Olaf Scholz đã bác bỏ ý kiến này, vì không nằm trong các hợp đồng đã ký kết. Đức
đang tìm mua dầu, khí từ các nguồn cung cấp khác.
Các nước EU nhập cảng 90% khí đốt. Bà Ursula
von der Leyen, đứng đầu cơ quan hành chánh của EU muốn Mỹ bán khí đốt lỏng
(LNG) cho liên hiệp trong hai mùa Đông sắp tới. Trong 27 quốc gia, Bồ Đào Nha,
Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp tùy thuộc vào Nga nhiều hơn cả. Ông Jake Sullivan,
cố vấn an ninh quốc gia hứa chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ Âu châu.
Năm 2020 ông Biden tranh cử với khẩu hiệu giữ
gìn môi trường, hứa sẽ bớt khai thác dầu lửa và khí đốt ở Mỹ. Bây giờ ông phải
làm ngược lại, khuyến khích sản xuất dầu khí nhiều hơn; nếu muốn nước Mỹ đóng
vai trò lãnh đạo. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục dùng nghệ thuật ngoại giao mềm mỏng, tỏ
ra luôn luôn tham khảo các đồng minh
Bên cạnh khối EU là Nhóm G7. Thực ra 6 trong 7
người cầm đầu 7 quốc gia nước kinh tế lớn đã gặp nhau trong các phiên họp của
EU và NATO. Nhưng việc triệu tập cuộc “họp khẩn cấp” của G7 chỉ cốt mời thêm thủ
tướng Fumio Kishida. Nhóm G7 có Nhật Bản nhưng không có Trung Quốc. Nga đã bị
trục xuất ra khỏi tập hợp này, trước gọi là G8, sau khi cưỡng chiếm Crimea của
Ukraine. Ông Kishida là chính khách duy nhất từ một nước Á châu có mặt, để cho
thấy phản ứng chống Nga khắp thế giới. Ông Biden còn đề nghị chính phủ
Indonesia không mời Nga tới dự cuộc họp G-20 sắp tới ở Bali. Nhưng ông vẫn dè dặt
nói rằng quyết định đuổi Nga ra khỏi G-20 là quyền của 20 nước kinh tế lớn nhất.
Nhóm G7 lên án cuộc xâm lăng Ukraine; cảnh cáo
Nga không được dùng các vũ khí hóa học và nguyên tử; và sẽ điều tra các bằng cớ
Nga phạm tội ác chiến tranh. Họ báo trước sẽ trừng phạt các nước đang giúp Nga,
như Belarus, và cảnh cáo Trung Cộng. Ông Biden nói, “Trung Quốc hiểu rằng tương
lai kinh tế của họ liên hệ với các nước phương Tây hơn là với Nga. Ông nghĩ họ
sẽ không giúp Nga nhưng “sẽ theo dõi hành động của họ.”
Sau Liên hiệp Âu châu và G7, cuộc họp của khối
NATO nhắm vào các biện pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và cô lập hóa nước Nga.
Nước Phần Lan đã tiếp tế vũ khí cho Ukraine, nay sẽ ngưng tất cả các chuyến xe
lửa nối Helsinki và St Petersburg.
Anh quốc là nước tích cực nhất trong việc gửi
vũ khí cho Ukraine, mới gửi thêm 6,000 hỏa tiễn sau khi đã giúp 4,000 tên lửa
NLAW bắn thiết giáp mà quân đội dùng, cùng với Javelin của Mỹ để tiêu diệt các
đoàn xe Nga. Hơn 70% dân chúng ủng hộ Thủ tướng Boris Johnson tích cực giúp dân
Ukraine, dù Anh quốc đã rút khỏi EU. Sau khi Nga đánh Ukraine, ông Johnson đã
triệu tập phiên họp của 10 nước trong tổ chức JEF (Joint Expeditionary Force) gồm
Anh và 9 nước Bắc Âu và vùng Baltic. Tất cả đồng ý phải ngăn chặn trước mối
nguy Nga sẽ tấn công các nước khác ngoài Ukraine. Với danh nghĩa JEF, nước Anh
có thể hành động ngoài khuôn khổ của NATO, và không cần chờ ý kiến của Mỹ và
các nước khác.
