Minh
Anh -
RFI
Đăng ngày: 28/03/2022 - 14:33
Vào lúc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina đã bước
sang tháng thứ hai, thì hôm thứ Sáu, 25/03, bộ tham mưu Nga bất ngờ thông báo từ
nay chỉ tập trung vào việc « giải phóng vùng Donbass », phía đông
Ukraina. Một lời thừa nhận thất bại về mặt quân sự chăng ?
Lực lượng thân Nga
tại một điểm canh gác ở phía nam thành phố Mariupol, Ukraina, ngày
24/03/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Chí ít đây cũng chính là những gì nhiều chuyên
gia quân sự, nhiều nhà nghiên cứu về Nga tại Pháp nhận định từ mấy ngày qua khi
cho rằng quân đội Nga dường như đang « sa lầy » vì đã có những sai lầm
về chiến thuật. Liệu đây chính là nguyên nhân khiến Nga đột ngột đổi chiến thuật,
chuyển hướng sang Đông ? Nhà báo Jean-Dominique Mercet trên tờ L’Opinion tự
hỏi : « Chẳng lẽ Nga chỉ sẽ hài lòng với vùng Donbass duy nhất ? »
Ông lưu ý, trong cuộc chiến này, người ta vẫn
còn thiếu một câu trả lời cốt lõi : Mục tiêu chính trị mà ông Putin ấn định
cho « chiến dịch đặc biệt », được phát động từ ngày 24/02 đến nay là
gì ? Thiết lập một chế độ bù nhìn dưới sự điều khiển của Kremlin
chăng ? Hay đây chẳng qua chỉ là một chiến dịch quân sự hạn chế nhằm đạt
được những bảo đảm về lãnh thổ và chính trị từ nước láng giềng ? Và nhất
là mục tiêu của ngày 24/03 vẫn giống với các mục tiêu của ngày 25/03 ? Hay
là do gặp khó khăn quân sự, Nga buộc phải giảm bớt các tham vọng của
mình ? Ngần ấy câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Cuộc chiến lần này gợi nhắc lại một sự kiện
khác trong quá khứ : Cuộc chiến mùa đông giữa Liên Xô và Phần Lan
(1939-1940). Trước sự kháng cự mạnh mẽ của Phần Lan, Stalin đành phải ngậm ngùi
thỏa mãn với việc có được 12% lãnh thổ đối thủ với cái giá phải trả là 12 ngàn
binh sĩ thiệt mạng.
Phải chăng kịch bản này đang được tái hiện,
nhưng với nguy cơ một nước Ukraina sẽ bị xẻ làm đôi theo kiểu Nam – Bắc Triều
Tiên ? Hôm thứ Sáu, tướng Rudskoy giải thích rằng « các mục tiêu
chính của giai đoạn một đã đạt được. Việc giảm đáng kể năng lực chiến đấu của
Ukraina cho phép Nga tập trung vào các nỗ lực chính để thực hiện mục tiêu chính
yếu : Giải phóng Donbass ».
Cũng theo ông Mercet, người ta dường như quên
hai mục tiêu trong học thuyết về chiến tranh của Clausewitz, được sử dụng bằng
hai từ trong tiếng Đức : « Ziel » - để chỉ những mục tiêu quân sự
trong chiến dịch và « Zweck » là cho các mục tiêu chính trị.
Mục tiêu thứ nhất « Ziel » có thể thấy
rõ trên thực địa. Quân Nga trong nhiều ngày qua tập trung chủ yếu tấn công ở
vùng đông nam Ukraina, không chỉ nhắm vào thành phố cảng Mariupol mà cả vào những
gì cho thấy là một ý đồ bao vây các lực lượng Ukraina được triển khai đối mặt với
hai nước Cộng hòa ly khai tự phong ở Donbass. Và đây sẽ là một chiến dịch quy
mô lớn, trải theo một chiều dài gần 300 cây số.
Giờ ưu tiên của quân Nga là « giải
phóng » một vùng Donbass có diện tích rộng đến 53 ngàn km vuông. Nếu như
trước đây, phe ly khai chỉ giữ được có 1/3 vùng lãnh thổ, thì giờ đây, với các
chiến dịch quân sự, Nga gần như kiểm soát được ba phần tư vùng lãnh thổ :
93% ở Luganks và 54% tại Donesk. Do vậy, mục tiêu quân sự (Ziel) trong tức thì
là chinh phục nốt một phần tư còn lại.