Mặt trận ngoại giao chỉ diễn ra ở Bruxelles
trong vài ngày nhưng cho thấy thế giới đã chia thành hai khối rõ rệt. Tổng thư
ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg kêu gọi Trung Cộng hãy “ngưng ủng hộ Nga
cùng toàn thể thế giới lên án cuộc xâm lăng tàn bạo ở Ukraine. NATO yêu cầu
Trung Cộng không trợ giúp Nga về quân sự, không được giúp Nga tuyên truyền loan
tin sai lạc.
Tuần trước, ông Biden đã điện thoại cảnh cáo Tập
Cận Bình sẽ “lãnh hậu quả” nếu giúp Nga cưỡng lại lệnh cấm vận. Ngày 25 tháng
Ba, Sinopec, công ty dầu khí lớn của Trung Quốc đã quyết định ngưng thảo luận dự
án đầu tư xây dựng nhà máy hóa chất trị giá $500 triệu mỹ kim, cũng như ý định
mua bán khí đốt của Nga, theo tin Reuters.
Ông Biden đã cam kết sẽ bảo vệ các nước NATO
trước mối đe dọa của Nga. Ông tuyên bố “Điều quan trọng nhất là chúng ta đoàn kết.”
Ông ca ngợi nhà lãnh đạo NATO đã thiết lập bốn đạo quân chiến đấu, từ 1,000 đến
1,500 binh sĩ, tới các nước cộng sản cũ ở Đông Âu Slovakia, Romania, Bulgaria
và Hungary. Ông đi thăm Ba Lan, gặp các binh sĩ Mỹ. Trước đây ông Biden đã từng
gọi ông Putin là “sát nhân.” Tháng trước, ông lên án Putin là một “tội
phạm chiến tranh.” Ở Ba Lan, sau những vụ Nga ném bom và bắn hỏa tiễn giết
thường dân trong các thành phố, Biden tặng thêm một danh hiệu mới, gọi Putin là
một “tên đồ tể.”
Ở Ba Lan, ông Biden lại cổ động cho lý tưởng tự
do, lên án Putin đang tìm cách “thắt cổ” chế độ dân chủ. Nhưng điều quan trọng
nhất là, sau một tháng chiến đấu, quân đội Ukraine đang thắng thế và quân Nga
đang thất bại. Quân Ukraine đang bao vây những toán quân Nga ở vùng ngoại ô
Kyiv, kêu gọi họ đầu hàng. Ở phía Đông, một chiến hạm Nga bị bắn cháy ở hải cảng
Berdyansk. Mỹ đang chuyển các vũ khí chống tàu thủy cho Ukraine. Phó tư lệnh hải
quân Nga trong vùng tử nạn, nâng tổng số tướng lãnh Nga tử thương lên 7, cho đến
nay.
Bộ quốc phòng Nga tìm cách gỡ thể diện, nói rằng
quân Nga đã “hoàn tất giai đoạn thứ nhất” trong cuộc chiến, và từ nay sẽ chỉ
còn lo củng cố hai tỉnh phía Đông Ukraine mà thôi. Nga phải chấp nhận không thể
chiếm được nước Ukraine.
Napoleon từng nói rằng trong chiến tranh tinh
thần chiến đấu quan trọng gấp ba lần sức mạnh vật chất. Lòng yêu nước của quân
và dân Ukraine đang lên cao tột đỉnh. Tinh thần quân lính Nga đang xuống thấp.
Hệ thống tiếp liệu đình đốn, không tiếp liệu đủ đạn dược, xăng nhớt, thực phẩm.
Lý do không phải chỉ vì cấp chỉ huy sai lầm; nhưng là nạn tham nhũng. Xe cộ, vũ
khí không được bảo trì. Các sĩ quan bán xăng lậu, có khi bán cả dụng cụ truyền
tin, ngay từ lúc đóng quân ngoài biên giới Ukraine. Quân Nga có lúc đói quá phải
xin ăn hoặc vào cướp các siêu thị, nhiều người lính không đủ quần áo ấm bị hư
ngón tay vì băng giá. Đây là lần đầu tiên thế giới chứng kiến “sức mạnh" của
quân đội chính quy nước Nga; chỉ có dân Nga không được biết.
No comments:
Post a Comment