Từ cách nhìn này, người ta có thể thấy là các
mặt trận mà Nga mở ra cùng một lúc ở phía nam và bắc, cũng như là các cuộc oanh
kích ở phía tây, một mặt là nhằm phá hủy các cơ sở quân sự và hạ tầng thiết yếu,
chặn nguồn tiếp tế và mặt khác là nhằm ngăn cản cũng như là phân tán các lực lượng
viện binh của Ukraina mà Nga cũng như là phe ly khai phải thường xuyên đối mặt.
Điều này cũng giải thích vì sao các đội quân Nga chỉ dừng lại ở việc « bao
vây » các thành phố lớn như Kiev, Kharkiv, Tchernihiv hay Soumy mà không
xâm chiếm.
Vậy, trong thế cờ này, mục tiêu chính trị
« Zweck » của Nga là gì ? Về điểm này, giới chuyên gia dường như
vẫn chưa thể giải mã những gì ông Putin đang tính. Chỉ thấy rằng những ngày gần
đây, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky liên tục có những phát biểu nhượng bộ,
từ việc bỏ ý định gia nhập NATO, đồng ý xem xét quy chế cho các vùng ly khai
cũng như là quy chế trung lập của đất nước.
Một điều đáng chú ý là hôm Chủ Nhật, 27/3, lãnh
đạo tình báo quân sự Ukraina gióng chuông báo động rằng có nguy cơ Matxcơva
« sẽ áp đặt một lằn ranh phân giới giữa những vùng bị chiếm đóng và không
chiếm đóng, một mưu đồ hình thành hai nước Nam – Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ
Ukraina ». Nhìn lại những vùng hiện do Nga đang chiếm đóng trên bản đồ,
thì lời cảnh báo này có nguy cơ thành hiện thực !
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Chiến
tranh Ukraina: Mariupol bị trúng hai quả bom “cực mạnh”, chiến hạm Nga nhập cuộc
Chiến
tranh Ukraina : Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin về Donbass và
Crimée
.
===============================================
.
Ukraina
xem xét đề nghị của Nga về « quy chế trung lập »
Phan
Minh -
RFI
Đăng ngày: 28/03/2022 - 11:38
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky
hôm qua 27/03/2022 cho biết chính phủ ông đang nghiên cứu "thấu
đáo" về "quy chế trung lập" của Ukraina. Đây là một trong
những vấn đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột.
Tổng thống Ukraina
Volodymyr Zelenskiy trả lời phỏng vấn truyền thông Nga qua video hội nghị,
Kiev, Ukraina, ngày 27/03/2022. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS
SER
Theo AFP, khi trả lời phỏng vấn trực tuyến các
cơ quan truyền thông Nga, được phát trên kênh Telegram của chính quyền tổng thống
Ukraina, tổng thống Zelensky cho biết, những vấn đề quan trọng trong đàm phán
là việc "bảo đảm an ninh của Ukraina, áp dụng quy chế trung lập và phi hạt
nhân hóa Ukraina". Ukraina « sẵn sàng chấp nhận đàm phán về những điểm
này » và đó là những điểm đang được đàm phán và được nghiên cứu kỹ lưỡng ».
Tuy nhiên, tổng thống Ukraina cũng nhấn mạnh cần
tổ chức trưng cầu dân ý về các nội dung này và phải có bảo đảm cho việc tôn trọng
các thỏa thuận đạt được, ông không muốn có kiểu thỏa thuận Budapest – cụ thể là
vào năm 1994, Nga ký các thỏa thuận cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và an
ninh của ba nước thuộc Liên Xô cũ trong đó có Ukraina, đổi lại, các nước này từ
bỏ vũ khí hạt nhân có từ thời Liên Xô.
Tổng thống Zelensky nêu lên khả năng buộc phải
chấp nhận nhượng bộ một phần lãnh thổ của Ukraina, khi
cho rằng có thể tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách chia cắt Ukraina theo kiểu
mô hình Triều Tiên và ý định đánh đuổi toàn bộ quân Nga ra khỏi lãnh thổ
Ukraina có thể dẫn đến Đại chiến thế giới lần thứ ba.
Cũng vào hôm qua, trưởng đoàn đàm phán Nga
Vladimir Medinsky và đại diện phía Ukraina David Arakhamia thông báo hai bên sẽ
gặp nhau vào đầu tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đàm phán. Trong cùng ngày, tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xác nhận rằng vòng đàm phán này sẽ được tổ chức ở
Istanbul.
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Quy
chế trung lập: Giải pháp tốt nhất cho Ukraina?
Thương
lượng Ukraina - Nga nhằm hướng tới đàm phán trực tiếp Zelensky - Putin
Nga
xâm lược Ukraina : Lối thoát danh dự nào cho cả đôi bên ?
No comments:
Post a Comment